Khái niệm đạo đức và giáo dục đạo đức

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 44 - 49)

* Khái niệm đạo đức

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội phản ánh tồn tại xã hội, đó là sự phản ánh những quan hệ xã hội hiện thực được hình thành trên cơ sở kinh tế nhất định. Khi được hình thành, đạo đức có tính độc lập tương đối và có tác động trở lại tồn tại xã hội. Trong “Lời tựa” tác phẩm “Góp phần phê phán chính trị - kinh tế học”, Mác viết: “Phương thức sản xuất đời sống vật chất quyết định các quá trình sinh hoạt xã hội, chính trị và tinh thần nói chung. Không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ; trái lại, tồn tại xã hội của họ quyết định ý thức của họ” [75, tr. 15]. Luận điểm này chính là chìa khóa để khám phá tất cả các hiện tượng xã hội trong đó có đạo đức.

Đạo đức không phải là sự biểu hiện của một sức mạnh nào đó ở bên ngoài xã hội, bên ngoài các quan hệ của con người; cũng không phải là sự biểu hiện của những năng lực tự nhiên, nhất thành bất biến của con người. Với tư cách là sự phản ánh tồn tại xã hội, đạo đức là sản phẩm của những điều kiện sinh hoạt vật chất của xã hội, của cơ sở kinh tế và “Xét cho đến cùng, mọi học thuyết về đạo đức đã có từ trước đến nay đều là sản phẩm của tình hình kinh tế của xã hội lúc bấy giờ” [76, tr. 137]. Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, đạo đức sinh ra trước hết là từ nhu cầu phối hợp hành động trong lao động sản xuất vật chất, trong đấu tranh xã hội, trong phân phối sản phẩm để con người tồn tại và phát triển. Cùng với sự phát triển của sản xuất, các quan hệ xã hội, hệ thống các quan hệ đạo đức, ý thức đạo đức, hành vi đạo đức cũng theo đó mà ngày càng phát triển, ngày càng nâng cao, phong phú, đa dạng và tác động trở lại hoạt động sản xuất của xã hội.

Đạo đức là sản phẩm tổng hợp của các yếu tố khách quan và chủ quan, là sản phẩm của hoạt động thực tiễn và nhận thức của con người. Những quan hệ con người với con người, cá nhân với xã hội càng có ý thức, tự giác thì ý nghĩa và hiệu quả của chúng càng có tính chất xã hội rộng lớn. Theo từ điển Triết học, “Đạo đức là một trong những hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội thực hiện chức năng điều chỉnh hành vi của con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội… Trong đạo đức, sự cần thiết xã hội, những nhu cầu lợi ích của xã hội, hoặc của các giai cấp biểu hiện dưới những hình thức, những quy định và những sự đánh giá đã được mọi người thừa nhận và đã hình thành một các tự phát, được củng cố bằng sức mạnh của tấm gương của quần chúng, của thói quen, phong tục, dư luận xã hội, v.v..” [129, 156-157]. Với tính cách là một hình thái ý thức xã hội, một chế định xã hội, đạo đức có chức năng điều chỉnh hành vi của con người cho phù hợp với yêu cầu của xã hội và được hình thành một cách tự phát. Các hành vi đạo đức của con người chỉ có thể diễn ra trong các mối quan hệ cụ thể khi các chủ thể đạo đức ý thức một cách đầy đủ về mối quan hệ ấy và tự nguyện hành động vì lợi ích và hạnh phúc chân chính của con người vì yêu cầu của tiến bộ xã hội.

Nhà nghiên cứu đạo đức học nổi tiếng người Nga, G.Bandzeladze đã cho rằng: “Đạo đức là hệ thống những chuẩn mực biểu hiện sự quan tâm tự nguyện, tự giác của con người trong quan hệ với nhau và trong quan hệ với xã hội nói chung” [6, tr. 104].

Trong định nghĩa này, G.Bandzeladze đã nhấn mạnh đến động cơ đạo đức thể hiện sự

tự nguyện, tự giác của con người trong các quan hệ đạo đức. Như vậy, để phân biệt một hành vi nào đó có phải là hành vi đạo đức hay không, không chỉ căn cứ vào kết quả của hành vi mà còn phải căn cứ vào động cơ của hành vi. Theo G.Banzelladze, hành vi đạo đức phải xuất phát từ động cơ vô tư không vị kỷ, bởi sự đồng cảm, thông

cảm và lòng nhân đạo. Động cơ phục tùng dư luận xã hội cũng không phải là động cơ đạo đức, động cơ duy nhất của việc thiện chỉ có thể là lòng thông cảm, đồng cảm,

