Đặc điểm của giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 65 - 175)

cũng có những đặc điểm nhất định. Sự khác biệt này là do sự vận động và phát triển của điều kiện kinh tế - xã hội đã dẫn đến những biến đổi nhất định trong đời sống đạo đức và tinh thần của xã hội nói chung và mỗi cá nhân nói riêng. Gia đình Việt Nam hiện nay đang tồn tại như một thiết chế giáo dục xã hội đặc thù, có những khả năng riêng biệt đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Mặc dù giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam đã có nhiều thay đổi so với trước đây nhưng gia đình vẫn có vị trí vô cùng quan trọng đối với sự hình thành và phát triển

nhân cách của trẻ em. Có thể khái quát một số đặc điểm cơ bản của giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay như sau:

Thứ nhất, giáo dục đạo đức trong gia đình là loại hình giáo dục đặc biệt, luôn để lại những dấu ấn đậm nét nhất trong cuộc đời của mỗi cá nhân. Giáo dục đạo đức

trong gia đình là một loại hình giáo dục đặc biệt vì nó dựa trên tình cảm thiêng liêng, quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái. Do đó, quá trình giáo dục đạo đức của cha mẹ đối với con cái hoàn toàn mang tính tự nhiên, tự nguyện khác với giáo dục của nhà trường chủ yếu dựa vào trách nhiệm và nghĩa vụ hay căn cứ vào khoa học giáo dục để đề ra mục tiêu, nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức cho trẻ em. Nếu giáo dục đạo đức trong nhà trường và xã hội thường chú ý đến số đông trẻ em ở một lứa tuổi, trình độ nhất định, hướng tới sự phát triển phổ biến về phẩm chất đạo đức ở những đứa trẻ bình thường thì giáo dục gia đình lại hướng đến một đứa trẻ cụ thể và đặt ra những yêu cầu cụ thể với mỗi đứa trẻ. Cha mẹ là người hiểu rõ hơn ai hết những đặc điểm riêng của con cái mình, những sở thích, nhu cầu, những mặt mạnh, mặt yếu, những thiếu hụt trong quá trình phát triển nhân cách của con và do đó, có thể tiến hành những biện pháp để bổ sung, sửa đổi kịp thời [124, tr. 238].

Tính chất đặc biệt của giáo dục đạo đức trong gia đình còn được thể hiện ở chỗ, giáo dục đạo đức trong gia đình dựa trên đặc điểm về tâm sinh lý, tình cảm của từng đứa trẻ, do đó các bậc cha mẹ có thể điều chỉnh nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức phù hợp cho từng đứa trẻ. Thời gian quản lý, giám sát của cha mẹ đối với con cái tương đối lớn, cho phép họ có thể nắm bắt kịp thời sự phát triển về tâm sinh lý, tình cảm và những biểu hiện lệch chuẩn của trẻ. Trong khi đó, giáo dục đạo đức ở nhà trường thường nặng về việc cung cấp các tri thức đạo đức hoặc được diễn

ra dưới các hình thức tuyên truyền và tổ chức các phong trào thi đua nên thường có tác động chậm chạp hơn đến nhận thức và hành vi đạo đức của trẻ. Về cơ bản, giáo dục đạo đức trong gia đình có thể khắc phục, bổ sung những thiếu hụt trong giáo dục đạo đức của nhà trường và xã hội. Do giáo dục gia đình có tác động trực tiếp và nhanh chóng đến nhận thức và hành vi đạo đức của trẻ, phương pháp giáo dục đạo đức linh hoạt, mền dẻo nên hiệu quả của hoạt động giáo dục cao hơn so với nhà trường và xã hội. Việc tôn vinh và đề cao vai trò của giáo dục gia đình đối với sự hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực của thế hệ trẻ là hoàn toàn có căn cứ khoa học và thực tiễn. Điều đó cũng lý giải vì sao ngày nay, khi mạng lưới giáo dục và dịch vụ giáo dục phát triển mạnh mẽ nhưng cũng không thể thay thế cho giáo dục gia đình. Đồng thời, muốn nâng cao hiệu quả giáo dục của các thiết chế này thì không thể tách biệt với hoạt động giáo dục của gia đình với tính cách là một thiết chế giáo dục đầu tiên cấu thành hệ thống giáo dục xã hội.

