Giáo dục đạo đức trong gia đình có ảnh hưởng trực tiếp, thường xuyên và lâu dài đối với sự tồn tại, phát triển của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời. Giáo dục đạo đức trong gia đình đặt cơ sở hết sức quan trọng cho sự hình thành nhân cách gốc của trẻ em, thúc đẩy sự phát triển nhân cách ở tuổi thanh niên, củng cố, giữ gìn nhân cách con người ở tuổi trưởng thành và khi về già. Ngay từ khi lọt lòng, trẻ đã được chăm sóc, nuôi dạy trong môi trường gia đình, vì vậy, hoạt động tổ chức đời sống gia đình, các mối quan hệ ứng xử của ông bà, cha mẹ, anh chị em, v.v. có ảnh hưởng trực tiếp đến tình cảm đạo đức của trẻ. Nhà giáo dục Xô Viết nổi tiếng V.A.Xu-khôm-lin-xki từng khẳng định: ý nghĩa cơ bản và mục đích của cuộc sống gia đình - đó là việc giáo dục con cái. Gia đình cùng với những mối quan hệ giữa con cái và bố mẹ là trường học đầu tiên giáo dục trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ và thể chất cho con cái [143, tr. 16]. Những hoạt động giao lưu diễn ra trong đời sống gia đình được coi là môi trường giáo dục đầu tiên và quan trọng nhất đến sự hình thành các phẩm chất đạo đức ban đầu của trẻ. Có thể thấy, vai trò của giáo dục đạo đức trong gia đình được thể hiện thông một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần quyết định sự hình thành, phát triển các phẩm chất đạo đức và nhân cách của trẻ em. Giáo dục đạo đức cho trẻ
em là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội nhằm hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của trẻ em. Tuy nhiên, trong ba thiết chế giáo dục nêu trên,
gia đình luôn được coi là môi trường giáo dục đầu tiên và có vai trò quyết định đến
lịch sử phát triển xã hội loài người, nó được hình thành và phát triển trong quá trình sống - hoạt động - giáo dục và tự giáo dục của con người. Đó là kết quả của quá trình truyền đạt, lĩnh hội các kinh nghiệm sống của cá thể trong môi trường xã hội và môi trường xã hội đầu tiên và quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ em chính là gia đình. Trước khi con người có những hiểu biết về mình, về xã hội thì đã được định hướng và chỉ dạy từ gia đình. Những bước đi chập chững đầu đời, người đầu tiên chỉ dạy cho trẻ cách đi đứng, ăn mặc, nói năng đó là cha mẹ. Vì vậy, giáo dục của gia đình như thế nào thường sẽ hình thành nên nhân cách của đứa trẻ như thế ấy. Quan niệm, thái độ, lối sống, cách ứng xử, hành vi đạo đức, tính cách, năng lực, công việc, sự nghiệp, v.v.. của cha mẹ là tấm gương đạo đức đối với con cái trong mỗi gia đình. Giáo dục gia đình chủ yếu được thực hiện bằng tình cảm và mang tính cụ thể, nhằm vào mỗi cá nhân cụ thể, thúc đẩy sự phát triển phẩm chất đạo đức và nhân cách của từng người. Giáo dục đạo đức trong gia đình còn mang tính cá biệt cao, do đối tượng là những cá thể đặc thù, riêng biệt. Đối với mỗi cá nhân cụ thể đó thì phải có phương pháp, cách thức và nội dung giáo dục riêng, cụ thể, cá biệt phù hợp với đặc điểm cá tính và tâm sinh lý của trẻ. Do đó, giáo dục đạo đức trong gia đình thường có ưu thế hơn so với giáo dục đạo đức trong nhà trường và xã hội. Mục tiêu của giáo dục đạo đức trong gia đình là tạo ra những con người hiếu thảo, có đạo đức trong sáng, có suy nghĩ lành mạnh, hướng tới những giá trị nhân văn, nhân đạo đích thực v.v.. Nói cách khác, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần tạo ra những con người chân chính, có đời sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có năng lực trí tuệ cao, có lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, hết mình vì mọi người, vì quê hương, đất nước. Quá trình giáo dục đạo đức được diễn ra trong suốt quá trình sống của con người, từ khi đứa trẻ mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành và cả đến khi đã lập gia đình. Tuy nhiên, sự giáo dục của gia đình từ thời thơ ấu có vai trò quyết định sự hình thành phẩm chất và nhân cách của trẻ. Sự định hướng giá trị đạo đức của cha mẹ trong gia đình sẽ giúp trẻ hình thành những chuẩn mực đạo đức và khuôn mẫu ứng xử cần thiết trong cuộc sống.