quan tâm đến người khác, không vụ lợi chứ không phải ở ý muốn được phần thưởng

tinh thần hoặc vật chất. Do đó, khi con người bất đắc dĩ làm việc thiện hoặc tự kiềm chế không làm việc ác thì hành vi của họ không phải là hành vi đạo đức. Hành vi đạo

mang lại lợi ích cho người khác, cho xã hội. Tuy nhiên, hành vi đạo đức vì lợi ích của người khác, của xã hội không có nghĩa là không bao hàm lợi ích cá nhân, bởi vì, “đối với người có đạo đức, lợi ích xã hội là những lợi ích chủ đạo của nó” và “Bản chất xã hội của đạo đức - xu hướng vươn tới sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội” [7, tr. 57]. Theo G.Bandzeladze: “Đạo đức của con người là năng lực phục vụ một cách tự giác và tự do những người khác và xã hội… Nơi nào không có hoạt động tự nguyện, tự giác của con người thì nơi ấy không thể có nhân phẩm, không thể thực sự có đời sống xã hội. Đặc trưng của đời sống con người và của bản thân tính người hoặc nhân phẩm là ở đạo đức và nội dung của đạo đức chính là năng lực phục vụ một cách tự giác lợi ích của người khác và của toàn xã hội” [6, tr. 48-49]. Như vậy, hành vi đạo đức là những hành vi xuất phát từ động cơ đạo đức dựa trên sự thống nhất giữa lợi ích cá nhân và lợi ích xã hội. Ngược lại, hành vi vô đạo đức là hành vi thực hiện chỉ nhằm phục vụ lợi ích bản thân mà xâm hại lợi ích người khác, lợi ích xã hội. Hành vi đạo đức được lặp đi, lặp lại nhiều lần, ổn định trở thành thói quen đạo đức, nếu không thực hiện hành vi đạo đức này thì con người cảm thấy khó chịu. Hành vi đạo đức của con người, khi đã trở thành thói quen đạo đức, dường như trở thành hành vi vô thức. Hình thành thói quen đạo đức chính là mục tiêu của giáo dục đạo đức, là giai đoạn cuối trong quá trình chuyển hoá từ đạo đức xã hội thành đạo đức cá nhân.

Từ phân tích trên, có thể hiểu khái niệm đạo đức như sau: Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, bao gồm hệ thống những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình vì lợi ích xã hội, hạnh phúc của con người trong mối quan hệ giữa con người và con người, giữa cá nhân và tập thể hay toàn xã hội [63, tr. 7]. Những nguyên tắc, chuẩn mực xã hội này có chức năng điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau, với xã hội, với tự nhiên trong quá khứ, hiện tại cũng như tương lai, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội. Trong gia đình, để đảm bảo sự ổn định của gia đình và để gia đình thực hiện tốt các chức năng của mình thì mỗi thành viên trong gia đình cần phải tuân thủ một cách thống nhất những nguyên tắc, chuẩn mực nhất định. Việc giáo dục các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức sẽ góp phần hình thành các phẩm chất đạo đức và nhân cách cho thế

hệ trẻ, đồng thời duy trì nề nếp gia phong, văn hoá gia đình, bảo đảm cho sự ổn định và phát triển của gia đình.

* Khái niệm giáo dục đạo đức

Giáo dục là hoạt động hướng tới con người thông qua một hệ thống các biện pháp tác động, nhằm truyền thụ những tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức cần thiết cho đối tượng, giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách phù hợp với mục đích, mục tiêu, chuẩn bị cho đối tượng những hành trang để tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội.

Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển tinh thần, thể chất của một đối tượng nào đó, làm cho đối tượng ấy dần dần có được những phẩm chất và năng lực như yêu cầu mà xã hội đã đề ra. Như vậy, nhờ thực hiện chức năng giáo dục, xã hội mới tạo ra được những con người có năng lực và phẩm chất nhân cách mang bản chất xã hội. Nếu thiếu hoạt động giáo dục sẽ không thể tạo ra quá

trình tái sản xuất các hoạt động vật chất và tinh thần khác. Trong hiện thực, mỗi cá