Thứ hai, giáo dục đạo đức trong gia đình mang tính đa dạng và tính thực tiễn cao. Sự đa dạng này không chỉ ở nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức mà còn là

sự đa dạng ở các chủ thể và đối tượng giáo dục bao gồm: bố, mẹ, ông, bà, anh, chị, em. Sự khác nhau về tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, địa vị xã hội, tính cách, v.v. của các thành viên trong gia đình là môi trường tốt để trẻ phát triển một cách đa dạng và phong phú về nhận thức và hành vi đạo đức của mình. Vì vậy, ảnh hưởng của giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay không chỉ là sự ảnh hưởng của cá nhân đến cá nhân (cha, mẹ đối với con cái, ông, bà đối với cháu, v.v.), mà còn là sự ảnh hưởng của cả tập thể gia đình liên kết, gắn bó với nhau đến từng cá nhân (qua nếp sống, lối sống, văn hóa gia đình) [105, tr. 33].

Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức trong gia đình mang tính thực tiễn cao vì gắn với lợi ích thực tế của gia đình theo chuẩn đánh giá tồn tại trong gia đình và thông qua các hoạt động thực tiễn của gia đình. Vì vậy, so với giáo dục đạo đức trong nhà trường, giáo dục đạo đức trong gia đình mang tính linh hoạt hơn, thích ứng nhanh với những biến đổi của xã hội và sự phát triển của bản thân đứa trẻ. Giáo dục đạo đức trong gia đình được thực hiện trong chính cuộc sống gia đình, thông qua những hoạt động thực tiễn của đứa trẻ vì lợi ích chung của gia đình và xã hội. Trong gia đình, lý

thuyết luôn gắn với thực hành, gắn với nhiệm vụ, những công việc được giao. Do đó, kinh nghiệm giáo dục được hình thành sâu sắc và bền vững hơn. Giáo dục gia đình diễn ra hàng ngày trong cuộc sống chung, có khả năng đáp ứng kịp thời những yêu cầu đặt ra trong thực tiễn của gia đình, giải quyết các tình huống nảy sinh trong cuộc sống [124, tr. 239].

Như vậy, gia đình tác động rất lớn đến sự hình thành tình cảm, tâm lý, hành vi ứng xử văn hóa của con người. Thế giới quan, nhân sinh quan của cá nhân chủ yếu được định hình sau này trong quá trình tiếp xúc với môi trường và cộng đồng xã hội, song nó cũng chịu sự tác động quan trọng của gia đình và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình với nhau.

Thứ ba, giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay là sự kết hợp giữa giáo dục đạo đức của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại. Trong gia đình truyền

thống Việt Nam, mục tiêu giáo dục gia đình là phải “dạy con nên người”, đó là những con người trưởng thành có phẩm chất đạo đức tốt. Do đó, giáo dục đạo đức trong gia đình truyền thống là nội dung trọng tâm của giáo dục gia đình. Trong xã hội nông nghiệp truyền thống, nơi cá nhân còn chưa được giải phóng, con người không bao giờ hành động theo ý thức riêng của mình, theo những gì mà cá nhân cho là đúng hay sai. Mỗi con người phải ứng xử, hành động theo cái cộng đồng tán thành, cá nhân không

