Các công trình nghiên cứu về đạo đức

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 26 - 31)

Tiếp cận và nghiên cứu gia đình dưới góc độ đạo đức được nhiều nhà

nghiên cứu quan tâm, trong đó có một số công trình tiểu biểu như: Nho giáo và gia đình của GS Vũ Khiêu; Đề tài nghiên cứu KHXH - 04.03: Xây dựng lối sống, đạo đức và chuẩn mực giá trị xã hội mới trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa do Huỳnh Khái Vinh làm chủ nhiệm đề tài; Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường của Nguyễn Trọng Chuẩn - Nguyễn Văn Phúc (Đồng chủ biên); Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay - Vấn đề và giải pháp, Nguyễn Duy Quý (Chủ biên); Chuẩn mực đạo đức con người Việt Nam hiện nay, Nguyễn Ngọc Phú (Chủ biên); v.v.. Trong công trình nghiên cứu Nho giáo và gia đình (1995) [60], GS Vũ Khiêu

đã cung cấp một khối lượng tri thức rất rộng về đạo đức, văn hóa gia đình. Giáo sư cũng làm rõ những tác động, ảnh hưởng đậm nét của đạo đức Nho giáo đối với việc củng cố gia đình, hình thành nhân cách của con người trong gia đình và xã hội. Những tư tưởng đạo đức Nho giáo trong gia đình đã có ảnh hưởng tích cực đối với việc giáo dục con người, nhưng đồng thời cũng nảy sinh những yếu tố tiêu cực như sự bất bình đẳng trong gia đình, sự giáo dục một chiều mang tính cứng nhắc giữa cha mẹ và con cái, v.v.. Trên cơ sở đó, tác giả đã chỉ ra những điểm cần khắc phục trong giáo dục gia đình dưới tác động của đạo đức Nho giáo.

Đề tài nghiên cứu KHXH - 04.03: Xây dựng lối sống, đạo đức và chuẩn mực giá trị xã hội mới trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa [140] do Huỳnh Khái Vinh làm chủ

nhiệm (thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước KHXH - 04 năm 2000) là đề tài nghiên cứu khá toàn diện có tính hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn về lối sống, đạo đức và chuẩn giá trị xã hội, phân tích sự tác động của các nhân tố chính trị, kinh tế, xã hội và xu hướng chuyển đổi lối sống, đạo đức, chuẩn giá trị xã hội; từ đó nêu phương hướng, quan điểm chỉ đạo và giải pháp xây dựng lối sống, đạo đức và chuẩn mực giá trị xã hội mới trong điều kiện CNH, HĐH, phát triển KTTT theo định hướng XHCN.

Cuốn Mấy vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường của GS Nguyễn

Trọng Chuẩn - PGS Nguyễn Văn Phúc (Đồng chủ biên) (2003) [25], là tập hợp

những bài viết chọn lọc, được trình bày trong hội thảo khoa học Những vấn đề đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay do Viện Triết học thuộc

Trung tâm khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia (nay là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức. Các tác giả đã làm rõ những tác động của KTTT đối với đạo đức, phân tích những biến động trong lĩnh vực đạo đức từ khi nước ta chuyển sang KTTT. Đồng thời, các tác giả đã chỉ ra cơ chế tác động của KTTT đối với đạo đức, xu hướng vận động và biến đổi của đạo đức trong điều kiện hiện nay.

Các tác giả đã lý giải vai trò của đạo đức với tư cách là động lực tinh thần của sự phát triển kinh tế - xã hội; khẳng định yêu cầu đẩy mạnh công tác giáo dục,

xây dựng nền đạo đức mới thích ứng với KTTT. Trong bài “Quan hệ giữa đạo đức và kinh tế trong việc định hướng các giá trị đạo đức hiện nay”, PGS Nguyễn Thế

Kiệt đã cho rằng, “trước những hiện tượng “trượt dốc đạo đức”, “đánh mất giá trị” do mặt trái của cơ chế thị trường gây nên, nhiều người lại tỏ ra nghi ngờ vai trò của đạo đức” [25, tr. 253]. Từ việc nghi ngờ vai trò của đạo đức đã dẫn đến việc coi nhẹ giáo dục đạo đức, đây chính là nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng trong đạo đức xã hội. Trong hoàn cảnh đó, công tác giáo dục đạo đức cần phải được tăng cường để góp phần tích cực vào quá trình đổi mới. Theo tác giả, “Cốt lõi của vấn đề

