Chùa chợ Hến

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Trang 46 - 49)

6. Bố cục của luận văn

2.2.1.Chùa chợ Hến

Chùa chợ Hến là ngôi chùa gắn liền với tên tuổi của Binh Bộ Thượng Thư - Thái Bảo Đinh Bạt Tụy, bởi sau khi chiến thắng quân Mạc nhằm mục đích ổn định

cuộc sống cho nhân dân và phát triển kinh tế nên ông đã cho dựng chùa Hiến và cưới chợ Hiến tại xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An và bời vì chùa được xây dựng trên núi Hiến nên có tên là Hiến Sơn Tự. Sở dĩ chùa còn có tên là chùa chợ Hến bởi lẽ do tiếng địa phương của người dân nơi đây gọi chệch Hiến thành Hến và chùa lại được xây dựng cạnh chợ Hiến cho nên nhân dân vẫn thường gọi với cái tên gần gũi là chùa chợ Hến. Hiện nay, ngôi chùa thuộc địa phận làng Đông, xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

* Nhân vật được thờ tại di tích

Như bao ngôi chùa khác chùa chợ Hến lập ra với mục đích là để thờ Phật, là một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng cho Hưng Nguyên nói riêng và cho cả các vùng Nam Đàn, Nghi Lộc nói chung. Tại đây có thờ ba vị tam thế và hai vị bồ tát. Đến năm 1927, một số đền miếu trong vùng bị hư hỏng nặng cho nên thể theo nguyện vọng của nhân dân chùa đã xây thêm nhà hạ là Quang Thiện Đàn để thờ tam tòa thánh mẫu và ba cha con nhà họ Nguyễn có công với dân với nước về thờ tại chùa. Kể từ đó, bên cạnh thờ Phật ngôi chùa còn phổi thờ cả Tam tòa thánh mẫu và cả ba cha con họ Nguyễn là: Nguyễn Đăng Thụy, Nguyễn Đăng Các, Nguyễn Đăng Đài. Trong số đó Nguyễn Đăng Thụy là cha, Nguyễn Đăng Đài là con trai cả còn Nguyễn Đăng Các là con trai thứ.

Họ là những người con ở làng Đông, xã Bùi Khổng, tổng Hải Đô, phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ông Nguyễn Đăng Thụy là người tài trí thông minh, từng thi đỗ vào học tại trường quốc tử giám và nhờ tài năng của mình ông được nhà Lê bổ nhiệm giữ chức Thượng thư Bộ lễ. Ông đã cùng Binh bộ thượng thư Đinh Bạt Tụy về trấn thủ Nghệ An để giệt trừ giặc Mạc. Không chỉ mình ông mà hai người con trai của ông cũng đã cùng cha tham gia tích cực vào cuộc chiến chống lại nhà Mạc và lập được nhiều công lớn tại vùng đất quê mình. Sau khi chấm dứt nạn binh đao ở Nghệ An, ba cha con ông đã đứng ra tập hợp dân phiêu tán trở về xây dựng lại làng và ổn định cuộc sống, chính vì vậy mà ông được phong tước "Thập lý hầu" kiêm trùm trưởng nhưng do tuổi cao sức yếu lại nhiều năm xông pha trận mạc nên Nguyễn Đăng Thụy mất vào năm 1584.

Để ghi nhớ công lao to lớn của ông, nhà Lê đã cho dân lập đền thờ và tôn ông làm thành Hoàng. Sau đó phong ông là: Ngọc quận công nhưng sau này do đền

ông bị hỏng nên nhân dân đã rước long ngai bài vị về thờ ở chùa chợ Hến. Ông mất đi nhưng hai người con vẫn quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn quân nhà Mạc, hai anh em ông luôn là những người nằm trong đội quân tiên phong trong các trận đánh lớn. Đáng tiếc thay chí lớn chưa thành thì vào năm 1591 trong trận đánh lớn tại Hát Giang người con cả Nguyễn Đăng Đài đã anh dũng hy sinh. Và để ghi nhớ công lao đánh giặc cứu dân thống nhất đất nước, nhà Lê đã cho lập đền thờ tại quê nhà để 4 mùa hương khói, phong cho ông là: Quang quận công và sắc phong cho: “Thượng ứng liệt trí, hạ phúc sinh dân, anh linh chí đức, quan lang phụ đạo tôn thần”.

