Nghèo đói và môi trường

Một phần của tài liệu Bài giảng Môi trường và phát triển (Trang 31 - 33)

1. Nghèo đói

Nghèo diễn tả sự thiếu cơ hội để có thể sống một cuộc sống tương ứng với các tiêu chuẩn tối thiểu nhất định. Thước đo các tiêu chuẩn này và các nguyên nhân dẫn đến nghèo nàn thay đổi tùy theo địa phương và theo thời gian.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa nghèo theo thu nhập, theo đó một người được cho là nghèo khi thu nhập hàng tháng ít hơn một nửa bình quân GDP trên đầu người của quốc gia.

Nghèo đói không chỉ đơn thuần là vấn đề thu nhập mà còn liên quan đến sức khoẻ, giáo dục, lương thực thực phẩm, các dịch vụ cơ bản ... Ngoài ra còn phải tính đến cả khả năng dễ bị thương tổn trước những thay đổi bất lợi, khả năng ít được xã hội quan tâm, ...

Ngân hàng Thế giới xem thu nhập 1 đô la Mỹ/ngày theo sức mua tương đương của địa phương để thỏa mãn nhu cầu sống như là chuẩn tổng quát cho nạn nghèo tuyệt đối ở các nước nghèo, 2 đô la cho Châu Mỹ La tinh và Carribean, 4 đô la cho những nước Đông Âu và 14,40 đô la cho những

nước công nghiệp.

Trong những xã hội được gọi là thịnh vượng, nghèo được định nghĩa dựa vào hoàn cảnh xã hội của cá nhân. Nghèo tương đối có thể được xem như là việc cung cấp không đầy đủ các tiềm lực vật chất và phi vật chất cho những người thuộc về một số tầng lớp xã hội nhất định so với sự sung túc của xã hội đó.

Đối với Việt Nam, Chính phủ Việt Nam đã thay đổi chuẩn nghèo nhiều lần trong thời gian vừa qua. Theo "Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói và giảm nghèo giai đoạn 20012005", thì những người nghèo có thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn miền núi và hải đảo dưới 80.000

đồng/người/tháng, ở nông thôn đồng bằng dưới 100.000 đồng/người/tháng, ở khu vực thành thị dưới 150.000 đồng/người/tháng.

Chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010 quy định: Hộ nghèo là những hộ ở khu vực nông thôn có thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng trở xuống, đối với những hộ ở khu vực thành thị có thu nhập bình quân từ 260.000 đồng/người/tháng trở xuống. Theo quy định này, ước tính năm 2005 cả nước ta có khoảng 3,9 triệu hộ nghèo, chiếm 22% số hộ trong toàn quốc; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao là vùng Tây Bắc (44%) và Tây Nguyên (40%); vùng có tỉ lệ hộ nghèo thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ (9%).

Nguyên nhân gốc rễ của sự nghèo khó là đói kém, thất học, thiếu các tiện nghi chăm sóc về y tế và trẻ em, thiếu công ăn việc làm và các sức ép về dân số...

Trái đất chúng ta có 6 tỷ người, thì trong đó 2,8 tỉ người phải sống với mức thu nhập ít hơn 2 đô la 1 ngày, và 1,2 tỷ người có mức thu nhập ít hơn 1 đô la 1 ngày. Như vậy, một phần năm dân số trên hành tinh chúng ta đang sống trong cảnh nghèo nàn khốn khổ.

Hầu hết những người chịu ảnh hưởng của nghèo đói là những người sống ở vùng nông thôn, những bộ lạc du canh du cư và các làng chài nhỏ. Ở khắp mọi nơi trên trái đất, phụ nữ, trẻ em, người già và người ốm đau là những người chịu tác động mạnh nhất của tình trạng nghèo đói.

2. Quan hệ giữa nghèo đói và môi trường

Nghèo đói và môi trường có mối liên hệ gần gũi với nhau. Sự suy thoái đất nông nghiệp, thu hẹp diện tích rừng, khan hiếm các nguồn nước sạch, giảm sản lượng cá và đe doạ tăng trưởng xã hội và tổn thương hệ sinh thái từ thay đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học,... đang tác động cuộc sống những người nghèo. Người nghèo thường ít có khả năng đối phó với những đột biến tự nhiên, trong môi trường suy giảm này tất yếu không thể tránh khỏi gia tăng tình trạng nghèo đói. Mặt khác, để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều người nghèo buộc phải khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, suy thoái môi trường.

Mối quan hệ giữa nghèo đói và môi trường là mối quan hệ cân bằng động và đặc biệt, nó phản ánh cả qui mô và vị trí địa lý cũng như các đặc trưng kinh tế, xã hội, văn hoá của từng cá nhân, gia đình và các nhóm xã hội. Mỗi nhóm xã hội khác nhau có thể ưu tiên những vấn đề môi trường khác nhau. Trong những vùng nông thôn, người nghèo quan tâm đặc biệt tới chất lượng và sự tiếp cận an toàn của tài nguyên thiên nhiên - đất đai có thể canh tác được, và nước, thu hoạch mùa màng, đa dạng vật nuôi, nghề cá, các sản phẩm từ rừng và củi gỗ. Đối với người nghèo ở thành thị thì nước, năng lượng, điều kiện vệ sinh, thu gom chất thải, thoát nước,... là những mối quan tâm hơn cả.

