lâu mộng
Tào Tuyết Cần quan niệm nước là biểu tượng cho tất cả những gì toàn mỹ nhất trong tự nhiên. Cũng bởi thể, trong Hồng lâu mộng, đâu đâu chúng ta cũng thấy thấy thoáng hình bóng của nước, thể hiện niềm yêu mến tới mức tôn sùng tuyệt đối của nhà văn.
Xây dựng nhân vật Bảo Ngọc với cách sống, lối suy nghĩ, hành động trái với tư tưởng của xã hội phong kiến, Tào Tuyết Cần như gián tiếp muốn bày tỏ với độc giả thái độ trân trọng người phụ nữ của mình, đề cao họ một cách khác thường.
Nếu như xã hội phong kiến quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì Bảo Ngọc lại lật ngược lại quan điểm đó. Cậu đề cao phụ nữ một cách khác thường và chỉ khi ở bên họ, cậu mới thực sự cảm nhận được sự trong sạch, chân thật của cuộc đời. Bởi vậy, cậu có một tình yêu tha thiết đối với con người, mà đặc biệt là người phụ nữ sống trong xã hội phong kiến tàn bạo và hà khắc. Bảo Ngọc quan tâm đến tất cả những trước người con gái trong phủ Giả, không phân biệt chủ tớ, quan tâm và yêu mến hết thảy . Bảo Ngọc không chỉ yêu mến , lòng cảm thông cho những người con gái thuộc tầng lớp mình mà còn luôn đau đáu cho những số phận nữ nhi là kép hát, con đòi đứa ở. Với Bảo Ngọc, tầng lớp xuất thân của người phụ nữ hay vị trí giai cấp của họ trở nên thứ yếu. Chàng trân trọng hết thảy và yêu thương tất cả . Khác với những người trong phủ Giả, Bảo Ngọc yêu quý các a hoàn và muốn giúp đỡ họ. Ở hồi ba mươi , khi thấy Linh Quan (người trong số mười hai cô học hát ) ngồi ngây người vạch đi vạch lại m ấy mươi lần chữ “tường” dưới mưa , Bảo Ngọc thương cảm. Khi Tập Nhân vô tình bị cậu đá vào bụng, cả đêm mỏi mệt nằm
trên giường, Bảo Ngọc đã rất lo lắng, phục dịch, chăm sóc cô hầu cả đêm (hồi 31). Tình Văn thích nghe tiếng xé quạt nên để a hoàn bậc nhất được vui cười thoải mái, chàng sẵn lòng đem cả hộp quạt của mình ra cho cô xé (hồi 31). Đến hồi bốn mươi hai, cái chết của Kim Xuyến khiến trong lòng Bảo Ngọc áy náy, day dứt khôn nguôi. Bởi ngày sinh nhật của Phượng Thư trùng với ngày sinh nhật của Kim Xuyến nên bỏ mặc sau lưng không khí vui vẻ, náo nhiệt của phủ Giả, từ sáng sớm, chàng đã cùng Dính Yên lên ngựa ra khỏi thành để viếng oan hồn người con gái xấu số này. Khi Tình Văn vì oan u ổng và bệnh tật mà chết, Bảo Ngọc cũng ph ải mất một thời gian dài để nguôi ngoai tình cảm vốn gần gũi, thân thiết với cô. Không những thế, cậu Bảo còn làm văn tế cho cô. Thật hiếm có người chủ nào lại đối xử với đầy tớ như vậy ! Ở hồi sáu mươi hai, ta thấy được suy nghĩ của chàng về con người Hương Lăng:
“Đáng tiếc con người như thế không có bố mẹ, quên cả họ hàng, bị người ta dỗ đi, lại đem bán cho hạng vũ phu ấy” [73, tập 4, tr.51]. Tất cả những điều ấy đều thể hiện Bảo Ngọc là một con người sống có tình, có nghĩa, thực sự yêu thương, trân trọng những người ở chốn khuê phòng.
