Vấn đề mở rộng thành phần câu

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ của diễn ngôn chia buồn tiếng việt (Trang 31 - 33)

7. Cấu trúc của luận văn

1.2.3. Vấn đề mở rộng thành phần câu

Điều đáng chú ý trong các văn bản chia buồn tiếng Việt, câu đơn chiếm tỉ lệ rất lớn nhưng câu đơn thường được viết dài, chứa các thành phần mở rộng để giải thích. Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy các văn bản chia buồn thường mở rộng chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và sử dụng phụ chú ngữ.

1.2.3.1. Mở rộng chủ ngữ, vị ngữ

Chủ ngữ nêu ra đối tượng mà câu đề cập đến và vị ngữ nói lên đặc trưng vốn có của chủ ngữ [3, tr.136]. Trong các câu chia buồn, chủ ngữ thường là đối tượng chia buồn, vị ngữ thường nêu đối tượng được chia buồn và sự việc cần chia buồn. Nếu đối tượng chia buồn là tập thể, chủ ngữ thường gồm nhiều thành phần gộp lại. Nếu đối tượng được chia buồn là tập thể, vị ngữ thường gồm nhiều thành phần gộp lại. Bên cạnh đó, vị ngữ có khi còn giải thích nhiều hành động cộng gộp hoặc liên tiếp nhau. Ví dụ:

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, sinh năm 1971, Phó trưởng phòng Hành chính - Tổng hợp Cơ quan đại diện Bộ Công thương tại thành phố Hồ Chí Minh, qua đời lúc

30

21 giờ 30 ngày 6-11-2012 (nhằm ngày 23-9 năm Nhâm Thìn.

(Câu có chủ ngữ được mở rộng)

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy là vợ của anh Nguyễn Quang Khánh, Giám đốc Công ty Đức Tâm, là đối tác của Báo CATPHCM

(Câu có vị ngữ được mở rộng)

1.2.3.2. Mở rộng trạng ngữ

Trạng ngữ là thành phần phụ của câu, phụ thuộc vào toàn bộ nòng cốt câu và có tác dụng mở rộng nòng cốt câu để bổ sung những chi tiết cần thiết cho nòng cốt câu về địa điểm, thời gian, cách thức, phương tiện, phương diện, tình hình, nguyên nhân, mục đích,… cho sự tình được đề cập trong câu [35, tr.169].

Theo như chúng tôi khảo sát, trạng ngữ được sử dụng nhiều nhất trong điện, thư, lời phát biểu chia buồn.

Khi được biết về vụ tai nạn sập cầu thảm khốc tại Cần Thơ xảy ra vào sáng 26/9, đã gây ra những tổn thất nặng nề cho các công nhân Việt Nam đang thi công công trình này, với tư cách là Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam, từ đáy lòng mình, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc tới Ngài Chủ tịch.

1.2.3.3. Mở rộng câu bằng phụ chú ngữ

Theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, phụ chú là bộ phận không tham gia vào cấu trúc cú pháp của câu với tư cách thành phần câu như chủ ngữ, vị ngữ, bổ ngữ,… Nó là thành phần biệt lập, chêm xen trong câu.

Phụ chú ngữ mang thông tin thực hiện chức năng giải thích, minh họa, quy ước, chuyển chú hoặc biểu cảm nhằm giúp người tiếp nhận hiểu rõ hơn nội dung được chú thích.

Về vị trí, phần phụ chú thường đứng liền sau nội dung mà nó chú thích Thông thường, dấu hiệu nhận biết thành phần phụ chú là sau dấu gạch ngang, dấu hai chấm, giữa dấu ngoặc đơn hoặc giữa hai dấu phẩy.

Phụ chú ngữ trong các văn bản chia buồn được sử dụng nhiều, nhằm cung cấp thông tin về người chia buồn, người chết, địa điểm mai táng,… ví dụ:

Ông Bùi Minh Tú, thân phụ của anh Bùi Minh Quốc Việt, nhân viên phòng layout của báo Sài Gòn Tiếp Thị đã từ trần vào lúc 10g15 ngày 30.11, hưởng thọ 81

31

tuổi.

Được tin Giáo sư, Nhà giáo Nhân dânNguyễn Tài Cẩn, cây đại thụ của nền ngữ học nước nhà và thầy giáo của nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học Việt Nam, vừa qua đời tại Moskva, khoa Ngữ văn trường Đại học Vinh xin gửi đến Giáo sư Nona Stankevich và toàn gia quyến lời chia buồn sâu sắc nhất.

Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại Úc Đại Lợi vừa nhận được tin: Hiền thê huynh trưởng Như Thật Nguyễn Công Minh: phó trưởng Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam trên thế giới, phó trưởng Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử Việt Nam tại quốc nội, là phật tử Như Khai Nguyễn Thị Bính, Sinh năm Bính Tý tại Bình Định, Việt Nam đã tạ thế tại Sài Gòn, Việt Nam Lúc 11:20 ngày 05 tháng 6 năm 2012 (nhằm ngày 16 tháng 4 năm Nhâm Thìn) hưởng thọ 77 tuổi.

Như vậy, câu trong văn bản chia buồn thường dài là do người tạo lập văn bản mở rộng các thành phần chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ và sử dụng phụ chú ngữ.

Một phần của tài liệu đặc điểm ngôn ngữ của diễn ngôn chia buồn tiếng việt (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)