Khi xây dựng biểu tượng trong tác phẩm văn học, hẳn người cầm bút đã có ý đồ nhất định. Bởi vậy, cùng là biểu tượng vườn nhưng mỗi nhà văn lại có một cách xây dựng biểu tượng khác nhau. Du tiên quật, Nguyên Liễu nhị công
(truyền kỳ Đường), Đào hoa nguyên ký (Đào Uyên Minh) chủ yếu lấy ngay khu vườn trong truyền thuyết Đạo giáo (Lưu Thần Nguyễn Triệu) làm bối cảnh cho tác phẩm của mình. Tới Tào Tuyết Cần, bằng những thử nghiệm mới, nhà văn đi xây dựng biểu tượng vườn dựa trên sự dịch chuyển không gian của nhân vật hòn đá thiêng (Giả Bảo Ngọc).
Xét theo sự dịch chuyển không gian của nhân vật Giả Bảo Ngọc trong tác phẩm Hồng lâu mộng, chúng tôi nhận thấy núi Đại Hoang, Thái hư ảo cảnh và Đại Quan Viên có mối quan hệ mật thiết với nhau, không thể tách rời.
Mỗi bước đi trên cuộc hành trình của nhân vật cũng chính là từng viên gạch mà Cần Khê đặt lên nhằm xây dựng vườn Đại Quan– biểu tượng độc đáo trong bộ tiểu thuyết.
Liên quan tới vấn đề này, chúng tôi đặc biệt chú ý tới ý kiến của hai tác giả Đinh Phan Cẩm Vân trong cuốn Tìm hiểu về Hồng lâu mộng và Lê Thị Diệu Linh với bài “Thực – hư với kết cấu không gian - thời gian của Hồng lâu mộng”2. Có sự gặp gỡ giữa hai công trình nghiên cứu trên khi các tác giả đều cho rằng Hồng lâu mộng tồn tại hai thế giới: thực và ảo (hư). Thực là thế giới tồn tại của Đại Quan Viên, thế giới ảo bao chứa hai thế giới: “thế giới đỉnh Vô Kê dãy Đại Hoang, nơi Nữ Oa luyện đá vá trời và thế giới Thái hư ảo cảnh, ở cung Xích Hà, nơi Tiên Cô cai quản, trị vì; cũng là nơi chứa những cuốn sổ định mệnh của Kim Lăng thập nhị kim thoa” [58, tr.122] hay “thế giới hư là thế giới bên ngoài thế giới trần thế kia, nó không hiển hiện và diễn tiến trước mắt con người bình thường, đó có thể là thế giới siêu nhiên như núi Đại Hoang, như cõi Thái hư ảo cảnh” [3, tr.54]. Trong cuốn sách của mình, tác giả Đinh Phan Cẩm Vân đã phân tích khá rõ ràng về mối quan hệ giữa hai thế giới: ảo (núi Đại Hoang, Thái hư ảo cảnh) và thực (Đại Quan Viên). Nhà nghiên cứu cho rằng quá trình vận động của hòn đá từ Đại Hoang Sơn, Thái hư ảo cảnh đến Đại Quan Viên là sự “biến hình chuyển đổi qua các thế giới thần, tiên, tục” [58, tr.121]. Khi phân tích về mối quan hệ giữa Thái hư ảo cảnh (cõi ảo) và Đại Quan Viên (thực), tác giả đưa ra kết luận: “Đại Quan Viên trở thành ảo ảnh của Thái Hư trong đời thực. Đại Quan Viên là một thiên đường trên mặt đất – nơi ở của các thiếu nữ phủ Giả, cũng chính là các tiên nữ cõi Thái Hư… Thái hư ảo cảnh và Đại Quan Viên là hai không gian đóng vai trò đồng bản chất, được cấu tạo theo dạng ảnh trong gương” [58, tr.140]. Những kết quả nghiên cứu đã nêu ở trên của hai tác giả chính là cơ sở
2
Lê Nguyên Cẩn chủ biên (2006), Tác gia, tác phẩm văn học nước ngoài trong nhà trường: Tào Tuyết Cần, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
quan trọng để chúng tôi đi sâu vào tìm hiểu mối quan hệ giữa ba không gian thuộc ba thế giới thần, tiên, tục dưới đây.
