Tài nguyên du lịch

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch cà phê thành một trong những thương hiệu chính của du lịch đăk lăk (Trang 29 - 31)

6. Cấu trúc của đề tài

2.1.2.Tài nguyên du lịch

a) Tài nguyên du lịch tự nhiên

Đăk Lăk là một trong số tỉnh, thành ở nước ta có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Thắng cảnh nơi đây hấp dẫn bởi vẻ đẹp hùng vĩ, lãng mạn. Với cấu tạo địa hình đa dạng,xen lẫn các dòng sông là núi đồi, ao hồ, ghềnh thác cùng với những khu vực rừng nguyên sinh đã tạo ra nhiều thác nước đẹp nổi tiếng như Thác Krông Kmar, Drai Nur, Bảy nhánh,... nhiều hồ lớn với diện tích từ 200 - 600 ha như hồ Lăk, hồ Ea Đờn, hồ Ea Kao, hồ Đak Minh, hồ Ea Nhaie…rất phù hợp cho việc tổ chức các hoạt động du lịch.

Đăk Lăk có nhiều Vườn Quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, nhiều khu rừng nguyên sinh với các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là voi. Trong đó, Vườn quốc gia Yok Don, vườn Quốc gia Cư Yang Sin, các khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka, Ea Sô...là những nơi thu hút được nhiều khách tham quan du lịch và giới nghiên cứu khoa học nhất bởi sự đa dạng hệ sinh thái của nó.

Cà phê Buôn Mê Thuột, sản vật nông nghiệp nổi bật nhất của Đăk Lăk, trên phương diện du lịch, khai thác các giá trịcà phê có khả năng hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Các sản phẩm lưu niệm từ cà phê như tranh bằng hạt cà phê, các sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê. Lễ hội cà phê Buôn Mê Thuột được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức định kỳ 2 năm một lần, tỉnh Đăk Lăk đã tổ chức thành công 5 kỳ gồm cả Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V – 2015 nhân kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Mê Thuột, giải phóng tỉnh Đăk Lăk (10/3/1975 – 10/3/2015), các lễ hội đã nâng tầm quan trọng và khẳng định vị trí của Buôn Mê Thuột như thủ phủ của cà phê Việt Nam, tạo tiếng vang cho tỉnh cũng như thu hút lượng khách đến.

Tài nguyên du lịch sinh thái với hệ thống sông suối phong phú mà tiêu biểu là sông Sêrêpôk với hai nhánh chính Krông Ana và Krông Nô chảy ngược theo hướng Đông Tây qua địa phận Đăk Lăk hàng trăn km trên địa hình chia cắt mạnh,

chênh lệch độ cao lớn, qua nhiều bậc đã hình thành hàng chục thác ghềnh ngoạn mục (thác Dray Sáp thượng, thác Dray Knao, Dray Nur, thác Ba tầng, thác Thủy Tiên, thác Bảy tầng, thác Bảy Nhánh…), tất cả đều ẩn mình trong những cánh rừng nguyên sinh tạo nên khung cảnh vừa dữ dội mạnh mẽ vừa kỳ bí thơ mộng.

Hồ Lắk là biểu hiện cho sự đa dạng về tài nguyên du lịch của Tỉnh với hệ sinh thái đất ngập nước nằm trên cao nguyên, tuy thủy vực không lớn như các vùng ngập nước khác ở đồng bằng nhưng nơi đây là vùng dân cư lâu đời với dân tộc bản địa có tiềm năng về du lịch nhân văn và những đặc điểm riêng về sinh cảnh tạo nên một sắc thái riêng biệt trong khu vực Tây Nguyên. Hệ sinh thái rừng nhiệt đới tại Đăk Lăk hình thành khá lý thú và đặc sắc, là nơi có sự chuyển tiếp giữa các hệ sinh thái điển hình của rừng nhiệt đới: rừng thường xanh chuyển tiếp với rừng khô hạn, và rừng bán thường xanh chuyển tiếp với rừng khô hạn.

b) Tài nguyên du lịch nhân văn

Ở Đắk Lắk còn lưu giữ được nền văn hoá truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc đang tồn tại và phát triển như âm thanh của các loại cồng chiêng, đàn đá và những nhạc cụ thô sơ làm từ chất liệu của núi rừng, những điệu múa, lời ca của cộng đồng các dân tộc Êđê, M’nông, Gia Rai..., các sản phẩm làng nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát, điêu khắc; các trường ca Đam San, Xinh Nhã, Đam Bri, Cây Nêu thần...đều gây được ấn tượng cho du khách khi đến với nơi đây.

Các giá trị văn hóa từ Di sản thế giới, một niềm tự hào cho Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa thế giới (UNESCO) công nhận là kiệt tác truyền khẩu - Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 25/11/2005. Đối với du lịch “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đặc biệt có giá trị cao, có khả năng tạo thành những sản phẩm hấp dẫn khách du lịch như các tour tham quan văn hóa, các tour lễ hội cồng chiêng, các sản phẩm lưu niệm…

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, cách mạng gắn với 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ với hàng chục di tích nổi tiếng như: Nhà đày Buôn Mê Thuột, Đình Lạc Giao – nơi biểu hiện cho sự hiện diện của nền văn minh lúa nước

của cộng đồng người Việt ở Đăk Lăk. Hơn nữa, Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk mới đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động được đánh giá là một trong những Bảo tàng cấp tỉnh lớn nhất cả nước, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan tìm hiểu. Ngoài ra, còn có Hang đá Đăk Tuôr, đồn điền Ca Đa, Biệt điện Bảo Đại – dấu ấn của triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam, đường Hồ Chí Minh lịch sử…

Ở Đăk Lăk hiện có 57 di tích thắng cảnh, lịch sử văn hóa đã được kiểm kê, phân bố trên địa bàn toàn tỉnh. Trong đó, có 21 di tích đã được công nhận, gồm 15 di tích cấp quốc gia, 6 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Dù vậy, thời gian qua ngành du lịch địa phương vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chưa thực sự khẳng định vị thế, vai trò là một trong những ngành kinh tế quan trọng, có khả năng mang lại hiệu quả, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống của xã hội.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch cà phê thành một trong những thương hiệu chính của du lịch đăk lăk (Trang 29 - 31)