không phải nên hay không nên diễn ra sự biến đổi đạo đức, mà ở chỗ biến đổi như thế nào, tức là chuyển đổi tới đâu để dần dần thích ứng với nhu cầu của đời sống hiện thực” [25, tr. 257]. Do đó, việc hình thành một quan hệ đạo đức xã hội kiểu mới đóng vai trò duy trì và thúc đẩy sự điều hòa và ổn định trật tự xã hội, đặc biệt là việc điều chỉnh, đổi mới, kế thừa các chuẩn mực đạo đức tốt đẹp làm cho các thành viên trong xã hội dần dần thích ứng với tình hình mới. PGS.TS Vũ Văn Viên trong

bài, “Vấn đề giáo dục đạo đức trong điều kiện kinh tế thị trường” đã tập trung phân

tích vấn đề định hướng và một số nội dung cơ bản của giáo dục đạo đức trong KTTT ở nước ta hiện nay. Tác giả cho rằng, giáo dục đạo đức phải nhằm xây dựng một nền đạo đức mới, phải phù hợp, phát huy được thế mạnh và khắc phục được hạn chế của nền KTTT. Đồng thời, giáo dục đạo đức phải đề cao việc đấu tranh chống lại các tư tưởng, đạo đức, lối sống phản tiến bộ, v.v. từ bên ngoài du nhập vào do mở rộng hội nhập quốc tế [25, tr. 280]. Từ đó tác giả khẳng định, xã hội nào cũng cần phải có giáo dục đạo đức, song trong nền KTTT định hướng XHCN, việc giáo dục đạo đức mới, tiên tiến là một công việc khó khăn hơn nhiều, đòi hỏi công sức của cả cộng đồng và dân tộc.

Cuốn Đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay - Vấn đề và giải pháp do GS.VS

Nguyễn Duy Quý (Chủ biên) (2006) [103] đã trình bày những vấn đề chung về đạo đức xã hội và đời sống đạo đức xã hội ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở phân tích, đánh giá sự biến đổi của các giá trị đạo đức ở Việt Nam, các tác giả khẳng định: “Tính tích cực của đạo đức xã hội là khuynh hướng chủ đạo của tiến bộ và phát triển trong xã hội ta” [103, tr. 256]. Nhưng bên cạnh những biến đổi tích cực về đạo đức, trong xã hội ta từ nhiều năm nay cũng đã và đang diễn ra nhiều biểu hiện suy thoái trong đời sống tinh thần [103, tr. 113-114]. Trong xã hội ở Việt Nam hiện nay, những nhân tố tích cực về đạo đức, những gương sáng về đạo đức, lối sống và nhân cách đẹp vẫn là nét chủ đạo. Tuy nhiên, những phản cảm về đạo đức mà mỗi cá nhân và cả cộng đồng chứng kiến và chịu đựng bởi quan hệ đồng tiền, lợi ích cá nhân lên ngôi là vấn đề gây nhức nhối cho toàn xã hội. Tình trạng xuống cấp về đạo đức trong gia đình, nhà trường và xã hội rất đáng báo động. Nếu không ngăn chặn

kịp thời và kiên quyết sự suy thoái đạo đức thì hậu quả sẽ khôn lường đối với sự tồn tại và phát triển của dân tộc, sẽ là một mất mát không thể tính được bằng vật chất, có thể đẩy dân tộc ta vào tình trạng tự đánh mất mình. Các tác giả đã dành một chương để đánh giá về thực trạng đạo đức gia đình Việt Nam hiện nay. Theo các tác giả, “đạo đức gia đình Việt Nam ngày nay vẫn kế thừa những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống” [103, tr. 202]. Tuy nhiên, dưới tác động của điều kiện mới, không ít những biểu hiện tiêu cực trong đạo đức gia đình đã xuất hiện như: Tính thực dụng, vụ lợi trong hôn nhân; thiếu trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong quan hệ vợ chồng, quan hệ giữa cha mẹ với con cái và ngược lại; trọng nam khinh nữ còn tồn tại, v.v.. Theo các tác giả, những nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hiện tượng tiêu cực trong đời sống đạo đức xã hội và gia đình ở nước ta hiện nay là do chúng ta chưa có một chiến lược giáo dục tương xứng với tầm vóc công cuộc đổi mới; định hướng giá trị và hình thành các chuẩn mực giá trị, xác định các giá trị và giáo dục giá trị đạo đức chưa được quan tâm đúng mức. Giáo dục đạo đức còn mang tính giáo điều và hình thức, lạc hậu và bất cập so với thực tiễn.

