Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lý văn sâm (Trang 71 - 73)

6. Cấu trúc của luận văn

3.1.1.Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Ngoại hình là một khái niệm nhằm chỉ toàn bộ những biểu hiện tạo nên dáng vẻ bề ngoài của nhân vật. Đó chính là những nét về diện mạo, hình dáng, trang phục, cử chỉ, tác phong của nhân vật được biểu hiện trong tác phẩm.

Miêu tả ngoại hình nhân vật là một nét nghệ thuật khá độc đáo trong truyện ngắn Lý Văn Sâm. Cũng giống như nhiều nhà văn miền Nam đương thời, khi miêu tả nhân vật, Lý Văn Sâm thường thiên về kể hơn tả. Tuy nhiên, chỉ bằng vài nét bút thoáng qua có tính chất chấm phá, Lý Văn Sâm đã tái hiện, dựng lên chân dung các nhân vật một cách rõ nét trước mắt người đọc. Để từ chân dung đó, người đọc có thể nhìn thấu một cách sinh động, trọn vẹn tính cách nhân vật. Dù không tạo được những điển hình kiểu như Thuý Kiều, Mã Giám Sinh, Chí Phèo hay Thị Nở nhưng ngoại hình nhân vật trong truyện ngắn Lý Văn Sâm vẫn là kết tinh của ngôn từ miêu tả hình thể cô đọng, súc tích và hình tượng nhất.

Trong nhiều truyện ngắn, nhân vật chỉ được ông giới thiệu chung chung qua một vài nét phác hoạ hay cảm nhận của những nhân vật khác. Tuy nhiên, dù chỉ được mô tả bằng một vài chi tiết, ở họ vẫn toát ra những nét đẹp tâm hồn. Đây là hình dáng của Châu Phiên, một thủ lĩnh trẻ tuổi của sóc Mỹ Trà “sau này, tôi có dịp được quen và thân với Châu Phiên, tôi không thấy ở con người ấy một nét gì thần thánh cả. Nước da hung hung đỏ. Miệng nhỏ và đỏ như thoa son. Hai mắt đục như hai mắt mèo. Cách phục sức giản dị: một cái nón vành rộng trên đầu và một đôi giày đi ngựa lúc nào cũng thấy mang ở chân; là vì

Châu Phiên rất thích dong ngựa từ ấp này qua ấp khác. Thêm vào một bộ đồ gai màu cỏ sậm, lúc nào trong cũng sạch sẽ …” [43, tr.330]. Ẩn sau vẻ ngoài của một gã hiệp sĩ ấy là cả tấm lòng nhân hậu. Với sự nhanh nhẹn, hiệp nghĩa, Châu Phiên đã chữa lành bệnh tật, mang lại thái bình cho thôn dân các ấp“Từ khi có Châu Phiên về với họ, những sự đánh giết nhau cứ bớt lần cho đến khi dứt hẳn” [43, tr.322]. Chính tấm lòng hiệp nghĩa, nhân hậu đã biến anh thành một vị thần trong niềm tin của thôn dân ấp Mỹ Trà.

Dưới ngòi bút của Lý Văn Sâm dường như các nhân vật thường có nét hao hao giống nhau về hình thức. Ta hãy xem cách Lý Văn Sâm miêu tả nhân vật Kòn Trô “Gã còn trẻ

lắm. Mặt tròn, mắt sáng, đôi môi lúc nào cũng dành sẵn một nụ cười. màu da ngâm ngâm đen, láng như đồng, tỏ ra rằng gã có rất nhiều sức mạnh. Gã mặc theo kiểu người đi săn: đầu đội nón vành lớn, chân đi ủng da đen. Trong gã oai nghi, hùng dũng lắm.” [43, tr.212]. Còn đây là lối phục sức của Phong trong Sương gió biên thuỳ “Người đàn ông mặc theo lối

đi săn, đầu đội nón vành rộng, chân di ủng da đen.” [43, tr. 340].

Không chỉ có những điểm chung về cách phục sức mà ngay ở tính cách những nhân vật như Kòn Trô, Phong, Châu Phiên hay Cả Tiễn … cũng có những điểm gặp gỡ bất ngờ. Đó là sự khao khát một xã hội tự do, lý tưởng sống cao đẹp và mang đậm tinh thần nghĩa hiệp của con người Nam bộ. Điều này tạo cảm giác nhân vật của Lý Văn Sâm đi từ tác phẩm này đến tác phẩm khác.

Ngay trong vệc miêu tả các nhân vật nữ, Lý Văn Sâm cũng chỉ khái quát bằng một vài nét vẽ giản dị để tạo ra chân dung nhân vật. Đây là hình ảnh của Thư trong Sứ mạng

“Người cầm lái là một thiếu nữ Việt Nam, phục sức theo lối nhà binh, hớt tóc ngắn và uốn quăn như đàn bà Tây phương” [43, tr.369]. Còn đây là Sương trong Sương gió biên thùy

“Người ta chỉ biết trong sóc mọi Thanh Sơn có một người con gái đẹp tên là Sương, phục sức theo lối thổ dân, cỡi ngựa rất giỏi và thường theo ông chủ trại dự những cuộc đón đường cướp xe lương của quân Nhật” [43, tr.343]. Hay trong truyện Xác Mu Mi trên núi đá, khi kể về câu chuyện huyền bí của nữ chúa, người đã cứu Ngạc ngư thần và được cá trao cho viên ngọc quý, hình ảnh nữ chúa hiện lên qua trí tưởng tượng của Lý Văn Sâm tuy có nhiều nét đẹp mang tính chất bí ẩn nhưng vẫn chỉ được khái quát bằng một vài chi tiết“Nữ

chúa hiện ra trong ánh lửa lấp loáng, chập chờn, trông như một bóng yêu tinh của một thời ma quái nào! Da thịt nàng láng ướt như đồng đen. Mặt nàng phát một vẻ đẹp vừa độc ác, vừa hiền từ. Mắt nàng xa xôi, huyền bí” [43, tr.248].

Chỉ miêu tả những nét nổi bật nhất của vẻ ngoài nhân vật, vì thế, ta thấy chân dung nhân vật trong truyện ngắn Lý Văn sâm thường mang dáng dấp kiểu mẫu của văn học phương Đông. Nam thường là những anh hùng mã thượng, nữ thường là những mỹ nhân. Đây có lẽ chính là điểm hạn chế của Lý Văn Sâm. Vốn là người chịu ảnh hưởng của Tây học nhưng Lý Văn sâm vẫn chưa thoát khỏi con người truyền thống để tạo nên những nhân vật cá biệt hoá. Tuy nhiên những hạn chế ấy cũng là điều dễ cảm thông bởi trong cách tiếp nhận, người miền Nam rất thích những mẫu hình nhân vật như vậy. Bởi toát lên từ những nét vẽ mộc mạc, đơn sơ ấy lại là cả một thế giới những con người nhân hậu, thủy chung và giàu tình nghĩa.

Một phần của tài liệu thế giới nhân vật trong truyện ngắn lý văn sâm (Trang 71 - 73)