Các loại hình bán lẻ hiện đạ

Một phần của tài liệu Phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ hàng hóa hiện đại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 25 - 33)

1.1.2.1. Siêu thị (Supermarket)

Kinh doanh siêu thị là một trong những loại hình kinh doanh hiện đại, ra đời và phát triển trong quan hệ mật thiết với quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá ngày càng cao ở quy mô thế giới. Sự ra đời của loại hình kinh doanh này vào năm 1930 ở Mỹ sau đó mở rộng sang châu Âu được coi là một trong những cuộc “cách mạng” hữu ích nhất đối với người tiêu dùng trong lĩnh vực lưu thông phân phối ở thế kỷ XX.

"Siêu thị" là từ được dịch ra từ các thuật ngữ nước ngoài - "supermarket" (tiếng Anh) hay "supermarché" (tiếng Pháp), là một loại cửa hàng bán lẻ áp dụng phương thức tự phục vụ và hàng hóa chủ yếu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng ngày.

Chính thức ra đời từ những năm 1930, tự phục vụ là một đặc trưng cơ bản của siêu thị đã trở thành công thức chung cho ngành phân phối ở các nước phát triển. Tự phục vụ đồng nghĩa với văn minh thương nghiệp hiện đại. Nó có nhiều ưu điểm so với cách bán hàng truyền thống: doanh nghiệp có thể tiết kiệm được chi phí bán hàng, đặc biệt là chi phí tiền lương cho nhân viên bán hàng (thường chiếm tới 30% tổng chi phí kinh doanh). Tự phục vụ giúp người mua cảm thấy thoải mái khi được tự do lựa chọn, ngắm nghía, so sánh hàng hóa mà không cảm thấy bị ngăn trở từ phía người bán. Cũng chính vì áp dụng phương thức tự phục

vụ mà các siêu thị phải niêm yết giá cả rõ ràng để người mua không phải tốn công mặc cả, tiết kiệm được thời gian và hàng hóa bày bán trong siêu thị thường là những hàng hóa phổ biến, không phải là hàng cá biệt, đặc hiệu.

Merchandising là khoa học, nghệ thuật và cũng là các quy tắc sắp xếp trưng bày hàng hoá trong siêu thị. Merchandising với các kiểu trưng bày đẹp mắt, hiệu quả và tạo cảm giác hứng khởi, thoải mái, tiện nghi cho khách hàng cũng là một sáng tạo của siêu thị. Ngoài ra, phương thức thanh toán tại các siêu thị rất thuận tiện. Hàng hóa gắn mã vạch, mã số được đem ra quầy tính tiền ở cửa ra vào, dùng máy quét scanner để đọc giá, tính tiền bằng máy và tự động in hóa đơn... Tất cả những đặc điểm này thể hiện tính chất "siêu" của siêu thị.

Siêu thị là một dạng cửa hàng bán lẻ thuộc mắt xích trung gian gần với người tiêu dùng nhất. Tuy nhiên, khi nói đến siêu thị, ta ngầm hiểu đó là cách tiếp cận từ góc độ phân loại mang tính tổ chức đối với những cửa hàng bán lẻ theo phương thức hiện đại. Hệ thống các cửa hàng này ở các nước phương Tây bao gồm cửa hàng tiện dụng (convenience store), siêu thị nhỏ (mini super), siêu thị (supermarket), đại siêu thị (hypermarket), cửa hàng bách hoá lớn (department store), cửa hàng bách hoá thông thường, cửa hàng đại hạ giá (hard discounter), trung tâm thương mại (commercial center)... Những loại hình cửa hàng này với quy mô ngày càng lớn, trang hoàng đẹp và mua bán nhanh chóng, thuận tiện đã tạo nên diện mạo của ngành thương nghiệp bán lẻ hiện đại tại các nước châu Âu và Mỹ.[34]