* Nghèo đói làm cho các cộng đồng nghèo phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên mỏng manh của địa phương, và trở nên dễ bị tổn thương do những biến động của thiên nhiên và xã hội.

Người nghèo có nguồn lực hạn chế để mua hàng hóa và dịch vụ trên thị trường nên họ thường dựa vào sự đa dạng của tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái như một nguồn sinh kế trực tiếp. Các tài nguyên thiên nhiên có thể là nguồn sơ cấp của kế sinh nhai hoặc có thể bổ sung thu nhập và nhu cầu cần thiết hàng ngày của gia đnh họ. Do vậy người nghèo có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi việc xuống cấp của các nguồn không mất tiền như môi trường.

* Nghèo làm cho thiếu vốn đầu tư cho sản xuất, cho cơ sở hạ tầng, cho văn hoá giáo dục và cho các dự án cải tạo môi trường.

Hơn 1 tỷ người ở các nước đang phát triển không có nhà ở, hoặc sống trong những căn nhà ổ chuột, và hơn 2,9 tỉ người không tiếp cận các điều kiện vệ sinh thích hợp và tất cả những điều này là cần thiết cho sức khoẻ tốt. Sự thiếu thốn các điều kiện vệ sinh gây ra khoảng 2 tỷ ca bệnh đường ruột và 4 triệu người chết, hầu hết là đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các nước đang phát triển. Ở Mỹ, sự thiếu thốn điều kiện vệ sinh gây ra 940.000 ca bệnh truyền nhiễm đường ruột và khoảng 900 người chết mỗi năm.

Ba vấn đề môi trường (nhiễm bẩn nước uống, phân người không được xử lý, và ô nhiễm không khí) là nguyên nhân gây ra cái chết của 7,7 triệu người hàng năm (15 % của tổng 52 triệu người chết trên toàn cầu). Cứ 5 đứa trẻ được sinh ra thì có một bị chết, chủ yếu do các bệnh tật liên quan đến môi trường, ví dụ, bệnh sốt rét, bệnh lây lan đường hô hấp, hoặc bệnh tiêu chảy - tất cả chúng đều có thể ngăn ngừa được.

* Nghèo khổ làm gia tăng tốc độ khai thác tài nguyên theo hướng khai thác quá mức, khai thác huỷ diệt.

- Do người dân nghèo khổ, không vốn liếng, không tài sản, công cụ thô sơ,... và để duy trì cuộc sống trước mắt, nhiều người nghèo buộc phải khai thác tài nguyên thiên nhiên dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, môi trường suy thoái. Chặt phá rừng bừa bãi, suy thoái hóa đất, đánh bắt thuỷ sản ngoài quy cách, khai thác khoáng sản bừa bãi bằng biện pháp thủ công,... là kết quả hầu như tất yếu của tình trạng đói nghèo.

*Nghèo đói là mảnh đất lý tưởng cho mô hình phát triển chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế và xây dựng một xã hội tiêu thụ.

Khi những người sống trong cảnh nghèo đói buộc phải đưa ra danh sách các quyền ưu tiên, thì các vấn đề như chăm sóc môi trường hoặc sự cần thiết phát triển bền vững hiếm khi nằm đầu trong những danh sách đó. Nhà ở, ăn mặc của cả gia đình, giáo dục con cái và chăm sóc tuổi già là những mối quan tâm có ý nghĩa hơn đối với họ. Cả sản xuất (hoặc việc làm) lẫn các loại hình tiêu thụ đều được quyết định bởi các nhu cầu cơ bản hơn là cân nhắc tác động dài hạn của chúng. Những người nghèo khổ nhất đôi khi được xem như đồng phạm với các hình thức hoạt động kinh tế không bền vững môi trường, họ làm bất cứ công việc gì có thể mang lại lợi nhuận, bất kể công việc đó có chứa các rủi ro tiềm ẩn với môi trường (hoặc tới chính bản thân họ).

* Góp phần bùng nổ dân số.

Tốc độ tăng dân số thế giới hiện nay là 1,4 % mỗi năm. Thế giới mất 39 năm (1960 - 1999) để tăng dân số từ 3 tỷ lên 6 tỷ, nhưng chỉ mất 12 năm (1987 - 1999) để tạo ra tỷ người thứ 6. 90% dân số thế giới sống ở các nước phát triển - nơi mà các quốc gia ít có khả năng giải quyết các hệ quả do việc gia tăng dân số đối với việc gây ô nhiễm và suy thoái môi trường. Các ưu tiên trước hết của các nước đang phát triển là nuôi dưỡng bộ phận dân số ngày càng gia tăng chứ không đủ sức chăm lo đến môi trường.

Do vậy biện pháp kiểm soát dân số là chính cách làm tốt nhất để bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, xoá đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.

3. Đấu tranh chống nghèo đói

Mục đích của chương trình chống nghèo khó là làm cho mọi người có khả năng tốt hơn để có một cuộc sống theo lối bền vững. Người nghèo cần phải trở thành tự đảm bảo được hơn, chứ không phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và những chuyến tàu chở lương thực thực phẩm. Sự phát triển kinh tế là cần thiết ở các quốc gia nghèo nhằm đảm bảo công việc cho những người thất nghiệp và thiếu việc làm ngày hôm nay và cho những lực lượng lao động đang lớn lên.

Một phần của tài liệu Bài giảng Môi trường và phát triển (Trang 31 - 33)