Nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 58 - 63)

Giáo dục đạo đức trong gia đình là giáo dục các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cần thiết cho trẻ em được hình thành trong các mối quan hệ với bản thân, với cha mẹ, ông bà, với bạn bè, thầy cô, v.v.. Các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức này đã được kiểm nghiệm, được sắp xếp theo một trật tự, thứ bậc để định hướng hành động và xác định hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Trong gia đình Việt Nam truyền thống, nội dung giáo dục đạo đức chủ yếu tập trung vào giáo dục các chuẩn mực đạo đức như: lòng hiếu thảo đối với ông bà, cha mẹ; tình yêu thương và trách nhiệm đối với anh chị em trong gia đình; lễ phép, kính trọng đối với người trên; tôn sư, trọng đạo; trung thực và thẳng thắn, v.v.. Trong gia đình Việt Nam hiện nay, nội dung giáo đạo đức đã có những thay đổi, vừa dựa trên sự kế thừa những giá trị đạo đức tốt đẹp của gia đình truyền thống, đồng thời,vừa có sự tiếp thu những giá trị đạo đức của gia đình hiện đại trong giáo dục con cái như: bình đẳng, dân chủ, tôn trọng tự do cá nhân và nhân cách của trẻ, v.v.. Sự thay đổi này là hoàn toàn khách quan, phù hợp với sự phát triển của xã hội và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay. Vì vậy, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay bao gồm nhiều nhóm giá trị, chuẩn mực đạo đức như [99, tr. 16-17]:

Thứ nhất, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ đối với bản

thân: tự trọng, biết kiềm chế, tự lực, tự tin, có chính kiến, có hoài bão, khiêm tốn, hài hòa nhu cầu vật chất và tinh thần, có chí lập thân, lập nghiệp, có ý thức giữ gìn và tập luyện để nâng cao thể lực.

Thứ hai, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với người

khác: hiếu thảo với cha mẹ, thương yêu anh chị em trong gia đình, giữ gìn danh dự, nền nếp gia đình, tôn trọng tổ tiên; cởi mở, chan hòa với mọi người, lịch sự tế nhị trong giao tiếp, thiện chí trong quan hệ, trung thực, thẳng thắn, đoàn kết, có ý thức xây dựng tập thể, biết hợp tác với mọi người, tôn trọng và khoan dung, quan tâm chia sẻ, v.v..

Thứ ba, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với công việc:

cần cù, có trách nhiệm, kỷ luật, sáng tạo, năng động, coi trọng giá trị của tri thức, học tập và làm việc theo phương pháp khoa học, sẵn sàng tiếp nhận cái mới.

Thứ tư, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với Tổ quốc,

cộng đồng: tôn trọng quy định chung của cộng đồng, thực hiện nghĩa vụ công dân, tuân thủ pháp luật, bảo vệ tài sản quốc gia, sống lành mạnh, trong sạch, bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống tiêu cực, trung thành với Tổ quốc, với nhân dân.

Thứ năm, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với nhân

dân và các dân tộc trong khu vực, trên thế giới: yêu hòa bình, tôn trọng các nền văn hóa khác, sẵn sàng hợp tác trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

Thứ sáu, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức trong quan hệ với tự nhiên

và môi trường sống: hành động vì môi trường trong sạch, yêu và sống hài hòa với thiên nhiên, chăm sóc và bảo vệ thiên nhiên.

Trong phạm vi giáo dục đạo đức gia đình, cha mẹ không thể truyền đạt tất cả những gì mà trẻ cần cũng như tất cả những gì mà cha mẹ có mà cần phải lựa chọn các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cần thiết nhất cho sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trong mỗi gia đình, các cha mẹ có thể lựa chọn và ưu tiên cho các nhóm giá trị đạo đức khác nhau nhưng mục đích chung của giáo dục đạo đức trong gia đình là giáo dục cho trẻ em các giá trị đạo đức, chuẩn mực ứng xử cần thiết trong các quan hệ xã hội, góp phần xây dựng ý thức đạo đức, bồi dưỡng tình thương, rèn luyện thói quen và hành vi đạo đức, đó là những phẩm chất quan trọng nhất của nhân cách con người. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu quý thiếu niên, nhi đồng. Không chỉ yêu quý, Người còn rất quan đến việc giáo dục trẻ em. Người nói, thiếu nhi là người chủ tương lai của nước nhà, cho nên cần phải sớm rèn luyện đạo đức cách mạng cho thiếu nhi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất sâu sắc về đạo đức. Người nêu rõ: con người cần có 4 đức: Cần - Kiệm - Liêm - Chính, mà thiếu một đức thì không thành người. Người cũng cụ thể hóa đạo đức cách mạng đối với các em thiếu niên, nhi đồng theo 5 điều: Một là, yêu tổ quốc, yêu đồng bào; Hai là, học tập tốt, lao động tốt; Ba là, đoàn kết tốt, kỷ luật tốt; Bốn là, giữ gìn vệ sinh thật tốt; Năm là,