Có thể nói, đối lập với những kẻ chỉ biết chơi bời, gây họa như Tiết Bàn, vũ phu như gã họ Tôn – chồng của Nghênh Xuân, dâm ô như cha con Giả Xá – Giả Liễn, Bảo Ngọc là người đàn ông duy nhất trong phủ Giả thật sự trân trọng, thương yêu những thân phận nữ nhi. Tình cảm đó xuất phát từ một trái tim biết yêu thương, trân trọng và nâng niu cái đẹp mong manh của người nữ, hoàn toàn trái với những suy nghĩ, định kiến của những bậc trưởng bối trong phủ Giả và xã hội bên ngoài. Sống trong xã hội trọng nam khinh nữ đầy khắc nghiệt, ngay cả phụ nữ cũng không thể cảm thông, bảo vệ lẫn nhau, thì chỉ có Bảo Ngọc là người “chăm chút giới phấn son, săn sóc đám quần thoa, nguyện làm viên quan lặng lẽ giữa chốn muôn hoa, thề giữ giới hạnh trong rừng hương sắc, tình thương và ân trạch của chàng thấm sâu vào máu thịt bọn họ” [82, tr.6].
Dường như cảm thấy tiếng nói của Giả Bảo Ngọc vẫn chưa đủ để làm rõ thái độ trân trọng đặc biệt với nữ giới của mình, bởi vậy, rải rác trong tác phẩm, Tào Tuyết Cần luôn cố gắng làm rõ thiên hướng thẩm mỹ của các nhân vật nữ, coi đó là một cách để bản thân thể hiện thái độ trân trọng, yêu quý những người trong đám quần thoa. Tuy rằng mỗi thiếu nữ đều có một tính cách khác nhau nhưng nhìn chung, các cô gái đều yêu thích cái đẹp và biết làm đẹp cho cuộc sống của mình. Gảy đàn, làm thơ, bình thơ, vẽ tranh, ngắm trăng, thưởng hoa, thưởng trà, thưởng tuyết, xem kịch… là những thú vui thường xuyên diễn ra trong Giả phủ mà phần lớn người khởi xướng và tham gia là các tiểu thư chứ không phải là đám mày râu. Thám Xuân là người mở hải đường thi xã, Lâm Đại Ngọc đứng ra mở thi xã đào hoa và nhiều vần thơ vịnh cúc, vịnh mai, vịnh hải đường, vịnh cua hay những câu thơ tức cảnh tại am Lũng Thúy, những vần thơ nối nhau tại ao Tinh Quán của các cô gái trong Đại Quan Viên (hồi 50, hồi 76). Bởi nước là nguồn gốc của tất cả các cô gái nên Giả Bảo Ngọc luôn tôn trọng, ngưỡng mộ, yêu quý, giống như năm xưa Thần Anh đã quan tâm Giáng Châu tiên thảo vậy. Anh ta thành tâm bảo vệ những viên ngọc thuần khiết, nữ nhi như nước linh lợi và thanh tú, và từ trong tận đáy lòng hy vọng họ sẽ mãi giữ được những gì mà tạo hóa, nhật nguyệt hun đúc mà thành.
Với Tào công, những người phụ nữ ở tầng lớp dưới tuy thân phận thấp hèn nhưng mỗi người lại có phẩm chất tốt đẹp riêng. Thế nên dù là người hầu nhưng Uyên Ương vẫn được xếp vào hàng hựu phó sách. Đến cả một bà lão nông dân như già Lưu cũng được tác giả dành cho nhiều ưu ái. Tuy là người đàn bà quê mùa, mù chữ, thô kệch, nực cười nhưng Lưu lão lão lại mang sức sống bền bỉ, thấu hiểu đạo lý làm người, có trước có sau, khác hoàn toàn với những kẻ cơ hội, vô ơn như Giả Vũ Thôn hay Giả Vân. Cái nhìn không có sự phân biệt về đẳng cấp ấy của Giả Bảo Ngọc và Cần Khê thực sự tiến bộ và vượt xa thời đại mà ông đang sống.