được phép đại diện cho bản thân mà đại diện cho một cộng đồng nào đó. Vì vậy, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình truyền thống tập trung vào việc giáo dục cách ứng xử với những người xung quanh tức là cách sống, cách ăn ở, đi đứng, nói năng,

thái độ, hành vi, v.v. của cá nhân trước cộng đồng mà chủ yếu là ba tổ chức cộng động cơ bản: gia đình, dòng họ, làng xã. Mỗi thành viên (cá nhân) bao giờ cũng hiện diện với ba tư cách: Một là, con người của gia đình; Hai là, người thân của dòng họ; Ba là, người dân của làng xã [132, tr. 36]. Giáo dục đạo đức trong gia đình phải tạo điều kiện cho mỗi cá nhân hòa nhập và ứng xử theo các chuẩn mực đạo đức của các cộng đồng đó. Cũng vì vậy mà “Sự hiện diện của một con người không có nghĩa cá nhân đó là ai mà là ở chỗ anh ta là con ai, cháu ai, người của làng nào. Cái giá trị anh ta mang không phải là cái anh ta có, mà là cái gia đình, họ hàng, làng xã anh ta có” [132, tr. 36]. Cá nhân nào đó sẽ trở thành người tốt nếu gia đình, họ hàng, làng xã anh ta tốt, và ngược

lại, dù cá nhân anh có tốt đến mấy nếu gia đình, dòng họ, làng xã anh không tốt thì anh ta sẽ trở thành người xấu. Một hành vi tốt hay xấu của mỗi thành viên đều ảnh hưởng đến sự tốt xấu, uy tín của gia đình, họ hàng, làng xóm. Để đảm bảo việc tuân thủ nội

dung giáo dục trên, gia đình Việt Nam truyền thống đặc biệt sử dụng quyền uy của cha

mẹ đối với con cái, buộc con cái phải tuân theo, phải chấp hành chứ không được phép tranh luận, phân tích đúng sai. Con cái, vì thế không bao giờ được phép cãi lại cha mẹ hay làm trái ý cha mẹ. Tất cả những hành vi đi ngược lại ý kiến của cha mẹ bất kể đúng sai đều bị lên án, bị coi là vô lễ, là bất hiếu [132, tr. 59]. Mặc dù có những hạn chế nhất định nhưng giáo dục đạo đức trong gia đình truyền thống đã góp phần duy trì tôn ti, trật

tự, sự ổn định của gia đình, dòng họ, làng xã, đồng thời tạo nên nề nếp gia giáo, gia phong, gia đạo trong gia đình được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay vẫn còn chịu tác động mạnh mẽ từ giáo dục đạo đức của gia đình truyền thống. Chính những tác động này đang khiến các gia đình phải thực hiện một bước quá độ để chuyển từ nội dung và phương pháp giáo dục cũ sang nội dung và phương pháp giáo dục mới tiến bộ hơn. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình truyền thống vẫn tiếp tục được phát huy. Bên cạnh đó, sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, môi trường dân chủ, xã hội hóa trẻ em ngày càng phát triển cũng tạo điều kiện cho việc tiếp thu các giá trị, chuẩn mực đạo đức mới. Do đó, sản phẩm của giáo dục đạo đức trong gia đình không chỉ là những con người có phẩm chất đạo đức tốt mà còn phải có năng lực, chủ động, tích cực và nhạy bén trước sự thay đổi của thời cuộc. Đó là những con người “dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm” trước hành động của mình.

Trong gia đình truyền thống, giáo dục gia đình mang nặng tính độc quyền, gia trưởng nhưng giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay đã có sự tiếp thu tinh thần bình đẳng, dân chủ, bao dung, vị tha, v.v.. Nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình không chỉ bao gồm những chuẩn mực đạo đức gia đình, xã hội trong phạm vi quốc gia mà còn xuất hiện những chuẩn mực đạo đức mang tính quốc tế. Phương pháp giáo dục trong gia đình cũng có nhiều đổi mới, dân chủ và bình đẳng hơn. Tuy

nhiên, sự kế thừa và tiếp thu những giá trị đạo đức truyền thống hay hiện đại còn phụ thuộc vào bản thân các gia đình và các thành viên trong gia đình. Chính đặc điểm này đang tạo ra những khó khăn nhất định đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Việc kế thừa những giá trị nào của gia đình truyền thống và gia đình hiện đại đang đặt các gia đình đứng trước “ranh giới” của sự phân biệt đúng - sai, phải - trái, truyền thống hay hiện đại.

