6. Cấu trúc của luận văn
3.3.1. Ngôn ngữ trần thuật thể hiện đặc trưng phương ngữ Nam Bộ
Ngôn ngữ trong tác phẩm văn học là thứ ngôn ngữ tổng hoà các phong cách ngôn ngữ chức năng. Việc vận dụng nó như thế nào trong quá trình sáng tác là tuỳ thuộc vào sở trường của mỗi nhà văn. Bên cạnh vốn từ ngữ chung, ngôn ngữ của mỗi nhà văn lại mang đặc trưng riêng của từng vùng, miền. Là nhà văn có nhiều năm gắn bó với núi rừng Đông Nam bộ, Lý Văn Sâm đã chứng tỏ được phong cách riêng trong việc đưa ngôn ngữ địa phương vào trong tác phẩm, đặc biệt là thể loại truyện ngắn.
Khác với ngôn ngữ mộc mạc, giàu tính ước lệ của Trương Vĩnh Ký hay Hồ Biểu Chánh, cũng không giống với ngôn ngữ mang đậm chất sông nước của Sơn Nam, ngôn ngữ của Lý Văn Sâm thường mang đậm phong vị miền rừng núi Nam bộ. Nhà văn đã rất thành công trong việc đưa ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày, những từ biến âm, kể cả ngôn ngữ của người dân tộc thiểu số vào trong tác phẩm của mình. Điều này thể hiện khá rõ ở truyện ngắn
Răng Sa Mát. Trong truyện xuất hiện hàng loạt yếu tố ngôn ngữ biến âm hay ngôn ngữ của tộc người thiểu số như “Bạp, bồn, klìu, Troomfkuangbra, liệp hộ, cắp ná, đội lớp, hườn, ngấm mình, phân thây …”. Ngoài ra, ở một số truyện ngắn khác, người đọc cũng có thể bắt
gặp rất nhiều yếu tố ngôn ngữ mang đặc trưng thổ ngơi Nam Bộ như: chun vào, hóng nắng,
lọ mọ, chịu hôn, coi mòi, trượng nhiệm, nê, con trùn, lém đém…
Bên cạnh những đặc điểm mà những nhà văn Nam Bộ khác thường vận dụng, Lý Văn Sâm đã thể hiện được những nét riêng của mình. Đó là cách diễn đạt khéo léo mà không quá cầu kì, hoa mĩ; mộc mạc, chân thành, giản dị, dễ hiểu nhưng cũng không vì thế mà mất đi tính thẩm mỹ của ngôn ngữ văn học. Nét riêng ấy thể hiện trong việc sử dụng thuần thục ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày. Ngôn ngữ sinh hoạt hàng ngày vốn vô cùng phong phú, đa dạng và phức tạp. Lý Văn Sâm là nhà văn thuần tuý Nam bộ, lớn lên giữa vùng núi rừng thâm u và cao cả vì thế cuộc sống chốn núi rừng đã ăn sâu vào tiềm thức của ông. Đến khi cầm bút, con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương cũng đi vào những trang văn của ông một cách tự nhiên, gần gũi. Đọc truyện ngắn của Lý Văn Sâm, ta có dịp làm quen với lời ăn tiếng nói của con người vùng núi rừng Đông Nam bộ qua ngôn ngữ của nhân vật và chính người kể chuyện.
Biểu hiện dễ thấy nhất chính là lối xưng hô, gọi tên nhân vật mang đậm dấu ấn núi rừng Đông Nam bộ. Trong giao tiếp người Nam bộ thường gọi nhau bằng lối xưng hô thứ bậc trong gia đình, vì thế trong các truyện ngắn của mình, Lý Văn Sâm thường gọi nhân vật bằng những cái tên quen thuộc dễ nhớ như bác Năm Trừu, ông Ba, cô Sáu, dượng Sáu, thầy Hai, anh Tư lục lộ, Ba Lũy…Ngoài ra, Lý Văn Sâm còn gọi nhân vật của mình bằng những cách gọi thân mật hàng ngày như: “cổ” thay cho “cô ấy”; “mình” thay cho “em hoặc anh trong quan hệ vợ chồng”. Thỉnh thoảng, ta còn bắt gặp trong tác phẩm của ông những cách gọi khá mới nhưng gần gũi với lối xưng hô quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của con người nơi đây như “lão” thay vì ông ấy, “bây” thay cho bay
Kết hợp với cách gọi tên nhân vật, lối tả cảnh sinh hoạt hàng ngày bằng những từ ngữ địa phương cũng tạo cho ngôn ngữ trong truyện ngắn Lý Văn Sâm một nét riêng khá độc đáo. Để chỉ một thời điểm ông dùng từ một bận, từ khệnhthay vì nện.
Khi miêu tả một nhân vật hay một khung cảnh nào đó, ông thường sử dụng một lớp từ bình dân thông thường, kèm theo những từ ngữ địa phương rất dân dã. Đây là hình ảnh của ông lão trong truyện ngắn Một con chó sủa hóng chiều ba mươi tết “ Mặc kệ! Không ai sống với lão thì lão sông với con chó của lão vậy. Cần đách gì, cái giống người gian ngoan đã xử sự không ra gì với lão!
Con chó ăng ẳng. Ông già ho khàn khàn.
Có nhiều đêm không tiền mua dầu, ông già ôm con chó nhỏ khóc thầm trong bóng tối. Nhà lạnh như nhà của giống ma ranh. Muỗi hát vo vo. Con đom đóm lập loè theo gió bay tạt vào nhà như con mắt xanh xanh, chớp chớp của loài ngạ quỷ. Ông lão thấy nhớ con trai quá. Không biết gã sống hay đã chết rồi. Côn Nôn là ở đâu? Đời sống của người đi đày có được mát mẻ như gió biển” [43, tr. 631]
Trong ngôn ngữ đối đáp của nhân vật cũng thế, cách nói của nhân vật tự nhiên gần gũi như người ta vẫn thể hiện trong cuộc sống hàng ngày, nhà văn rất ít khi gia công. Tuy nhiên, những từ ngữ đời thường ấy được dùng đúng chỗ tạo nên những giá trị biểu cảm riêng “Người ta cười lên sằng sặc, hò hét tưng bừng cho đén khi con trâu quỵ hẳn xuống đất. Bây giờ người ta xông lại dung dao xẻ thịt trâu liệng vào lửa nướng sơ sài rồi ăn, vừa nút rượu cần, vừa ôm nhau vật ngã lăn xuống đất. Cứ thế, người ta say ngày này qua ngày nọ.” [43, tr.344]
Có thể nói, việc sử dụng ngôn ngữ trần thuật mang thổ ngơi Nam bộ, sử dụng từ ngữ, câu văn, hình ảnh giàu sắc thái Nam bộ trong trần thuật đã tạo nên những dấu ấn trong phong cách ngôn ngữ của Lý Văn Sâm. Điều này lý giải tại sao tác phẩm của Lý Văn Sâm đi vào lòng độc giả nhiều thế hệ.