Biểu tượng trong văn học cổ trung đại Trung Quốc

Một phần của tài liệu biểu tượng vườn và nước trong hồng lâu mộng (Trang 25 - 28)

Kinh Dịch là cội nguồn của triết học Trung Quốc, là mô hình tư duy triết học cổ đại nhất, mọi phương diện của triết học truyền thống Trung Quốc đều bắt nguồn từ nó. Tác giả Trần Lê Bảo cho rằng “đó là lối tư duy thiên về nhận thức những biểu tượng cụ thể” [2, tr.45].

Ngay từ đời Phục Hy đến cuối nhà Thương, Kinh Dịch vẫn là một mớ vạch liền, vạch đứt, chưa có tên hiệu hay chữ nghĩa gì cả. Tuy vậy, chúng vẫn biểu trưng cho những ý nghĩa nhất định. Ký hiệu cơ bản của các quẻ trong

Kinh Dịch đoạn thẳng: một đoạn thẳng (vạch liền) “__” gọi là vạch Dương (hào Dương) hoặc đoạn cắt (vạch đứt) “_ _” gọi là vạch Âm (hào Âm). Vạch Dương đại diện cho dương khí, vạch Âm đại diện âm khí, sự lưu thông thống nhất giữa hai khí này sẽ tạo ra vạn vật. Hai vạch đó gọi là NHỊ NGUYÊN (LƯỠNG NGHI); Trên mỗi LƯỠNG NGHI thêm một nét nữa, thành ra bốn cái hai vạch, tạo thành bốn hình khác biệt với tên: Thái Dương, Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm, gọi chung là TỨ TƯỢNG. Tứ Tượng là Nhật Nguyệt Tinh Thần (mặt trời, mặt trăng, định tinh và hành tinh). Trên bốn tượng lại có thêm một vạch nữa, tạo thành tám cái ba vạch, gọi là tám Quẻ (tức quẻ đơn).

Chữ “tượng” chính là căn cứ tạo nên Kinh Dịch. Nó có nghĩa là mô phỏng, tượng trưng. Người Trung Quốc cổ đại cho rằng: sự vật cơ bản giữa trời đất có tám loại: trời đất, sấm sét, gió, nước, lửa, núi và sông ngòi làm đại diện, từ đó chia làm tám quẻ: Càn hay Kiền (trời), Khôn (đất), Chấn (sấm sét), Tốn (gió), Khảm (nước), Ly (lửa), Cấn (núi), Đoài (sông ngòi). “Tượng” mang tất cả tính đại diện cụ thể của Bát quái (tức giải thích tất cả các ý nghĩa, hiện tượng đại diện cho từng quẻ, muốn hiểu được điều đó phải đọc sách “Thuyết Quái” của Khổng Tử soạn). Tám quẻ đơn ở trên tượng trưng cho các vật ở vũ trụ, mỗi quẻ là hình tượng và tính chất của một hoặc nhiều vật: Kiền là tượng trời, tượng con rồng, có sức mạnh, tượng trưng đàn ông; Khôn là tượng đất, tượng con trâu, có tính chất nhu thuận, là đàn bà; Chấn là tượng tiếng sấm, tượng cái cây, tính động; Khảm là tượng nước, tượng mây, tượng mưa, tính hiểm trở; Tốn là tượng gió, tính chất luồn vào, đong đưa; Ly là tượng lửa, là ánh sáng, tính quang đãng; Cấn là tượng núi, tính chất yên tĩnh; Đoài là tượng đầm, tính vui vẻ. Sau cùng, Phục Hy đem quẻ nọ chồng lên quẻ kia, điên đảo khắp lượt, tạo thành sau mươi tư cái sáu vạch, gọi là sáu mươi tư

Quẻ (quẻ kép). Ba vạch cắt nhau tạo nên Bát quái, Bát quái hai phần chồng nên nhau tạo thành sáu mươi bốn quẻ. Bắt nguồn từ những vạch liền vạch đứt kết hợp lại với nhau nhưng ảnh hưởng của Kinh Dịch hết sức lớn lao. Khi người dân Trung Hoa chưa có chữ viết, “những quẻ là bước đầu để đi tới văn tự. Sáu mươi bốn quẻ được Kinh Dịch Huyền Nghĩa coi như là sáu mươi bốn dạng chữ đầu tiên” [40, tr.18]. Với việc bói toán bằng cỏ thi, bằng tiền cũng bắt nguồn từ Kinh Dịch. Trong phong thủy và quân sự, những nguyên lý của

Dịch học cũng được áp dụng rất nhiều.

