* Quan niệm của chủ nghĩa Mác về gia đình
Gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng và là đối tượng nghiên cứu của nhiều ngành khoa học. Những chủ đề nghiên cứu về gia đình luôn thu hút được sự quan tâm của các nhà khoa học không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Nghiên cứu di sản lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen, trong suốt tiến trình
xây dựng quan niệm duy vật về lịch sử, bao giờ các ông cũng dựa vào những tiền đề hiện thực. Những tiền đề hiện thực này được biểu hiện cụ thể thông qua các phạm trù như: hàng hóa, sức lao động, con người, sở hữu, v.v.. Ở đây, điều đáng nói là, tất cả các phạm trù này đều có liên quan đến phạm trù gia đình. Bởi, trong quan niệm của các C.Mác và Ph.Ăngghen, gia đình là tế bào của xã hội, tham gia vào
mọi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; từ việc tái sản xuất ra con người đến việc đào tạo, bồi dưỡng con người; từ chỗ tạo ra sự khác biệt về sở hữu đến chỗ giải quyết vấn đề sở hữu. Và, ngược lại, các quá trình sản xuất, tiêu dùng, cải tiến và sử dụng công cụ lao động, giáo dục và đào tạo, v.v. đều tác động trở lại gia đình,
củng cố hoặc làm biến đổi hình thức và kết cấu của gia đình.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình nên trong các tác phẩm của mình, C.Mác và Ph.Ăngghen đã không ít lần đề cập tới vấn đề gia đình. Các ông đã xem xét gia đình với tư cách là một xã hội thu nhỏ, phân tích các hình thức lịch sử của gia đình, nhất là hình thức gia đình gắn với sự xuất hiện của sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; nghiên cứu mối quan hệ giữa gia đình và nhà nước, sự khác biệt giữa gia đình dưới chế độ tư bản chủ nghĩa và gia đình dưới chế độ XHCN. Có thể nói, vấn đề gia đình trong di sản lý luận của C.Mác và Ph.Ăngghen không chỉ dừng lại ở
gia đình tới xã hội và ảnh hưởng của những biến đổi xã hội tới gia đình, đặc biệt là ảnh hưởng của sự biến đổi kinh tế, của tiến trình công nghiệp hoá, thông qua cách mạng kỹ thuật. Khi luận chứng về những tiền đề, điều kiện cho sự tồn tại của con
người, trong tác phẩm Hệ tư tưởng Đức (tháng 11 năm 1945 - tháng 4 năm 1946)
C.Mác và Ph.Ăngghen đã viết: “…hằng ngày tái tạo ra đời sống của bản thân mình, con người bắt đầu tạo ra những người khác, sinh sôi nẩy nở - đó là quan hệ giữa
chồng và vợ, cha mẹ và con cái, đó là gia đình” [73, tr. 41].
Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848) C.Mác và Ph.Ăngghen đã cho
rằng, sự ra đời của nền sản xuất bằng máy móc hiện đại - nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa với LLSX mới đã dần xóa bỏ toàn bộ hệ thống công trường thủ công, đã thay đổi sự phân bố dân cư và kết cấu ngành nghề của xã hội và do vậy, sự “yên ấm” của từng gia đình cũng bị phá vỡ theo dòng xoáy của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa. Không những thế, nó còn làm thay đổi vị trí và điều kiện sinh sống của gia đình, thay đổi nhu cầu thưởng thức những giá trị vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong gia đình. Nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa còn tạo ra một chế độ xã hội và chính trị thích ứng với QHSX mới, với cơ sở hạ tầng mới. Nó xóa bỏ mọi phẩm chất và đức hạnh do chế độ phong kiến tạo dựng; nó “tước hết hào quang thần thánh của tất cả những hoạt động xưa nay vẫn được trọng vọng và tôn sùng” [74, tr. 600], nó biến đổi cả quan hệ gia đình vốn được xem là thiêng liêng nhất, “xé toang tấm màn tình cảm bao phủ những quan hệ gia đình và làm cho những quan hệ ấy chỉ còn là những quan hệ tiền nong đơn thuần” [74, tr. 600].
Tiếp tục nghiên cứu gia đình, trong một tác phẩm chuyên khảo đặc biệt có
giá trị Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước (1884),
Ph.Ăngghen đã làm rõ vị trí quy định của gia đình đối với sự phát triển của các thiết chế xã hội và chỉ ra rằng: “Theo quan điểm duy vật, nhân tố quyết định trong lịch sử, quy đến cùng, là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống trực tiếp. Nhưng bản thân sự sản xuất đó lại có hai loại. Một mặt là sản xuất ra tư liệu sinh hoạt: thực phẩm, quần áo và nhà ở và những công cụ cần thiết để sản xuất ra những thứ đó; mặt khác là sự sản xuất ra bản thân con người, là sự truyền nòi giống. Những trật tự xã hội,
trong đó những con người của một thời đại lịch sử nhất định và của một nước nhất định đang sống, là do hai loại sản xuất quyết định: một mặt là do trình độ phát triển của lao động và mặt khác là do trình độ phát triển của gia đình” [77, tr. 44].
