1. Khái niệm toàn cầu hoá
Thuật ngữ toàn cầu hoá xuất hiện vào những năm 1950, với sự phổ biến các phương tiện vận tải có động cơ và sự gia tăng các trao đổi thương mại; và được chính thức sử dụng rộng rãi từ những năm 1990 của thế kỷ thứ 20. Toàn cầu hóa là khái niệm dùng để mô tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới, tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hoá, kinh tế, v.v. trên quy mô toàn cầu. Đặc biệt trong phạm vi kinh tế, toàn cầu hoá hầu như được dùng để chỉ các tác động của thương mại nói chung và tự do hóa thương mại hay "tự do thương mại" nói riêng. Cũng ở góc độ kinh tế, người ta chỉ thấy các dòng chảy tư bản ở quy mô toàn cầu kéo theo các dòng chảy thương mại, kỹ thuật, công nghệ, thông tin, văn hoá. Người ta thường nói rằng thế giới đang ngày càng nhanh chóng nhỏ hơn, và rằng chúng ta đang sống trong một ngôi làng toàn cầu (global village) nghĩa là hiện nay chúng ta liên lạc (thông tin), đi lại, và chia sẻ các nền văn hoá với nhau trong phạm vi một thế giới.
Toàn cầu hoá là quá trình mà thế giới đang ngày càng gia tăng liên kết với nhau dẫn đến sự trao đổi mạnh mẽ về văn hoá và thương mại. Đó là kết quả của:
1. Sự trao đổi công nghệ làm cho con người, hàng hoá, tiền bạc và trên tất cả là thông tin và ý tưởng lan truyền trên thế giới nhanh hơn nhiều so với trước đây.
2. Sự mở rộng tự do thương mại thế giới, đã gia tăng mạnh mẽ mức trao đổi thương mại giữa các thành phần khác nhau của thế giới.
* Các nhân tố ảnh hưởng đến toàn cầu hoá gồm:
- Phương tiện liên lạc: truyền hình, điện thoại và internet đã tạo thành một ngôi làng toàn cầu (global village).
- Phương tiện vận chuyển: đã trở nên rẻ và nhanh. Các cơ sở kinh doanh có thể chuyên chở các sản phẩm và các nguyên liệu thô đi khắp thế giới-tạo ra các sản phẩm và các dịch vụ trên khắp thế giới đến khách hàng Anh.
- Mở rộng tự do thương mại: các chính phủ trên khắp thế giới đã nới lỏng các luật làm hạn chế việc buôn bán và đầu tư nước ngoài, một số chính phủ đưa ra các trợ cấp và các khuyến khích về thuế để kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư vào nước họ. Quan niệm không có sự hạn chế trong kinh doanh buôn bán giữa các nước gọi là tự do thương mại.
Mặc dù toàn cầu hoá có thể giúp tạo nên sự giàu có hơn ở các nước đang phát triển nhưng nó không giúp rút ngắn khoảng cách giữa các nước giàu nhất thế giới và các nước nghèo nhất thế giới.
2. Mối quan hệ giữa toàn cầu hóa và môi trường
Toàn cầu hoá đang gây ra nhiều bất mãn. Một trong số những bất mãn của những người phản đối toàn cầu hoá là sự mở rộng tự do thương mại quốc tế và vốn đầu tư đang gây thiệt hại cho môi trường cũng như các mục tiêu của phát triển bền vững.
Những người chống đối chỉ ra nhiều điểm cho rằng toàn cầu hoá có thể ảnh hưởng có hại cho môi trường:
- Thứ nhất, các cơ hội kinh doanh rộng hơn có nghĩa khai thác và xuất khẩu dầu, gỗ và các nguồn tài nguyên không tái tạo sẽ nhiều hơn. Điều này dẫn đến sự ô nhiễm, sự phá huỷ rừng, xói mòn đất, lũ lụt và mất cân bằng hệ sinh thái của các loại hình khác nhau. Tăng trưởng đi kèm với sự xâm lấn của nông nghiệp, và tự do hoá đi kèm với việc khai thác gỗ vì mục đích thương mại, là hai nguyên chính của phá huỷ rừng.
- Thứ hai, thương mại phát triển hơn có nghĩa đi lại, vận tải với khoảng cách xa hơn. Vận chuyển hàng hoá góp phần ô nhiễm thông qua đốt cháy nhiên liệu và phát thải các khí độc hại, đóng góp vào sự nóng lên toàn cầu và gây hại cho sức khoẻ con người. Thêm vào đó là các quá trình tiêu thụ các tài nguyên khan hiếm như than và dầu.
- Thứ ba, thương mại quốc tế đang khuyến khích sản xuất và tiêu thụ các thực phẩm thay đổi gen trên khắp thế giới mà tác hại tích lũy có thể sẽ ảnh hưởng đến nhiều năm sau hoặc thậm chí đến các thế hệ sau.
- Thứ tư, sự truyền bá toàn cầu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo phong cách phương Tây đang tạo ra một dạng văn hoá tiêu thụ không suy nghĩ, lãng phí và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên trên trái đất của thế hệ hiện nay, tước đoạt tương lai của các thế hệ mai sau.
