Cơ chế chính sách

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch sinh thái tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (Trang 98 - 100)

5. Bố cục của luận văn

4.2.1.Cơ chế chính sách

4.2.1.1. Cơ chế chính sách đối với khách du lịch

Phải có những chính sách đồng bộ trong việc quy hoạch giá vé vào khu du lịch, nghỉ dưỡng. Giá vé tàu khách, giá nhà nghỉ, nhà hàng phải được quy định rõ ràng, tránh tình trạng vào ngày đông khách tàu du lịch tăng giá, nhà nghỉ tăng giá, tàu du lịch trở quá tải dẫn đến mất an toàn cho du khách tham gia. Đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch. Quản lý tốt các bộ phận tham gia các dịch vụ du lịch phục vụ khách như gửi đồ, chụp ảnh...tránh tình trạng chèo kéo, chặt chém. Phải đưa ra những nội quy của khu du lịch để du khách thực hiện, giáo dục, thuyết minh môi trường đối với du khách thông qua đội ngũ những người phục vụ du lịch, hướng dẫn viên, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường sinh thái tại nơi du lịch cho khách. Trên tàu cao tốc, hành khách cần được tuyên truyền phổ biến an toàn trên biển, cách xử lý tình huống khi tàu gặp sự cố.

4.2.1.2. Đối với ban quản lý

Cần ban hành những cơ chế chính sách cụ thể về những quy định chung trong quá trình làm việc. Thường xuyên mở lớp bồi dưỡng đào tạo, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ công nhân viên ngành về phương thức quản lý, nâng cao

trình độ ngoại ngữ, phát huy tính sáng tạo trong công việc, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh.

4.2.1.3. Đối với cộng đồng địa phương tham gia hoạt động du lịch

Hoạt động du lịch sinh thái trên huyện đảo Cô Tô đưa vào khai thác chưa lâu nên trình độ, nghiệp vụ của người dân địa phương còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp. Ban quản lý dự án phát triển du lịch sinh thái cần có những hỗ trợ cần thiết cho cộng đồng địa phương như: vốn, phương tiện làm việc, mở lớp đào tạo miễn phí nghiệp vụ cơ bản về du lịch và tuyên truyền giáo dục về những nguyên tắc DLST, bảo vệ tài nguyên tự nhiên và môi trường, tài nguyên du lịch nhân văn. Vì chính họ sẽ là những người phục vụ khách du lịch, nhắc nhở khách giữ vệ sinh môi trường khu du lịch. Quy hoạch những khu bán hàng có trật tự, quy mô, xây dựng nhà chờ cho khách, tạo điều kiện thuận lợi cho khách tham gia du lịch. Chia sẻ lời ích thu được từ hoạt động du lịch với cộng đồng địa phương, khuyến khích người dân tham gia du lịch một cách nhiệt tình, có trách nhiệm, ứng xử với khách du lịch theo phong cách của người làm du lịch.

Cần có những cơ chế chính sách tuyển dụng và sử dụng lao động nhất là lao động địa phương để giúp người dân địa phương cải thiện chất lượng cuộc sống, giúp họ nhận thức được lợi ích của việc phát triển du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái. Tạo điều kiện cho người dân địa phương có khả năng trình độ tham gia vào những hoạt động quản lý, ra quyết định, nâng cao vai trò làm chủ cho người dân.

4.2.1.4. Đối với các nhà đầu tư phát triển du lịch sinh thái

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân khi tham gia vào hoạt động kinh doanh du lịch. Phát huy sức mạnh tổng hợp giữa các thành phần kinh tế, thông qua cơ chế chính sách ưu đãi, thông thoáng, cải cách thủ tục hành chính trong khâu thu hút vốn đầu tư, giảm các thủ tục hành chính phiền toái, ưu tiên giảm thuế có thời hạn khi kinh doanh chưa có lãi. Khuyến khích hơn nữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào các khu vui chơi giải trí, thể thao, nghỉ dưỡng, các dịch vụ cao cấp. Đặc biệt cần có những chính sách để ưu tiên những dự án có quy mô lớn, kinh doanh sản phẩm cao cấp, những loại hình du lịch mới hấp dẫn, làm phong phú sản phẩm du lịch.

4.2.1.5. Đối với khu du lịch

Cần có những cơ chế chính sách sử dụng đất đai hợp lý vào mục đích quy hoạch, tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch. Không quy hoạch, cấp phát đất bừa bãi gây ảnh hưởng đén môi trường và cảnh quan tự nhiên. Về vật liệu xây dựng, khuyến khích sử dụng những vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, tạo nét hài hòa với cảnh quan môi trường, tránh gây ô nhiễm và phá vỡ cảnh quan.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, kết hợp tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn tạo thành những sản phẩm hấp dẫn và độc đáo mang tính đặc trưng của khu. Lợi ích thu được từ hoạt động du lịch phải được sử dụng trở lại để hỗ trợ cho công tác bảo tồn và tôn tạo tài nguyên du lịch. Có như vậy thì du lịch mới có thể phát triển bền vững và phục vụ lợi ích lâu dài.

Một phần của tài liệu Phát triển du lịch sinh thái tại huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh (Trang 98 - 100)