Thực trạng công tác bảo tồn, trùng tu các di tích

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Trang 86 - 89)

6. Bố cục của luận văn

3.2.1.Thực trạng công tác bảo tồn, trùng tu các di tích

Với một số lượng đồ sộ về di sản như vậy, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử của di sản quả thực không phải điều đơn giản. Trong những năm qua, công tác tu bổ tôn tạo di tích được các cấp, ngành và toàn xã hội quan tâm nhưng qua khảo sát thực trạng các di tích trên địa bàn huyện cho thấy, bên cạnh một số di tích còn giữ được khá nguyên hiện trạng thì còn lại đa số các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện đã bị tàn phá nặng nề, có một số di tích chỉ còn là phế tích.

Hiện nay, trên địa bàn toàn huyện còn lưu giữ được trên 111 di tích, trong đó có 12 di tích được xếp hạng Quốc gia, 14 di tích cấp Tỉnh.Các loại hình di tích lịch sử - văn hóa ở đây cũng rất đa dạng, bao gồm nhiều loại hình di tích khác nhau như: Về đền - chùa có: 60 di tích; nhà thờ họ có: 24 di tích ; di tích khác có: 27 di tích ; Đây là một trong những điều đáng tự hào, thể hiện được nét đặc sắc riêng của Hưng Nguyên, một vùng đất giàu truyền thống văn hóa - lịch sử. Xét trên bình diện tổng thể các di tích phân bố trên địa bàn toàn huyện, bên cạnh một số xã như:.Hưng Lợi, Hưng Yên, Hưng Trung... có sự tập trung tương đối dày dày đặc các di tích lịch sử do nằm ở những địa vực trọng điểm, những vùng đất cổ có cái nôi văn hóa phát triển sớm, thường là ở lưu vực sông Lam còn lại đại đa số các di tích khác nằm phân tán rải rác ở các xã trên địa bàn toàn huyện. Điều đó cho thấy sự phát triển văn hóa tương đối đồng đều song cũng chính yếu tố này tạo nên sự khó khăn trong công tác quản lý, quy hoạch các di tích.

Hưng Nguyên, một vùng quê có bề dày lịch sử tồn tại và phát triển hàng ngàn năm, gắn liền với bao thăng trầm biến động của lịch sử dân tộc; lại nằm ở khu vực hạ lưu con sông Lam, con sông lớn nhất cả tỉnh. Chính vì những yếu tố này đã dẫn tới hệ lụy làm ảnh hưởng tới hiện trạng của các di tích lịch sử ở đây, các di tích phần thì do chiến tranh phá hoại, phần thì do thiên tai lũ, lụt, sạt lở đất cuốn đi hoặc nhẹ hơn thì bị hư hại. Một số di tích chỉ còn trên sách vở, một số phải di chuyển địa điểm vào sâu trong đồng bằng để tránh bị nước cuốn đi. Những di tích may mắn còn giữ được thì cũng chẳng mấy nguyên vẹn, phần thì do ngâm nước nên cũng dễ bị

mục nát, phần thì bị trôi đi mất nhiều hiện vật quý, cổ có giá trị, kết cấu kiến trúc không còn nguyên vẹn như ban đầu. Cho nên một thực trạng hiện nay trên địa bàn chính là việc đa số các di tích đã và đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Một số ít các di tích được phục dựng lại về cơ bản là nguyên hiện trạng, đó là đối với các di tích nhà thờ họ, như: nhà thờ họ Lê Sĩ, nhà thờ họ Võ (chi cụ Tú Lang)... nguyên nhân là do được sự đóng góp, ủng hộ từ con cháu, con cháu có ý thức bảo vệ và trông nom cho nên những di tích này so với những di tích còn lại luôn được bảo quản, trông coi thường xuyên hơn.

Một số di tích cấp quốc gia như: Khu tưởng niệm Lê Hồng Phong, đài liệt sĩ Thái Lão... được cấp nguồn vốn từ trung ương, từ tỉnh một cách có kế hoạch, hệ thống và đều đặn cho nên đây là những di tích khang trang, đẹp đẽ không chỉ phục vụ người dân trong khu vực mà còn là điểm đến của khách thập phương trong cả nước. Song đối với những di tích khác còn lại trên địa bàn, mặc dù đã được xếp hạng và phân cấp quản lý song công tác bảo tồn, trung tu còn chưa đem lại hiệu quả. Nguyên nhân dẫn tới thực trạng đó bao gồm cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.

Nguyên nhân khách quan

Như đã nói ở trước, địa bàn Hưng Nguyên là một vùng đồng bằng trũng, lại nằm ở lưu vực dòng sông Lam, cho nên về mùa mưa thường có dẫn tới tình trạng lũ lụt, sạt lở đất, ngập úng... gây hư hại đến các di tích nằm ở trong những khu vực này. Đó là sự phá hủy do chiến tranh, từ chiến tranh thời phong kiến cho đến hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, không biết bao nhiêu bom đạn quân thù đã cày xéo lên mảnh đất này và vì thế mà không biết bao nhiêu di tích lịch sử có giá trị đã phải hứng chịu những trận mưa bom bão đạn đó. Thêm vào đó là yếu tố thời gian, các di tích hiện nay đang bị tàn phá bởi thời gian, do thời tiết khắc nghiệt, do mối mọt, nấm mốc... cho nên các di tích đang ngày càng xuống cấp.

