6. Cấu trúc của đề tài
2.3.3. Tình hình khai thác tiềm năng du lịch cho phát triển sản phẩm
Thế mạnh của Đăk Lăk là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, các sản phẩm và loại hình du lịch đặc trưng của địa phương đều dựa trên cơ sở tiềm năng về du lịch sinh thái (các thác nước, sông hồ, rừng tự nhiên, cà phê, voi,...), du lịch văn hóa (kiến trúc và đời sống buôn làng, văn hóa cồng chiêng, lễ hội của các dân tộc...) trên địa bàn, trong đó Buôn Mê Thuột là nơi tiếp đón, trung chuyển khách du lịch đến các điểm du lịch, khu du lịch khác trong tỉnh.
Tuy nhiên, do tác động từ các công trình thủy điện nên tài nguyên du lịch sinh thái, cảnh quan môi trường tự nhiên ngày càng suy kiệt nghiêm trọng, công tác bảo tồn và phát huy nét đặc sắc của văn hóa đồng bào các dân tộc gặp nhiều khó khăn, đã ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ du lịch (đặc biệt là việc kéo dài thời gian lưu trú của du khách), đồng thời tác động tiêu cực đến công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch. Những tài nguyên du lịch tại các thác nước tự nhiên (điểm tham quan) như thác Bảy Nhánh (huyện Buôn Đôn), thác Krông Kmar (huyện Krông Bông); thác Dray Nur, thác Dray Sáp Thượng (huyện Krông Ana) ngày càng suy kiệt nghiêm trọng do thủy điện, ảnh hưởng đến các hoạt động phục vụ du lịch, nhất là việc kéo dài thời gian lưu trú của du khách, đồng thời tác động tiêu cực đến công tác thu hút đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch...
Trong những năm qua, việc khai thác tiềm năng du lịch (các giá trị tự nhiên và văn hóa, các tài nguyên du lịch) phục vụ phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch cũng đã có những bước chuyển biến nhất định. Nhiều sản phẩm du lịch đã được định hình, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đã từng bước hoàn thiện, khách du lịch đến với Đăk Lăk nhìn chung đã có những đánh giá khá tốt.
Tuy nhiên đến nay, du lịch Đăk Lăk mà điển hình là du lịch Buôn Mê Thuột vẫn chưa khai thác tốt các tiềm năng tự nhiên và nhân văn để phát triển du lịch, phát triển các sản phẩm cũng như loại hình du lịch. Các chỉ tiêu chuyên ngành như số lượt khách du lịch, ngày lưu trú trung bình nhìn chung còn thấp, thậm chí số ngày lưu trú trung bình của du khách cũng có xu hướng giảm so với trước đây. Sản phẩm, dịch vụ du lịch không nhiều. Ngay đối với các điểm đến đã được đưa vào các
chương trình du lịch và được nhiều du khách biết đến thì cũng còn tồn tại những bất cập, từ cách thức tổ chức tiếp đón và phục vụ, cơ sở vật chất – kỹ thuật, nghệ thuật trình diễn, giới thiệu và chào bán sản phẩm, mẫu mã, dịch vụ, môi trường... khiến cho hiệu quả khai thác tài nguyên và quảng bá du lịch bị hạn chế.
Toàn tỉnh mà chủ yếu là thành phố Buôn Mê Thuột vẫn thiếu những công trình dịch vụ vui chơi giải trí có quy mô đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của nhân dân và khách du lịch. Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cảnh quan môi trường tại các điểm du lịch có dấu hiệu bị xuống cấp chưa được khắc phục kịp thời.
Trong khi đó, một thế mạnh của Buôn Mê Thuột – Đăk Lăk là cà phê với thương hiệu sản phẩm nổi tiếng thế giới, lại chỉ được biết đến nhiều về góc độ giá trị nông sản, thực phẩm đồ uống, mà chưa được tận dụng tốt để khai thác dưới góc độ du lịch văn hóa ẩm thực, sinh thái. Những giá trị văn hóa Tây Nguyên đặc sản vẫn chưa được khai thác một cách tương xứng.