6. Bố cục của luận văn
2.1.2. Đền thờ Hoàng Nghĩa Lương
Đền thờ Hoàng Nghĩa Lương hay nhân dân địa phương thường gọi là phủ thờ họ Hoàng. Công trình được xây dựng vào thời hậu Lê và sau đó quy mô được
mở rộng vào thời Nguyễn. Đền thờ là công trình được xây dựng với mục đích thờ cúng tưởng nhớ Phú quận công Hoàng Nghĩa Lương cùng một số nhân vật khác như Hồng quốc công Hoàng Nghĩa Kiều, Triền khê hầu Hoàng Nghĩa Hộc. Hiện nay, di tích nằm ở xóm 4 xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
* Nhân vật được thờ tại di tích. - Hồng quốc công Hoàng Nghĩa Kiều
Cụ Hoàng Nghĩa Kiều chính là thân phụ của Hoàng Nghĩa Lương. Ông sinh năm 1540 tại xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, gia đình nhiều đời nổi tiếng giàu có, hào kiệt và có truyền thống về nghề võ. Ngay từ thủa còn trẻ tên tuổi của ông đã sớm nổi tiếng khắp một vùng nhờ tài võ nghệ của mình. Với mong muốn giúp nước, cứu đời nên năm 1557 ông đã cùng một số người tìm đến Vua Lê Anh Tông mãi tận phủ Vạn Lại, Thanh Hóa để yết kiến. Vua Lê rất đỗi vui mừng, nhận thấy ông là người có chí lớn lại tinh thông võ nghệ nên đã sớm tin dùng. Ông được vua Lê giao nhiệm vụ huấn luyện binh lính bổ sung cho quân đội, chính sự góp mặt của ông đã giúp cho vua Lê chúa Trịnh có được sự bổ sung kịp thời về quân sĩ cả về số lượng và chất lượng cho nên ông cả vua Lê và chúa Trịnh đều rất hài lòng về ông. Nhận được sự tín nhiệm cao, lại là con người có tài giỏi có bản lĩnh nên ông mau chóng khẳng định được vai trò của mình, triều đình đã tin tưởng giao hẳn cho ông một đội quân cảm tử vừa lo xây dựng lực lượng vừa phối hợp với các tướng lĩnh mở các cuộc tấn công nhà Mạc. Trong các trận chiến ấy, ông luôn nằm trong đội quân tiên phong và đã lập được rất nhiều chiến công. Ghi nhận tấm lòng trung quân ái quốc của ông, vua Lê Anh Tông đã thăng chức Thiếu úy, tước Cương quận công và gả công chúa Mỹ Thanh, phong làm phò mã. Sau khi nhận được ân điển nồng hậu đãi ngộ ưu tiên từ vua Lê, Hoàng Nghĩa Kiều đã được cử giữ chức Tổng binh trong đô tổng binh, trấn thủ vùng đất Nghệ An.
Tại đây, nhờ tài năng cùng với tấm lòng yêu thương dân chúng của mình ông đã biến vùng Nghệ An nghèo khổ trở thành một địa bàn tương đối ổn định. Ông còn mang cả gia quyến, vận động nhiều người từ Khoái Châu vào Nghệ An để lập nghiệp và cũng chính nơi đây vì cảm mến trước tài sắc của người con gái họ Phan nơi làng Dương Xã, tổng Phù Long mà Hoàng Nghĩa Kiều đã mau chóng kết duyên
với bà Phan Thị Mỡ. Nhận thấy vùng đất Nghệ An tạm tời ổn định, vua Lê chúa Trịnh tiếp tục điều ông ra Bắc để tiếp tục tấn công nhà Mạc. Ngày 20 tháng 3 năm 1587, trong một trận chiến ác liệt tại xã Bắc Hoàng trấn Kinh Bắc ông đã bị tử trận. Thương tiếc vị dũng tướng có tài nhà Lê đã cho lập đền thờ và sắc phong cho ông: “Tiền quân đô tứ vệ, thiên bão cường quận công. Tổng binh trong đô tổng binh sử sự, tổng hành binh sử sư xứ. Nghệ An phù đan nghĩa phu tiết kiệt, tiện lực huân lao kim hữu phú quý giữ đảm thái bình công hưởng đại đại công thần đặc tiến phụ quốc, thượng tướng quân thái bão Hoàng Quận Công”.