khiêm tốn, thật thà, dũng cảm. Đến nay, nhiều thế hệ thiếu niên, nhi đồng Việt Nam vẫn luôn ghi nhớ và làm theo 5 điều Bác Hồ dạy. Thực hiện theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống và tiếp thu những giá trị đạo đức hiện đại, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình Việt Nam hiện nay bao gồm những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục sự kính trọng, lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trọng người lớn tuổi. Hiếu thảo là một trong những giá trị nhân bản cốt lõi của con

người và xã hội Việt Nam. Dù ở bất cứ thời đại nào thì sự kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, kính trọng những người lớn tuổi vẫn là chuẩn đạo đức quan trọng của mỗi con người. Giáo dục cho con cái hiếu thảo với ông bà, cha mẹ phải được thể hiện ở những hành động cụ thể: trong ứng xử phải ngoan ngoãn, lễ phép, khiêm tốn, biết quan tâm, chăm sóc khi ông bà, cha mẹ ốm đau, v.v.. Trong quá trình vận động của lịch sử, nội dung của chữ hiếu cũng sự biến đổi, tuy nhiên về cơ bản việc con cái phải có hiếu đối với ông bà, cha mẹ vẫn là một chuẩn mực, một giá trị văn hóa bất di bất dịch trong đạo lý của nhân loại [58, tr. 254].

Thứ hai, giáo dục lòng yêu nước. Lòng yêu nước là chuẩn mực đạo đức

truyền thống trải qua nhiều thử thách của lịch sử nhưng vẫn có sức sống mạnh mẽ trong xã hội hiện nay. Việc giáo dục lòng yêu nước cho trẻ em hôm nay phải được thể hiện bằng thái độ và hành vi cụ thể, diễn ra hàng ngày của trẻ, đó là tình yêu thương đối với ông bà, cha mẹ, anh chị em, yêu thương bạn bè, thầy cô, trường lớp; là sự nỗ lực, phấn đấu học tập tốt để không phụ công ơn sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục của cha mẹ, thầy cô; là lòng tự hào dân tộc và biết ơn đối với các thế hệ cha anh đã đấu tranh để dựng nước và giữ nước. Yêu nước là yêu hoà bình, tôn trọng các nền văn hoá khác, hành động vì môi trường, sống hài hoà với thiên nhiên, v.v.. Trong quan hệ với nhân dân và các dân tộc trong khu vực, trên thế giới cần thể hiện rõ tinh thần yêu chuộng hòa bình, tôn trọng các nền văn hóa khác, sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ nhân dân các nước khi gặp thiên tai, hoạn nạn, v.v..

Thứ ba, giáo dục tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái. Tinh thần đoàn kết là một

trong những phẩm chất truyền thống quan trọng của người Việt Nam. Việc giáo dục tinh thần đoàn kết phải bắt đầu từ sự đoàn kết trong gia đình đến sự đoàn kết ở

trường lớp và đoàn kết trong các tổ chức xã hội. Giáo dục tinh thần đoàn kết cho trẻ em phải được thể hiện cụ thể ở thái độ: yêu quý, giúp đỡ bạn bè không chỉ trong một lớp, một trường mà còn với bạn bè xung quanh; cùng nhau cố gắng, xây dựng tập thể vững mạnh vì đoàn kết là sức mạnh của tập thể, có đoàn kết mới có thành công; biết đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, không nên ích kỷ chỉ nghĩ đến bản thân, vì từ đó sẽ dẫn đến mất đoàn kết.

Giáo dục lòng nhân ái, vị tha, bao dung, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong các mối quan hệ của gia đình và xã hội được biểu hiện ở lòng yêu thương con người, yêu thương bạn bè, đặc biệt là yêu thương, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình, sự thông cảm, sẻ chia với người khuyết tật, nghèo đói, v.v.. Truyền thống: “Thương người như thể thương thân” là nét văn hóa tạo nên tinh thần đoàn kết được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ tinh thần đoàn kết và lòng nhân ái đã giúp cho nhiều gia đình, nhiều cá nhân vượt qua những rủi ro, biến cố trong cuộc sống.

Thứ tư, giáo dục tinh thần học tập, tình yêu lao động. Việt Nam là một nước có

nền văn hiến lâu đời, có truyền thống tôn trọng học vấn và kiến thức. Chăm lo cho việc học tập của con cái ở thời đại nào cũng được các cha mẹ coi trọng và đề cao. Giáo dục tinh thần học tập cho trẻ em cần chú trọng đến việc rèn luyện đức tính cần cù, chăm chỉ, không ngừng phấn đấu để vươn lên trong học tập. Tinh thần ham học hỏi còn được thể hiện ở các hoạt động cụ thể diễn ra hàng ngày như: có thói quen chuẩn bị bài một cách có hệ thống và nghiêm túc, có ý thức tự giác trong học tập, đồ dùng, sách vở luôn giữ gìn sạch sẽ, cẩn thận, v.v.. Ý thức về tinh thần học tập, trẻ cần sắp xếp thời gian và giờ giấc học bài hợp lý, khoa học; lập bảng ghi nhớ những việc cần chuẩn bị trước khi học bài phải như lau dọn bài học sạch sẽ, chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập, v.v.. Khi làm bài xong phải sắp xếp sách vở trên mặt mặt bàn cho gọn gàng, ngăn nắp rồi mới đi chơi hoặc làm công việc khác. Giáo dục ý thức học tập cho các con phải gắn liền với việc giáo dục cho các con ý thức kính trọng, lễ phép với thầy cô giáo; coi trọng tri thức,

không ngừng học tập, phấn đấu để nâng cao trình độ của bản thân.

