6. Cấu trúc của luận văn
2.2.1. Một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng gắn với cuộc sống cách mạng và
Truyện ngắn là hình thức tự sự cỡ nhỏ nên nhân vật của truyện ngắn cũng chịu sự chi phối của đặc điểm này. Nhân vật của truyện ngắn cũng là nhân vật tự sự nhưng có những điểm khác so với nhân vật tự sự của tiểu thuyết. Nếu ở tiểu thuyết, nhân vật chính được xây dựng là một thế giới thì nhân vật trong truyện ngắn là một mảnh nhỏ của thế giới. Các tác giả của truyện ngắn thường hướng tới khắc hoạ một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn con người chứ không nhằm khắc hoạ những tính cách điển hình, có cá tính đầy đặn, nhiều mặt trong tương quan với hoàn cảnh như ở tiểu thuyết. Nhân vật trong truyện ngắn thường là hiện thân cho một trạng thái tồn tại của con người chứ không phải là toàn bộ tồn tại của con người trong mọi mối quan hệ đối với xã hội.
Hầu hết truyện ngắn Lý Văn Sâm được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân pháp lần thứ hai. Bởi vậy dù là đề tài quốc sử hay mang hơi hướm đường rừng đều mang dấu ấn của cuộc sống và con người đương thời. Đó là những phiến đoạn trong cuộc sống đời thường của con người ở vùng đất Đông Nam bộ nói chung, vùng đất Đồng Nai nói
riêng. Môi trường ấy là nơi tồn tại của nhiều thành phần xã hội, nhiều đối tượng con người khác nhau, vì vậy qua sáng tác của ông, chúng ta có dịp tiếp cận với một thế giới nhân vật phong phú, đa dạng và không kém phần phức tạp. Ở đó có những lão nông kiên trung, giàu lòng yêu nước như cô Sáu, bác Năm Trừu, (Người thổi sáo ở Bến Xuân), bác Bảy Hội (Chuyện ấy đã qua rồi), những người con kháng chiến dũng cảm, gan dạ, tình nghĩa sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn như Trực, Việt, chiến sĩ Thọ, Hùng, cô lái đò tên Tiệp, anh Tư lục lộ, Lê …(Ngày ra đi, Đường vào đất Thục, Đờn Chìn kha la, Sứ mạng, Qua bến lạnh, Tiếng rên trong rừng lạnh, Tàn một mùa ve). Ở đó, còn có cả sự góp mặt của những con người hiền lành chất phác, thuỷ chung, nghĩa hiệp như Răng Sa Mát, Kòn Trô, Cả Tiễn, Châu Phiên (Răng Sa Mát, Kòn Trô, Mũi tổ, Rồng bay trên núi Gia Nhang). Viết về họ, Lý Văn Sâm đã khắc hoạ sống động cuộc sống của con người ở vùng đất Đồng Nai.
Đó còn là những người trí thức bế tắc, quẩn quanh, bị gia đình vợ con trói buộc, đành đánh mất lý tưởng, mất cả bạn bè, và bế tắc không biết về đâu như Mùi, Hoàng, Huyền, Trọng, ( Một cốt truyện mới, Tàn một muà Thơ, Thèm Một Ngọn Đèn, Ngàn Sau Sông Dịch, Mưa sài Gòn).