- Thứ năm sản xuất địa phương đang hướng đến các kiểu mẫu theo nhu cầu đa số của thế giới. Kết quả là các nhu cầu thiểu số (như các nhu cầu của các bộ lạc) và sự đa dạng sinh học đang bị mất đi.
- Cuối cùng, để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và công việc, các quốc gia đang hạ thấp một cách cố ý các tiêu chuẩn môi trường: hiện tượng chủ nghĩa bảo hộ gây ra thiệt hại cho các nước khác trước đây có thể sẽ được thay thế bằng hiện tượng toàn cầu hoá gây ra thiệt hại cho chính mình. Các nước toàn cầu hoá mới, nơi quá trình công nghiệp hoá diễn ra nhanh nhất trong khi thu nhập vẫn còn thấp, có thể phải đối mặt với sự suy thoái môi trường.
Những người ủng hộ toàn cầu hoá, đương nhiên, sẽ đưa ra các khuynh hướng ngược lại để cổ vũ cho toàn cầu hoá. Họ chỉ rõ rằng thương mại sẽ làm cho một quốc gia có khả năng nhập khẩu các công nghệ thân thiện với môi trường. Điều này sẽ làm giảm ô nhiễm toàn cầu. Hơn nữa, áp lực của các quốc gia nhập khẩu (có tiêu chuẩn môi trường cao hơn) có thể thúc đẩy các quốc gia xuất khẩu sử dụng các quá trình thân thiện với môi trường hơn.
Nếu toàn cầu hoá giúp các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hơn và nâng cao cuộc sống con người thoát khỏi nghèo nàn, nó có thể gián tiếp bảo vệ môi trường và đẩy mạnh phát triển bền vững. Nghèo nàn là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất.
Toàn cầu hoá còn giúp con người có thể biết các sự kiện xảy ra ở những nơi xa xôi của thế giới. Ví dụ như người Anh có thể biết được một cách nhanh chóng các tác động của sóng thần ở các nước Đông Nam Á năm 2004, và vì thế họ có thể giúp đỡ các nước này nhanh chóng.
Có rất ít bằng chứng cho thấy các quốc gia cố ý hạ thấp tiêu chuẩn môi trường để thu hút các công ty đa quốc gia. Các tiêu chuẩn môi trường thấp hơn chỉ đóng vai trò thứ yếu trong việc quyết định lựa chọn địa điểm thành lập các nhà máy của các công ty đa quốc gia, so với các nhân tố khác như vận tải, cơ sở hạ tầng, thị trường, chi phí lao động, chế độ thuế, chính sách kinh tế...
Thực tế các nhà máy thuộc sở hữu nước ngoài ở các nước đang phát triển -chính là những nhà máy mà nếu theo lý thuyết, được thu hút do các tiêu chuẩn ô nhiễm thấp - có xu hướng ít gây ra ô nhiễm hơn các nhà máy sở hữu trong nước trong cùng ngành.
Có phải các tác động tích cực được chỉ ra là mạnh hơn các tác động tiêu cực đối với môi trường? Nó là một câu hỏi kinh nghiệm và trả lời có thể rất khác nhau theo từng nơi. Chắc chắn rằng tốc độ công nghiệp hoá chóng mặt ở các vùng ven biển của Trung Quốc đã gây ra các vấn đề môi trường nghiêm trọng. Thêm vào đó, còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách hổ trợ và các thể chế ban hành.
Một ví dụ để minh hoạ cho vấn đề này. Nông trại nuôi tôm ở một số vùng của Ân Độ đã dẫn đến mặn hoá và thải nước ô nhiễm vào đất đai vùng phụ cận và đường sông
Theo bề ngoài mà xét thì các cơ hội xuất khẩu tôm cao hơn đã dẫn đến sự phát triển nhanh của các trang trại nuôi tôm ở các vùng ven biển. Nhưng, nên nhớ rằng, tất cả các quốc gia không chọn các phương pháp giống nhau gây hại cho môi trường trong nuôi tôm. Vì thế, tự do thương mại không phải là
thủ phạm chính. Vấn đề là ở chỗ không có biện pháp để hạn chế việc lựa chọn công nghệ như vậy ở Ân Độ. Nếu những người gây ô nhiễm nhận thức đầy đủ rằng họ sẽ phải trả tiền cho những thiệt hại mà họ gây ra đối với những người khác (nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền, PPP) họ sẽ phải sử dụng các loại hình trang trại khác.
Chúng ta cần hiểu rằng qua thấu kính của một nhà kinh tế học vấn đề ô nhiễm môi trường là rất khác so với một nhà hoạt động môi trường. Đối với một nhà hoạt động môi trường, không ô nhiễm là lý tưởng và không ai có quyền gây ra ô nhiễm. Đối với một nhà kinh tế, đó là vấn đề chi phí-lợi ích xã hội. Ông ta sẽ giải quyết ô nhiễm ở một mức tốt nhất, để các chi phí của việc giảm ô nhiễm được cân đối hợp lý so với lợi ích xã hội. Tất nhiên các nhà hoạt động vì hoà bình xanh sẽ xem các nhà kinh tế là "kẻ thù của con người".