Có thể nói, trong Hồng lâu mộng, người phụ nữ luôn được ngợi ca, đề cao và ngược lại, người nam luôn bị phê phán. Nhìn tổng thể kiệt tác Hồng lâu mộng, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng Tào Tuyết Cần tập trung phần lớn bút lực miêu tả các nhân vật nữ và dành ưu ái cho các thiếu nữ. Trong mắt ông, ai trong số họ cũng là những người có nhan sắc hiếm thấy trên đời. Mỗi người một vẻ, những nét đẹp về ngoại hình của họ khiến cho đào thẹn, hạnh nhường, yến oanh ghen tỵ, thật khó tìm lời lẽ nào có thể tả hết được. Ngay từ lần đầu tiên Lâm Tiêu Tương đặt chân vào Giả phủ, Bảo Ngọc đã sững sờ trước vẻ yêu kiều, yểu điệu mà toát lên thần thái đẹp “bệnh hoạn” (bệnh thái mỹ) của cô: “Đôi con mắt chứa chan tình tứ, dường như vui mà lại không vui… Người hơi mệt trông càng tha thướt…” [73, tập 1, tr.76 ]. Bảo Thoa là tiểu thư có nhan sắc tuyệt vời, trẻ trung mà đài các với: “da mặt nõn nà, khóe mắt ong lanh, không đánh sáp mà làn môi vẫn đỏ, không kẻ mày mà nét ngài vẫn xanh, so với Đại Ngọc lại có vẻ phong lưu thùy mị riêng” [73, tập 2, tr.148]. Sử Tương Vân không chỉ đẹp ở dáng người “thướt tha uốn éo, như lưng ong mình vượn, dáng hạc hình ve” [73, tập 3, tr.172] mà còn ở chỗ: dù cải trang thành bất cứ ai nàng cũng đều rất đáng yêu. Nếu như Tương Vân có một dáng phong lưu khác thường, mang phong độ của một danh sỹ thì Thám Xuân lại vừa có cái nhu mì, nữ tính, vừa lộ ra vẻ cương nghị, hào sảng của nam nhi: “vóc dáng tròn trặn, người dong dỏng cao, mặt trái xoan, mắt sắc, lông mày dài, nhìn ngắm tình tứ, thanh tú khắc thường, trông thoát hẳn trần tục” [73, tập 1, tr.64]. Và trong Hồng lâu mộng còn rất nhiều người phụ nữ khác mang vẻ đẹp hiếm thấy trong cuộc đời: Phượng Thư, Bình Nhi, dì ba họ Vưu, Tình Văn,… mỗi người đều có nét đẹp riêng, để lại những ấn tượng khó quên trong lòng độc giả.
Trong thế giới quan của văn sỹ họ Tào, đối lập với đám nam nhân trong – ngoài phủ Giả bất tài, không chịu học hành, thậm chí một chữ bẻ đôi không biết như Tiết Bàn, thì người phụ nữ không chỉ có diện mạo xinh đẹp khôn tả
mà còn là những cô gái xuất sắc, tài tình hiếm có trên đời. Đám nam nhân phủ Giả Dù ít dù nhiều, họ đều biết chữ, làm thơ và thưởng thức thơ mà nổi bật hơn cả là Lâm Đại Ngọc và Tiết Bảo Thoa. Đây là hai nữ nhân hay chữ, đọc nhiều sách vở và giỏi làm thơ nhất trong số các nhân vật nữ trong Hồng lâu mộng bởi họ được học chữ từ khi còn rất nhỏ. Hai người thay phiên nhau đoạt giải trong các cuộc thi thơ, nhiều khi tài năng ấy không phải dễ dàng để phân biệt cao thấp. Không chỉ am hiểu thấu đáo về thơ ca từ cổ tới kim, Lâm Tiêu Tương còn đàn giỏi, thạo về cầm