Trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta, có rất nhiều đạo luật đề cập tới trẻ em nhằm để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cũng như sự ưu đãi nhất định cho các em trong các lĩnh vực đời sống xã hội.
Tuy nhiên, cũng chính trong các đạo luật này, độ tuổi của trẻ em lại đang có sự khác biệt nhau khá nhiều.
Theo Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thì trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi. BLDS năm 2005 không dùng thuật ngữ trẻ em mà dùng thuật ngữ NCTN. Theo đó, Điều 18 BLDS năm 2005 quy định: “người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Đồng thời, Bộ luật còn quy định năng lực, hành vi dân sự của NCTN từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo quy định của pháp luật đồng ý, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác. Trong trường hợp người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có tài sản riêng bảo đảm thực hiện nghĩa vụ thì có thể tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà không cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người chưa đủ sáu tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
Điều 6 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2008 quy định đối tượng bị xử vi phạm hành chính bao gồm: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra… Trong khi đó, Điều 7 của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính lại đề ra việc xử lý NCTN vi phạm hành chính: “1. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi vi phạm hành chính thì bị phạt cảnh cáo. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vi phạm hành chính thì có thể bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 12 của Pháp lệnh này. 2. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 2 Điều 23, khoản 2 Điều 24, điểm b khoản 2 Điều 26 của Pháp lệnh này thì bị xử lý theo quy định tại các điều khoản đó. 3. Người chưa thành niên vi phạm hành chính
gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật”. Ngay trong cùng văn bản pháp luật cũng dùng tới 4 thuật ngữ: NCTN, người thành niên, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16, và người đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Điều 12 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định: “1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. 2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”. Bộ luật Hình sự cũng sử dụng thuật ngữ người thành niên; NCTN; người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16; Người từ đủ 16 tuổi trở lên. Vậy, dưới 14 tuổi gọi là trẻ em cũng không thống nhất với Luật Bảo vệ và