Với bài “Hồng học tâm bệnh: tiếp cận Hồng lâu mộng từ góc nhìn phân tâm học”, tác giả Ming – Donggu cho rằng Đại Quan Viên là biểu tượng cho dạ con của người mẹ. Dựa trên lý thuyết phân tâm học, ông đã chỉ ra rằng ở thời kỳ bú sữa, nỗi sợ lớn nhất của đứa trẻ là bị phụ bạc và bị tước mất nguồn an ủi hay sức mạnh (người chăm sóc đầu tiên) của chúng bởi một kẻ đối địch. Từ đó nảy sinh tính cách ấu nhi và tâm lý “sợ thành người lớn”. Chỉ có bầu sữa mẹ ấm áp mới xoa dịu được nỗi lo sợ ấy, đưa chúng trở lại cảm giác an toàn như đang ở trong dạ con của người mẹ. Tiếp thu kết quả nghiên cứu cũng như hướng tiếp cận của Min-Donggu, chúng tôi nhận thấy không chỉ có Đại Quan Viên mà cả Đại Hoang Sơn và Thái hư ảo cảnh cũng là “một dạ con biểu tượng” [121]. Mặt khác, cũng theo phân tâm học, nếu đứa bé phải đối mặt với sự vắng mặt ngày một lâu hơn của người mẹ thì sẽ có xu hướng “phải nại đến các vật thế vị” [121]. Theo đó, hành trình của hòn đá thiêng từ Đại hoang sơn, Thái hư ảo cảnh đến Đại Quan viên là cuộc kiếm tìm nơi trú ngụ yên lành, an toàn, giống như đứa trẻ có xu hướng đi tìm sự bao bọc, quan tâm mới khi người mẹ không đáp ứng được nhu cầu về thể chất lẫn tinh thần cho nó.
Trước tiên, chúng ta sẽ nói về Đại Hoang Sơn. Đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang là nơi Nữ Oa luyện đá vá trời. Theo thần thoại Trung Quốc, Nữ Oa được cho là vị thần sáng tạo nên loài người. Mặt khác, bà cũng là người có công bảo vệ nhân loại khi bầu trời sụp đổ, lỗ đen xuất hiện kéo theo những cơn đại hồng thủy, quái thú đe dọa cuộc sống của con người. Nữ Oa đã lấy đá ngũ sắc (xanh, đỏ, vàng, trắng, đen), nổi lửa lên luyện đá thành dung nham ngũ sắc, rồi lấy dung nham đó quét lên bầu trời, vá những lỗ đen lại, chặn đứng cơn mưa dữ. Trong Hồng lâu mộng, Tào Tuyết Cần viết: “Khi xưa Nữ Oa luyện đá vá trời ở đỉnh Vô Kê trên núi Đại Hoang, luyện được ba vạn sáu
nghìn năm trăm linh một viên, mỗi viên cao mười hai trượng, vuông hai mươi bốn trượng. Nhưng bà chỉ dùng ba vạn sáu nghìn năm trăm viên, còn thừa một viên bỏ lại chân núi Thanh Ngạnh” [73, tập 1, tr.21]. Như vậy, Nữ Oa không chỉ là thủy tổ của loài người mà quá trình luyện đá vá trời của bà đã tạo nên hòn đá thứ ba vạn sáu nghìn năm trăm linh một, sau khi luyện đã có linh tính như con người. Từ đó, chúng ta dễ dàng nhận ra mối quan hệ tất yếu: “Nữ Oa là người mẹ đầu tiên của hòn đá” [58, tr.117]. Đại Hoang Sơn – nơi Nữ Oa luyện đá vá trời, nơi hòn đá thiêng cư trú chính là dạ con của người mẹ tự nhiên, nguyên thủy nhất. Thế nhưng, người mẹ này có sinh ra nó (luyện đá), rồi từ một hòn đá vô tri trở thành có linh tính (thổi vào linh hồn con người) mà không có dưỡng, bỏ quên nó trên đỉnh núi hoang vu, lạnh lẽo, không quan tâm chăm chút đầy đủ tới những nhu cầu và nguyện vọng của nó. Theo lý thuyết phâm tâm học đã trình bày ở trên, hoàn cảnh của hòn đá tương tự như đứa trẻ bị tước mất sức mạnh (sự chăm sóc và thỏa mãn những nhu cầu khác), dẫn tới tâm lý “tủi phận”. Vì thế, khi vị đạo sỹ và nhà sư đi ngang qua, nói chuyện với nhau về “vinh hóa phú quý dưới cõi trần” [73, tập 1, tr.21] thì nó càng thấy chán ngán cuộc sống buồn tẻ, vô dụng nơi núi Thanh Ngạnh. Lòng khao khát được nếm trải, được hưởng thụ một cuộc sống tại nơi ở mới đã thôi thúc, giục giã hòn đá từ bỏ cái bụng của người mẹ tự nhiên để đến một nơi khác với hy vọng sẽ ấm áp và sôi động hơn.