Theo điều 2 Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại nay là Bộ Công Thương về việc ban hành quy chế Trung tâm thương mại, siêu thị, quy định “Siêu thị là loại hình cửa hàng hiện đại; kinh doanh tổng hợp hoặc chuyên doanh; có cơ cấu chủng loại hàng hóa phong phú, đa dạng, bảo đảm chất lượng; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ

thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện nhằm thỏa mãn nhu cầu mua sắm hàng hóa của khách hàng”.[6]

Siêu thị hiểu theo cách thông thường nhất là loại hình cửa hàng bán lẻ nhằm thỏa mãn nhu cầu cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng ở cộng đồng cư dân khu vực đặt cửa hàng và/hoặc một lần đi mua sắm của khách hàng; hàng hóa được trưng bày để ngỏ, bán hàng theo phương thức tự phục vụ là chủ yếu, tách biệt cửa ra và cửa vào, thực hiện thanh toán tập trung.[34]

Bên cạnh loại với quy mô trung bình, có loại hình siêu thị tổng hợp quy mô lớn được gọi là “đại siêu thị” (hypermarket).

Ngoài đại siêu thị, trong ngôn ngữ của nhiều nước, loại hình siêu thị tổng hợp quy mô lớn còn được thể hiện dưới các tên gọi khác như siêu cửa hàng (Superstore), cửa hàng phức hợp (Combination store) và siêu trung tâm (Supercenter).[34]

Theo quy định của Nhật Bản thì siêu thị chuyên doanh khác cửa hàng chuyên doanh chủ yếu ở việc áp dụng phương thức tự phục vụ trong bán hàng và tỷ trọng bán loại hay nhóm hàng mà siêu thị chuyên doanh mang tên trong tổng doanh số bán chỉ cần chiếm 70% trở lên (tỷ trọng này ở cửa hàng chuyên doanh là từ 90% trở lên). [34]

1.1.2.2. Cửa hàng tiện lợi (convenience store)

Cửa hàng tiện lợi là cửa hàng kinh doanh nhỏ, hàng hóa được trưng bày theo một hệ thống khoa học nhằm tạo thuận tiện nhất cho người mua hàng, có áp dụng những phương pháp thu ngân và thanh toán hiện đại. Quy mô của nó lớn hơn so với tiệm tạp hóa. Các cửa hàng tiện lợi thường liên kết thành chuỗi các cửa hàng.

Giống như tên gọi, đây là loại hình cửa hàng cung cấp sự tiện lợi cho người tiêu dùng; quy mô cửa hàng nhỏ; hàng hóa, dịch vụ kinh doanh chủ yếu là

những hàng hoá thiết yếu nhất với cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của con người; thời gian kinh doanh dài...

Cửa hàng tiện lợi ở các nước khác nhau là không giống nhau, kể cả về trang trí cửa hàng (trừ khi đó là cửa hàng cùng mang thương hiệu của doanh nghiệp chuỗi mẹ), quy mô cửa hàng hay mối quan hệ với các loại hình tổ chức bán lẻ khác. [34]

1.1.2.3. Cửa hàng chuyên doanh

Cửa hàng chuyên doanh là loại hình cửa hàng chỉ kinh doanh (hay tập trung kinh doanh) một mặt hàng hoặc một loại (nhóm) hàng hóa nào đó, hoặc định hướng vào một loại nhu cầu hay một nhãn hiệu nhất định, hàng hóa kinh doanh trong phạm vi hẹp nhưng cung cấp sự lựa chọn sâu (hay rất phong phú) về hàng hóa hoặc loại nhãn hiệu hàng hóa kinh doanh với phẩm cấp và giá cả khác nhau cùng với các loại hàng hóa và/hoặc dịch vụ bổ sung có liên quan khác. Có thể chia cửa hàng chuyên doanh nói chung thành 2 loại:

- Cửa hàng chuyên doanh (Specialty store) là loại hình cửa hàng bán lẻ chuyên bán một mặt hàng hoặc một loại (nhóm) hàng hóa nào đó. Ví dụ: cửa hàng giày thể thao, cửa hàng giày dép, cửa hàng đồ chơi,...

