• Kinh thi
Ca của Trung Quốc ra đời trước khi có chữ viết, được hình thành và phát triển dần lên trong quá trình lao động, múa hát của con người (văn học dân
gian). Kinh thi là bộ tổng tập thơ ca đầu tiên (từ thế kỷ XI – IV TCN – tức từ đầu thời nhà Chu đến giữa thời Xuân Thu) cũng là một trong những tác phẩm nổi tiếng của nền văn học cổ Trung Quốc. Đây là tác phẩm tiêu biểu cho nền văn hóa phương Bắc (cùng với triết học Khổng Mạnh).
Kinh thi được đánh giá cao không chỉ bởi đây là tuyển tập thơ ca dân gian có nội dung làm nền tảng cho khuynh hướng hiện thực của văn học Trung Quốc mà nghệ thuật của nó cũng rất đặc sắc. Cùng với lối kết cấu trùng chương điệp cú, phú thì tỷ, hứng là những thủ pháp nghệ thuật nổi bật. Tỷ là so sánh, mượn cái này để nói cái kia, mượn cái cụ thể để nói cái trừu tượng: mượn con chuột để nói về kẻ bóc lột – Thạc thử,mượn hình ảnh cây đào non, đào tơ để nói về sự trẻ đẹp của người con gái dậy thì – Đào yêu, mượn hình ảnh quả mai (mơ) rụng để nói tiết cuối xuân và chỉ hương sắc dần nhạt phai theo thời gian của người con gái – Phiếu hữu mai, lấy gió lớn để ví với người chồng bạo tàn - Chung phong,… Hứng là khêu gợi, mượn sự vật bên ngoài để khêu gợi tình cảm bên trong, có khi liên quan, có khi chỉ gợi âm thanh, gợi vần: từ tiếng chim gù gọi nhau mà chàng trai mơ tưởng đến cô gái hái rau hạnh, rồi nhớ thương, rồi trằn trọc và tưởng tượng ra ngày cưới – Quan thư, khởi hứng từ hình ảnh con chim sẻ vàng kêu chích chích ở bụi cây gai, rồi cây dâu mà dẫn đến chuyện tuẫn táng – Hoàng điểu,… Giữa tỷ và hứng nhiều khi rất khó phân chia ranh giới rõ ràng bởi trong tỷ có hứng, trong hứng có tỷ. Lưu Hiệp nói: “thể tỷ thì chứa giận dữ mà không nói thẳng; thể hứng thì ví von xa gần để gửi sự răn đe” [77, tr.117].
Dù thuộc dòng văn học dân gian – những sáng tác thơ ca đầu tiên của văn học Trung Quốc nhưng phép tỷ, hứng trong Kinh thiđã chứa đựng những (biểu tượng) tượng trưng đơn giản và có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca Trung Quốc đời sau.
• Sở từ
đáo của mình cộng thêm những ảnh hưởng của văn hóa phương Bắc đã hun đúc cho ra đời nhà thơ vĩ đại Khuất Nguyên. Khuất Nguyên cùng những người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của ông như Tống Ngọc đã sáng tạo ra thể thơ Sở từ - loại thơ ca ra đời trong thời Chiến Quốc, giàu màu sắc địa phương nước Sở. Đến Sở từ, mặt hình thức của thơ ca Trung Quốc cổ đại đã có bước phát triển mới. Ly tao là tác phẩm Sở từ kiệt xuất, tiêu biểu của Khuất Nguyên. Đây là bài thơ trữ tình dài, xuất hiện sớm nhất trong lịch sử văn học viết Trung Quốc. Ly tao của Khuất Nguyên ra đời không chỉ đưa thơ ca Trung Quốc vào giai đoạn sáng tác có ghi tên tác giả cụ thể, không còn là tác giả khuyết danh như trong Kinh thi nữa, mà còn là sáng tác văn học đầu tiên theo khuynh hướng lãng mạn với việc sử dụng khá đầy đủ các thủ pháp biểu hiện lãng mạn.