Sau khi nhận được sự giúp đỡ của nhà sư và đạo sỹ, viên đá thiêng hóa thành viên ngọc đẹp và đầu thai vào một gia đình giàu sang, quyền quý bậc nhất, trở thành cậu ấm Giả Bảo Ngọc. Lúc này, dù sống trong cảnh giàu sang, phú quý cậu bé mười bốn tuổi không được sống tự do, tự tại như ý nguyện mà bị kiềm chế, bó buộc bởi những lễ giáo phong kiến và học hành, thi cử, nhất là những cuộc giáp mặt với Giả Chính – cha của cậu. Giờ thân phận đã đổi thay nhưng Bảo Ngọc vẫn mang tâm tính của hòn đá khi xưa, vẫn mong muốn tìm được chốn yên thân cho mình. Vậy là bao nhiêu những ẩn ức, những suy
nghĩ dồn nén lại ban ngày của cậu được giải tỏa trong những giấc mơ tới cõi Thái hư ảo cảnh. Ở hồi năm, những bước chân đầu tiên đặt tới thế giới cảnh ảo, dù mới thấy “một chỗ lan can đỏ, thềm xây bằng ngọc, cây xanh ngắt, suối trong veo” [73, tập 1, tr.101] mà Bảo Ngọc đã thấy sung sướng. Cậu cho rằng “chỗ này thú lắm, ước gì ta được ở đấy suốt đời. Dù mất cả nhà cũng vui lòng hơn là bị cha mẹ và thầy học kiềm thúc!” [73, tập 1, tr.102]. Tại đây, cậu Bảo không chỉ được Tiên Cô tiếp đãi nồng hậu: cho uống rượu tiên, nghe khúc hát tiên mà còn khuyên cậu đi theo đường chính đạo, nối nghiệp tổ tông, gả vợ cho và dạy cách mây mưa (nếm trải chuyện đời). Những việc làm đó của Tiên Cô rõ ràng rất đúng với vai trò, trách nhiệm của một người mẹ với đứa con của mình. Với cậu, còn gì sung sướng hơn khi được quan tâm, chăm sóc, bảo ban mà không bị áp đặt như thế? Vậy là ở cõi thần (Đại Hoang Sơn), Nữ Oa là người tạo ra hòn đá, ban cho nó sinh mệnh; ở cõi tiên (Thái hư ảo cảnh), Tiên Cô dạy dỗ, nhắc nhở nó về trách nhiệm của một nam nhân ở đời. Và như thế, hai người mẹ ở hai cõi thần (Nữ Oa) và tiên (Tiên Cô) đã thay thế nhau sinh - dưỡng nó, thúc đẩy nó trở thành một sinh mệnh hoàn hảo chốn trần gian.