- Cửa hàng đại lý độc quyền (professional/exclusive shop) là loại hình cửa hàng bán lẻ chuyên bán hoặc được uỷ quyền bán một nhãn hiệu hàng hóa chủ yếu nào đó. [34]

1.1.2.4. Cửa hàng bách hóa (Department store/plaza)

Cửa hàng bách hóa là loại hình cửa hàng nằm trong một tòa nhà, thường chiếm vị trí nổi bật ở trung tâm thành phố, thị xã hoặc là cửa hàng chính trong các trung tâm mua sắm ngoại ô; kinh doanh tổng hợp nhiều loại hàng hóa và cung cấp đầy đủ các loại dịch vụ (kể cả giao hàng tận nhà và cho nợ...); phạm vi kinh doanh rộng, hàng hóa phong phú, đa dạng nhưng chủ yếu bán loại hàng có đặc tính là khi quyết định mua, khách hàng cần phải có sự so sánh, đối

chiếu với hàng hóa cùng chủng loại về chất lượng, giá cả. Tùy theo đặc điểm từng gian, quầy hàng mà cửa hàng bách hóa áp dụng hoặc kết hợp áp dụng phương thức chọn lấy hàng trên giá cho khách hàng và phương thức để khách hàng tự chọn hàng trên giá trưng bày để ngỏ với sự hỗ trợ của nhân viên bán hàng. Cửa hàng bách hóa có tên tiếng Anh là “Department store” với quan niệm như đề cập trên là khác với “Cửa hàng bách hóa tổng hợp” tồn tại ở Việt Nam thời bao cấp là loại hình cửa hàng bán hàng theo phương thức phục vụ tại quầy (tức là khách hàng cần loại hàng gì thì nêu yêu cầu hoặc chỉ để người bán hàng lấy đưa cho). Ở các nước khác nhau, cửa hàng bách hóa cũng có những đặc điểm không giống nhau.[34]

1.1.2.5. Cửa hàng chiết khấu - hay còn gọi cửa hàng bán giá rẻ (discount store)

Cửa hàng chiết khấu là loại hình cửa hàng bán lẻ các loại hàng hóa tiêu dùng (kể cả hàng có nhãn hiệu nổi tiếng) với giá rẻ hơn so với giá bán lẻ bình thường. So với cửa hàng bách hóa, loại cửa hàng chủ yếu bán hàng hóa có nhãn hiệu nổi tiếng được sử dụng trên phạm vi quốc gia (national brand) hay quốc tế, cửa hàng bán giá rẻ có điểm khác là: Lãi thấp (hạn chế các chi phí xây dựng, trang trí nội thất, nhân công, quản lý...); quay vòng nhanh (tỷ suất quay vòng hàng tồn kho cao hơn hẳn cửa hàng bách hóa); và bán hàng theo phương thức tự phục vụ giống như cửa hàng tiện lợi.

Nhờ thực hiện chiến lược bán hàng với giá thấp một cách triệt để nên loại hình cửa hàng bán giá rẻ luôn thu hút được đông đảo các đối tượng khách hàng.

Phối hợp các tiêu chí khác nhau, có thể chia cửa hàng giá rẻ thành nhiều loại với tên gọi khác nhau; trong đó có 2 loại hình cửa hàng giá rẻ tiêu biểu là cửa hàng dạng nhà kho và cửa hàng hội viên dạng nhà kho.[34]

1.1.2.6. Chuỗi cửa hàng bán lẻ (Chain store)

Cửa hàng chuỗi là một trong một loạt cửa hàng giống nhau (có cùng thương hiệu, cùng trang trí bề ngoài và bán cùng một loại hàng hóa) trong chuỗi

cửa hàng bán lẻ. Còn chuỗi cửa hàng bán lẻ (Retail store chain/a chain of retail stores) là hệ thống các cửa hàng bán lẻ được tiêu chuẩn hóa và vận doanh có tính chất thống nhất, các chức năng quản lý, chuẩn bị nguồn hàng, quyết định chính sách bán hàng, giá cả... được tập trung vào doang nghiệp chuỗi mẹ, các cửa hàng chủ yếu chỉ thực hiện nhiệm vụ bán hàng theo kế hoạch đã được doanh nghiệp chuỗi mẹ thông qua.