Thứ hai, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần hình thành niềm tin và lý tưởng đạo đức cho trẻ em. Hệ thống chuẩn mực đạo đức có vai trò định hướng giá
trị, điều chỉnh hành vi và củng cố niềm tin đạo đức đối với cá nhân trong ứng xử hàng ngày, trong toàn bộ lối sống của trẻ. Thông qua giáo dục đạo đức trong gia đình, các bậc cha mẹ có thể làm cho trẻ nhận thức được ý nghĩa và lợi ích của các chuẩn mực đạo đức để hình thành ý thức đạo đức cho trẻ. Khi ý thức đạo đức được hình thành sẽ thôi thúc trẻ trẻ tự nguyện, tự giác chấp hành những chuẩn mực đạo đức như những giá trị chân thực và tiến bộ của con người. Không giống như giáo dục đạo đức trong nhà trường, trẻ được học đạo đức có thiên hướng lý trí thì ở gia đình lại không mang tính thuyết giảng mà thông qua hành vi ứng xử, qua những tác động bằng tình cảm có sắc thái trực quan biểu cảm. Những lời phân tích, giảng giải tâm tình của cha mẹ vừa rất thực tế lại có chiều sâu của tình cảm nên tác động trực tiếp và sâu sắc đến nhận thức và hành vi của trẻ. Giáo dục đạo đức trong gia đình có những bài học “tình huống” có giá trị thuyết phục cao vì nó gắn với thực tế, không rơi vào lý thuyết khô khan.
Gia đình có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức đạo đức, hình thành ý thức đạo đức nhằm mục đích giúp trẻ thực hiện hành vi đạo đức một cách tự nguyện và tự giác. Hành vi đạo đức của trẻ chính là kết quả, là nỗ lực của quá trình giáo dục đạo đức được biểu hiện cụ thể trong các quan hệ đạo đức. Để đảm bảo có hành vi đạo đức ngoài việc giáo dục cho trẻ các chuẩn mực và nguyên tắc đạo đức cần phải hình thành ở trẻ niềm tin và lý tưởng đạo đức. Như vậy, ngoài tri thức đạo đức, còn có sự tin tưởng nào đó về lợi ích của các chuẩn mực đạo đức đối với xã hội. Sự tin tưởng này chính là niềm tin đạo đức của cá nhân, đó là sự tin tưởng một cách sâu sắc và vững chắc vào sự chiến thắng của cái thiện, tin tưởng vào tính chính nghĩa và tính chân lí của các chuẩn mực đạo đức và sự tôn trọng triệt để các chuẩn mực đó. Niềm tin đạo đức là một trong những yếu tố của hành vi đạo đức, là cơ sở làm bộc lộ những phẩm chất ý chí của đạo đức như lòng dũng cảm, tính kiên quyết đấu tranh chống lại cái ác, đồng thời biết bảo vệ cái đúng, cái thiện. Bên cạnh đó, việc hình thành niềm tin đạo đức còn là cơ sở cho việc xây dựng lý tưởng đạo đức, giúp trẻ tích cực phấn đấu rèn luyện để hướng đến những giá trị đạo đức cao cả của con người, đó là những giá trị Chân - Thiện - Mỹ. Để giáo dục hành vi đạo đức, hình thành niềm tin, lý tưởng đạo đức cha mẹ cần đặt trẻ vào các tình huống cụ thể
để trẻ thử nghiệm những hiểu biết của mình vào cuộc sống, trong sinh hoạt và tổ chức cuộc sống gia đình.