Ở những hồi cuối trong Hồng lâu mộng, rất nhiều biến cố dồn dập ập tới gia đình họ Giả: cái chết của hàng loạt nữ nhân như Nguyên Xuân, hai chị em họ Vưu, Nghênh Xuân, Đại Ngọc, Giả Mẫu, Phượng Thư và Thám Xuân đi lấy chồng xa, Giả phủ bị quan binh triều đình lục soát tan tành, vườn Đại Quan trở thành hoang phế… Không khí u ám, tang thương bao trùm lên những con người sống nơi đó. Cậu ấm Giả Bảo Ngọc khi xưa giờ đã trưởng thành và kết hôn với Bảo Thoa nhưng tâm hồn cậu vẫn như một đứa trẻ. Phải chứng kiến nỗi khổ và sự ra đi của những người con gái trong nhà khiến Bảo Ngọc đau đớn, day dứt vô cùng. Cậu chỉ giận mình không thể bảo vệ họ, giữ họ lại bên mình. Mặt khác, cuộc gặp gỡ với Chân Bảo Ngọc diễn ra không như ý, Giả Bảo Ngọc không tìm được kẻ tri âm mà chỉ là “con mọt ăn lộc” mà
thôi. Những giảng giải, thuyết giáo, trách móc của Bảo Thoa sau khi nghe tâm sự ấy càng khiến áp lực và những đau đớn trong lòng chàng càng lúc càng nặng thêm mà hóa ngây. Hóa ngây với Bảo Ngọc như là một cách để cậu phản ứng lại với môi trường sống xung quanh khi có chuyện xảy ra bất ngờ và tác động lớn lao. Sống trong thân xác của chàng thanh niên nhưng tâm hồn vẫn còn là một đứa trẻ nên những gì đã xảy ra khiến Bảo Ngọc bị khủng hoảng trầm trọng. Cậu cần một chốn an toàn, một nơi ấm áp để tìm về. Và việc đi vào giấc mộng giúp viên đá thiêng trốn tránh hiện thực cuộc sống quá tàn khốc đang diễn ra xung quanh nó, xảy đến với những người mà nó yêu thương, quan tâm nhất. Ở hồi một trăm mười sáu, trong trạng thái ngất lịm, Bảo Ngọc đi tìm chốn bình yên cho mình và trở lại Thái hư ảo cảnh lần thứ hai. Trong giấc mộng, ước nguyện được gặp lại những người con gái thân tình với mình khi xưa được thỏa mãn. Chàng gặp được Tình Văn, Đại Ngọc, cô ba họ Vưu, Tần Thị,… nhưng tất cả bọn họ từ tính cách đến tên gọi đều khác xưa, không còn thân mật khi hồi ở vườn Đại Quan nữa. Không chỉ như vậy, người ta còn đuổi bắt, định giết chàng. Vậy là nơi mà hòn đá cho là yên ổn, được bao bọc giờ đây cũng không thể che chở nổi cho nó nữa.
Nhưng cõi Thái hư ảo cảnh xinh đẹp, yên bình ấy không thường xuyên trở về trong giấc mộng của Bảo Ngọc. Trong một trăm hai mươi hồi của cuốn tiểu thuyết, nơi cảnh ảo chỉ đến với giấc ngủ của cậu vẻn vẹn hai lần. Một câu hỏi đặt ra là: từ năm mười bốn tuổi cho tới khi trưởng thành (mười chín tuổi), điều gì đã giúp cho chàng công tử đích tôn của Giả phủ vượt qua được giai đoạn khủng hoảng tinh thần (chuyển từ một đứa trẻ sang người lớn), điều gì đã đưa cậu vượt qua được những lễ giáo, những ngăn cấm, ép buộc học hành, khoa cử cũng như trách nhiệm với xã hội và gia tộc? Câu trả lời không thể là một nơi nào khác ngoài Đại Quan Viên – thế giới “Đào nguyên” lý tưởng của con người. Đây là “một dạ con biểu tượng nơi cậu có thể thoát khỏi trong giây lát những gánh nặng trưởng thành” [121]. Do vậy, khi được Nguyên