- Phú quận công Hoàng Nghĩa Lương
Hoàng Nghĩa Lương sinh năm Mậu Thìn (1568) ở làng Dương Xá, tổng Phù Long. Ông chính là kết tinh từ mối lương duyên giữa cụ Hoàng Nghĩa Kiều và bà Phan Thị Mỡ. Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra là một người thông minh, khỏe mạnh. Được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống võ nghệ, lại có sự dạy giỗ từ cha mình là cụ Hoàng Nghĩa Kiều nên ông đã sớm tinh thông võ nghệ, hiểu biết binh pháp. Ông thường xuyên được theo cha minh đánh dẹp quân Mạc và cũng đã lập được rất nhiều chiến công. Năm 1587, khi thân phụ Hoàng Nghĩa Kiều tử trận ở Bắc Hoàng, ông đã được triều đình cho nối nghiệp cha trân giữ vùng đất Nghệ An, giữ chức: Đô tổng binh sử tư, hành tổng binh sư sự. Trên cương vị mới, ông đã ra sức chăm lo đời sống cho nhân dân, ông giành nhiều thời gian đi xuống các làng quê để nắm tình hình, chấn chỉnh bộ máy quan lạo, đốc thúc việc luyện tập của binh lính, củng cố hệ thống đồn trại. Một trong những việc làm hết sức có ý nghĩa của Hoàng Nghĩa Lương chính là việc ông đã xin triều đình xin chiêu dụ một số tù binh, những người lưu tán, nghèo khổ cùng với nhân dân trong vùng khai phá đất đai để tạo thêm điều kiện cho người dân sinh sống. Ông còn bỏ tiền, cấp gạo, hỗ trợ nông cụ để người dân sớm ổn định cuộc sống. Không những thế, gặp lúc hạn hán, lụt bão... ông còn làm tấu dâng lên triều đình xin miễn giảm thuế cho dân chúng trong một thời gian để dân có sức làm ăn.
Với tấm lòng bao dung, tinh thần trách nhiệm cùng sự trung quân ái quốc của mình cho nên Hoàng Nghĩa Lương rất được dân chúng kính trọng, biết ơn; triều đình khen ngợi. Tài năng, đức độ, uy tín của ông ngày một vang xa. Năm 1606
triều đình điều ông về Thanh Hóa và ra kinh đô Thăng Long giúp vua Lê chúa Trịnh tăng cường lực lượng, tiêu diệt nhà Mạc. Với tài trí, mưu lược của mình ông đã góp phần đánh bại lực lượng nhà Mạc giúp ổn định tình hình trung hưng đất nước. Sau hơn 10 năm xa quê, nhân ngày giỗ của thân phụ Hoàng Nghĩa Kiều (20/3/1617) ông đã xin triều đình được trở về Hưng Yên để thăm lại mộ phần của cha và bà con quê hương.Nhưng tiếc thay, khi ý nguyện chưa thành thì ông đã anh dũng hy sinh sau khi chiến đấu với tàn quân nhà Mạc lúc bị mai phục ở xã Đông Cảo, huyện Đông An, trấn Sơn Nam. Tưởng nhớ công lao của vị tướng trung nghĩa đã sống hết lòng vì dân vì nước, nhà Hậu Lê đã sắc phong, chuẩn cấp tiền bạc, đất đai để lập đền thờ ông tại làng Dương Xá, huyện Hưng Nguyên.