Thứ ba, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần bảo lưu các giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống của dân tộc. Giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống
của dân tộc có tác động mạnh mẽ đến sự hình thành những kiểu mẫu hành vi, đến sự đánh giá và những tình cảm đạo đức trong sáng của trẻ em. Hiệu quả của giáo dục với tính cách là một nhân tố phát triển nhân cách phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng vận dụng những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc vào hoàn cảnh xã hội mới để phục vụ xã hội và bản thân mỗi cá nhân. Do đó, đạo đức và văn hóa của cá nhân là sự kết tinh những tinh hoa đạo đức, văn hóa của nhiều thời đại, nhiều thế hệ đã qua. Mỗi cá nhân khi sinh ra đã được sống, được tiếp nhận một hệ giá trị, hệ chuẩn mực đạo đức và văn hóa xã hội. Những giá trị, chuẩn mực này được phản ánh trong thế giới quan, hệ thống tri thức xã hội, trong những chuẩn mực về pháp lý, đạo đức, thẩm mỹ, v.v.. Như vậy, nhân cách của con người được hình thành và phát triển trong môi trường đạo đức và văn hóa của dân tộc một cách gián tiếp thông qua quá trình giáo dục và tự giáo dục.
Trong các thiết chế lưu giữ giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống thì gia đình là môi trường đầu tiên và có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, truyền thụ, chuyển giao các giá trị văn hóa, đạo đức của dân tộc nên có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nhân cách của con người Việt Nam nói chung và trẻ em nói riêng. Thông qua giáo dục đạo đức, gia đình đã góp phần bảo lưu và phát huy các giá trị đạo đức và văn hóa của dân tộc một cách hiệu quả nhất trước những thách thức lớn của thời đại, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay. Một dân tộc muốn phát triển bền vững trước hết phải dựa trên truyền thống đạo đức, văn hóa tốt đẹp đồng thời phải giữ gìn và phát huy những giá trị đó cho thế hệ tương lai. Trẻ em là người dễ bị tác động, ảnh hưởng bởi những lời nhận xét, đánh giá, những lối sống, trào lưu sống bên ngoài, do vậy, giáo dục cho các em lối sống lành mạnh, tự giác thực hiện các chuẩn mực đạo đức là cần thiết để các em có thể đứng vững và trưởng thành là một công dân tốt của xã hội. Muốn làm được điều đó, cần phải chăm lo xây dựng gia đình
lành mạnh để các giá trị đạo đức được nuôi dưỡng và phát triển. Trẻ em khi được sống trong môi trường văn hóa, lối sống nhân văn, coi trọng đạo lý sẽ trưởng thành với một bộ lọc văn hóa hữu hiệu trước những cơn bão táp của lối sống ngoại lai không phù hợp với truyền thống đạo đức và văn hóa của dân tộc.