Xuân sắp xếp cho cậu và tất cả các tiểu thư trong phủ Giả chuyển vào vườn, Bảo Ngọc đã rất vui sướng. Trong vườn, ngoài cậu ra, không có một nam nhân nào được sống ở đây và đương nhiên, Giả Chính – người cha cùng với những bài thuyết giảng về đạo lý thánh hiền, về chí “kinh bang tế thế” cũng hiếm khi đặt chân tới. Bảo Ngọc chỉ gặp mặt ông những khi ra khỏi vườn để hỏi thăm sức khỏe hay có những việc liên quan. Do vậy, cuộc sống không bị quản thúc thường xuyên, chặt chẽ khiến cậu Bảo rất thoải mái. Cậu thích học thì học, không thích học thì chơi, thích đọc sách gì cũng không ai quản được. Hơn nữa, Đại Quan Viên còn là nơi hội tụ của chị em, bạn bè, hầu gái của Bảo Ngọc. Họ là những cô gái tài năng và xinh đẹp đứng đầu đất Kim Lăng. Ở bên họ, cậu được quan tâm, chiều chuộng, thỏa mãn mọi đòi hỏi về thể chất và tình cảm. Còn gì sung sướng hơn khi mỗi ngày trong khu vườn lại gắn liền với đủ mọi hoạt động sôi nổi, không bao giờ nhàm chán: cùng chị em đi câu cá, thả diều, mở thi xã vịnh thơ, uống rượu, tán tụng,… Các chị e, a hoàn và vú nuôi đảm nhận vai trò của người mẹ. Tất cả đều vây quanh nhân vật trung tâm là Giả Bảo Ngọc. Rời xa vòng tay của họ, bước ra khỏi Đại Quan Viên cũng đồng nghĩa với việc đến một thế giới khác (ở bên ngoài) đang chứa đựng đầy những bất an, hãi hùng. Chỉ khi trở về khu vườn, trở về với đám chị em, cậu mới có được cảm giác an toàn, ấm áp.
Bởi Đại Quan Viên là thế giới lý tưởng, đóng vai trò rất quan trọng đối với thế giới tinh thần nhạy cảm của Bảo Ngọc nên nỗi ám ảnh, sợ hãi luôn thường trực trong tâm trí cậu là sự sụp đổ không tránh khỏi của khu vườn. Không ít lần cậu hoảng sợ khi nghĩ hay nghe tin một người chị em sống bên cậu sắp rời khỏi khu vườn. Ở hồi thứ mười chín, sau khi nghe Tập Nhân nói đùa sắp được gia đình chuộc về, Bảo Ngọc không những buồn rầu mà còn dùng mọi lý lẽ để giữ cô ở lại. Tập Nhân tỏ vẻ kiên quyết muốn về, cậu than thở: “Nếu sớm biết ai cũng định đi cả, thì mình chuốc đến đây làm gì. Có lẽ sau này chỉ trơ trọi một mình” [73, tập 1, tr.357]. Cảm thấy nói như như vậy
vẫn chưa đủ, Bảo Ngọc còn hứa sẽ sửa chữa những thói tật bất thường của mình, miễn là Tập Nhân chịu ở lại. Lần khác, nghe tin Đại Ngọc sẽ rời vườn Đại Quan mà về Nam, Bảo Ngọc trở nên ngây dại rồi ngất lịm, chỉ khi nghe Tử Quyên tới giải thích chỉ là lời đùa cợt cậu mới hết bệnh. Sau cái chết của Đại Ngọc, Đại Quan Viên hoang tàn, lại nhận được tin Thám Xuân sắp đi lấy chồng, Bảo Ngọc chỉ bất lực chỉ biết khóc than:
“Giờ đây không thể sống được nữa! Chị em mỗi người tan tác mỗi nơi. Em
Lâm đã thành tiên, chị lớn đã chết; hàng ngày không được với nhau một chỗ, thế
cũng đành. Chị Hai gặp phải cái thằng bậy bạ không ra người. Nay em ba lại đi lấy
chồng xa, không sao gặp mặt được nữa. Cô Sử không biết sẽ phải đi đâu? Em Tiết
thì đã có nhà chồng. Bao nhiêu chị em, chẳng lẽ không để một ai ở nhà sao? Còn lại một mình tôi để làm gì?” [73, tập 5, tr.398].