Quyền được nhận làm con nuô

Một phần của tài liệu “Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn thực hiện tại tỉnh Quảng Nam” (Trang 31 - 33)

Nuôi con nuôi là chế định pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia và pháp luật quốc tế. CƯQTVQTE khẳng định: “Để phát triển đầy đủ và hài hòa nhân cách của mình, trẻ em cần được trưởng thành trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và thông cảm” [15,48]. Với trách nhiệm của quốc gia thành viên Công ước, Nhà nước ta đã có những chính sách lớn nhằm bảo vệ quyền lợi của trẻ em và luôn quan tâm đặc biệt tới những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trẻ em không được sống trong gia đình gốc của mình.

Trên tinh thần của CƯQTVQTE: “Các quốc gia thành viên công nhận hoặc cho phép chế độ nhận làm con nuôi phải đảm bảo rằng lợi ích tốt nhất của đứa trẻ phải là quan tâm nhất” [15,55]. Điều 2 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 xác định mục đích của chế độ nuôi con nuôi là xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.

Về nguyên tắc giữa người được nhận nuôi con nuôi và người nhận nuôi con nuôi có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái theo quy định của pháp luật HN - GĐ. Nhà nước và xã hội khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em tàn tật làm con nuôi. Nghiêm cấm lợi dụng việc nuôi con nuôi để bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, mua bán trẻ em hoặc vì mục đích trục lợi khác.

Để bảo vệ quyền trẻ em, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định điều kiện của trẻ em làm con nuôi cũng như điều kiện của người nhận nuôi

con nuôi. Người được nhận làm con nuôi theo quy định tại Điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 phải dưới 16 tuổi. Nếu người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được nhận làm con nuôi thì phải thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi hoặc b) Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi. Để đảm bảo cho trẻ em là con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục đầy đủ, Điều 14 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định người nhận con nuôi phải có đủ các điều kiện: Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; Có tư cách đạo đức tốt.

Với mục đích bảo vệ lợi ích lâu dài của người con nuôi và cả người nuôi, Luật pháp Việt Nam quy định những cơ quan có thẩm quyền giải quyết và công nhận việc nuôi con nuôi. Theo quy định tại Điều 22 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 thì: “Khi xét thấy người nhận con nuôi và người được giới thiệu làm con nuôi có đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức đăng ký nuôi con nuôi, trao Giấy chứng nhận nuôi con nuôi cho cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ hoặc đại diện cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức giao nhận con nuôi và ghi vào sổ hộ tịch trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày có ý kiến đồng ý của những người quy định tại Điều 21 của Luật này” [26,20]. Sau khi cơ quan có thẩm quyền công nhận và ghi vào sổ hộ tịch việc nuôi con nuôi thì giữa người nuôi và người con nuôi có nghĩa vụ và quyền của cha mẹ và con quy định tại chương 4 LHN - GĐ năm 2000.

Từ cách nhìn tổng thể để bảo vệ quyền trẻ em, Nhà nước ta đã xây dựng một hệ thống chế định về con nuôi. Ngoài LHN - GĐ…đã quy định quyền và nghĩa vụ của cha mẹ và con cái, BLDS năm 2005 tại Điều 678 đã quy định: “Con nuôi và cha nuôi, mẹ nuôi được thừa kế di sản của nhau và còn được thừa kế di sản theo quy định tại Điều 676 và 677 của Bộ luật này” [7,279]. Điểm a Khoản 1 Điều 676 BLDS năm 2005 quy định rằng: “Hàng

thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.” [7,278].

Vì lợi ích của trẻ em làm con nuôi và đảm bảo lợi ích của người nuôi, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định về các trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi.

Xét trên bình diện tổng thể, chế định nuôi con nuôi trong phạm vi quốc gia nhằm mục đích phát triển hài hòa và toàn diện nhân cách, tạo cho trẻ được lớn lên trong môi trường gia đình, trong bầu không khí hạnh phúc, yêu thương và hiểu biết, đảm bảo việc nuôi con nuôi là vì lợi ích tốt nhất của trẻ và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ em.

Một phần của tài liệu “Vấn đề bảo vệ quyền trẻ em theo pháp luật Việt Nam Thực tiễn thực hiện tại tỉnh Quảng Nam” (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w