Thành lập Tòa án cho người chưa thành niên

Một phần của tài liệu “Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn thực hiện tại tỉnh Quảng Nam” (Trang 56 - 59)

NCTN là những đối tượng có nguy cơ bị xâm hại cao, dễ bị tổn hại do độ tuổi và hoàn cảnh. Do đó, trong quá trình đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm có liên quan đến NCTN cần nghiên cứu xây dựng hệ thống tư pháp thân thiện đối với NCTN.

Chúng ta đã có chính sách hình sự và tố tụng hình sự đặc biệt áp dụng đối với NCTN phạm tội. Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã dành riêng một chương (Chương X, từ Điều 68 đến Điều 77), trong đó quy định nguyên tắc xử lý đối với NCTN phạm tội. Theo đó, các biện pháp tư pháp và các hình phạt áp dụng đối với NCTN phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 cũng xác định thủ tục tố tụng đối với NCTN là loại thủ tục đặc biệt và quy định thành chương riêng (chương XXXII từ Điều 301 đến Điều 310).

Tuy nhiên, Tòa án chuyên biệt dành cho NCTN; những quy định pháp luật cụ thể bảo đảm môi trường Tòa án như: khu chờ riêng biệt, cách ly với bị cáo là người thành niên...; các thủ tục phiên tòa cũng như cách trang trí, các vật dụng bố trí tại phòng xử án đối với NCTN... vẫn chưa có. Thẩm phán được phân công xét xử, luật sư, công tố viên... không phải đều là những người có những hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục cũng như về hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm của NCTN, Điều 307 Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2003 quy định: “Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể quyết định xét xử kín”. Thực tế xét xử của Tòa án ở nước ta phổ biến là công khai, công chúng và phóng viên báo chí được tự do vào dự, viết bài, đưa tin nói rõ danh tính của bị cáo là NCTN, kể cả những vụ án hiếp dâm mà bị cáo và người bị hại đều là NCTN.

Để tạo môi trường xét xử thân thiện, đáp ứng những yêu cầu bảo vệ và thúc đẩy các quyền của trẻ em; đặc biệt với diễn biến tình hình tội phạm NCTN, việc thành lập Tòa án chuyên biệt cho NCTN và ban hành văn bản

pháp luật tố tụng đặc biệt riêng tương ứng là điều hết sức cần thiết. Hơn nữa, không chỉ áp dụng cho bị cáo mà còn cho cả người bị hại, người làm chứng là NCTN tham gia tố tụng. Những quy định pháp luật và thủ tục đặc biệt này phải bảo đảm rằng NCTN vi phạm pháp luật được đối xử với thái độ tôn trọng, phù hợp với phẩm giá, độ tuổi và nguyện vọng cũng như mong muốn được sớm phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng của NCTN. Có như vậy, quyền lợi của trẻ em mới được bảo đảm một cách đầy đủ, đúng đắn nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Hiện nay, trên thế giới đã có 3 mô hình tòa án cho NCTN:

1. Tòa án cho người chưa thành niên có nguy cơ cao: Mô hình này còn gọi là mô hình an sinh phúc lợi hoặc phục hồi. Mô hình này tập trung chủ yếu vào việc chẩn đoán và điều trị cho thanh thiếu niên vi phạm pháp luật. Các phiên tòa luôn được xét xử kín để bảo vệ thông tin nhận diện của trẻ em và cho phép những trẻ em này khi trưởng thành có một lý lịch sạch. Thẩm phán đóng vai trò của một vị phụ huynh nghiêm khắc hơn là vai trò người bảo vệ quyền năng tố tụng.

2. Mô hình trừng phạt: Mục tiêu của mô hình này nhấn mạnh về trách nhiệm và hình phạt trong xử lý tội phạm là NCTN.

3. Tòa gia đình: Xuất hiện trong vòng hai thập kỷ trở lại đây. Mục đích của mô hình này là đưa tất cả vấn đề gia đình vào xử lý trong quá trình tố tụng và đội ngũ hỗ trợ dịch vụ xã hội. Cách tiếp cận này cho phép thẩm phán nhìn nhận đầy đủ hơn về những gì đang diễn ra trong gia đình của trẻ phạm tội; từ đó có thể thu thập thông tin và đưa ra biện pháp xử lý mang tính trị liệu ưu việt hướng vào cả gia đình lẫn bản thân trẻ phạm tội.

Các mô hình Tòa án cho NCTN nêu trên được xác lập trên cơ sở thực tiễn về điều kiện kinh tế - xã hội, chính trị - pháp lý cụ thể của từng quốc gia. Do đó không có một mô hình nào là hoàn hảo và áp dụng chung cho tất cả các quốc gia. Ở những mức độ khác nhau, trong từng mô hình này đều có những

ưu điểm cũng như những nhược điểm nhất định, hoặc mô hình tổ chức và hoạt động của nó vẫn đang trong quá trình kiểm nghiệm, còn phải tiếp tục phát triển trong thực tiễn. Như vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần nghiên cứu thành lập Tòa chuyên trách cho NCTN là một phương án có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, nhất là trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm của NCTN có những diễn biến phức tạp, có nơi có chiều hướng gia tăng kể cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Tuy nhiên, cùng với các biện pháp tác động của các cơ quan bảo vệ và thực thi pháp luật, trong đó có việc nghiên cứu thành lập Tòa chuyên trách cho NCTN, tôi cho rằng, cũng cần chú trọng đến các biện pháp khác mang tính tổng thể trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do NCTN thực hiện. Đó là các biện pháp nhằm hoàn thiện việc giáo dục trong gia đình; nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường; quan tâm xây dựng khu dân cư văn hóa, xã hội văn minh, loại trừ các tệ nạn xã hội, tạo môi trường sống lành mạnh ở các khu dân cư… Đồng thời, cần tiếp tục nhấn mạnh và quan tâm hơn đến công tác giáo dục, phòng ngừa trước tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm do NCTN gây ra; và như vậy, cần quan niệm Tòa chuyên trách cho NCTN, nếu được thành lập, sẽ đóng vai trò là một trong nhiều các giải pháp, chính sách mà Nhà nước và xã hội quan tâm tới trẻ em, tương lai của xã hội sau này.

Một phần của tài liệu “Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn thực hiện tại tỉnh Quảng Nam” (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w