Các giải pháp khác:

Một phần của tài liệu xét xử sơ thẩm vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy và thực tiễn (Trang 77 - 83)

Phối hợp giữa Tòa án và VKS trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy:

Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan hữu quan nhất là với VKS không chỉ là giải pháp nâng cao chất lượng xét xử trong quá trình tiến hành tố tụng các vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy mà còn được coi là nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đơn vị Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả.

Quan hệ phối hợp giữa TAND thành phố Cẩm Phả với VKS nhân dân thành phố Cẩm Phả được xây dựng trên các nguyên tắc nhất định, đồng thời được thực hiện theo những hình thức cơ bản. Tòa án và Viện kiểm sát không chỉ có mối quan hệ phối hợp mà còn mang tính chế ước. Trong quan hệ phối hợp cơ bản là để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong hoạt động tố tụng hình sự. Trong quan hệ chế ước, cơ bản là nhằm tránh lạm quyền trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng đối với Toà án và Viện kiểm sát. Do vậy, giữa hai cơ quan phải phối hợp thường xuyên, thông tin cho nhau biết về những vấn đề liên quan đến giải quyết vụ án, không để bất đồng mâu thuẫn gây khó khăn và ngược lại cũng không được nể nang thông cảm cho những thiếu sót để dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật.

Để có sự phối kết hợp trong giải quyết các vụ án hình sự TAND thành phố Cẩm Phả đã chủ động kết hợp với VKS xây dựng Quy chế phối hợp trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự nói chung và vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy nói riêng trong đó quy định về việc họp thường xuyên và bất thường giữa Tòa án với Viện kiểm sát; giải quyết những khó khăn vướng mắc trong hoạt động tố tụng của các Thẩm phán, Kiểm sát viên; các vụ án điểm, án lưu động... Trong Quy chế phối hợp đã quy định rõ nhiệm vụ quyền hạn của mỗi cơ quan trong tiến hành TTHS, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi ngành do pháp luật quy định, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc bỏ qua nguyên tắc xử lý tùy tiện.

Trong quá trình thực hiện Quy chế Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả thường xuyên kiểm tra việc thực hiện, sơ kết, tổng kết đánh giá những mặt mạnh để phát huy, những tồn tại để cùng bàn biện pháp khắc phục, cũng như chỉnh lý bổ sung những quy định cho phù hợp quy định của pháp luật và thực tế đòi hỏi.

Tăng cơ sở vật chất phương tiện trang thiết bị cho hệ thống cơ quan Tòa án trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy:

Hiện nay tội phạm ma túy là một trong những tội phạm được các cấp chính quyền đặc biệt quan tâm, hơn nữa địa bàn thành phố Cẩm Phả được coi là một

trong những điểm nóng về vấn đề này và để công tác xét xử có chất lượng cao mang tính tuyên truyền giáo dục tới mọi người dân biết về tác hại của như biện pháp phòng chống đối với tệ nạn này. TAND thành phố Cẩm Phả đã đưa ra xét xử lưu động những vụ án có tính chất nghiêm trọng nhưng do trang thiết bị kỹ thuật còn thiếu thốn nên không mang lại tính hiệu quả cao. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật tuy chỉ là những yếu tố hỗ trợ chỉ mang tính hình thức, không có ý nghĩa trong việc giải quyết nội dung của một vụ án cụ thể nhưng lại có tác dụng rất lớn được coi là cầu nối cho quá trình tìm ra sự thật khách quan là phương tiện nâng cao hiệu quả xét xử của Tòa án.

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị nhận định: “Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cấp huyện, nhiều nơi trụ sở còn chật chội, phương tiện làm việc vừa thiếu lại vừa lạc hậu…” [1].

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã chỉ rõ: Nhà nước bảo đảm điều kiện vật chất cho hoạt động tư pháp phù hợp với đặc thù của từng cơ quan tư pháp và khả năng của đất nước;...

Thực hiện chủ trương cải cách tư pháp, trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã tăng cường lãnh đạo, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc và phục vụ công tác; thực hiện nhiều chế độ, chính sách đối với cán bộ ngành Tòa án. Do đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và chế độ chính sách đối với cán bộ, Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, cải thiện đáng kể đời sống sinh hoạt cần thiết cho cán bộ, công chức. Đặc biệt ban cải cách tư pháp của thành phố đã quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ cho đơn vị mua sắm một số trang thiết bị phục vụ nhu cầu chuyên môn. Tuy nhiên, so với yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và trong mối tương quan về mức sống với các ngành khác, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc của Tòa án vẫn còn thiếu thốn, nghèo nàn và lạc hậu; đời sống của cán bộ còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài những giải pháp trên, còn nhiều giải pháp khác có ý nghĩa nâng cao chất lượng XXST vụ án hình sự như tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xét xử; Tăng cường hợp tác quốc tế về tư pháp...

