Lạng Sơn, Thái Bình và một số tỉnh trong cả nước

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách cấp xã nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam (Lấy ví dụ tỉnh Nam Định) (Trang 35 - 37)

Cơ chế Uỷ nhiệm thu là chủ trương của Tổng cục Thuế và hiện đang được thực hiện thú điểm tại nhiều địa phương trong cả nước như Lạng sơn, Thái bình…. Ví dụ tại Lạng Sơn, năm 2004 Uỷ ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết dịnh 63/2004/QĐ-UB về thực hiện cơ chế Uỷ nhiệm thu tại xã trong đó qui định: Uỷ nhiệm cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thu các khoản thu trên địa bàn xã các khoản thu theo quy định về thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp; môn bài từ bậc 4 đến bậc 6 đối với các hộ kinh doanh công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh như: kinh doanh vận tải, xây dựng tư nhân, cho thuê nhà, hộ sản xuất, kinh doanh thời vụ, vãng lai, giết mổ gia súc…. Mức chi trả thù lao uỷ nhiệm thu được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số thực thu được uỷ nhiệm đã nộp vào ngân sách nhà

nước do ngân sách xã đảm nhiệm (chưa kể phần kinh phí ngành thuế chi trả theo quy định) theo từng loại địa bàn là: Phường và thị trấn: 6%; Xã: 13%.

Bước đầu, kết quả tổng kết cơ chế uỷ nhiệm thu tại Lạng Sơn và Thái Bình cho thấy các xã được uỷ nhiệm thu thuế đều hoàn thành hoặc vượt mức kế hoạch thu. Riêng tại Thái Bình hầu hết các xã đều tăng thu so với năm trước từ 10% đến 15%; trong tổng số 39 xã thí điểm uỷ nhiệm thu có 14 xã tăng số hộ nộp thuế; 11 xã tăng số thu thuế, cá biệt có những xã như xã Hoà Bình tăng 40% số thuế, Bình Nguyên tăng 60%, Vũ Lễ tăng 50%, Nam Bình, Thanh Tân tăng 30 - 33%....

Kinh nghiệm được đúc rút qua sơ kết công tác uỷ nhiệm thu thuế cho xã là phải làm tốt công tác tuyên truyền có bài bản và trình tự, phổ biến chủ trương uỷ nhiệm thu thuế, hợp đồng tuyển chọn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ đảm nhiệm. Cùng với phân cấp, điều tiết nguồn thu cho ngân sách xã làm cho cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể coi công tác thuế thực sự là trách nhiệm và quyền lợi thiết thực của xã, không còn tình trạng chính quyền đứng ngoài cuộc, thậm chí có nơi phóng tay xin ngân sách cấp trên miễn giảm thuế tuỳ tiện, hoặc hạ mức thuế để ban ơn cho dân. Mọi nguồn thu đã được cân đối vào ngân sách xã, miễn giảm sai, bỏ sót nguồn thu là tự cắt vào ngân quỹ của xã mình, từ đó chính quyền xã có trách nhiệm cao hơn, tăng cường quản lý thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Tất cả các xã đều thực hiện niêm yết công khai tại trụ sở Uỷ ban nhân dân, phát trên đài truyền thanh xã về số hộ kinh doanh, mức thuế để dân biết tham gia giám sát bảo đảm đóng góp công bằng, động viên kịp thời những hộ nộp thuế sòng phẳng, nhắc nhở các hộ chấp hành chưa tốt. Lấy chỉ tiêu hoàn thành thu nộp thuế là tiêu chuẩn thi đua ghi nhận khen thưởng danh hiệu đơn vị, thôn làng, đoàn thể và gia đình văn hoá. Nhờ có dân chủ, công khai mà dân đã phát hiện không ít các hộ kinh doanh buôn bán, vận tải, chủ thầu xây dựng, các hộ chuyển quyền sử dụng nhà đất dây dưa trốn

thuế trên cơ sở đó Uỷ ban nhân dân xã có biện pháp truy thu được số thuế đáng kể. Cơ quan Thuế và chính quyền các xã phối hợp với các cơ quan chức năng giám sát chặt chẽ việc nộp thuế của các đối tượng sản xuất kinh doanh. Cụ thể là: Phối hợp với cơ quan công an và giao thông đăng ký phương tiện, thu thuế trước bạ để nắm chắc được các hộ kinh doanh vận tải đưa vào diện nộp thuế tăng thu đáng kể. Phối hợp với cơ quan Địa chính nắm chắc các hộ chuyển quyền sử dụng đất để thu thuế sát đúng và kịp thời. Phối hợp với cơ quan Tài chính cân đối các khoản thu thuế, phí... vào dự toán ngân sách xã để phấn đấu. Thực hiện quy chế thu thuế bằng giấy nộp tiền vào Kho bạc nhà nước để ngăn chặn kẽ hở cán bộ thuế quan hệ trực tiếp thu tiền mặt của các hộ nộp thuế. Cán bộ uỷ nhiệm thu của xã thay trưởng thôn đảm nhiệm thu thuế nhà đất bảo đảm quản lý chặt chẽ, thu đúng, thu đủ nộp kịp thời vào ngân sách. Nhờ có uỷ nhiệm thu cho xã nên đã khắc phục tình trạng một cán bộ thuế đảm nhiệm thu 2 - 3 xã vừa không sâu sát dẫn đến bỏ nguồn thu, từ đó giảm được biên chế hoặc chuyển cán bộ chuyên quản đảm nhiệm công tác khác như hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra. Từ đó, có thể khẳng định uỷ nhiệm thu thuế cho xã là chủ trương đúng đắn có hiệu quả. Tuy nhiên cơ chế này vẫn còn là vấn đề mới mẻ nên cần được đúc rút kinh nghiệm để triển khai trên phạm vi rộng.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý ngân sách cấp xã nhằm phát triển kinh tế - xã hội nông thôn Việt Nam (Lấy ví dụ tỉnh Nam Định) (Trang 35 - 37)