Các phẩm chất đạo đức được hình thành chủ yếu thông qua quá trình lao động, do đó lao động được coi là một trong những tiêu chí quan trọng nhất để đánh

giá đạo đức và tài năng của mỗi cá nhân trong xã hội. Việc giáo dục tình yêu lao động cho trẻ em gắn liền với việc giáo dục cho các em thái độ tôn trọng người lao động, quý trọng các sản phẩm lao động như: từ các sản phẩm để ăn, để mặc, đồ chơi, sách vở học tập, v.v. phải biết giữ gìn cẩn thận, sạch sẽ, tiết kiệm để đỡ tốn kém cho cha mẹ; tôn trọng mọi người lao động chân tay và lao động trí óc, bởi họ đều là những người lao động tạo ra sản phẩm cần thiết cho đời sống của con người trong xã hội. Giáo dục tình yêu lao động phải gắn liền với giáo dục kỹ năng, thói quen lao động tự phục vụ cho trẻ từ những việc đơn giản như: rửa mặt, đánh răng, ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ; giữ gìn, bảo quản, sắp xếp ngăn nắp đồ dùng cá nhân như mũ, nón, quần áo, giày dép, cặp sách, v.v. vào đúng nơi quy định; có tinh thần trách nhiệm đối với công việc, làm việc gì cũng phải đến nơi, đến chốn, hoàn thành tốt các công việc được giao phù hợp với khả năng của mình.

Thứ năm, giáo dục tính trung thực, khiêm tốn. Trong các tiêu chuẩn đánh giá phẩm hạnh của con người, tính trung thực được đặt lên hàng đầu. Thiếu trung thực

sẽ dẫn đến sự suy thoái về đạo đức, lối sống, dẫn đến sự dối trá, lừa lọc, đạo đức giả trong xã hội. Trung thực, khiêm tốn là một đức tính cần thiết đối với mỗi con người và làm nên bản chất của con người. Giáo dục tính trung, thực khiêm tốn giúp trẻ có bản lĩnh, tự tin tìm ra cách thức để vượt qua khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Bên cạnh đó, việc giáo dục tính trung thực, khiêm tốn luôn đi cùng với việc lên án sự dối trá, kiêu căng, tự cao, tự đại, ăn chơi, đua đòi, lãng phí, không biết được khả năng thực tế của mình, v.v. bởi lối sống này có ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ.

Thứ sáu, giáo dục truyền thống gia đình. Truyền thống gia đình là những giá (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

trị được tiếp nối từ thế hệ này qua thế hệ khác, đó là những giá trị vật chất lẫn tinh thần của cha ông, dòng họ để lại. Việc giữ gìn, phát triển giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình là nhiệm vụ, là niềm vinh hạnh và thể hiện sự kính trọng của thế hệ sau đối với thế hệ trước. Mỗi con người sống lương thiện và đạo đức đều mong muốn giữ gìn những giá trị đạo đức, văn hoá truyền thống tốt đẹp để tự hào về gia đình, dòng họ của mình. Khi mà sự giao thoa các giá trị đạo đức và văn hóa của các nền văn hóa khác nhau diễn ra mạnh mẽ thì việc giáo dục truyền thống gia đình cho con

cháu như một sợi dây gắn kết các thành viên, đồng thời tạo nên một “bộ lọc” hữu

hiệu trước sự du nhập của các yếu tố văn hóa ngoại lai. Giữ gìn truyền thống gia đình gắn liền với việc giữ gìn nề nếp gia phong, gia giáo trong gia đình. Đây chính là những nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự hình thành, phát triển và hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân trong suốt cuộc đời của mình.

Như vậy, nội dung giáo dục đạo đức trong gia đình bao gồm rất nhiều chuẩn mực đạo đức khác nhau. Tuy nhiên, những chuẩn mực đạo đức nêu trên là những chuẩn mực đạo đức cơ bản thường được các bậc cha mẹ đề cao và lựa chọn để giáo dục đạo đức cho trẻ em. Giáo dục đạo đức trong gia đình vừa bảo đảm cho sự phát triển về nhận thức, tình cảm và lý trí đạo đức đồng thời còn rất quan tâm đến việc thực hành đạo đức. Chú trọng việc thực hành đạo đức chính là một trong những đặc trưng cơ bản của giáo dục đạo đức trong gia đình so với giáo dục đạo đức trong nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, để hoạt động giáo dục đạo đức đạt hiệu quả thì cần phải có những phương pháp giáo dục đạo đức cụ thể thích ứng với sự phát triển về nhận thức, tình cảm, tâm sinh lý của trẻ em.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 58 - 63)