Ngoài ra, trong truyện ngắn Lý Văn Sâm ta còn thấy cả sự hiện diện của những nhân vật dã sử, những nhân vật đám đông hay ở một số truyện ngắn, đôi khi còn có sự xuất hiện của loài vật (Ngăn rạch bắt sấu, Voi đội đèn, Một con chó sủa hóng chiều ba mươi tết…)
Ở mỗi đối tượng nhân vật, Lý Văn Sâm đều tập trung khắc hoạ những nét đặc trưng nhất. Với bất kì truyện ngắn nào, người đọc cũng có thể hình dung được nhân vật như đang hoạt động, hay hiện diện một cách sống động trước mắt. Người đọc sẽ khó có thể quên một chàng tướng cướp hào hiệp, giang hồ mã thượng, giàu khát vọng tự do Kòn Trô, một Cả Tiễn dành mũi tên cuối cùng của đời mình cho tổ quốc, chấp nhận mù mắt khi bắn tên lính Ấn-Anh , phạm vào Mũi Tổ hay người chiến sĩ chấp nhận chết khô, treo trên cầu khi cứu người đồng bào (Tiếng Rên Trong Rừng Lạnh). Có thể nói, Lý Văn Sâm đã làm nên một bộ sưu tập nhân vật độc đáo thuộc đủ các tầng lớp trong xã hội Việt Nam. Thông qua thế giới nhân vật ấy, chúng ta có dịp hiểu sâu hơn tâm tư tình cảm cũng như những khát vọng chân thành của nhà văn dành cho cuộc đời và con người.
2.2.1.1. Nhân vật người trí thức
Trên hết, Lý Văn Sâm nhìn cuộc đời và con người bằng đôi mắt của một người trí thức tiểu tư sản ôm ấp khát vọng tự do lại phải sống trong những tháng ngày bế tắc, đầy bi
kịch, chưa nhận được đường đi. Để giải toả sự nặng nề của tâm hồn, nhà văn đã đến với văn chương. Những trải nghiệm bản thân của ông, vì thế, đã hiện diện trong rất nhiều truyện ngắn. Đặc biệt là khi ông đặt bút viết, nhà văn rất quan tâm đến những người trí thức. Dưới ngòi bút của ông hình ảnh người tri thức tiểu tư sản nghèo hiện lên đậm nét giữa cuộc sống bế tắc, quẩn quanh với món nợ cơm áo nơi vùng thành thị. Đây có thể xem là một trong những loại hình tượng nhân vật làm nên nét riêng cho văn chương Lý Văn Sâm.
Mỗi nhà văn có một cách cảm nhận riêng về người trí thức. Với tư cách là một nghệ sĩ – một nhà văn, Lý Văn Sâm tìm thấy ở họ không chỉ có sự tài hoa mà còn là sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước. Chính điều đó đã thực sự tạo nên phong cách riêng của nhà văn khi khắc hoạ chân dung người trí thức trên các nẻo đường kháng chiến, đặc biệt là hình ảnh người trí thức mỏi mòn, quẩn quanh, khao khát một ngọn đèn khi phải sống trong chế độ tù hãm. Đây có thể được xem là một cống hiến xuất sắc của ông đối với văn học thời kì này. Bản thân Lý Văn Sâm là một trí thức theo Cách mạng, nhưng lại hoạt động công khai trong lòng địch, vì thế nhà văn có những hiểu biết sâu sắc, phong phú về cuộc đời thực của người trí thức. Như ông đã từng nói “Đây là môi trường quen thuộc gồm gia đình, bạn
bè và bà con các khu lao động nơi tôi thường đi lại hoặc ở trọ lâu ngày. Và cả chính tôi nữa! Kinh nghiệm rút ra của tôi là viết về môi trường và những già thân thuộc là dễ hay, dễ thành công hơn cả” [46, tr.490]
Nhân vật người trí thức trong truyện ngắn của Lý Văn Sâm rất đa dạng. Họ có thể sống bằng nhiều cách khác nhau: làm văn, viết thơ, chạy báo … nhưng họ lại có chung một hoàn cảnh sống đầy những đau đớn vật vã. Đặc biệt, ở đây, ta thấy Lý Văn Sâm rất tinh tế khi ông đi sâu, miêu tả hình ảnh khốn đốn, chật vật cả về vật chất lẫn tinh thần của người trí thức nghèo thành thị. Dường như, ta bắt gặp ở đó sự tương đồng giữa Lý Văn Sâm và Nam Cao.