Tác giả Lê Thị Tuyết Ba trong cuốn Ý thức đạo đức trong điều kiện kinh tế thị truờng ở Việt Nam hiện nay (2010) [4] đã luận giải sự biến đổi của ý thức đạo đức

trong điều kiện phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, sự chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp sang KTTT định hướng XHCN đã làm cho đời sống vật chất và tinh thần có những biến đổi sâu sắc. Trong lĩnh vực đạo đức, ý thức đạo đức cũng có sự biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Những diễn biến phức tạp trong đời sống tinh thần, đặc biệt là đời sống đạo đức ở nước ta những năm vừa qua đã và đang hình thành những quan niệm, những thái độ khác nhau khi nhìn nhận và đánh giá về lĩnh vực xã hội và đời sống tinh thần [4, tr. 8]. Tác giả đã phân tích và đánh giá khá cụ thể, toàn diện sự biến đổi theo chiều hướng tích cực và tiêu cực của ý thức đạo đức trong điều kiện phát triển KTTT định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay. Theo tác giả, để xây dựng ý thức đạo đức cần

phải hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng XHCN với tính cách là cơ sở kinh tế của ý thức đạo đức; tăng cường vai trò của pháp luật; đẩy mạnh giáo dục, đặc biệt là

giáo dục đạo đức theo tư tưởng và tấm gương đạo đức của Hồ Chí Minh. Đây là vấn đề cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và có sự quan tâm đặc biệt cùng với quá trình xây dựng và phát triển KTTT ở Việt Nam hiện nay [4, tr. 214]. Như vậy, vấn đề giáo dục đạo đức được tác giả bàn luận đến như một giải pháp nhằm xây dựng ý thức đạo đức nhưng chưa được nghiên cứu một cách cơ bản và hệ thống.

Trong cuốn Xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay (2011) [117], TS

Nguyễn Thị Thọ cho rằng, cùng với sự chuyển biến của xã hội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH ở Việt Nam hiện nay, sự nghiệp xây dựng đạo đức gia đình xuất hiện nhiều vấn đề mới. KTTT định hướng XHCN đã có tác động cả tích cực và tiêu cực đến đạo đức gia đình Việt Nam. Theo tác giả, dưới tác động của nền KTTT, nhiều giá trị đạo đức truyền thống và nếp sống văn hóa gia đình ở nước ta đã có sự vận động và biến đổi phức tạp, trong đó có vấn đề giáo dục đạo đức gia đình [117, tr. 5]. Trong gia đình Việt Nam hiện nay, “Bên cạnh những giá trị đạo đức mới, nếp sống văn hóa gắn liền với quá trình phát triển KTTT, thì ở nhiều nơi, nhất là ở những khu đô thị lớn, các mối quan hệ gia đình và nếp sống văn hóa gia đình truyền thống tốt đẹp đang bị lấn át bởi những quan hệ hàng hóa, thị trường, lợi nhuận, bởi những lối sống lai căng, kệch cỡm, xa lạ” [117, tr. 5]. Sự suy thoái đạo đức trong một số gia đình hiện nay đang đe dọa nền tảng đạo đức của xã hội, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá về đạo đức gia đình dưới những tác động mặt trái của KTTT, tác giả đưa ra một số giải pháp nhằm xây dựng đạo đức gia đình ở nước ta hiện nay. Theo tác giả, cần “Đẩy mạnh công tác giáo dục đạo đức gia đình đáp ứng yêu cầu của đổi mới đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường” [117, tr. 170], để làm được điều đó, cần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò của giáo dục đạo đức gia đình; xác lập và đẩy mạnh giáo dục hệ chuẩn mực đạo đức gia đình hiện đại trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những giá trị đạo đức gia đình truyền thống; tăng cường kết hợp vai trò của gia đình, nhà trường và các tổ chức xã hội, tôn giáo trong giáo dục đạo đức gia đình. Để giáo dục đạo đức gia đình đạt được kết quả như mong muốn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực chung của Đảng, Nhà nước, các

đoàn thể xã hội, cộng đồng dân cư, nhưng trước hết trách nhiệm thuộc về các bậc làm cha mẹ, các thành viên trong gia đình nói chung [117, tr. 213].

Như vậy, thông qua các công trình nghiên cứu dưới góc độ đạo đức, các tác giả đã cung cấp những thông tin khoa học đáng tin cậy, đưa đến một cái nhìn phức hợp, đa chiều về đời sống đạo đức và văn hóa - xã hội của gia đình Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Văn hóa gia đình và đạo đức gia đình đều có ảnh hưởng lớn đến giáo dục đạo đức trong gia đình, đó là môi trường để nuôi dưỡng sự hình thành và phát triển phẩm chất đạo đức và nhân cách cho trẻ em. Các công trình nghiên cứu này đã phản ánh thực trạng và yêu cầu của giáo dục đạo đức trong gia đình và xã hội Việt Nam hiện nay. Xây dựng đạo đức và văn hóa gia đình không chỉ là kết quả của quá trình giáo dục đạo đức mà còn là động lực cho sự ổn định và phát triển bền vững của gia đình và xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 26 - 31)