Hoạt động thanh toán qua ngân hàng và ngân quỹ

Một phần của tài liệu thực tiễn hoạt động của ngân hàng liên doanh và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh ở Việt Nam (Trang 44 - 48)

Dịch vụ thanh toán và dịch vụ ngân quỹ

Trong nền kinh tế thị trường, thanh toán tiền tệ được thực hiện dưới hai hình thức: thanh toán bằng tiền mặt và thanh toán không dùng tiền mặt. Thanh toán bằng tiền mặt là việc chi trả trực tiếp bằng tiền mặt trong các quan hệ thanh toán thu chi giữa nhân dân với nhau, giữa các xí nghiệp, tổ chức kinh tế…Khi sản xuất và trao đổi phát triển, việc thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt không còn là một phương thức duy nhất nữa. Thanh toán không dùng tiền mặt ra đời. Hình thức thanh toán này là thanh toán qua trung gian là ngân hàng, ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của người chi trả thực hiện việc chi trả hộ hoặc theo yêu cầu của người thụ hưởng thu hộ số tiền mà người thụ hưởng được hưởng, việc chi trả hộ hoặc thu hộ tiền như vậy mang tính chất là một loại dịch vụ. Như vậy, trong thanh toán không dùng tiền mặt ngân hàng liên doanh tham gia với tư cách là người cung ứng dịch vụ thanh toán. Dịch vụ thanh toán theo quy định của pháp luật là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện giao dịch thanh toán trong nước và quốc tế, thực hiện việc thu hộ, chi hộ và các loại dịch vụ khác do Ngân hàng Nhà nước quy định của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán.

Dịch vụ thanh toán trong nước là dịch vụ mà giao dịch thanh toán được xác lập, thực hiện và kết thúc trên lãnh thổ Việt Nam trừ trường hợp có liên quan đến tài khoản mở tại nước ngoài hoặc có doanh nghiệp trong khu chế xuất tham gia. Dịch vụ thanh toán trong nước thực hiện bằng các thể thức thanh toán như séc, uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, thư tín dụng và thẻ ngân hàng.

Dịch vụ thanh toán quốc tế là dịch vụ mà giao dịch được xác lập hoặc thực hiện hoặc kết thúc ở nước ngoài hoặc giao dịch thanh toán có liên quan đến tài khoản tại nước ngoài, là giao dịch thanh toán có doanh nghiệp trong khu chế xuất tham gia. Dịch vụ thanh toán quốc tế thực hiện bằng các thể thức thanh toán như thanh toán bằng thư tín dụng, séc thanh toán quốc tế, uỷ nhiệm chi quốc tế, uỷ nhiệm thu quốc tế, bằng thẻ quốc tế và các thể thức thanh toán khác.

Việc thực hiện dịch vụ thanh toán qua ngân hàng hiện nay được quy định tại Nghị định 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 của Chính phủ về hoạt động thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Quy định này đã thể hiện những quan điểm mới về dịch vụ thanh toán và ngày càng phù hợp hơn với sự phát triển của nền kinh tế

Thứ nhất, đối tượng và phạm vi áp dụng đối với các hoạt động thanh toán được mở rộng hơn trước. Đối tượng tham gia thực hiện quan hệ bao gồm các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ngân hàng, tổ chức khác được làm dịch vụ thanh toán) và người sử dụng dịch vụ thanh toán (tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán). Phạm vi áp dụng bao gồm các hoạt động thanh toán trong nước và quốc tế qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam.

Thứ hai, vai trò của ngân hàng liên doanh không chỉ là người cung cấp các phương tiện thanh toán mà còn cung ứng các dịch vụ thanh toán trong nước và quốc tế thông qua việc mở tài khoản cho người sử dụng dịch vụ thanh toán, tổ chức hệ thống thanh toán, trực tiếp tham gia vào hệ thống thanh toán, là hạt nhân trung tâm thực hiện các hoạt động thanh toán vốn trong nền kinh tế.

Thứ ba, các quy định về phương tiện thanh toán, chứng từ thanh toán (gồm chứng từ tài chính và chứng từ thương mại), chữ ký điện tử, thanh toán chuyển tiền điện tử được quy định một cách khoa học và đầy đủ, đáp ứng nhu cầu đa dạng về thanh toán.

Các dịch vụ thu hộ và chi hộ

Dịch vụ thu hộ là dịch vụ thanh toán mà ngân hàng liên doanh thực hiện theo yêu cầu của người thụ hưởng nhằm đạt tới sự trả tiền ngay hoặc chấp nhận trả tiền vào một thời điểm nhất định trong tương lai của người trả tiền. Dịch vụ thu hộ gồm việc nhận, xử lý, gửi chứng từ đi nhờ thu theo yêu cầu của người sử dụng dịch vụ thanh toán. Các thể thức thu hộ như thu hộ séc, thu hộ thương phiếu, thực hiện nhờ thu hoặc uỷ nhiệm thu và các thể thức thu hộ khác theo thoả thuận không trái pháp luật.

