6. Bố cục của luận văn
2.1.3. Đền ông Hoàng Mười
Khác với hai ngôi đền kể trên, nhân vật được thờ tự chính tại ngôi đền lần này không phải là một nhân vật có thật mà ở đây ông là một nhân vật được xây dựng theo hệ thống Đạo Mẫu tứ phủ. Đạo Mẫu tứ phủ là sự kết hợp uyển chuyển giữa tục thờ Mẫu (Mẹ) của người Việt Cổ từ mẹ Âu Cơ với Đạo giáo của Trung Quốc đề trở thành một hệ thống thờ cúng ở trong các đền phủ theo những nghi thức được chuẩn hóa, trong đó ông Hoàng Mười thuộc hàng các ông Hoàng trong hệ thống này. Mặc dù vậy, ngoài các nhân vật trong hệ thống Đạo Mẫu thì tại đền ông Hoàng Mười vẫn phối thờ cả nhân thần, đó là Phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc.
Đền ông Hoàng Mười hay còn có tên khác là Mỏ Hạc Linh Từ bởi nếu dựa theo thuyết phong thủy thì người ta nhận thấy ngôi đền tọa lạc phía đầu mỏ của một con hạc khổng lồ do sông Mộc, sông Vĩnh uốn lượn tạo thành. Hiện nay, ngôi đền thuộc làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An cho nên người dân quanh đây vẫn thường gọi với cái tên gần gũi là đền Xuân Am. Theo như kết quả của quá trình chúng tôi khảo sát tại di tích cũng như thông qua các nguồn tư liệu văn tự thì ngôi đền được xây dựng vào năm 1634 dưới thời hậu Lê [22;38]. Như thế cũng đủ cho thấy được phần nào giá trị lịch sử của ngôi đền mang lại.
* Nhân vật được thờ tại di tích.
Cũng như bao ngôi đền khác thuộc hệ thống Đạo Mẫu tứ phủ thì hệ thống điện thờ của đền ông Hoàng Mười cũng đã được sắp đặt tương đối hoàn chỉnh, các nhân vật bên trong đền gồm có: Ngọc Hoàng (tả Nam Tào, hữu Bắc Đẩu); Tam tòa thánh Mẫu (tứ phủ với 4 miền vũ trụ Thiên, địa, nhạc, thoải); Ngũ vị vương quan; Tứ vị chầu bà; Ngũ vị Hoàng tử; Thập nhị vương cô; Thập nhị vương cậu; Quan ngũ hổ (chúa Sơn lâm); Ông Lốt (thần rắn). Tuy nhiên, những nhân vật chính cần được nhắc đến tại ngôi đền này chính là ông Hoàng Mười - nhân vật được thờ chính tại ngôi đền; Song đồng Ngọc nữ và Phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc hay còn gọi là quan địa phương.
- Ông Hoàng Mười
Về nguồn gốc xuất thân thì ông Hoàng Mười là một nhân vật huyền thoại, theo như trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam thì ông là con của vua cha Bát Hải
Đồng Đình (thần nước), như vậy ông là một Thiên thần.Theo như sự phân công của vua cha Long Thần Bát Hải Đại Vương thì ông được giao cho trấn thủ ở vùng đất Nghệ An cho nên ông có đền thờ riêng tại vùng đất này là điều không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, ngoài ngôi đền thờ riêng nơi đây thì ông vẫn được thờ tại rất nhiều ngôi đền theo hệ thống Đạo Mẫu tứ phủ trên cả nước.
- Song đồng Ngọc nữ
Tại đền ông Hoàng mười Song đồng Ngọc nữ được tôn thờ với tư cách là bản cảnh thành hoàng. Theo như trong tín ngưỡng dân gian thì đây chính là con của Ngọc Hoàng thượng đế, luôn được hầu hạ bên cạnh thượng đế và khi họ đầu thai xuống trần gian thường được gửi vào nhà quyền quý để làm Vua, làm tướng hoặc làm công chúa. Làng Xuân Am xưa luôn phải chống chọi với bão lụt, thiên tai, đời sống người dân vô cùng cực khổ cho nên họ tôn Song đồng Ngọc nữ làm Đương cảnh thành hoàng, làm bà chúa bản đền như Mẫu Thoải để cứu giúp nhân dân qua những trận cuồng phong. Đồng thời, Song đồng Ngọc nữ còn đại diện cho tương lai, mầm mống của sự sinh sôi, nảy nở. Song đồng Ngọc nữ còn được vua Khải Định được ban tặng là “Trang huy Thượng đẳng thần", như vậy cũng đủ thấy được tầm quan trọng và sức ảnh hưởng của nhân vật này như thế nào trong đời sống của cư dân nơi đây.