Thứ tư, giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần tạo ra thế hệ trẻ phát triển toàn diện cả Đức và Tài. Cấu trúc của nhân cách bao gồm năng lực và phẩm chất
được kết hợp hữu cơ trong chỉnh thể mỗi con người. Đây là quan hệ giữa Đức và Tài - hai thành phần nồng cốt nhất của nhân cách. Đạo đức quy tụ những phẩm chất cá nhân, xã hội, ý chí hay phong cách ứng xử của con người. Còn tài hay tài năng là sự biểu hiện tập trung và nổi bật của những năng lực xã hội hoá như: khả năng thích
ứng, năng lực sáng tạo; khả năng thể hiện cái riêng, cái độc đáo, cái bản lĩnh; khả
năng hành động có mục đích, có điều khiển, chủ động tích cực, v.v.. Đạo đức và năng lực, đức và tài không tách rời nhau mà gắn liền với nhau, biểu hiện, chi phối lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng cặp khái niệm “đức” và “tài” để đánh giá con người, định hướng cho việc bồi dưỡng, giáo dục con người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân” [81, tr. 252-253]. Bên cạnh đó, trong khi nhấn mạnh vai trò của đạo đức, Hồ Chí Minh không xem nhẹ tài năng. Đối với Người, đạo đức và tài năng là hai thành tố không thể thiếu của nhân cách và có quan hệ biện chứng với nhau. Hồ Chí Minh khẳng định: “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho đất nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai” [83, tr. 184]. Như vậy, trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà còn phải có đạo đức cách mạng. Đạo đức là cơ sở để con người phát huy tài năng làm cho tài năng trở nên có ích cho xã hội. Ngược lại, tài năng làm cho đạo đức trở thành đạo đức thực tế nghĩa là đạo đức được thể hiện, thực hiện trong hoạt động của con người, chứ không phải là một thứ đạo đức suông không có tác dụng.
Giáo dục trẻ em phát triển toàn diện cả Đức và Tài là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Trẻ em được sinh ra trong gia đình nhưng lại là một
thành viên của xã hội, để những thành viên này trở thành những công dân tốt của xã hội thì trẻ phải được quan tâm, chăm sóc và giáo dục đặc biệt trước hết từ gia đình. Những thành tựu của khoa học hiện đại đã khẳng định vai trò to lớn và không thể thay thế của giáo dục gia đình. Xét về bản chất, đứa trẻ sinh ra, nếu tách khỏi môi trường giáo dục thì không thể trở thành “con người”. Khẳng định điều này, R.E.Park, nhà xã hội học người Mỹ viết: “Người ta sinh ra không phải đã là con người, mà chỉ trở thành “con người” trong quá trình giáo dục” [51, tr. 7]. Sự khẳng định vai trò của giáo dục gia đình, cũng có nghĩa là thừa nhận và tôn vinh vai trò của cha mẹ trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em.
Đạo đức là cơ sở, nền tảng của nhân cách nhưng khi nhân cách được hình thành lại có tác dụng thúc đẩy và hoàn thiện đạo đức. Con người - chủ thể mang nhân cách đồng thời phải là con người - chủ thể mang đạo đức và văn hóa đạo đức. Thực hiện tốt việc giáo dục đạo đức sẽ góp phần điều chỉnh nhận thức, tình cảm và hành vi đạo đức của trẻ em và thực hiện mục tiêu chung của giáo dục quốc gia là đào tạo ra thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện. Sự phát triển hài hòa trong đời sống đạo đức, đời sống tinh thần của trẻ em sẽ là bệ phóng cho sự phát triển của tài năng. Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và cố gắng của gia đình rất cần có sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của nhà trường và xã hội trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em.
Như vậy, giáo dục đạo đức trong gia đình có vai trò quan trọng đối với sự hình thành, phát triển nhân cách, củng cố niềm tin, lý tưởng đạo đức, đồng thời bảo lưu các giá trị đạo đức và văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Tình yêu thương và hạnh phúc của cha mẹ vừa là nội dung vừa là phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình góp phần nuôi dưỡng tâm hồn, phát triển tài năng của trẻ. Sự chung tay góp sức xây dựng gia đình
hạnh phúc, thống nhất nội dung và phương pháp giáo dục trong gia đình chính là điều
kiện và môi trường tốt nhất để cha mẹ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chung của giáo dục nước nhà là tạo ra thế hệ trẻ Việt Nam phát triển toàn diện cả Đức và Tài. Sự khủng hoảng và suy thoái về đạo đức, lối sống chính là nguyên nhân dẫn đến những khủng hoảng, đổ vỡ của xã hội. Vì vậy, sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ sẽ tạo nên