- Trong đó, séc là giấy tờ có giá do người ký phát lập, ra lệnh cho người bị ký phát là ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trích một số tiền nhất định từ tài khoản của mình để thanh toán cho người thụ hưởng. Chế độ thanh toán bằng séc hiện hành được thực hiện theo Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005.

- Thanh toán bằng uỷ nhiệm thu là hình thức thanh toán qua ngân hàng trong đó đơn vị bán (đơn vị thụ hưởng) yêu cầu ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền về hàng hoá đã chuyển giao, dịch vụ đã cung ứng cho người khác. Uỷ nhiệm thu là lệnh thu tiền của chủ tài khoản (người thụ hưởng) lập theo mẫu in sẵn của ngân hàng yêu cầu ngân hàng phục vụ mình thu hộ số tiền theo các chứng từ về việc đã chuyển giao hàng hoá, đã cung ứng dịch vụ cho người khác. Uỷ nhiệm thu dùng để trả tiền mua hàng hoá hoặc nhận cung ứng dịch vụ, trả tiền điện, tiền nhà..

Dịch vụ chi hộ là dịch vụ thanh toán mà ngân hàng liên doanh theo yêu cầu của người có nghĩa vụ trả tiền thực hiện chi trả cho người thụ hưởng. Dịch vụ chi hộ cũng có thể được tiến hành qua một số thể thức giống như dịch vụ thu hộ như séc, các hình thức uỷ nhiệm… Điểm khác biệt của dịch vụ chi hộ với

dịch vụ thu hộ là ở thể thức đặc thù của dịch vụ chi hộ: ngân hàng thực hiện dịch vụ thanh toán làm đại lý chi trả thẻ tín dụng, đại lý thanh toán thẻ. Thẻ ngân hàng là công cụ thanh toán do ngân hàng phát hành thẻ cấp cho khách hàng sử dụng theo hợp đồng ký kết giữa ngân hàng phát hành thẻ và chủ thẻ. Thẻ tín dụng là loại thẻ cho phép chủ thẻ thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ, rút tiền mặt trong hạn mức tín dụng được ngân hàng phát hành thẻ chấp nhận theo hợp đồng. Với vai trò là công cụ để thực hiện thanh toán, thẻ ngân hàng có thể được sử dụng để rút tiền mặt hoặc thực hiện thông qua nghiệp vụ kế toán của ngân hàng. Hiện nay, việc thanh toán bằng thẻ ngân hàng là phương thức thanh toán không dùng tiền mặt hiện đại được quy định chi tiết tại Quy chế phát hành, sử dụng và thanh toán thẻ ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 371/1999/QĐ- NHNN ngày 19/10/1999 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Mở tài khoản tiền gửi tại các tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước

Trong các công cụ nghiệp vụ của ngân hàng liên doanh, tài khoản ngân hàng có vị trí vô cùng quan trọng vì phần lớn các hoạt động nghiệp vụ thanh toán qua ngân hàng của khách hàng được thực hiện đều ghi vào tài khoản của khách hàng. Tài khoản là công cụ để ghi chép, phản ánh vốn tiền tệ của chủ tài khoản. Thông qua tài khoản ngân hàng, ngân hàng liên doanh cung cấp cho khách hàng một loạt các dịch vụ, tạo ra khả năng to lớn để khách hàng thực hiện các nghiệp vụ có giá trị to lớn, cùng một địa phương một cách nhanh chóng, chính xác, đảm bảo an toàn. Do vậy, qua tài khoản ngân hàng khách hàng không phải tự mình tiến hành các hoạt động nghiệp vụ chi trả của mình. Đồng thời, tài khoản cũng là một công cụ kỳ diệu thực hiện cơ chế tạo tiền cho ngân hàng, làm tăng sức mạnh ngân hàng lên gấp nhiều lần. Đứng về phía ngân hàng liên doanh, mở một tài khoản mới có nghĩa là có những giao dịch mới đối với khách hàng mới.

Tài khoản được sử dụng trong thanh toán gọi là tài khoản thanh toán. Tài khoản thanh toán là tài khoản do người sử dụng dịch vụ thanh toán mở tại các tổ

chức cung ứng dịch vụ thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Hiện nay, những quy định của pháp luật về quy chế thanh toán tài khoản được quy định chi tiết tại Nghị định 64/2001/NĐ-CP ngày 20/9/2001 đã nới lỏng những điều kiện, thủ tục nguyên tắc mở và sử dụng tài khoản, các loại tài khoản, tổ chức tài khoản theo hướng mở và trao quyền chủ động cho các ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán với phương châm thu hút ngày càng nhiều người sử dụng dịch vụ thanh toán.

Nhìn chung, hoạt động thanh toán qua ngân hàng và ngân quỹ với những quy chế pháp lý cụ thể quy định tại Nghị định 64 đã thực sự tạo ra được cơ sở pháp lý mới trong hoạt động thanh toán của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.

Một phần của tài liệu thực tiễn hoạt động của ngân hàng liên doanh và một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật điều chỉnh hoạt động của ngân hàng liên doanh ở Việt Nam (Trang 44 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(73 trang)
w