Gia đình là một thiết chế giáo dục đặc biệt, bởi đó là thiết chế giáo dục dựa trên quan hệ huyết thống, tình cảm thiêng liêng và có chú ý đến tính cá biệt của từng đối tượng giáo dục. Giáo dục gia đình là hoạt động giáo dục được diễn ra trong phạm vi gia đình, đó là “sự tác động có hệ thống, có mục đích của những người lớn trong gia đình và toàn bộ nếp sống của gia đình tới đứa trẻ” [135, tr. 233]. Giáo dục gia đình được bắt đầu từ thời thơ ấu đến giai đoạn trưởng thành và cả khi đã về già, đó là quá trình giáo dục diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi con người. Tuy nhiên, tại sao việc giáo dục con người ở giai đoạn ấu thơ luôn được quan tâm đặc biệt? Các nhà tâm lí học và giáo dục học đều cho rằng, trong những năm đầu của cuộc đời, hệ thần kinh của trẻ em là mềm mại hơn cả và thường thường trong quãng thời gian đó rất dễ hình thành những nét cơ bản của cá tính và hoàn thiện những thói quen nhất định. Sau đó những phẩm chất đã được hình thành từ thơ ấu sẽ tiếp tục phát triển. A.X. Ma-ca-ren-cô từng khẳng định: Những gì mà bố mẹ đã làm cho con trước lúc nó 5 tuổi – đó là 90% kết quả của tất cả quá trình giáo dục [143, tr. 10]. Do đó, trong
giáo dục gia đình, trẻ em sẽ là đối tượng giáo dục được quan tâm hàng đầu. Trẻ em
là lứa tuổi chưa trưởng thành, còn non nớt về thể chất và trí tuệ, dễ bị tổn thương, cần được bảo vệ và chăm sóc đặc biệt, kể cả sự bảo vệ về mặt pháp lý. Về vị thế xã hội, trẻ em là một nhóm thành viên xã hội ngày càng có khả năng hội nhập xã hội với tư cách là chủ thể tích cực, có ý thức và là người chủ của gia đình và dân tộc trong tương lai. Như vậy, khái niệm trẻ em dùng để chỉ một giai đoạn phát triển của con người từ lúc lọt lòng đến trước tuổi trưởng thành, là một nhóm xã hội thuộc về một độ tuổi nhất định trong giai đoạn đầu của sự phát triển con người. Khái niệm “Trẻ
em” đã được đề cập trong tuyên bố Giơ ne vơ (1924); Tuyên bố của Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em (1959); Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (1966); Tuyên ngôn về quyền con người (1968); Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa năm 1966; Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em (1990), v.v.. Theo Điều I của Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, “Trẻ em có nghĩa là mọi người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp luật pháp áp dụng với trẻ em đó qui định tuổi thành niên sớm hơn” [32, tr. 1].
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em ở nước ta xác định trẻ em là
“Công dân Việt Nam dưới 16 tuổi” [101, tr. 21]. Như vậy, khái niệm trẻ em theo pháp luật Việt Nam là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi, là người chưa phát triển đầy
đủ về thể chất cũng như về tâm sinh lý, trình độ nhận thức và kinh nghiệm sống của trẻ bị hạn chế, thiếu những điều kiện và bản lĩnh tự lập, khả năng kiềm chế chưa cao, dễ bị kích động lôi kéo vào hoạt động phiêu lưu mạo hiểm. Do đó, để giúp trẻ phát triển lành mạnh rất cần có sự quan tâm, giám sát kịp thời của gia đình để định hướng và điều chỉnh những hành vi lệch của trẻ.
