Quá trình giáo dục đạo đức trong gia đình chỉ mang lại kết quả như mong
muốn khi cha mẹ xác định đúng đắn không chỉ nội dung giáo dục đạo đức cho con cái mà còn ở việc lựa chọn các phương pháp giáo dục phù hợp đối với sự phát triển về
tâm sinh lý, cá tính và những đặc điểm riêng của trẻ. Phương pháp giáo dục đạo đức không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với giáo dục nhận thức và thực hành đạo đức ở trẻ em mà còn hướng tới việc thực hiện sự chuyển hóa từ quá trình giáo dục sang quá trình tự giáo dục ở trẻ. Chính vì vậy, phương pháp giáo dục không chỉ là một lĩnh vực khoa học mà còn là nghệ thuật giáo dục, nhất là đối với giáo dục trẻ em trong gia đình.
Mỗi gia đình, trong giáo dục con cái đều tích lũy những kinh nghiệm và vận dụng các phương pháp giáo dục khác nhau để giáo dục con cái. Cùng với quá trình phát triển của đất nước, hiện nay phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình đối với trẻ em đã có những thay đổi để phù hợp với yêu cầu của xã hội. Phương pháp giáo dục mang tính áp đặt như bắt trẻ phải phục tùng mệnh lệnh của ông bà, cha mẹ trong gia đình truyền thống đang dần được thay bằng phương pháp nêu gương, định
hướng, khích lệ trẻ. Việc giáo dục con cái trong gia đình nói chung đều có thể thực hiện theo những phương pháp nhất định đã được thực tiễn kiểm nghiệm và đạt được sự đồng thuận cao trong nhận thức chung của xã hội. Các nhà nghiên cứu về gia đình đã chỉ ra nhóm 5 phương pháp hữu hiệu nhất để giáo dục đạo đức cho trẻ em,
đó là: phương pháp phân tích, giảng giải, phương pháp nêu gương, phương pháp rèn luyện thói quen, phương pháp khen thưởng và phương pháp trách phạt. Mỗi
phương pháp đều có những ưu điểm nhất định và đều cần thiết trong việc giáo dục đạo đức cho trẻ em trong gia đình. Các bậc cha mẹ cần kết hợp nhiều phương pháp, đặc biệt các phương pháp thiên về tình cảm, phát huy mối quan hệ ruột thịt, tình yêu thương thực sự của cha đối với con cái để nâng cao hiệu quả giáo dục.
Bên cạnh những phương pháp cụ thể trên, nhiều bậc cha mẹ đã chú ý tới một
số phương pháp theo hướng phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động của trẻ em trong
quá trình giáo dục. Chẳng hạn như: phương pháp hợp tác, giáo dục tiếp cận kỹ năng sống, xử lý tình huống, v.v.. Các phương pháp này có thể được vận dụng cả trong nhà trường, gia đình và ngoài xã hội. Tuy nhiên, mỗi môi trường giáo dục có những
phương pháp giáo dục cụ thể khác nhau. Trong giáo dục gia đình, bầu không khí bình đẳng, dân chủ trong gia đình cũng là phương pháp giáo dục có ý nghĩa thiết
thực, bởi chỉ như vậy lòng tự trọng của trẻ mới được đề cao. Do đó, giáo dục đạo đức trong gia đình hiện đại đòi hỏi phải có sự tôn trọng nhân cách cá nhân, chú ý tới nhu cầu hợp lý, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của cá nhân. Việc giáo dục của cha mẹ nghiêng về sự định hướng giúp con cái tự nhìn nhận, phân biệt đúng sai và tự điều chỉnh, nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của chúng. Không quá nghiêm khắc, khắt khe, song cũng không nên nuông chiều, dễ dãi quá mức làm cho trẻ nảy sinh tâm lý ích kỷ, ít quan tâm đến cha mẹ và những người xung quanh. Muốn giáo dục trẻ có kết quả, cha mẹ phải tìm thấy ở con mình những đức tính tốt đẹp, dù đó chỉ là mầm mống để khích lệ, giúp đỡ trẻ phát triển, trên cơ sở đó mà giúp trẻ điều chỉnh thái độ, tự khắc phục những thói quen và hành vi xấu.
Khi đời sống gia đình và xã hội ngày càng dân chủ và cởi mở hơn thì phương pháp giáo dục hiệu quả đòi hỏi phải kết hợp các phương pháp giáo dục khác nhau. Việc lựa chọn phương pháp giáo dục trẻ em của cha mẹ phải hướng vào việc thỏa
mãn, phát triển và hình thành những nhu cầu đạo đức của trẻ. Nhu cầu đạo đức của trẻ thể hiện ở lòng mong muốn của cá nhân được dư luận xã hội và gia đình đánh giá tốt, tán thành và khen ngợi. Đó cũng là mong muốn noi theo những gương sáng về đạo đức, phấn đấu, rèn luyện theo những lý tưởng đạo đức. Không nên sử dụng quá mức các biện pháp ngăn cấm cũng như nuông chiều, điều đó sẽ làm cho trẻ dễ có những hành động sai trái, vi phạm đạo đức. Trong giáo dục đạo đức cho con cái, cha mẹ cần giáo dục nhu cầu và phương thức thỏa mãn nhu cầu, hướng trẻ phát triển các nhu cầu mới, lành mạnh, theo phẩm chất đạo đức tốt đẹp như trung thực, vị tha, nhân ái, bao dung, v.v.. trên cơ sở hiểu biết và thói quen đạo đức.
Trong gia đình, quan hệ giữa cha mẹ với con cái là quan hệ ruột thịt, dựa trên tình thương, sự tin cậy, có sự thống nhất về động cơ, mục đích nhưng đồng thời đó cũng là quan hệ giữa người dạy và người học. Quan hệ tình cảm, huyết thống giữa cha mẹ và con cái là tiền đề quan trọng và tạo nên sự khác biệt giữa giáo dục đạo đức trong gia đình với nhà trường và xã hội. Sự nhiệt tình, tâm huyết và vô tư của cha mẹ chính là sức mạnh nội tâm khuyến khích sự nỗ lực phấn đấu của trẻ để không phụ công nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ. Như vậy, giáo dục đạo đức trong gia đình là hoạt động giáo dục đòi hỏi phải có sự đầu tư công sức, sự kiên trì, bền bỉ mới có thể đạt được những mục tiêu giáo dục đã đề ra.
Việc lựa chọn đúng đắn nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức trong gia đình sẽ quyết định đến hiệu quả của quá trình giáo dục. Trong gia đình, nội dung và phương pháp giáo dục đạo đức luôn chịu sự chi phối và tác động mạnh mẽ của những biến đổi kinh tế - xã hội. Việc xác định những yếu tố tác động đến giáo dục đạo đức trong gia đình là cần thiết, giúp cho các bậc cha mẹ nhận thức đầy đủ và đúng đắn hơn những tác động tích cực và cả những tác động tiêu cực của các yếu tố trên, từ đó lựa chọn nội dung và phương pháp giáo dục phù hợp để nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức trong gia đình.