- Phụ quốc thượng tướng quân Nguyễn Duy Lạc
Đây là một trong những nhân thần được thờ tại ngôi đền này ngoài Đức thánh Trần Hưng Đạo và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ghi chép tại gia phả họ Nguyễn ở làng Xuân Am thì ông còn có tên là Nguyễn Duy Nhạc. Ông sinh năm 1558 mất năm 1639, tại làng Xuân Am, xã Âm Công, huyện Hưng Nguyên, phủ Anh Đô, tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ. Ghi chép về ông hiện tại còn không nhiều, chúng tôi chỉ tìm hiểu được ông thống qua bản thần tích của thôn Xuân Am do hương chức của thôn khai vào đời Minh Mệnh, hiện được lưu giữ tại Viện nghiên cứu Hán Nôm nguyên bản chữ Hán do Phạm Nhượng và Võ Thị Lan Anh dịch năm 1966. Tại bản dịch này có trình bày một số nét khái lược về nhân vật này như sau: “Đại vương họ Nguyễn, tự là Duy Lạc. Ngài thích lược thao, giỏi võ nghệ, giúp vua Lê chúa Trịnh, giữ chức Đô chỉ huy sứ, được lệnh đi dẹp loạn ở vùng Thuận Quảng, lập được chiến công, được thăng Đô chỉ huy sứ phiêu kỵ tướng quân.
Ngài còn đánh dẹp ở xã Tuần Lễ, huyện Hương Sơn, phá vỡ thế trận của giặc, được phong Đô chỉ huy sứ kiêm Minh nghị tướng quân. Với các trận đánh thắng ở Nghi Xuân, Thiên Lộc, Hoa Viên, Khải Mông, Phù Lưu, Ngài được ban khen Võ huân tướng quân. Trong suốt thời gian dài, công chinh phạt là rất to lớn, triều đình thăng chức Vệ thu phụ quốc Thượng tướng quân, nhờ đức trung kiên và cần mẫn Ngài được phong chức: Phụ quốc thần võ tứ vệ quân vu. Lại được phong tiến: Tuấn sang siêu loại hiển đức đại vương.
Ngài sinh năm Mậu Ngọ, mất ngày 12 tháng 2 năm Kỷ Mão. Trước khi mất Ngài cống cho làng 100 quan tiền và 2 mẫu ruộng. Khi Ngài mất, nhân dân mến đức, phục uy Ngài tôn làm hậu thần và thờ phụng tại đền”.
Như vậy, thông qua bản thần tích này thì chúng ta có thể biết ông trước kia đã làm quan và đã lập được nhiều công lao to lớn giúp ổn định tình hình đất nước dưới thời vua Lê chúa Trịnh. Ông còn là vừa có tài lại vừa có đức, đã cống tiền lại còn cống ruộng cho làng trước khi mất. Chính điều này đã làm cho Nguyễn Duy lạc sống mãi trong lòng người dân và được nhân dân thờ phụng tại đền.
Kiến trúc - bài trí
Xét theo phong thủy thì ngôi đền tọa lạc ở một vị trí khá đẹp, trong khi phía Đông Nam ngôi đền là núi Dũng Quyết thì phía trước đền có dòng sông Mộc uốn mình chảy qua bao quanh xánh đồng lúa làng Xuân Am, quả là một bức tranh non nước hữu tình. Ngôi đền được xây dựng dưới thời hậu Lê vào năm 1634 trên một khoảng đất rộng lớn với diện tích 10.615m2. Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, trước đây ngôi đền có quy mô rất bề thế với nhiều công trình kiến trúc như: Tam quan có voi quỳ, hổ phục; cửa tả cửa hữu có dôi cột nanh sừng sững; ba tòa hạ điện, trung điện và thượng điện uy nghi; sân vườn và khu mộ. Tuy nhiên, dòng chảy của thời gian cũng như sự biến động về lịch sử cho nên ngôi đền đã có sự thay đổi. Hiện nay, ngôi đền đã phục dựng lại được một số công trình kiến trúc như: Tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, sân đền, nhà khách, ba tòa hạ, trung và thượng điện xếp theo hình chữ Tam và khu vực miếu mộ. Ngoài ra có thể kể đến khu vực sân lễ hội, khu vực gửi xe cho khách thập phương.