Trong cuốn Lý luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc, Khâu Chấn Thanh đã nêu ý kiến của Tô Thức đời Tống: “Tác phẩm Ly tao của Khuất Nguyên sở dĩ tranh được vẻ sáng với mặt trăng, mặt trời, và biến đổi cả thể phong và nhã” (cái phong nhã nhi tái biến giả), ấy là vì nó đã có sự đổi mới, phát triển trên cơ sở của 300 bài thơ Kinh Thi” [81, tr.304]. Qủa vậy, về mặt biểu hiện nghệ thuật, Ly tao của Khuất Nguyên đã tham khảo thủ pháp tỷ, hứng của Kinh thi khi sử dụng số lượng nhiều biện pháp tỷ dụ. Nhà thơ đã sử dụng những loài hoa cỏ thơm (huệ, lan, sói, thiên lý, đỗ quyên,…) và chim quý (phượng, loan,…) để ví với phẩm chất trung trinh của mình; dùng những loài cỏ độc (cỏ tiêu, cỏ ngải, cỏ tranh,…), những loài ác điểu, vật tồi (chim trấm – loài chim độc mà lông của nó ngâm rượu uống có thể chết người, chim cưu,…) để ví với thói xiểm nịnh, nham hiểm của bon người xấu; lấy vị nữ thần của Lạc Thủy trong thần thoại là Phục Phi và người con gái của họ là Hữu Ngu để ví với hiền thần; lấy loài rồng và các thứ chim loan phượng bay lượn trên trời cao để ví với người quân tử; lấy hình ảnh gió xoáy, mây trời, mống cụt,… biến đổi vô thường để ví với kẻ tiểu nhân,…
Tuy bắt nguồn từ Kinh thi nhưng phép tỷ, hứng của Ly tao có sự đổi mới rõ rệt. Trong Kinh thi, phép tỷ được thực hiện dựa trên cơ sở lợi dụng điểm giống nhau nào đó giữa hai vật và so sánh chúng với nhau, khiến cho tư tưởng, tình cảm hoặc quan điểm vốn trừu tượng được trình bày một cách sinh động, cụ thể, khiến cho người đọc có ấn tượng rõ nét, hoặc trình bày một cách uyển chuyển, hàm súc để độc giả tự tìm lấy ý vị ở những điều không tiện nói thẳng ra; hứng mượn sự vật để khơi gợi hoặc mượn đề tài để phát huy. Lưu Hiệp gộp tỷ, hứng trong Ly tao vào làm một khi nói rằng: “Loài rồng để so sánh với người tốt, mây mống để so sánh với người xấu, như thế đều có cái phong cách của tỷ hứng trong Kinh thi vậy” [77, tr.36]. Sự khác nhau lớn nhất giữa tỷ, hứng trong Ly tao và Kinh thi, theo Khâu Chấn Thanh chính là “sự “nghĩ nhân hóa” (nhân cách hóa) của nó. Điều đó có thể nói rằng, đó là sự phát triển thủ pháp tỷ, hứng trong Kinh thi vậy.” [81, tr.292]. Do vậy, so với
Kinh thi, thủ pháp này trong Ly tao phức tạp và phong phú hơn nhiều.
Như vậy, với bài thơ trữ tình đầu tiên trong lịch sử văn học viết Trung Quốc, nhà thơ không chỉ có ý thức tham khảo phép tỷ, hứng trong Kinh thi mà còn sử dụng thủ pháp này với mật độ dày đặc nhằm làm tăng sự sinh động cụ thể, ý nghĩa sâu sắc. Đó chính là sự phát triển phép tỷ, hứng của Kinh thi, cho chúng ta thấy được một hệ thống tượng trưng hoàn chỉnh xuất hiện trong tác phẩm, trở thành kinh điển cho các thi nhân đời sau học tập. Đó chính là một trong những lý do để Tư Mã Thiên đánh giá về tài năng của Khuất Nguyên trong cuốn Sử ký: “Dữ nhật nguyệt tranh quang khả dã” (đủ để sáng rực cùng mặt trời, mặt trăng) [33, tr.162], hay như lời nhận xét của Lưu Hiệp trong cuốn Văn tâm điêu long: “văn khí vượt quá người xưa, ngôn ngữ hơn hẳn đời sau” [77, tr.37]. Nhưng suy cho cùng, tỷ, hứng ấy vẫn còn đơn giản và để phát triển thành biểu tượng (tượng trưng), chúng còn phải trải qua nhiều chặng đường khác.