Như vậy, mô hình tư duy triết học trong Kinh Dịch đã tạo nên một hệ thống tín hiệu, biểu tượng phong phú trong việc nhận thức thế giới. Mỗi hào, quẻ trong hệ thống đều mang một ý nghĩa biểu trưng nào đó. Tính chất của mỗi quẻ tượng trưng cho sự riêng biệt của nó “vì bản thân các phù hiệu tượng trưng trên đã chứng tỏ năng lực tư duy đương thời có thể bao quát bản chất sự việc vào một số tượng, một số phạm trù cụ thể” [2, tr.46]. Cũng theo tác giả Trần Lê Bảo, Kinh Dịch có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trên quê hương của nó mà còn “là đặc điểm tư duy phương Đông, trong đó có tư duy nghệ thuật” [2, tr.46].

Nam hoa kinh là cuốn sách do Trang Tử và các đệ tử đời sau dựa trên cơ sở tư tưởng triết học của Lão Tử (lấy “Đạo” làm tín ngưỡng căn bản và làm cơ sở lý luận của giáo nghĩa) mà phát triển thành. Nó không chỉ là một tác phẩm triết học mà còn được coi là một tác phẩm văn chương, được Kim Thánh Thán xếp vào vị trí số một trong “Lục tài tử”.

Ngoài đặc điểm chung của các triết gia Trung Hoa khi viết sách là trình bày tư tưởng của mình một cách vắn tắt, lửng lơ để dành khoảng trống cho người đọc suy ngẫm, Trang Tử còn sử dụng nhiều ngụ ngôn cũng như ý tứ rất thâm trầm khiến người đọc không kể công sức và thời gian để suy nghĩ về nó, bàn luận về nó. Tác giả của Nam hoa kinh đã sử dụng vô số những hình ảnh mang ý nghĩa ẩn dụ. Trong bài Tiêu dao du (thuộc chương Nội thiên), Trang

Tử đã mượn thần thoại “Tinh Vệ lấp biển” để xây dựng một hình ảnh tương tự nhằm bày tỏ suy nghĩ của mình. Nếu như hình ảnh chim bằng không nề hà gió bão, sóng lớn để vượt biển là biểu tượng chí lớn và lòng quyết tâm thì con ve, con cưu mới ra ràng và con chim sẻ lại mang ý nghĩa ngược lại. Ở thiên Tề vật luận, hình ảnh cánh bướm không chỉ nói để về quan niệm nhân sinh của mình mà còn là biểu tượng cho giấc mộng (tỉnh và mộng – Trang Tử và bướm). Ngoài biểu tượng cánh bướm, trong Nam hoa kinh còn xuất hiện biểu tượng cái bóng. Chúng ta gặp đi gặp lại hai cái bóng trong thiên Tề vật luận, Ngụ ngôn và cuộc đối thoại giữa chúng. Theo các tác giả cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, trong tâm thức của người Trung Hoa cổ, cái bóng được khởi thủy từ việc con người thấy sườn núi râm tối của thung lũng đối lập với sườn chói chang ánh nắng hoặc bóng là một cổ mẫu nguyên thủy trong tấm gương nước vô thức (theo Đào Ngọc Chương). Từ việc nghiên cứu hình bóng, phép định hướng trong thuật địa lý cổ xưa được hình thành.

Bước vào Nam hoa kinh là chúng ta nghe Trang Tử nói về mộng. Đó là mộng về chim bằng, về cánh bướm, về cái bóng, con ốc sên, con ếch trong giếng cạn,... Như vậy, thế giới của Trang Tử chỉ là những biểu tượng, là những cái mà ông gọi là, ngụ ngôn, trùng ngôn. Ông đã gửi gắm vào những biểu tượng nghệ thuật này những tính chất trừu tượng của ý cảnh hoặc phẩm chất nào đó của con người. Ngụ ngôn trong tác phẩm của Trang Tử là nghệ thuật tượng trưng, mà nói như Hêghen, nghệ thuật ấy là một “mã tinh thần” khó có thể giải thích hết được. Cùng với phong cách lãng mạn, trí tưởng tượng phong phú, lối nói tượng trưng tuy còn đơn giản nhưng có ảnh hưởng rất lớn tới các nhà thơ, nhà văn đời sau như: Bạch Cư Dị, Tào Tuyết Cần,…

Một phần của tài liệu biểu tượng vườn và nước trong hồng lâu mộng (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(175 trang)