Chỉ một năm sau đó, khi thành Thăng Long sắp sửa được giải phóng hoàn toàn thì Nguyễn Đăng Các trong trận đánh ác liệt tại cầu Giền đã anh dũng hy sinh khi ông vừa tròn 32 tuổi. Sau khi ông mất, xét công lao to lớn của ông trong sự nghiệp dẹp loạn yên dân thống nhất đất nước, nhà lê đã truy phong ông là: Phương khê hầu lan quận công. Cho dân lập đền thờ tại quê nhà đển con cháu ông và nhân dân 4 mùa hương khói. Về sau do ngôi đền bị hư hỏng nên cả hai ông Nguyễn Đăng Đài và Nguyễn Đăng Các đều được đưa về thờ tại chùa chợ Hến cùng với cha của mình.

* Kiến trúc - bài trí

Chùa chợ Hến là ngôi chùa có vị trí khá đặc biệt do nó nằm ở lưng chừng núi Hiến. Ngôi chùa tựa lưng vào núi một cách vững chãi và được bao quanh bởi những cây đa cổ thụ to lớn tạo cho ngôi chùa lại càng thêm phần cổ kính. Mặc dù nằm ở lưng chừng núi nhưng khuôn viên ngôi chùa nằm ở một khu đất rộng rãi với với diện tích lên tới 5516m2 và cũng chính do nằm ở lưng chừng núi cho nên mặt bằng kiến trúc của ngôi chùa được bố trí cao dần theo độ cao của núi, thứ tự các hạng mục công trình gồm có: cổng chùa, tắc môn, nhà hạ điện (quang thiên đàn), nhà thượng điên (nhà chùa), bàn thờ thập đại chúng sinh và nhà khách.

Đi từ dưới lên theo độ dốc của núi chúng ta sẽ bắt gặp cổng chùa, cổng rộng khoảng 4m được tạo thành bởi hai cột nanh lớn. Kéo dài về hai bên của cột nanh là một bức tường xây để ôm trọn lấy khuôn viên ngôi chùa. Qua cổng chùa một quãng là một tắc môn khá lớn với kích thươc 2,10m x 1,70m để ngăn không cho người dân đi thẳng vào nhà hạ điện. Tắc môn được trang trí khá chi tiết với các hình vẽ cây sen, hoa văn song nước lại còn đắp hình long mã sống động ở mặt trước tạo cho tắc môn

thêm vẻ uy nghiêm và sinh động. Nhà hạ điện hay còn gọi là Quang thiện đàn gồm có 3 gian, đây là nơi để cho nhân dân quanh vùng và từ nơi khác đến để cầu nguyện, tụng kinh lễ phật cho nên bên trong không bài trí gì nhiều.

Phía sau nhà hạ điện là nhà chùa chợ Hến là ngôi nhà chính của tổng thể di tích này. Ngôi nhà được kết cấu dọc và cũng bao gồm 3 gian, theo thứ tự mỗi gian từ ngoài vào là thứ tự các nhân vật thờ tương ứng được thờ tại chùa. Thứ tự được thờ tại chùa chợ Hến trước tiên là ba cha con nhà họ Nguyễn, sau đó tới Tam tòa thánh mẫu và cuối cùng tại nơi cao nhất của ngôi nhà là ba pho tượng tam thế. Các nhân vật này được đặt thờ trên mỗi bàn thờ riêng, có bài trí đầy đủ các đồ tế khí. Ngoài ra trong ngôi nhà còn có kiệu Long đình và kiệu Hậu bành. Đây là những chiếc kiệu có từ lâu đời, thường chỉ được sử dụng trong các ngày đại lễ. Kiệu được sơn son thếp vàng cẩn thận cùng với đó là rất nhiều họa tiết trang trí đẹp mắt, sinh động như rồng, phượng, các họa tiết văn mây, hoa lá.... tạo cho chiếc kiệu thêm phần trang trọng. Đi ra khỏi nhà thượng điện rẽ trái là nơi đặt bàn thờ thập loại chúng sinh và cuối cùng là nhà khách, nơi để người dân chuẩn bị các đồ lễ trước khi tế lễ.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu một số di tích lịch sử văn hóa ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An (Trang 46 - 49)