thư. Chỉ cần nghe nàng nói về những lý thuyết cơ bản của nhạc lý, nguyên tắc chơi đàn cho Bảo Ngọc ở hồi tám mươi sáu, chúng ta cũng đủ biết sự thông hiểu kiến thức gẩy đàn của Đại Ngọc đến như thế nào. Nắm vững lý thuyết rồi, Tiêu Tương phi tử còn tự mình làm một bài thơ, phổ nhạc để bày tỏ tâm tư, tình cảm của mình. Diệu Ngọc ngoài tài làm thơ xuất chúng còn am hiểu rất rõ về cầm thư. Chỉ cần nghe tiếng đàn của Đại Ngọc, cô biết được Lâm tiểu thư đang gảy ở điệp thứ mấy, âm vận mà Đại Ngọc đang gảy là gì mà không hợp với luật khiến cho “vàng đá phải nứt” (hồi 87). Và đi xa hơn, chủ nhân của am Lũng Thúy nghe âm vận ấy có thể tiên đoán được rằng Đại Ngọc khó lòng mà qua khỏi, cái chết sẽ đến với cô trong nay mai. Hành Vu Quân không giỏi đàn như Lâm Tiêu Tương và Diệu Ngọc nhưng lại rất am tường về lý luận thơ ca và hiểu biết sâu sắc về hội họa. Tuy răn Đại Ngọc rằng “con gái không có tài ấy là đức” và không tán thành việc con gái đọc sách, làm thơ nhưng chính nàng lại rất giỏi làm thơ và luận thơ. Khi luận thơ, nàng thường đưa ra những kiến giải đặc sắc về nghệ thuật thơ ca. Ở hồi ba mươi bảy, khi nói chuyện với Sử Tương Vân về việc làm thơ như thế nào, Bảo Thoa đã đưa ra những kiến giải rất bổ ích: “Đầu bài thơ không nên lắt léo quá… Nếu ra đầu bài lắt léo quá, hạn vần hiểm hóc quá, thơ không thể nào hay được, có khi đâm ra gò bó, hẹp hòi. Thơ nên tránh những chữ sáo, nhưng không nên quá cầu kỳ, cốt lập ý cho mới, thì lời thơ sẽ không thô tục” [73, tập 2, tr.304]. Đến hội họa, nàng Tiết cũng tỏ ra rất sành
sỏi như con nhà nghề. Hành Vu Quân thành thạo từ giấy vẽ cho tới những nguyên liệu, dụng cụ vẽ tranh, bố cục bức tranh,… Những hiểu biết của Bảo Thoa khiến cho người ta phải cúi đầu ngưỡng mộ. Tích Xuân không có được những am tường về hội họa như Bảo Thoa nhưng cô vẽ rất đẹp và cùng với Diệu Ngọc, cô cũng là một tay chơi cờ tài giỏi. Chúng ta như thấy đâu đó bóng dáng của một triết gia khi nghe Sử Tương Vân giảng giải về nguyên lý âm – dương cho cô a hoàn Thúy Lũ. Lý Hoàn tuy không giỏi làm thơ, tài năng sáng tác cũng tầm thường nhưng lại có năng lực giám định và thưởng thức nghệ thuật rất cao. Chủ nhân của Đạo Hương Thôn luôn bình giá thơ ca đúng chất lượng và luôn đưa ra những lời nhận xét công bằng, hợp lẽ khiến mọi người phải tâm phục khẩu phục. Bởi vậy, Bảo Ngọc mới nói rằng: “Đạo Hương lão nông tuy làm thơ không hay, những xem thơ rất tinh, rất công bằng, lời phê của “ông” ai cũng phải phục” [73, tập 2, tr.292]. Đến cô a hoàn như Hương Lăng cũng rất yêu thơ, và khi được Đại Ngọc chỉ dạy, càng tiến bộ, nàng hầu của Tiết Bàn càng say sưa, chăm chỉ học tập.