Trong những tác phẩm viết về người trí thức của Nam Cao, ta cũng bắt gặp đầy rẫy những mộng ước vỡ tan, những lo toan vụn vặt, những khổ đau dằn vặt của nhân vật bởi họ rơi vào bi kịch vỡ mộng của người trí thức. Những mộng ước, những lo toan, dằn vặt của văn sĩ Hộ, của thầy giáo Thứ cũng không khác nhiều so với những dằn vặt đau khổ của Mùi, Huyền, Trọng hay Hoàng trong truyện ngắn của Lý Văn Sâm. Khác chăng chính là nhân vật người trí thức của Lý Văn Sâm sống trong một bối cảnh mới. Vì thế, ngoài việc phân tích
những lo toan vụn vặt thường nhật đè chặt cuộc đời, làm tàn héo ước mơ của con người thì nhà văn còn có dụng ý tố cáo hiện thực xã hội đương thời.
Đô thị là nơi con người tận mắt chứng kiến và chiêm nghiệm nỗi đau, nỗi thất vọng của bản thân. Xã hội ấy, theo miêu tả của Lý Văn Sâm thì “Sự sống xem ồn ào vui vẻ, thật
ra tẻ ngắt và buồn tanh” [43, tr.538]. bởi con người ở đấy còn mải “xô nhau đi lại như những kẻ gian. Lòng nặng trĩu bài toán sanh kế. Đầu nặng những tư tưởng gian ngoan. Chẹt nhau để mà sống.” [43, tr.547]. Dưới con mắt quan sát của nhà văn thì xã hội ấy “Cơ
man loại vi trùng đang hoạt động trong những sanh tế bào của một con bịnh” [43, tr.547].. Không gian sống ngột ngạt ấy luôn tồn tại sự đối lập giữa cảnh rực rỡ phồn hoa đô hội với những hình ảnh đói khổ cô đơn, tẻ nhạt trong cuộc sống tầng lớp dân nghèo thành thị. Ở đó, không ít kẻ ích kỷ, keo kiệt trước nỗi thống khổ của đồng loại (Ngoài mưa lạnh, Oan Gia). Chiến tranh xâm lược gây ra biết bao thảm cảnh, đưa đẩy, biến cuộc sống của con người nói chung, người trí thức nói riêng thành ra tù túng như chính căn nhà của họ “Giữa căn nhà chật hẹp như một chiếc quan tài…” [43, tr.467]. Sự chật hẹp đó không dừng lại trong mái nhà lá rách nát mà còn rộng hơn là cả không gian đô thị nơi mà: “Chung quanh nhà chỉ toàn những vũng nước tù, lềnh bềnh những dây rau muống.” [43, tr.501], bởi cả xã hội lúc bấy giờ chẳng qua cũng là một nhà ngục lớn “Quang cảnh trông thảm hại như một bầy cừu nhốt
chung nhau trong một cái chuồng chật hẹp.” [43, tr.540].
Xuất hiện trên cái nền ảm đạm, ngột ngạt ấy là hình ảnh người trí thức bế tắc với cuộc sống quanh quẩn nợ áo cơm, không thoát ra được, mặc dù họ là những con người mang trong mình “chí lớn”. Họ vừa là nạn nhân vừa là chứng nhân. Người đọc có thể dễ dàng bắt gặp trong những tác phẩm như Thèm một ngọn đèn, Ngoài mưa lạnh, Rửa hờn, Một cốt truyện mới, Mưa Sài Gòn, Tàn một đời thơ hayNgàn sau sông Dịch rất nhiều chi tiết chân thực và cảm động về cảnh đời đắng cay, tủi hận của người trí thức, bởi lẽ Lý Văn Sâm cũng đã trải nghiệm những cảnh sống ấy. Ông từng phải Sống vất vưởng rày đây mai đó bằng tiền nhuận bút hay được chủ nhà báo, chủ nhà xuất bản nuôi. Chưa viết được thì ứng trước tiền, có nhuận bút thì trừ sau. Cơm dĩa, bánh mỳ, cà phê vợt, thuốc lá loại xoàng, ngủ trên bàn, trên chồng sách báo, ở gác xép… cứ thế sống lay lắt bốn năm trời ở “Hòn ngọc Viễn đông” xung quanh dày đặc, tua tủa bọn mật vụ, bọn lính, lũ phản bội. Mỗi tuần lễ phải đổi chỗ ở không dưới ba lần, có đêm phải đổi chỗ ở hai lần. Với vóc người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn ông đã trườn trên mái tôn nóng hầm hập, luồn dưới ống cống ngập nước,