Như bao ngôi đền khác, công trình đầu tiên khi bước vào ngôi đền chính là cổng tam quan. Cổng tam quan ở đền Hoàng Mười tương đối lớn, nó được tạo thành
bởi 4 cột trong đó 2 cột nanh tạo cổng chính và 2 cột trụ tạo thành cửa tả và cửa hữu. Hai bên cửa tả, cửa hữu là bờ rào được xây liền kề và kéo dài về hai phía tạo nên một khuông viên kín đáo, vững chắc cho ngôi đền. Để tránh du khách đi thẳng từ cổng tam quan vào ngôi đền cho nên người ta đã cho xây dựng một tắc môn hình chữ nhật với kích thước 1,60m x 2,80m chắn ngay sau lối vào của cổng tam quan. Phía trước tắc môn còn đắp một hổ phục như có tác dụng canh giữ ngôi đền, ngăn chặn những tà khí từ bên ngoài xâm nhập vào phái bên trong đền.
Qua tắc môn là một khoảng sân đền rộng, được lát gạch tạo nên vẻ trang trọng và sạch sẽ cho ngôi đền. Phía bên trái của sân đền là lầu cô, lầu cao khoảng 3,60m, phía trong lầu đặt tượng Cô Chín và hai thị nữ đứng hầu. Theo như trong hệ thống Đạo Mẫu tứ phủ thì Cô Chín Chín là thị nữ Mẫu Thượng Ngàn, một nữ thần rừng rất linh thiêng trong hệ thống đạo Mẫu tứ phủ. Nằm phía đối diện với lầu cô là lầu cậu, so với lầu cô thì lậu cậu nhìn nhỏ hơn. Phía trong lầu cậu có đặt 4 tượng Cậu để tiện cho việc thờ cúng. Điểm đáng chú ý nhất của khu vực sân đền chính là ngay giữa sân đền là một đài trung thiên, nơi đây cũng chính là nơi đặt lễ để cúng trời đất của ngôi đền.
Tiếp đến là nhà hạ điện, nhà có 3 gian 2 hồi với diện tích 73,1 m2 bao gồm 4 vì kèo và 10 cột gỗ lim tạo thành bộ khung cho ngôi nhà. Về kết cấu của ngôi nhà chúng tôi nhận thấy hai vì giữa kết cấu kiểu thượng xông hạ bẩy, tiền trụ. Hệ thống xà dọc, xà ngang, phủ đầu, thượng ốc được liên kết với nhau bằng các sàm mộng thắt đuôi én chặt khít, chắc chắn, hai đầu hồi xây kiểu tường bít đốc tạo cho ngôi nhà sự kín đáo, chắc chắn. Về cách thức bài trí tại nhà hạ điện ở cả ba gian đều có đặt bàn thờ. Trong đó, gian giữa nơi trang trọng nhất của ngôi nhà là nơi thờ vua cha Bát Hải tức là cha của ông Hoàng Mười cùng với Ngũ vị tôn ông. Gian bên trái được gọi là cung sơn trang, nơi đây còn là nơi để các bát hương quy tại đền. Nằm ở phía gian bên phải là cung thờ Ngũ vị Quan Hoàng tức là nơi để thờ mười người con của vua cha Bát Hải, do ông Hoàng Mười có nơi thờ riêng tại đền nên tại đây chỉ có 9 bức tượng để tượng trưng cho 9 người anh còn lại của ông. Ở trước mỗi bàn thờ tại mỗi gian đều đặt đầy đủ các đồ tế khí như bát hương, bình hoa, nến...