Trong thời buổi nền kinh tế thị trường phát triển, việc biết tận dụng và phát huy tiềm năng của các di tích để góp phần thúc đầy phát triển nền kinh tế là một điều hết sức đáng mừng. Song mặt trái của nó đem lại chính là việc con người có cái nhìn sai lệch về giá trị của các di tích, điều này dẫn tới hệ quả các di tích bị lạm

dụng, thương mại hóa, xây dựng không có quy hoạch, không phù hợp với kiến trúc cổ của di tích, sử dụng không đúng giá trị mà di tích đem lại. Ở một số địa phương, một số di tích còn bị xâm hại, lấn chiếm diện tích gây nguy hại đến cảnh quan và sự tồn tại của di tích.

Nguyên nhân chủ quan

Thường khi nhắc đến nguyên nhân này, đại đa số các tài liệu, văn bản đều dẫn nguyên nhân đầu tiên là do nguồn ngân sách của tỉnh, của huyện cũng như của các địa phương còn hạn hẹp nên chưa đủ nguồn lực để đầu tư, mà chủ yếu đang dựa vào nguồn kinh phí ít ỏi hàng năm của Chương trình mục tiêu Quốc gia và sự đóng góp của nhân dân. Đây đúng là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng khó khăn trong công tác bảo tồn, trùng tu các di tích. Song, theo ý kiến chủ quan người viết thiết nghĩ, nguyên nhân đầu tiên dẫn tới tình trạng này là do ý thức của cá nhân. Cá nhân đó có thể bao gồm những cán bộ lãnh đạo, trực thuộc quản lý các di tích; cá nhân đó cũng có thể là những người dân sống xung quanh các di tích. Chúng tôi cho rằng, một di tích đã có thể tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm nay thì không dễ gì ngày một ngày hai có thể hủy hoại ngay được. Trong khi đó, có trường hợp một số di tích khi chưa được xếp hạng thì hiện trạng di tích vẫn còn giữ được những nét cổ kính, thể hiện được giá trị lịch sử của nó. Nhưng khi đã được xếp hạng thì nhiều công trình hàng trăm năm tuổi nay bỗng “trẻ hóa” thành vài năm tuổi, hay những kiến trúc làm nên giá trị công trình bị gọt dũa, sửa chữa sai lệch làm biến dạng, mất đi sự hài hòa trong tổng thể vốn có của di tích. Nhiều di tích lịch sử chưa được xếp hạng nên việc can thiệp của cơ quan chuyên môn trong việc xây dựng, trùng tu, tôn tạo di tích gặp rất nhiều khó khăn, dẫn tới bị xâm hại.

Đối với một số cấp ủy, chính quyền địa phương còn chưa có cái nhìn đúng về ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, cho nên dẫn tới thiếu sự chỉ đạo từ trên xuống một cách thống nhất, bỏ ngang công việc này cho ngành văn hóa. Trong khi đó, về đội cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực này ở địa phương còn chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn nghiệp vụ. Tu bổ, tôn tạo di tích là công việc phải đảm bảo giữ gìn tối đa tính lâu dài các yếu tố nguyên gốc của di tích trên nhiều mặt: phong cách, chất liệu, vị trí, kỹ thuật truyền thống, dấu ấn lịch sử và tâm

linh, đồng thời gắn bó thích nghi với môi trường cảnh quan. Cho nên công tác tu bổ tôn tạo di tích lịch sử - văn hoá cần những kiến thức đa ngành từ lịch sử, khảo cổ, văn hoá học, mỹ thuật học,dân tộc học, các khoa học tự nhiên như lý, hoá v.v… để đảm bảo cho công trình giữ được hoặc phục hồi được tính chuẩn xác lịch sử mà phần lớn đã bị phai mờ, bị phủ bụi thời gian và biến cố. Một số cán bộ lãnh đạo và nhân dân địa phương có di tích còn tồn tại thói trông chờ, ỷ lại từ phía cấp trên nên thiếu sự chủ động trong công tác xã hội hóa việc tu bổ, tôn tạo di tích nhằm huy động, thu hút vốn cho công việc này.

Đối với những di tích nhận được sự đầu tư lớn cho việc trùng tu, tôn tạo nhưng do sự thiếu thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý và điều hành; do sự thiếu hiểu biết lại thiếu đội ngũ cán bộ giám sát, thi công chuyên nghiệp, lành nghề, do đó dẫn tới một số di tích chưa bảo đảm chất lượng, thậm chí làm mới di tích, làm lại tượng, câu đối, hoành phi; cung tiến hiện vật không phù hợp vào trong di tích… Đây là một thực trạng đáng báo động trong việc bảo tồn nguyên trạng những giá trị lịch sử văn hóa của các di tích.

Do nhận thức của người dân về ý nghĩa, giá trị của việc bảo tồn, tôn tạo các di tích còn chưa cao cho nên dẫn tới tình trạng một số hộ dân sống xung quanh các di tích còn có thái độ chưa đúng. Như di tích núi Lam Thành, người dân xung quanh thường lên núi lấy đá ở các bức tường thành cổ về để làm vật liệu xây dựng, rồi tình trạng xâm lấn di tích... chính những điều này đã khiến cho các di tích xuống cấp mau chóng, gây khó khăn cho công tác trùng tu, tôn tạo.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Trang 86 - 89)