Giáo dục đạo đức cho mọi người nói chung và trẻ em nói riêng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm ngày càng tăng của toàn xã hội. Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, khi đời sống kinh tế - xã hội luôn có những biến động phức tạp, khi con người ngày càng phụ thuộc và chi phối lẫn nhau, đòi hỏi phải hợp tác với nhau nhiều hơn thì việc giáo dục đạo đức lại càng trở nên cần thiết hơn. Nhất là đối với trẻ em – đối tượng dễ bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực nảy sinh trong gia đình và xã hội. Giáo dục đạo đức cho trẻ em là tạo ra lá chắn để bảo vệ các em và giúp các em bảo vệ chính mình khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của sự biến đổi kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, giáo dục đạo đức còn giúp trẻ em phát triển lành mạnh về mặt đạo đức, có cách ứng xử đúng đắn trong các mối quan hệ của cá nhân với bản thân, với những người xung quanh, với công việc, với xã hội, với Tổ quốc, với môi trường tự nhiên, với cộng đồng quốc tế, v.v.. Kết quả của quá trình giáo dục đạo đức là các em có được các phẩm chất đạo đức tốt đẹp và bền vững, có được bản lĩnh đạo đức để ứng xử trong các mối quan hệ đạo đức [99, tr. 16]. Giáo dục đạo đức trong gia đình cần được hiểu, một
mặt là hoạt động giáo dục lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình, giữa gia đình với cộng đồng xã hội khác; mặt khác, đó còn là quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện và tu dưỡng các phẩm chất đạo đức của mỗi cá nhân.
Như vậy, từ những phân tích nêu trên, có thể hiểu giáo dục đạo đức trong gia đình là sự tác động có hệ thống, có mục đích của những người lớn trong gia đình, đặc biệt là cha mẹ nhằm chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội thành những phẩm chất đạo đức, nhân cách cho trẻ, hình thành ở trẻ thái độ đúng đắn trong giao tiếp, ý thức tự giác, tự nguyện thực hiện các chuẩn mực đạo đức của xã hội, thói quen chấp hành các quy định của pháp luật.
Trong giáo dục gia đình thì sự tác động có hệ thống, có mục đích của cha mẹ đối với trẻ ở giai đoạn ấu thơ sẽ quyết định đến phẩm chất, tính cách của trẻ ở các giai đoạn sau. Bởi vậy, trẻ em sinh ra và lớn lên trong gia đình nào thì chịu ảnh hưởng của phong cách giáo dục, lối sống, văn hoá và đạo đức của gia đình đó. Nói đến giáo dục đạo đức trong gia đình trước hết là nói đến mối quan hệ giáo dục giữa cha mẹ và con cái nhằm chuyển hóa những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức của xã hội thành phẩm chất và nhân cách của trẻ. Theo G.Bandzeladze, chuẩn mực đạo đức là “đức tính và tình cảm đạo đức được diễn đạt bằng một mệnh đề, một phán đoán hoặc một thuật ngữ”. Ở đó, tình cảm đạo đức và đức tính chính là nhu cầu của con người hành động phù hợp với chuẩn mực đạo đức [6, tr. 92]. Các chuẩn mực đạo đức này được cộng đồng lựa chọn, thừa nhận và chấp nhận, trở thành kinh nghiệm tập thể của cộng đồng và có thể được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ví dụ, lòng yêu quê hương đất nước; sự kính trọng và hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; tinh thần đoàn kết và nhân ái; tình yêu lao động, v.v.. là những chuẩn mực đạo đức quan trọng hình thành nên nhân cách của con người.
Nguyên tắc đạo đức cũng chính là những chuẩn mực đạo đức nhưng có tính chất khái quát hơn và hợp nhất nhiều chuẩn mực cụ thể. Có trường hợp một chuẩn mực nào đó không được nhìn nhận là nguyên tắc đạo đức do tính chất tương đối cụ thể của nó, nhưng chuẩn mực này vẫn bao hàm một loạt yêu cầu cụ thể hơn. Chẳng hạn, chuẩn mực “chân thành” bào hàm sự ngay thẳng, lòng tôn trọng sự thật, tính thật thà, v.v. và tương ứng với những đức tính nói trên là thái độ căm ghét sự dối trá, thói
đạo đức giả, thói xu nịnh, lèo lá, v.v.. [6, tr. 95]. Giáo dục đạo đức trong gia đình không chỉ thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ, sự yêu thương, gắn bó ruột thịt của cha mẹ đối với con cái mà còn gửi gắm những nguyện vọng của cha mẹ vào phẩm chất, nhân cách của con cái sau này. Sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của cha mẹ chính là yếu tố đầu tiên giúp trẻ thích nghi dần với đời sống xã hội, đồng thời thông qua các hoạt động xã hội trẻ sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện nhân cách của mình. Giáo dục đạo đức trong gia đình luôn có sức mạnh cảm hoá vô cùng to lớn. Bởi nó dựa trên tình cảm và thông qua tình cảm để từng bước điều chỉnh, cảm hoá những hành lệch chuẩn của trẻ cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức của xã hội.