- Triền khê hầu Hoàng Nghĩa Hộc
Ông là con trai trưởng của Phú quận công Hoàng Nghĩa Lương. Ông sinh năm 1596 tại Nghệ An. Từ nhỏ ông cũng sớm bộc lộ được khả năng tài giỏi như cha của mình, chỉ tiếc rằng khi tài năng ấy chưa phục vụ được cho dân cho nước nhiều thì đã phải theo ông xa lìa cõi đời này. Trong lần đi theo đoàn quân hộ tống cha mình về quê hương đất tổ, ông đã anh dũng hy sinh cùng cha và toàn bộ đoàn tùy tùng. Để ghi nhớ công lao của vị tướng trẻ có tài, triều đình phong kiến Lê - Trịnh đã cho lập đền thờ ông ở làng Đông Cảo - trấn Sơn Nam (Hưng Yên) và ở làng Dương Xá, tổng Phù Long, đạo Nghệ An.
* Kiến trúc - bài trí
Theo như chúng tôi được biết đền thờ Hoàng Nghĩa Lương trước đây được xây dựng trên một vùng đất cao ráo rộng khoảng 1,2 mẫu gần bờ sông Lam bao gồm các công trình: tam quan, sân vường, nhà hóa vàng, nhà chồng diêm, đình trung, nhà hạ điện, trung điện, thượng điện, tả vu, hữu vu... hết sức bề thế thiêng liêng. Tuy nhiên do bão lụt, chiến tranh và các biến cố lịch sử, các công trình chính của di tích tồn tạo cho đến ngày nay chỉ còn: Trụ đăng (ở Tam quan cũ), sân, nhà bái đường, nhà thượng điện nằm trong một khuôn viên có diện tích bằng 2.528m2. Đây cũng có thể coi là một mất mát lớn đối với con cháu Hoàng Nghĩa Lương nói riêng và nhân dân huyện Hưng Nguyên nói chung. Do cổng tam quan cũ đã hỏng
cho nên con cháu và nhân dân quanh vùng đã góp tiền xây dựng lại hai trụ đăng ở trước sân đền vào năm 1999 để tạo thành, mặc dù về hiện trạng thì công trình chưa giống như ngày xưa nhưng nó cũng đã phần nào đó tạo cho ngôi đền thêm vẻ uy nghi. Điểm đáng chú ý của hai trụ đăng chính là đôi câu đối được viết ở mặt ngoài thân trụ nói về vẻ đẹp của ngôi đền và khí tiết của người anh hùng.
Câu thứ nhất:
Khí tiết lăng sương, cao ngưỡng kình thiên thủ đoán Tinh thần quán nhật, hậu thùy tế địa huân danh.
Dịch nghĩa:
Khí tiết át cả sương mấy, ngước trông phán quyết tung trời
Tinh thần xuyên suốt vừng dương, nơi tế địa ghi danh để lại đời sau.
Câu thứ hai:
Gia tiên Kim Động, Hoàng Vân nam thiên thế phiệt Miếu ngật Hưng Nguyên, Dương Xá Hoan Địa linh từ.
Dịch nghĩa:
Quê cha đất tổ Kim Động, vốn dòng vọng tộc Hoàng Vân
Miếu cao thờ ở Hưng Nguyên, đền thiêng đất Dương Xá, Châu Hoan.