nhân vừa là chủ thể vừa là đối tượng của quá trình giáo dục đạo đức nhưng trẻ em luôn là đối tượng được quan tâm đặc biệt trong giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội. Và thiết chế giáo dục có trách nhiệm đầu tiên, quyết định đến sự hình thành phẩm chất đạo đức và nhân cách của trẻ em chính là gia đình. Cùng với giáo dục đạo đức trong nhà trường và xã hội, giáo dục đạo đức trong gia đình hướng đến thực hiện mục tiêu chung của giáo dục quốc gia là giáo dục trẻ em phát triển toàn diện cả đức và tài. Tuy nhiên, giáo dục đạo đức cho trẻ em trong phạm vi gia đình có nhiều ưu thế hơn vì gia đình là môi trường giáo dục đầu tiên nuôi dưỡng sự hình thành, phát triển của ý thức, hành vi, niềm tin và lý tưởng đạo đức. Để hiện thực hóa mục tiêu chung của giáo dục quốc gia, trước hết cần giáo dục cho trẻ các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức đã được cộng đồng lựa chọn và thừa nhận trở thành kinh nghiệm tập thể của cộng đồng. Các nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức này đã được trải nghiệm, được sắp xếp theo một trật tự, thứ bậc để định hướng hành động và định hướng giá trị hành vi đạo đức của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng. Do đó, giáo dục các giá trị, chuẩn mực đạo đức sẽ tác động đến nhận thức, tình cảm đạo đức, đồng thời

là hoạt động nhằm tác động một cách có hệ thống đến sự phát triển nhận thức, tình cảm và hành vi đạo đức của một đối tượng người, làm cho đối tượng đó dần dần có được những phẩm chất đạo đức và nhân cách, đáp ứng yêu cầu mà xã hội đã đề ra.

Do mỗi thiết chế giáo dục có vị trí, vai trò, môi trường và điều kiện giáo dục khác nhau nên kết quả giáo dục đạo đức cũng có sự khác nhau. Giáo dục đạo đức trong nhà trường là hoạt động giáo dục đạo đức được diễn ra trong mối quan hệ tương tác giữa thầy và trò với mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục cụ thể. Thông qua các môn học như: môn Đạo đức ở tiểu học, môn Giáo dục công dân, môn Ngữ văn, môn Lịch sử, v.v. giáo viên sẽ cung cấp các tri thức đạo đức cho học sinh góp phần bồi dưỡng nhân cách và tài năng để các em trưởng thành và trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Giáo dục đạo đức của xã hội được tiến hành thông qua những hoạt động, phong trào của các tổ chức đoàn thể, các tổ chức xã hội nhằm tác động đến nhận thức, tình cảm và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân nói chung trong đó có trẻ em. Các tổ chức đoàn đội, tổ dân phố, các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo, v.v. cùng tham gia vào việc giáo dục đạo đức, điều chỉnh nhận thức và hành vi đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội, góp phần hình thành phẩm chất đạo đức và nhân cách của con người mới XHCN. Khác với giáo dục đạo đức trong nhà trường và xã hội, giáo dục đạo đức trong gia đình là hoạt động giáo dục diễn ra trong phạm vi gia đình nhằm tác động đến nhận thức, tình cảm và hành vi đạo đức của các thành viên trong gia đình. Trong gia đình, việc giáo dục đạo đức cho trẻ em luôn được các bậc cha mẹ quan tâm đặc biệt. Bởi trẻ em là lứa tuổi đang phát triển thường có những thay đổi rất mạnh mẽ về thể chất, tâm lý, tình cảm, v.v. nên rất cần có sự quan tâm chăm sóc và giáo dục đặc biệt của gia đình.

Như vậy, giáo dục đạo đức có thể diễn ra trong các môi trường giáo dục khác nhau nhưng đều hướng đến mục đích chung là bồi dưỡng, rèn luyện hành vi đạo đức cho mỗi cá nhân, góp phần tạo ra những người con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt của xã hội. Trong giáo dục đạo đức xét đến cùng, chủ yếu là phải tổ chức thực hiện hành vi đạo đức với sự dẫn dắt của động cơ đạo đức và ý thức đạo đức tương ứng. Trong khi tiếp nhận sự tác động của quá trình giáo dục, đối tượng giáo dục sẽ dần dần hình thành ý thức đạo đức – động cơ thôi thúc việc thực hiện hành vi

đạo đức để chuyển đạo đức xã hội thành đạo đức cá nhân. Quá trình này cũng bao hàm cả việc tự giáo dục, tự hoàn thiện nhân cách của cá nhân nhằm đáp ứng những yêu cầu mà xã hội đề ra. Như vậy, giáo dục đạo đức có vai trò quan trọng đối với tất cả các thành viên trong gia đình và xã hội, là cơ sở để nhân rộng các hành vi đạo đức và đảm bảo cho sự phát triển hài hòa và ổn định của xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục đạo đức trong gia đình việt nam hiện nay (Trang 44 - 49)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)