Như vậy, theo quan niệm của chủ nghĩa Mác – Lênin gia đình là nền tảng
cho sự phát triển của xã hội. Là một hình thức cộng đồng xã hội đặc biệt, gia đình được hình thành, duy trì và củng cố chủ yếu trên cơ sở hôn nhân và huyết thống. Yếu tố huyết thống và tình cảm là đặc trưng bản chất nhất của gia đình. Nhưng, xét rộng hơn và đầy đủ hơn, gia đình không chỉ là một cộng đồng tình cảm - tâm lý, mà còn là một tổ chức kinh tế - tiêu dùng (sở hữu, sản xuất, thu nhập, tiêu dùng, v.v.), một môi trường giáo dục - văn hoá (văn hoá gia đình và cộng đồng), một cơ cấu - thiết chế xã hội (có cơ chế và cách thức vận động riêng) [50, tr. 415]. Nghiên cứu
quan hệ gia đình trong di sản lý luận của chủ nghĩa Mác giúp cho chúng ta thấy được mối quan hệ biện chứng giữa phát triển kinh tế - xã hội với sự phát triển của gia đình và vị trí, vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội loài người. Những quan niệm cơ bản về gia đình của chủ nghĩa Mác đến nay vẫn có giá trị rất lớn trong việc nghiên cứu về gia đình và sự biến đổi các chức năng của gia đình đối với sự phát triển của xã hội.
* Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hình mẫu cao đẹp của con người mới. Văn hóa và nhân cách của Hồ Chí Minh là sự kết hợp giữa văn hóa truyền thống của dân tộc với tinh hoa văn hóa nhân loại. Sinh thời, Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò, vị thế của gia đình và khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình” [84, tr. 523]. Gia đình và xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, xã hội lành mạnh tạo điều kiện cho các gia đình tiến bộ, gia đình hạnh phúc góp phần cho sự phát triển hài hoà của xã hội. Hồ Chí Minh cho rằng: Gia đình to (là cả nước) và gia đình nhỏ: Cái nào nặng? Cái nào nhẹ? Người cách mạng chọn gia đình to. Vì người cách mạng biết nếu gia đình to bị áp bức, bóc lột thì gia đình nhỏ sẽ suy sụp, không phát triển được. Vì vậy không thể bo bo giữ gia đình nhỏ mà không nghĩ đến gia đình to.
Rõ ràng quan niệm về gia đình của Hồ Chí Minh đã thể hiện cao độ sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng, giữa Tổ quốc và gia đình.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tâm niệm: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Vì vậy, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến vấn đề giáo dục và đào tạo con người. Người cũng đặc biệt quan tâm đến giáo dục trẻ em, và cho rằng: “Chúng ta kiên quyết đấu tranh cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước cũng nhằm mục đích tạo lập cuộc sống sung sướng, vui tươi, thái bình hạnh phúc cho con cháu. Cũng vì hạnh phúc của con cháu và tương lai của dân tộc mà chúng ta phải hết sức chăm lo giáo dục trẻ em để mai sau trẻ em sẽ trở thành những công dân có tài, có đức, xứng đáng là người chủ của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa” [82, tr. 564]. Tư tưởng giáo dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa mang tính bao quát, sinh động, vừa có tính thiết thực nhằm tạo ra những con người phát triển toàn diện cả “đức” và “tài”. Trên cơ sở đó, Hồ Chí Minh đã sáng lập ra một triết lý giáo dục mới về chất, triết lý giáo dục ấy lấy người học làm trung
tâm, gắn học với hành, lý luận với thực tiễn, kết hợp giữa giáo dục gia đình với giáo dục nhà trường và xã hội. Trong thư Gửi các em học sinh nhân dịp ngày mở trường
năm 1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Giáo dục các em là việc CHUNG của gia đình, nhà trường và xã hội. Bố mẹ, thầy cô giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách” [83, tr. 74]. Tuy nhiên, Người cũng khẳng định vai trò quan trọng của giáo dục gia đình: Giáo dục trong nhà trường dù tốt đến mấy, nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn. Do đó, các gia đình phải “liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích cho nhân dân” [83, tr. 81]. Những tư tưởng của Hồ Chí Minh về gia đình và vai trò của giáo dục gia đình là cơ sở lý luận và phương pháp luận quan trọng trong nghiên cứu về giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay.