Như vậy, giáo dục đạo đức trong gia đình thường xuyên chịu sự tác động nhiều chiều từ các nhân tố kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, v.v.. và nó cũng biến đổi cùng với sự biến đổi của những nhân tố ấy. Nhưng cho dù nó biến đổi như thế nào thì cũng không thể phủ nhận ưu thế và đặc điểm nổi trội của giáo dục đạo đức trong gia đình. Bởi giáo dục gia đình có tác động sâu đậm đến sự hình thành tình cảm đạo đức, hành vi ứng xử văn hóa của mỗi người. Thế giới quan, nhân sinh quan của cá nhân chủ yếu được định hình sau này trong quá trình tiếp xúc với môi trường và cộng đồng xã hội, song nó cũng chịu sự chi phối mạnh mẽ từ gia đình không chỉ ở giai đoạn ấu thơ mà còn trong suốt cuộc đời của mỗi người.

2.3.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế ở Việt Nam hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức cho trẻ em đang có những biến đổi mạnh mẽ. Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực thì gia đình Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức đối với việc giáo dục đạo đức cho trẻ em. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình Việt

Nam đang bị xói mòn bởi sự “xâm lăng” của văn hóa ngoại lai, tình trạng ly thân,

ly hôn, sống chung không kết hôn có xu hướng tăng cao; tình trạng trẻ em sa vào các tệ nạn xã hội, bạo lực học đường, vi phạm pháp luật, v.v. đang có chiều hướng gia tăng, gây hoang mang, lo lắng cho cả gia đình và toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, việc xác định đúng đắn ảnh hưởng của các yếu tố kinh tế - xã hội đến giáo dục đạo đức trong gia đình là một yêu cầu cấp thiết để phát huy những tác động tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực, góp phần xây dựng môi trường

giáo dục lành mạnh cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em. Có thể khái quát một số yếu tố ảnh hưởng đến giáo dục đạo đức trong gia đình thông qua

những nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, sự nghiệp đổi mới toàn diện các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam

Từ những năm 80, đất nước ta lâm vào khủng hoảng trầm trọng, sản xuất đình đốn, đời sống nhân dân gặp vô vàn khó khăn. Với phương châm nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng sự thật và nói đúng sự thật, Đại hội lần thứ VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết là đổi mới kinh tế, thực hiện đường lối phát triển nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng XHCN. Sự chuyển hướng chiến lược này là khâu đột phá nhằm giải phóng LLSX và mọi tiềm năng xã hội. Đó là tiền đề, là cơ sở vững chắc cho việc nâng cao mức sống và chất lượng sống cho mọi tầng lớp nhân dân, tạo điều kiện cho việc chăm sóc và giáo dục trẻ em. Sự phát triển của nền KTTT định hướng XHCN với sự xác lập của nhiều hình thức sở hữu khác nhau trong thời kỳ quá độ lên CNXH là cơ sở kinh tế của gia đình mới, chế độ mới đã và đang tạo ra những quan hệ hài hoà giữa gia đình và xã hội. Nghĩa là từ cái chung tạo ra cái riêng, cái riêng lại hoà vào cái chung. Bên cạnh đó, cơ sở kinh tế mới còn tạo điều kiện cho sự phát triển các mối quan hệ dân chủ, bình đẳng và tiến bộ giữa các thành viên trong gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục trẻ em.

Khi nước ta tiến hành sự nghiệp đổi mới, nền kinh tế từ chỗ vận hành theo cơ

chế tập trung, quan liêu, bao cấp đã chuyển sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN. Ở nông thôn, kinh tế hộ gia đình và kinh tế trang trại phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện. Ở đô thị, kinh tế tư nhân, sản xuất kinh doanh và dịch vụ ngày càng phát triển. Số hộ có thu nhập trung bình và số hộ giàu tăng

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 65 - 175)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)