Nằm liền mái liền thềm với nhà hạ điện về phía sau là nhà trung điện. Mặc dù cũng có 3 gian nhưng so với nhà hạ điện thì nhà trung điện có kích thước nhỏ hơn chỉ có 42,4m2. Về kết cấu ngang và dọc của ngôi nhà thì nhà trung điện cũng tương tự như nhà hạ điện và ở cả ba gian nhà trung điện cũng đặt ba bàn thờ để thờ các nhân vật khác nhau. Gian bên trái của ngôi nhà là cung thờ Tứ vị chầu Bà, tại đây có xây một bàn thờ hai cấp, ở phía trên đặt 4 tượng chầu bà còn phía dưới là 3 tượng thị nữ đứng chầu. Nằm ở gian phải ngôi nhà cũng là một bàn thờ hai cấp, nơi đầy thờ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và chủ tịch Hồ Chí Minh. Gian chính giữa ngôi nhà, nơi trang trọng nhất cũng chính là nơi thờ mang tính chính thống của Đạo Mẫu, đồng thời thể hiện quan niệm Tam giáo đồng nguyên của người Việt. Tại đây, phía trên cùng của bàn thờ là nơi đặt 3 bức tượng Phật, nằm ở hàng thứ hai trong bàn thờ này là Ngọc Hoàng và 2 vị Nam Tào Bắc Đẩu và ở hàng thứ ba là nơi đặt 3 tượng Tam tòa Thánh Mẫu. Cũng như ở hạ điện, tại các bàn thờ trong nhà trung điện bày biện đầy đủ các đồ tế lễ. Công trình quan trọng nhất của ngôi đền và cũng là nơi thờ chính của ngôi đền chính là tòa thượng điện.
Khác với hai công trình kia, để nhà thượng điện có thể tồn tại lâu dài và chống chọi được sự khắc nghiệt của thời tiết cho nên thay vì sử dụng cột gỗ làm hệ thống khung cho ngôi nhà thì tại đây người ta sử dụng các cột trụ bằng bê tông cốt thép, bốn bức tường được xây kín chỉ trừ các cửa sổ để lấy ánh sáng và lối đi vào ngôi nhà. Chính điều này đã tạo ra sự vững chắc và kín đáo cho ngôi nhà. Mặc dù nhà chỉ có một gian nhưng phía bên trong nhà có xây một tường lửng được trổ cửa ra vào nhằm tạo ra sự ngăn cách giữa cung ngoài và cung trong (cung cấm) của ngôi nhà. Ở cung ngoài chủ yếu là nơi để bày biện các đồ tế khí phục vụ cho việc tế lễ ở trong ngôi đền, còn ở trong cung cấm do đây là nơi thờ chính của ngôi đền cho nên chỉ những ngày lễ trọng thì cửa mới được mở để người dân có thể chiêm ngưỡng tượng ông Hoàng Mười đặt phía bên trong này. Ở chính giữa cung cấm là bàn thờ nơi đặt tượng ông Hoàng Mười; phía bên phải cung cấm là cung thờ hai vị quan địa phương mà theo như nhân dân thì đây là Đức Thánh Ba và Đức Thánh Tư; còn bên trái cung cấm là nơi thờ Bà Chúa bản đền Song đồng Ngọc nữ, người được sắc phong đến Thượng đẳng thần.
Công trình cuối cùng trong khuôn viên ngôi đền chính là khu vực miếu mộ của đức Hoàng Mười, mặc dù chỉt nằm trong một diện tích 154m2 nhưng nó mang giá trị về mặt tâm linh rất lớn. Hiện nay công trình đã được xây dựng khang trang, sạch sẽ và luôn được coi sóc đầy đủ.
Là một ngôi đền được xây dựng từ những thập niên đầu thế kỷ XVII cho nên đền ông Hoàng Mười đã được chứng kiến những biến đổi thăng trầm của lịch sử,chính vì lẽ đó mà ngôi đền mang trên mình những giá trị lịch sử văn hóa của quê hương, đất nước. Hiện nay, ngôi đền còn lưu giữ được khá nhiều những sắc phong và nhiều hiện vật khác có giá trị lịch sử.