Biện pháp canh tác

Một phần của tài liệu điều tra lúa cỏ ngoài đồng và phỏng vấn nông dân tại tỉnh vĩnh long vụ lúa đông xuân năm 2013 2014 (Trang 25 - 26)

Một số biện pháp canh tác đã chứng minh sự hữu hiệu góp phần trong việc gia tăng hiệu quả diệt lúa cỏ và cỏ dại nói chung trên ruộng lúa sạ khô cũng như sạ ướt. Các biện pháp được kể đến bao gồm: làm đất, quản lý nước, nhử lúa cỏ để diệt, luân canh, nhổ lúa cỏ và khử lẫn bằng tay. Phương pháp làm đất kỹ trước khi sạ là cơ bản vì nó có thể xem là biện pháp tiết kiệm thời gian, lao động, nước, năng lượng và chí phí dưới điều kiện sinh thái khác nhau (Lê Anh Tuấn, 2011).

Ở lúa sạ khô, xới đất nhiều lần để diệt cỏ nói chung và lúa cỏ vừa mọc nói riêng nhằm làm giảm quần thể cỏ trong ruộng lúa (Watanabe, 1998). Ở lúa sạ ướt, nếu thoát nước thật cạn để cho lúa mọc đều, đưa nước vào ruộng càng sớm càng tốt và bón phân giúp lúa trồng phát triển mạnh, cạnh tranh với lúa cỏ (Ismail, 1994). Sự hiện diện của lúa cỏ phụ thuộc rất nhiều vào cách làm đất và độ ẩm trong ruộng trong quá trình nẩy mầm (Ferrero và ctv, 1999). Làm đất tối thiểu với độ sâu không quá 10 cm và có đầy đủ ẩm độ sẽ tạo điều kiện tốt cho tỷ lệ nẩy mầm của cây lúa cỏ, trong khi việc cày sâu và ruộng bị ngập nước sẽ ảnh hưởng ức chế đáng kể đến sự nẩy mầm của lúa cỏ (Ferrero, 2003).

Tại Mỹ, kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của biện pháp canh tác đến việc phòng trừ cỏ dại và phản ứng của cây lúa kháng hóa chất diệt cỏ Imidazolinone cho thấy rằng khi áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu kết hợp với việc sử dụng hóa chất tiền và hậu mọc

mầm thuộc nhóm Imidazolinone với liều lượng 70 g a.i/ha thì hiệu lực phòng trừ lúa cỏ và một số cỏ dại phổ biến khác trên ruộng lúa biến động từ 87 - 99% (Levy, 2004). Theo Lê Anh Tuấn (2011) nhử lúa cỏ để diệt là một trong những biện pháp cũng khá hiệu quả, trong việc quản lý lúa cỏ và cỏ dại phổ biến đối với các ruộng độc canh lúa. Chuẩn bị đất ươm bằng cánh làm đất tối thiểu hoặc cày bừa, kết hợp với việc cho nước vào ruộng với độ sâu nhất định, để tạo điều kiện cho lúa cỏ và cỏ dại sinh trưởng và phát triển, sau đó bỏ trống ruộng ươm từ 20 - 30 ngày. Trong khoảng thời gian này, cây lúa con của lúa cỏ hoặc cỏ dại khác được diệt bằng biện pháp hóa học (hóa chất diệt cỏ không chọn lọc) và cơ giới hóa và cuối cùng bắt đầu sạ hoặc cấy lúa trồng.

Theo Souza (1989) tốt nhất chúng ta nên áp dụng biện pháp luân canh trong năm. Nhất là luân canh các cây trồng khác nhau chẳng hạn như lúa - đậu, vụ sản xuất đậu sẽ làm giảm sự lây lan của lúa cỏ ở vụ sản xuất lúa sau đó (Smith, 1989). Cũng vậy trang thông tin điển tử cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ nông nghiệp (2008), luân canh lúa với cây trồng cạn là một phương pháp quản lý lúa cỏ hữu hiệu, đặc biệt là cây họ đậu như đậu nành, đậu xanh, đậu phộng... Biện pháp này còn giúp thay đổi lý hóa tính của đất, vi sinh vật cố định đạm trong vùng rễ các loại cây họ đậu sẽ giúp bồi dưỡng đất và đặc biệt là có thể giúp cây lúa cỏ phát triển rồi tiêu diệt bằng cơ học hay nếu cần thì dùng thuốc trừ cỏ tiêu diệt trực tiếp lúa cỏ (họ hòa bản) mà không ảnh hưởng đến cây họ đậu (họ lá rộng) do khác họ.

Theo Ferrero and Vidotto (1999), trong khoảng thời gian một năm trồng đậu nành đã dẫn đến sự giảm xuống hạt lúa cỏ từ quỹ hạt cỏ trong đất ở độ sâu 0 – 10 cm khoảng 97%. Khả năng giảm xuống này có thể cao hơn 98,5% khi trồng đậu nành vào cuối tháng 5 sau khi cỏ dại xuất hiện đều. Đối với biện pháp luân canh với bắp và đậu nành, khi xử lý thuốc diệt cỏ hậu mọc mầm thì hiệu quả phòng trừ lúa cỏ kém hơn so với cách xử lý kết hợp giữa thuốc tiền và hậu mọc mầm. Kết quả tốt nhất khi luân canh với đậu nành (có thể đến 99%) khi xử lý kết hợp giữa thuốc tiền mọc mầm Pendimethalin và thuốc hậu mọc mầm Propaquizafop (Ferrero, 2003).

Một phần của tài liệu điều tra lúa cỏ ngoài đồng và phỏng vấn nông dân tại tỉnh vĩnh long vụ lúa đông xuân năm 2013 2014 (Trang 25 - 26)