Giá trị của những người phụ nữ ấy còn được Tào Tuyết Cần khẳng định, đề cao khi nhà văn đặt họ vào vị trí của những người nội tướng trong gia đình. Người đầu tiên mà chúng ta phải kể đến chính là Vương Hy Phượng – “bậc anh hùng trong đám phấn son, ngay bọn con trai mũ cao áo dài cũng chẳng hơn được” [73, tập 1, tr.233-234]. Không chỉ thông minh, lanh lợi, Phượng Thư còn rất tự tin vào tài quán xuyến và cắt đặt công việc trong đại gia đình của mình. Nếu như đa số phụ nữ phong kiến lấy chồng, sinh con sẽ sống nép dưới bóng chồng, chỉ biết lấy việc chăm sóc con cái, thêu thùa may vá làm niềm vui thì chị Phượng lại tháo vát trong việc quản lý cái đại gia đình mấy trăm con người: vấn đề thu - chi, sắp xếp công việc trong nhà ngoài phủ, chăm sóc những thành viên trong gia đình nhà chồng, làm vui lòng Giả mẫu,… Bởi thế, vợ Chu Thụy mới đưa ra lời nhận định xác đáng: “Đối với gia đình đồ sộ như thế này, chỉ có người biết lo lắng, tính toán như mợ mới
làm được thôi. Đừng nói là đàn bà không làm nổi, dầu cho hạng đàn ông ba đầu sáu tay cũng chưa chắc đã chống đỡ được” [73, tập 5, tr.58]. Nếu như Vương Hy Phượng đóng vai một nữ tướng có cái hăm hở, sôi sục khi ra trận, dùng những lời lẽ chua ngoa, cay nghiệt để đối đãi với người thì ngược lại, Bảo Thoa và Thám Xuân lại quán xuyến gia đình theo một cách khác. Chính Phượng Thư còn đánh giá Thám Xuân là “khá cả trong lẫn ngoài”, kẻ dưới khó lòng mà qua mặt được và dặn dò Bình Nhi làm việc cẩn thận bởi tuy là tiểu thư nhưng việc gì chủ nhân của Thu Sảng Trai cũng hiểu thấu, lại là người có học. Cùng với một người giúp trông nom việc nhà rõ ràng, minh bạch như Thám Xuân, khi đau bệnh, Phượng Thư còn được Bảo Thoa đỡ đần. Bảo Thoa quán xuyến mọi việc cứng rắn nhưng rất khéo léo khiến đám người hầu kẻ hạ trong nhà từ trên xuống dưới đều nể phục chứ không phải oán ngầm chủ nhân như đối với Phượng Thư.
Không dừng lại ở ca ngợi tài năng của nữ nhi, với Tào công, họ là còn là những người trang nhã, thanh cao, đối lập hoàn toàn với đám nam giới thô tục. Bởi “nhã luôn được gắn với thế giới nhân vật nữ, còn tục được gắn với thế giới nhân vật nam” [58, tr.38-39] nên văn hóa thi thư, lễ, nhạc dành cho nam nhi nhưng trong Hồng lâu mộng lại gắn với nữ giới. Ngay từ cách bày trí tại nơi ở đã nói lên phần nào sự thanh nhã trong tính cách của các cô gái. Ở hồi bốn mươi, già Lưu nhìn thoáng qua phòng của Đại Ngọc, chỉ thấy để toàn sách vở, nghiên bút. Nơi ở của Thám Xuân càng cho thấy phong thái chững chạc, ưu tú của nữ nhi với nghiên bút kết hợp với những bức họa, câu đối của các bậc danh nhân Trung Hoa. Không bày biện nhiều đồ như phòng của Thám Xuân, chỗ ở của Bảo Thoa chỉ bày những vật dụng đơn giản, thiết yếu khiến cho người đặt chân vào Hành Vu Uyển sẽ có cảm giác đây là một nơi gọn gàng, giản dị và thanh lịch như chủ nhân của nó. Mỗi người một cách thể hiện khác nhau nhưng nhìn chung, họ đều ưa chuộng phong cách giản dị, đĩnh đạc hơn là vẻ mỹ miều chốn khuê phòng. Đọc Hồng lâu mộng, chúng ta như thấy