Cấu tạo của một chuỗi cửa hàng gồm 3 thành phần chính: Doanh nghiệp chuỗi mẹ, trung tâm phân phối và các cửa hàng thành viên.

Theo phạm vi hoạt động, có chuỗi cửa hàng theo vùng (Regional chain) hay chuỗi cửa hàng địa phương (Local chain), chuỗi cửa hàng quốc gia (National chain) và chuỗi cửa hàng xuyên quốc gia (Transnational chain).[34]

Theo phương thức vận doanh, có nhiều loại chuỗi cửa hàng khác nhau, mỗi loại có một phương thức vận doanh riêng. Tuy nhiên, dù thuộc loại hình chuỗi cửa hàng nào thì đặc trưng và trình độ của nó cũng được thể hiện trên bốn mặt cơ bản, đó là: (1) Mức độ liên kết các thành viên trong chuỗi với nhau; (2) Mức độ chuyên môn hóa các chức năng trong chuỗi; (3) Mức độ tiêu chuẩn hóa đối với các cửa hàng thành viên; và (4) Mức độ áp dụng công nghệ thu nhận, truyền phát và xử lý thông tin của chuỗi.

Tùy theo mức độ và phương diện liên kết chủ yếu, các chuỗi cửa hàng được chia làm các loại cơ bản: Chuỗi cửa hàng thông thường; chuỗi cửa hàng nhượng quyền; chuỗi cửa hàng tự nguyện; và chuỗi cửa hàng phức hợp.[34]

1.1.2.7. Trung tâm mua sắm (hay có thể gọi là trung tâm thương mại bán lẻ)

Trung tâm mua sắm (TTMS) (shopping center/mall) là cơ sở bán lẻ tập trung do chủ đầu tư xây dựng TTMS lập ra theo quy hoạch. Trong TTMS có bố trí nhiều loại hình cửa hàng bán lẻ hàng hóa, cửa hàng ăn uống và các cơ sở dịch vụ khác..., trong đó có một hoặc một số siêu thị và/hoặc cửa hàng bách hóa... mà với quy mô và vị trí của nó được chọn làm cửa hàng chính (hay cửa hàng hạt

nhân) là tâm điểm thu hút khách hàng. TTMS không chỉ đơn thuần là nơi mua hàng mà còn là nơi đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và các dịch vụ khác như làm đẹp, thể thao,... của người tiêu dùng. Vì vậy, trong TTMS còn bố trí các cơ sở, thiết bị để phục vụ những nhu cầu này.

Đặc điểm loại hình TTMS được xác định dựa vào các tiêu chí sau: 1) Vị trí quy hoạch TTMS;

2) Phạm vi thị trường (về địa lý và nhân khẩu);

3) Quy mô diện tích (bao gồm diện tích xây dựng và diện tích dành cho bán lẻ); 4) Số lượng, cơ cấu cửa hàng và loại hình cửa hàng chính (Cửa hàng chính hay cửa hàng hạt nhân của TTMS (anchor/flagship store/key tenant) là cửa hàng bán lẻ lớn nhất, thường nằm ở cuối hoặc các góc của TTMS, đóng vai trò là trung tâm thu hút khách hàng đến mua hàng ở TTMS);

5) Các tiêu chí khác (như dung lượng nơi đỗ xe chung; hình thức kiến trúc và hình dạng TTMS...).

Dựa vào tổ hợp các tiêu chí nêu trên, theo tiêu chuẩn của Hội đồng quốc tế về TTMS, loại hình TTMS được chia thành 5 loại sau:

(1) Trung tâm mua sắm hạng đặc biệt là loại hình trung tâm mua sắm có tổng diện tích kinh doanh (diện tích có thể cho thuê) từ 150.000 m2 trở lên, được xây dựng để trở thành trung tâm mua sắm cấp quốc gia và quốc tế (tương đương loại “mega super-regional shopping center” hay “mega shopping center”, tạm gọi là “siêu trung tâm mua sắm khổng lồ”).

