Khả năng chuyển hóa thức ăn

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của mùa vụ đến sức sản xuất thịt và hiệu quả kinh tế của gà Ross - 508 nuôi chuồng kín tại huyện Đồng Hỷ –tỉnh Thái Nguyên (Trang 25 - 27)

Trong chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng, việc tạo ra giống mới có năng suất cao thì chưa đủ, mà còn phải tạo ra nguồn thức ăn giàu chất dinh dưỡng phù hợp với đặc tính sinh lý, phù hợp với mục đích sản xuất của từng giống, dòng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển của vật nuôi. Gia cầm cũng giống như tất cả các loài vật nuôi khác, chúng đều là sinh vật tự dưỡng, không có khả năng tổng hợp các chất hữu cơ cần thiết cho sự sống như: protein, gluxit, lipid... từ những chất vô cơ đơn giản như sinh vật dị dưỡng, nhu cầu về các chất hữu cơ này của cơ thể gia cầm chỉ có thể được đáp ứng thông qua thức ăn nhờ quá trình tiêu hóa, hấp thu của hệ tiêu hóa.

Trong chăn nuôi ngoài việc tạo ra các giống mới có năng suất cao thì các nhà chăn nuôi cần phải chú ý tới nguồn thức ăn cân bằng đầy đủ các chất dinh dưỡng phù hợp với đặc tính sinh vật học của gia cầm và phù hợp với mục đích sản xuất của từng giống, dòng, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cơ thể, mà vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu về kinh tế, vì chi phí cho thức ăn thường chiếm tới 70% giá thành sản phẩm. Để đánh giá về vấn đề này người ta đưa ra chỉ tiêu: “Tiêu tốn thức ăn cho một kg tăng khối lượng”. Tiêu tốn thức ăn trên kg tăng khối lượng càng thấp thì hiệu quả kinh tế càng cao và ngược lại.

Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng là tỷ lệ chuyển hoá thức ăn để đạt được 1 kg thịt với gà Broiler tiêu tốn thức ăn chủ yếu dùng cho việc tăng khối lượng. Nếu tăng khối lượng càng nhanh thì cơ thể đồng hoá, dị hoá tốt hơn, khả năng trao đổi chất cao, do vậy hiệu quả sử dụng thức ăn cao dẫn đến tiêu tốn thức ăn thấp. Tiêu tốn thức ăn trên một đơn vị sản phẩm là chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng. Tiêu tốn thức ăn chính là hiệu suất giữa thức ăn/kg tăng khối lượng, chỉ tiêu này càng thấp thì hiệu quả kinh tế càng cao.

Bằng thực nghiệm đã chứng minh tiêu tốn thức ăn cho tăng khối lượng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Giống, tuổi, tính biệt, mùa vụ, chế độ chăm sóc nuôi dưỡng cũng như tình hình sức khỏe của đàn gia cầm.

Theo Phùng Đức Tiến (1996) [26], hệ số tương quan di truyền giữa khối lượng cơ thể và tăng khối lượng với tiêu tốn thức ăn thường rất cao được Chambers JR (1990) [38] xác định là (0,5 - 0,9). Tương quan giữa sinh trưởng và chuyển hoá thức ăn là tương quan âm từ (-0,2 đến -0,8).

Willson SP (1969) [53] xác định hệ số tương quan giữa khả năng tăng khối lượng cơ thể và hiệu quả chuyển hóa thức ăn từ 1 - 4 tuần tuổi là r = -1 đến +1. Hiệu quả sử dụng thức ăn liên quan chặt chẽ đến sinh trưởng.

Nguyễn Thị Hải và cộng sự (2006) [4] cho biết gà broiler nuôi vụ Xuân - Hè đến 10 tuần tuổi tiêu tốn hết 2,20 kg thức ăn ở lô nuôi nhốt và lô bán nuôi nhốt là 2,32 kg thức ăn.

Trần Công Xuân, Nguyễn Huy Đạt (2006) [35] khi nghiên cứu chọn tạo một số dòng gà chăn thả Việt Nam năng suất và chất lượng cao đã đưa ra kết luận. Tổ hợp lai ¾ máu Lương Phượng và ¼ máu Sasso X44 tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng từ 2,54 - 2,68 kg. Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có độ tuổi: con vật còn non thì chỉ tiêu này thấp, càng về sau chỉ tiêu này càng cao hơn.

Bùi Đức Lũng (1992) [13] cho biết gà lai V135 tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng ở các độ tuổi như sau: 4 tuần tuổi là 1,91; 5 tuần là 1,98; 6 tuần là 2,01; 7 tuần là 2,13; 8 tuần là 2,26 kg.

Theo Phan Sỹ Điệt (1990) [3] khi nuôi gà broiler Ross - 208 ở 6 tuần tuổi với các mức năng lượng khác nhau cho tiêu tốn thức ăn 1,88 - 2,2 kg. Sinh trưởng nhanh và tiêu tốn thức ăn thấp luôn là mục tiêu của nhiều công trình nghiên cứu về lai tạo giống gia cầm.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu ảnh hưởng của mùa vụ đến sức sản xuất thịt và hiệu quả kinh tế của gà Ross - 508 nuôi chuồng kín tại huyện Đồng Hỷ –tỉnh Thái Nguyên (Trang 25 - 27)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(72 trang)