Bước chân vào sân đền chúng ta bắt gặp ngay một bức bình phong hình chữ nhật được vát góc hai phía. Nằm phía cuối sân đền chính là nhà bái đường. Được biết rằng ngôi nhà này nguyên là nhà trung điện, một trong những công trình kiến trúc chính của đền thờ Hoàng Nghĩa Lương. Vì nhà Hạ điện bị thực dân Pháp đốt cháy trong phong trào Cần Vương nên nhà Trung điện hiện nay được gọi và sử dụng với chức năng của một nhà bái đường. Đây cũng chính là công trình có kiến trúc lớn nhất trong khuôn viên di tích hiện tại với tổng diện tích là 90,24 m2. Nhà được xây dựng vào năm 1845, gồm có 3 gian 2 hồi và được làm từ các loại gỗ quý như lim, dổi... Bộ khung ngôi nhà được tạo thành từ 6 cây cột cái và 16 cây cột con, mái nhà được lợp ngói mũi hài có mấu tạo vẻ cổ kính cho ngôi nhà, bờ nóc đắp thẳng được trang trí hình hình tượng rồng chầu mặt nguyệt, bờ giải gấp khúc đắp nổi đầu rồng cách điệu. Giống như những công trình thờ tự khác, những chi tiết như đường xà, vì kèo, các đầu kẻ, đường hạ... đều được chạm trổ rất công phu,
sống động với những đề tài: tứ linh, tứ quý, hoa lá, văn mây cách điệu... những họa tiết trang trí này càng làm tăng thêm vẻ đẹp cho ngôi nhà. Nội thất nhà bái đường được bài trí nhiều loại đồ thờ. Nổi bật nhất là chiếc hương án cổ được sơn son thếp vàng được đặt ở gian giữa ngôi nhà, phía trên bày biện các loại đồ thờ, đồ lễ mà chúng ta vẫn thường thấy. Một điểm đặc biệt nữa là trong nhà bái đường có khá nhiều những bức đại tự cũng như câu đối, tất cả đều nhằm ca ngợi vẻ đẹp của ngôi đền, cũng như nguồn gốc, công lao, uy đức, nghĩa khí của Hoàng Nghĩa Lương và các vị thần công.
Công trình cuối cùng của ngôi đền là nhà thượng điện. Nhà thượng điện thấp và có quy mô nhỏ hơn so với nhà bái đường, kích thước của ngôi nhà chỉ 12m x 6,25m nhưng so với nhà bái đường thì nhà thượng điện có lịch sử lâu đời hơn. Theo như những dòng chữ ghi trên xà nhà mà chúng tôi quan sát được thì ngôi nhà được khởi công và hoàn thành vào mùa đông năm Thịnh Đức thứ 4 tức là vào năm 1656, dưới triều vua Lê Thần Tông. Tuy nhiên, trải qua sự tàn phá của thời gian cũng như do bão lụt, chiến tranh cho nên ngôi nhà đã nhiều lần phải tu sửa. Để ngôi nhà có được sự vững chắc và tồn tại lâu dài với thời gian các người thợ xưa đã sử dụng gỗ lim, dổi để tạo bộ khung cho ngôi nhà. Nhà có 3 gian 2 hồi nhưng được nới rộng ở hai đầu nên dài giống như ngôi nhà 5 gian với tổng số 6 cột cái và 16 cột con cùng với hệ thống xà, hạ... tạo thành một bộ khung chắc chắn cho ngôi nhà, có thể chống chọi được với gió bão. So với nhà bái đường thì nhà thượng điện có ít họa tiết trang trí hơn, nhưng bù lại nơi đây lại lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị lịch sử. Cũng như những công trình thờ tự khác, tại nhà thượng điện được bài trí nhiều loại đồ thờ, trong đó có nhiều loại được làm từ các vật liệu như gỗ, đồng, sứ, vải... có giá trị về lịch sử mỹ thuật. Trong khi gian phụ bên trái và gian phụ bên phải là nơi để cất giữ tàn, lọng, các vật dụng phục vụ cho nghi lễ thờ cúng và kiệu rồng thì gian chính bên trái là nơi thờ Triền khê hầu Hoàng Nghĩa Hộc - con trai Hoàng Nghĩa Lương. Còn gian chính bên phải lại là nơi thờ cụ Hoàng Nghĩa Kiều - thân phụ Hoàng Nghĩa Lương. Và ở chính giữa ngôi nhà, nơi trang trọng, linh thiêng nhất cũng chính là nơi đặt hương án, bàn thờ cũng như bài vị của Phú quận công Hoàng Nghĩa Lương.