6. Cấu trúc của luận văn
1.3.1. Khái niệm quan niệm nghệ thuật và quan niệm nghệ thuật về con người
Như chúng ta đã biết, tác phẩm nghệ thuật là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ. Mỗi nhà văn, khi sáng tạo tác phẩm đều xuất phát từ những trăn trở suy tư, dằn vặt trước cuộc sống. Chính những nhân tố ấy tạo thành quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Đúng như
Lê Ngọc Trà đã nhận định "Văn học không phải không phản ánh, mô tả hiện thực nhưng đừng xem đấy là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ hàng đầu và bao trùm của nó. Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết không phải hiện thực được phản ánh mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn." [98, tr. 31].
Quan niệm nghệ thuật xét về bản chất là một khái niệm thể hiện khả năng cảm nhận của chủ thể. Vì thế, theo Từ điển thuật ngữ Văn họccủa Lê Bá Hán, Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử đồng biên soạn, thuật ngữ quan niệm nghệ thuật được hiểu“là nguyên tắc cắt nghĩa thế giới và con người vốn có của hình thức nghệ thuật, đảm bảo cho nó khả năng thể hiện đời sống với một chiều sâu nào đó”. Hay nói cách khác,“Quan niệm nghệ thuật thể hiện cái giới hạn tối đa trong cách hiểu thế giới và con người của một hệ thống nghệ thuật,
thể hiện khả năng, phạm vi, mức độ chiếm lĩnh đời sống của nó” [98, tr.273 - 274] Nói đến quan niệm nghệ thuật là nói đến sự sáng tạo về chất trong cảm thụ và miêu
tả đời sống. Quan niệm nghệ thuật vì thế có vai trò hết sức quan trọng, nó chi phối sự lựa chọn đề tài, cách xây dựng nhân vật, sự lựa chọn hình thức, thể loại trong quá trính sáng tác của nhà văn.
Mỗi nhà văn là một thế giới riêng, luôn tiếp nhận những ảnh hưởng khác nhau đến từ cuộc sống bên ngoài, do đó, quan niệm nghệ thuật của họ là hết sức phong phú và đa dạng. Vì vậy, có hiểu được quan niệm nghệ thuật của nhà văn người đọc mới có thể mở được cánh cửa bước vào thế giới nghệ thuật của họ. Tuy nhiên việc tiếp cận nó không hề dễ dàng nhất là thế giới nghệ thuật của nhà văn luôn biến động không ngừng trên các phương diện cấu thành và phương thức biểu hiện tác phẩm. Để phát hiện cá tính sáng tạo của mỗi nhà văn, ta thường có nhiều cách khám phá khác nhau: có thể dựa trên các phương thức biểu hiện của tác phẩm như kết cấu ngôn ngữ, giọng điệu hay xét đến các yếu tố như không gian, thời gian nghệ thuật... Hoặc cũng có thể thông qua thế giới hình tượng được nhà văn miêu tả để khám phá cái tôi của nhà văn.
Con người luôn là đối tượng trung tâm của rất nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, trong đó có văn học. Theo thời gian văn học nghệ thuật càng phát triển thì việc đề cập tới con người và tất cả những gì liên quan đến con người càng được chú trọng. Lịch sử phát triển của nhân loại, trong đó có tư duy của con người luôn là một dòng chảy liên tục. Ở mỗi thời đại, mỗi giai đoạn, con người lại có những cách quan niệm khác nhau về chính mình và về đồng loại. Văn học Việt Nam, đặc biệt là thể loại truyện ngắn, qua nhiều bước thăng
trầm đã có nhiều cách quan niệm khác nhau về con người. Mỗi nhà văn có một cách tiếp nhận, thể hiện cuộc sống , con người riêng. Do đó, quan niệm nghệ thuật nói chung - quan niệm nghệ thuật về con người nói riêng, của họ là hết sức phong phú và đa dạng. Quan niệm này sẽ chi phối toàn bộ quá trình sáng tác và là cơ sở để tạo nên tư duy nghệ thuật của nhà văn. Vì vậy, khi muốn tiếp cận các sáng tác của một nhà văn, trước hết ta cần xác định rõ quan niệm nghệ thuật của nhà văn dù việc tìm hiểu nó không hề đơn giản.
Nghệ thuật miêu tả, biểu hiện con người trong văn học rất phong phú. Sự phong phú ấy tạo ra tính đa dạng trong quan điểm về con người trong văn học. “Văn học là nhân học” (M. Gorki) tức văn học lấy con người làm mục đích và đối tượng của mình. Trong văn học, con người hiện lên một cách cụ thể, sinh động với tất cả những mối quan hệ của nó. Cũng chính con người với những cảm xúc, tình cảm đã tạo nên sự kì diệu cho cuộc sống. Người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo của mình luôn vươn tới cái đẹp, cái hoàn mĩ. Những tác phẩm nghệ thuật chân chính luôn hướng đến con người.
Xét từ góc độ triết học, Lão – Trang xem con người là “tiểu vũ trụ” trong lòng “đại vũ trụ”.Chủ nghĩa hiện sinh đề cao con người phi lí. Freud khai phá bản năng – vô thức của con người. Còn C. Mác cho rằng “Con người là tổng hoà tất cả các mối quan hệ xã hội”. Thế nhưng, đến nay con người vẫn là một ẩn số đầy thách thức. Các thế hệ nối tiếp nhau đã và đang đi tìm lời giải nhưng vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời chính xác nhất .
Xét từ góc độ lý luận, quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học qua các thời đại là rất phong phú, đa chiều kích. Mỗi thời đại sinh ra một kiểu quan niệm nghệ thuật về con người khác nhau. Mỗi nhà văn lại có cách quan niệm riêng về con người. Cho nên, quan niệm nghệ thuật về con người cũng phức tạp như bản thân chính nó. Trong văn học, con người vừa là chủ thể sáng tạo vừa là đối tượng chiếm lĩnh đời sống. Con người luôn luôn vận động, suy nghĩ, cảm nhận và trăn trở vì trách nhiệm mà nó chuyên chở, mang vác cái xã hội nó đang sống và giải thích đời sống xã hội đó. Trong Dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử cho rằng “Quan niệm nghệ thuật về con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấy con
người đã được hóa thân thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị nghệ thuật và thẩm mĩ cho các hình tượng nhân vật trong đó”
[83, tr.41].
Tóm lại, quan niệm nghệ thuật về con người luôn hướng vào con người trong mọi chiều sâu của nó, cho nên đây là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá giá trị nhân văn của
một tác phẩm văn học. Nghệ sĩ nói chung, nhà văn nói riêng là người suy nghĩ về con người, cho con người, nêu ra những tư tưởng mới để hiểu về con người. Vì thế muốn đánh giá đúng đóng góp của một nhà văn ta cần phải hiểu rõ quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn ấy.