Kết luận chương 3

Trên cơ sở phân tích đánh giá một cách khách quan, toàn diện những kết quả đạt được và những hạn chế, tồn tại của hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép các chất ma túy từ thực tiễn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới đặt ra yêu cầu khách quan phải đảm bảo hiệu quả hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự trong hoạt động tố tụng hình sự của Tòa. Xuất phát từ nhận thức chung về các yếu tố tác động đến hiệu quả xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép các chất ma túy của Tào án nhân dân thành phố Cẩm Phả và phân tích về nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực hoạt động này, tác giả đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đạt hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay.

KẾT LUẬN

1. Để đáp ứng nhiệm vụ phát triển và bảo vệ đất nước, yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, vì mục tiêu "xây dựng nền tư pháp", Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị (khoá IX) về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xác định các nhiệm vụ cải cách tư pháp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có Tòa án nhân dân nói chung và công tác áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự nói riêng nhằm đảm bảo việc xét xử được minh bạch, khách quan, dân chủ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

2. Xét xử sơ thẩm là giai đoạn tố tụng giải quyết vụ án, là nơi các nguyên tắc cơ bản của tố tụng được thể hiện đậm nét nhất, nơi thành phần chủ thể tham gia đông đảo và có tính đại diện cao. Phiên tòa sơ thẩm thường được tiến hành công khai, đây là hình thức tuyên truyền và phổ biến pháp luật gây nhiều ấn tượng, đồng thời là một hình thức giám sát của nhân dân đối với hoạt động của cơ quan Tòa án. Phiên tòa là nơi thể hiện đầy đủ nhất quyền bào chữa của bị cáo, qua đó có thể đánh giá một phần nào trình độ dân chủ, mức độ thượng tôn pháp luật của một quốc gia.

3. Trong thời gian qua, Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả đã thực hiện tốt chức năng xét xử góp phần ổn định về chính trị, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân. Bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động xét xử vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy vẫn còn tồn tại một số thiếu sót, vi phạm.

4. Nhằm nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm trong các vụ án hình sự nói chung và vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy từ thực tiễn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, tác giả luận văn đã sử dụng, kết hợp các phương pháp nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và tiếp thu những thành tựu của những người đi trước, so sánh và đối chiếu những tài liệu, sách chuyên khảo để phân tích, đánh giá thực trạng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt các chất ma túy. Để từ đó đề ra những giải pháp khắc phục và nâng cao chất lượng xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự. Luận văn đã đạt được những kết quả cụ thể sau:

Từ việc nghiên cứu và đánh giá hoạt động XXST hình sự trong TTHS luận văn đã làm rõ khái niệm xét xử sơ thẩm vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy; đặc điểm; ý nghĩa của hoạt động xét xử sơ thẩm

vụ án hình sự tàng trữ vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Bên cạnh đó xác định các yếu tố tác động đến hiệu quả xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

Luận văn sử dụng phương pháp phân tích tổng hợp, so sánh, phương pháp thống kê, phương pháp lý luận kết hợp với thực tiễn phân tích thực trạng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy từ thực tiễn thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh trong 05 năm từ năm 2009 đến năm 2013. Trên cơ sở đó phân tích, đánh giá hoạt động chuẩn bị xét xử, thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm, những kết quả đã đạt được trong hoạt động xét xử sơ thẩm vụ án tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả công cuộc đổi mới. Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đạt còn có những hạn chế, những thiếu sót đó chủ yếu do nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan song đáng chú ý là phần lớn do năng lực trình độ của cán bộ Thẩm phán, Thư ký chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Để đảm bảo việc xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy của Tòa án nhân dân thành phố Cẩm Phả đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu của cải cách tư pháp; tác giả đưa ra các giải pháp cơ bản, đó là: giải pháp chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp đối với ngành Tòa án; giải pháp về công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và một số giải pháp pháp khác như: công tác phối hợp giữa Tòa án, Viện kiểm sát và cơ sở vật chất kỹ thuật...Các giải pháp trên có thể là chưa đầy đủ, tuy nhiên xuất phát từ việc tác giả tổng hợp, khái quát từ thực tiễn xét xử trong ngành Tòa án đối với vụ án hình sự tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy trên địa bàn thành phố Cẩm Phả.

5. Những kết quả đã đạt được trong luận văn cho thấy có sự nỗ lực, cố gắng của bản thân tác giả; sự giúp đỡ tận tình, trách nhiệm cao của các thầy cô, các nhà khoa học, các đồng nghiệp và đặc biệt là sự giúp đỡ của cô hướng dẫn khoa học luận văn. Tuy nhiên, do điều kiện nghiên cứu và khả năng luận văn có những khó khăn khách quan, những hạn chế về kiến thức của bản thân nên luận văn chắc chắn còn những thiếu xót trong việc giải quyết các nhiệm vụ, mục đích mà luận văn đã đề ra. Tác giả luận văn mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các nhà khoa học và các đồng nghiệp để luận văn được hoàn thiện hơn.

Một phần của tài liệu xét xử sơ thẩm vụ án tàng trữ trái phép chất ma túy và thực tiễn (Trang 77 - 83)