(2) Trung tâm mua sắm hạng I là loại hình trung tâm mua sắm có tổng diện tích kinh doanh (diện tích có thể cho thuê) từ 50.000 m2 trở lên, thường được xây dựng ở các trung tâm kinh tế - thương mại cấp quốc gia, vùng hoặc các đô thị lớn (tương đương loại “super-regional shopping center/super-regional shopping mall”, tạm gọi là “siêu trung tâm mua sắm vùng”).

(3) Trung tâm mua sắm hạng II là loại hình trung tâm mua sắm có tổng diện tích kinh doanh (diện tích có thể cho thuê) từ 30.000 m2 trở lên, thường được xây dựng tại các trung tâm kinh tế - thương mại cấp tỉnh, thành phố (tương đương loại “regional shopping center/regional shopping mall”, tạm gọi là “trung tâm mua sắm vùng”).

(4) Trung tâm mua sắm hạng III là loại hình trung tâm mua sắm có tổng diện tích kinh doanh (diện tích có thể cho thuê) từ 10.000 m2 trở lên, thường được xây dựng ở các trung tâm kinh tế - thương mại cấp quận/huyện, thành phố/thị xã (tương đương loại “community shopping center”, tạm gọi là “trung tâm mua sắm cộng đồng”).

(5) Trung tâm mua sắm hạng IV là loại hình trung tâm mua sắm có tổng diện tích kinh doanh (diện tích có thể cho thuê) từ 5.000 m2 trở lên, thường được xây dựng ở các thị trấn, thị tứ, cụm dân cư tập trung (tương đương loại “neighborhood shopping center”, tạm gọi là “trung tâm mua sắm lân cận”).

1.1.2.8. Trung tâm thương mại (Trade Center)

Với một nghĩa chung nhất, “Trung tâm thương mại (TTTM) là một nơi tập trung các doanh nghiệp kinh doanh giải trí, dịch vụ phân phối bán lẻ, nhằm phục vụ dân cư khu vực xung quanh” (từ điển bách khoa Columbia).

Theo khái niệm của các nước châu Âu thì TTTM được hiểu là một tổ hợp bao gồm các cửa hàng bản lẻ và các loại hình thương mại dịch vụ tập trung tại một địa điểm được quy hoạch, xây dựng và quản lý như một tổng thể thống nhất. Cụ thể: “TTTM thường bao gồm một cửa hàng bán lẻ tổng hợp (là một siêu thị hay một đại siêu thị…) chuyên bán thực phẩm và hàng tiêu dùng thiết yếu hàng ngày cùng với nhiều cửa hàng chuyên doanh như hiệu thuốc, cửa hàng thời trang, giầy dép và đủ loại dịch vụ như dịch vụ ngân hàng, du lịch, bưu điện… Tất cả tập trung trên một khu vực lớn nằm ở ngoại ô các thành phố và kèm theo là những bãi đỗ xe rất rộng, có bán xăng cho khách hàng”[34]

Theo Quyết định số 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại nay là Bộ Công Thương về việc ban hành quy chế Trung Tâm thương mại, siêu thị, thì “Trung tâm thương mại là loại hình tổ chức kinh doanh thương mại hiện đại, đa chức năng, bao gồm tổ hợp các loại hình cửa hàng, cơ sở hoạt động dịch vụ; hội trường, phòng họp, văn phòng cho thuê… được bố trí tập trung, liên hoàn trong một hoặc một số công trình kiến trúc liền kề; đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích kinh doanh, trang bị kỹ thuật và trình độ quản lý, tổ chức kinh doanh; có các phương thức phục vụ văn minh, thuận tiện đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của thương nhân và thoả mãn nhu cầu về hàng hoá, dịch vụ của khách hàng”.[6]

Trung tâm thương mại thường được xây dựng trên diện tích lớn, tại vị trí trung tâm đô thị để tiện lợi cho khách hàng và đảm bảo doanh thu.

Một phần của tài liệu Phát triển mạng lưới các cơ sở bán lẻ hàng hóa hiện đại trên địa bàn tỉnh Phú Thọ (Trang 25 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(156 trang)
w