chạy trong những con hẻm ngoắt ngoéo, lao vào đám đông để trà trộn, hay nhảy cả lên xe đò để tẩu thoát. Trong bài viết Về một truyện ngắn cách đây ba mươi sáu năm (in trên Báo
Văn nghệ Tp. Hồ Chí Minh, số 18.10.1985), Lý Văn Sâm đã kể lại những kỉ niệm rất cảm động “Ngót một năm trời tá túc tại nhà in Tấn Phát … tôi phải sống trong bầu không khí có
tiếng máy in chạy suốt đêm… Đêm nhà in, thường là những đêm khó ngủ đối với tôi. Nằm trên đống giấy cao ngất, trăn trở suốt đêm trong chiếc mùng vá chằng chịt, tôi có cảm giác như mình bị mật vụ tra tấn.” [46, tr.481] Chính vì những trải nghiệm ấy mà nhà văn rất thành công trong việc thể hiện tâm tư của những con người trí thức “bất đắc chí”.Ông hiểu biết tường tận cả những khát khao, hoài bão, lẫn những giây phút yếu hèn của họ. Vì nhiều lí do, họ không thể thực hiện chí nguyện của mình, phải sống trong cảnh chật hẹp, tù túng nơi đô thị, phải chịu đựng biết bao sự khổ sở về tâm hồn và cuộc sống.
Hoàng – chàng thi sĩ giàu tình cảm trong Tàn một đời thơ, đã từng có một thời mang trong mình chí nguyện tài hoa “sống giữa thiên hạ mà dường như bị hắt khỏi cuộc đời tưng bừng và náo nhiệt” bởi người đời không thể hiểu nổi những vần thơ“nặc mùi gió mặn của đại dương, loạn những hình cây, bóng núi […] đọc lên nghe đau như một tiếng nghẹn thở, xa xôi, như con đường dài của viễn khách khi bóng chiều rơi, nặng nề như nghĩa vụ của một chiến sĩ còn bơ vơ bên bờ lý tưởng” [43, tr.609]. Với chí hướng tự do và tính cách cứng cỏi ấy, chàng cũng đã xếp lại bút nghiên ra vùng kháng chiến“để cùng những bạn tóc xanh “mài gươm trên đá”. [43, tr.610]. Thế nhưng, cuộc đời vốn là những chuỗi bất ngờ, ra đi với chí nguyện lớn lao nhưng chưa được bao lâu Hoàng đã trở về thành. Anh không về một mình, mà cạnh anh là một người con gái trẻ trung, xinh đẹp, người đã khiến cho Hoàng cảm động mà thốt lên “người đàn bà mà tôi thắp đuốc đi tìm như nhà hiền triết Hy Lạp đã thắp
đuốc đi tìm một người …” [43, tr.610]. Đau xót hơn, gánh nặng áo cơm, vợ con cũng chấm dứt tài thơ của Hoàng “Thơ của anh bây giờ không ai đọc nữa đâu… thơ của anh bây giờ
giả dối quá. Những câu thơ gào mây thét núi bây giờ không phải là tiếng lòng của anh nữa”. [43, tr.613]. Vậy là, ước mơ đã bị che mờ bởi bức tranh thực tế. Hoàng cũng đã có những phút giây trăn trở, đau đớn sực tỉnh cơn mê “Chàng bắt đầu vặn nhỏ ngọn đèn để dệt lại những giòng tâm tư cũ. Mực vẫn đen, giấy vẫn trắng, nhưng màu đỏ của tấm lòng son thật đã phai rồi.” [43, tr.611] hay mơ màng đến những hình ảnh xa xăm để quên đi thực tại “Có đêm, Hoàng mơ màng đến cảnh làng mạc tiêu sơ có những lều tranh, mái rạ đứng thu mình dưới những bụi tầm vông. Bên cạnh những ao bèo, nước đọng, có những con đỉa quẩy