Kế thừa tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng của Hồ Chí Minh về gia đình, về vai trò của gia đình trong việc giáo dục trẻ em, Đảng ta đã xác định
một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của xã hội là gia đình. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định: Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới. Để gia đình làm tốt vai trò của mình rất cần sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Nghị quyết Đại hội Đảng VII cũng rất đề cao vai trò của gia đình đối với sự phát triển xã hội và trong việc hình thành nhân cách con người và khẳng định: “Nâng cao ý thức về nghĩa vụ gia đình đối với mọi người, kết hợp và phát huy vai trò của xã hội, các đoàn thể, nhà trường, tập thể lao động và tập thể dân cư trong việc chăm lo, bồi dưỡng tinh thần đồng chí, đồng đội, hình thành nhân cách cao đẹp và nếp sống văn hóa” [33, tr. 83]. Đảng ta cũng khẳng định: Chăm lo giáo dục rèn luyện thế hệ trẻ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường và của toàn xã hội nhưng để làm tròn vai trò đó cần “Xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người” [34, tr. 112-113]. Báo cáo chính trị trình Đại hội IX của Đảng tháng 4 năm 2001 cũng nhấn mạnh: “Chính sách chăm sóc, bảo vệ trẻ em tập trung vào thực hiện quyền trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được sống trong môi trường an toàn và lành mạnh, phát triển hài hòa về thể chất, tinh thần và đạo đức” [37, tr. 107].
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI Đảng ta vẫn tiếp tục khẳng định chủ trương: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, thật sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng, trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách” [39, tr. 77]. Những quan điểm và chủ trương của Đảng ta về gia đình và vị trí, vai trò của gia đình đối với sự nghiệp chăm sóc và giáo dục thế hệ trẻ sẽ là cơ sở rất quan trọng để nâng cao vai trò của gia đình đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em ở Việt Nam hiện nay.
* Quan niệm của một số nhà nghiên cứu về gia đình ở nước ta hiện nay
Gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của xã hội và là môi trường xã hội hoá đầu tiên của mỗi cá nhân. Xuất phát từ vị trí và vai trò đó, vấn đề gia đình luôn được các nhà nghiên cứu quan tâm. Khi bàn về khái niệm gia đình cũng có nhiều quan niệm khác nhau tùy thuộc vào những cách tiếp cận của các nhà
nghiên cứu. Từ góc độ tâm lý học, trong cuốn Tâm lý gia đình, tác giả Nguyễn Khắc
Viện đã đưa ra định nghĩa: "Gia đình, đó là sự chung sống của hai nhóm người, cha mẹ và con cái, nó cùng một mối quan hệ là những người sinh ra và những người nối dõi" [136, tr. 20]. Dưới góc độ xã hội học, tác giả Mai Huy Bích lại cho rằng: “Gia đình người Kinh ở Việt Nam hiện nay là một nhóm người có quan hệ hôn nhân hoặc huyết thống với nhau, thường chung sống và hợp tác kinh tế với nhau để thỏa mãn những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống của họ về: sinh đẻ và nuôi dạy con cái, chăm sóc người già và người ốm, v.v.. Dạng phổ biến nhất cho tới nay của gia đình người Kinh bao gồm hai thành viên của hai giới, có con đẻ hoặc con nuôi” [14, tr. 22].
Từ thực tiễn hôn nhân và gia đình ở nước ta, giáo sư Lê Thi đã đưa ra quan niệm về gia đình: “Khái niệm gia đình được sử dụng để chỉ một nhóm xã hội hình thành trên cơ sở quan hệ hôn nhân và quan hệ huyết thống nảy sinh từ quan hệ hôn nhân đó (cha mẹ, con cái, ông bà, họ hàng nội ngoại) cùng chung sống. Đồng thời, gia đình có thể bao gồm một số người được gia đình nuôi dưỡng, tuy không có quan hệ máu mủ. Các thành viên gia đình gắn bó với nhau về trách nhiệm, quyền lợi (kinh tế, văn hoá, tình cảm), giữa họ có những điều kiện ràng buộc có tính pháp lý, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ (được ghi rõ trong Luật hôn nhân và gia đình nước ta). Đồng thời trong gia đình có những quy định rõ ràng về quyền được phép và cấm đoán trong quan hệ tình dục giữa các thành viên” [111, tr. 20-21].
Theo tác giả Đặng Cảnh Khanh và Lê Thị Quý thì “Gia đình là một thiết chế xã hội đặc thù liên kết con người lại với nhau nhằm thực hiện việc duy trì nòi giống, chăm sóc và giáo dục con cái. Các mối quan hệ gia đình còn được gọi là quan hệ họ hàng. Đó là những sự liên kết ít nhất cũng là hai người dựa trên cơ sở huyết thống, hôn nhân và việc nhận con nuôi. Những người này có thể sống cùng hoặc khác mái nhà với nhau” [58, tr. 54].
Kế thừa những quan niệm hợp lý khác nhau nêu trên, có thể hiểu một cách khái
quát về khái niệm gia đình như sau: Gia đình là một hình thức tổ chức cơ bản trong đời sống cộng đồng của con người, được hình thành, tồn tại và phát triển trên cơ sở của quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống, quan hệ nuôi dưỡng và giáo dục, v.v.. Các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau bởi trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi về
kinh tế, văn hóa, tình cảm theo những quy tắc và chuẩn mực nhất định, được dư luận xã hội ủng hộ, được nhà nước thừa nhận và bảo vệ. Từ cách hiểu nêu trên, cũng có thể đề cập đến gia đình với những đặc điểm chung như sau:
Thứ nhất, gia đình là một thiết chế xã hội được hình thành trước hết trên cơ