mạnh, nhiều bóng người lẳng lặng bước đi quên cả mưa ướt, gió lạnh.” [43, tr.612]. Nhưng những giây phút day dứt, mộng tưởng ấy cũng chẳng thể tồn tại lâu, bởi bên tai anh lại vang lên những tiếng súng rời rạc và lời nhắc của người vợ trẻ “Tắt đèn, tắt đèn” [43, tr. 613]. Tất cả những điều ấy đã khép lại chân trời mơ ước của Hoàng. Và đến khi dứa con đầu lòng của chàng chào đời cũng đồng nghĩa với việc “chấm dứt một tài thơ, trong khi ở đầu bãi cuối gành, tiếng súng cũng chưa tắt hẳn..” [43, tr.611]. Ở đây, ta thấy tác giả tỏ rõ thái độ thông cảm khi miêu tả những nỗi day dứt, trăn trở xót xa của Hoàng khi không đi trọn con đường kháng chiến mà phải hồi cư về thành. Cái nhìn độ lượng ấy, ta còn bắt gặp ở nhiều tác phẩm khác như Nắng bên kia làng, Một cốt truyện mới, Thèm một ngọn đèn …
Mùi (Một cốt truyện mới) có quan niệm văn chương rất tiến bộ “Viết văn nghĩa là viết những gì thanh cao, viết những gì nhẹ nhàng” [43, tr.529]. Thế nhưng cứ mỗi lần Mùi
“cắn bút” để tìm đề tài là mỗi lần anh lại nghe tiếng quát của vợ về “những vấn đề gạo, mắm” [43, tr.529]. Và thế là, anh đành gác lại giấc mơ của người cầm bút để “thở dài, nuốt
cay, đắng một mình” [43, tr.529].
Bên cạnh việc đi sâu phân tích tâm trạng day dứt, khát khao của những nhân vật người trí thức, Lý Văn Sâm còn phơi bày hoàn cảnh đời sống văn nghệ qua nhiều khía cạnh thực của người nghệ sĩ. Hình ảnh văn sĩ Huyền (Thèm một ngọn đèn) chính là một hình tượng tiêu biểu. Vì bị tình nghi bạo động (dù không có đủ chứng cứ), Huyền phải trải qua hai năm dài lao lý, khi trở về thì vợ của chàng sức cũng “đã mỏn vì không kham nổi việc nhà”. [43, tr.536]. Dù phải “cắn môi cố giữ can đảm để khỏi khóc theo vợ” [43, tr.536], chàng vẫn khuyên vợ “về nương náu với bà ngoại” [43, tr.537] với lời hứa “sẽ mướn một
căn nhà lá ở ngoại ô thành phố làm lụng nuôi mình để bù lại những năm cực khổ” [43, tr. 537]. Thế nhưng cái ước mơ nhỏ bé về một mái nhà lá, ở đó “Tối lại, sau bữa cơm đạm bạc
với vợ con, Huyền sẽ đọc sách, viết văn trong khi vợ chàng im lặng vá áo cho chồng, cho con” [43, tr.539] vẫn quá xa vời bởi đến mười bốn tháng sau đó anh vẫn “lang thang dưới
nắng ngày này qua ngày nọ” và “chưa sắm nổi một ngọn đèn” [43, tr.543]. Sự khát thèm ngọn đèn của nhân vật Huyền trong truyện không chỉ đơn thuần là để giải quyết thiếu thốn về vật chất, mà còn sâu sắc hơn bởi đó là sự khao khát ánh sáng của tự do, ánh sáng lý tưởng. Ngọn đèn trong truyện như thế trở thành một biểu tượng “Huyền nghe lòng mình đau
buốt. Vợ chàng không hiểu “nghĩa bóng” của câu “anh ao ước một ngọn đèn” trong thư chàng viết cho nàng.” [43, tr.543]. Từ những yếu tố trên, người đọc có thể nhận thấy những