II. CÔNG TÁC CHỦ NHIỆM LỚP
2. Nội dung và phương pháp công tác chủ nhiệm
2.1. Nghiên cứu, tìm hiểu đối tượng giáo dục
Nhà giáo dục Usinxki nói rằng: “Muốn giáo dục con người về mọi mặt thì phải hiểu
con người về mọi mặt”.
Nếu hiểu học sinh thì có thể lựa chọn được những tác động phù hợp. Vì vậy, giáo viên phải tìm hiểu học sinh.
Nội dung tìm hiểu học sinh chủ yếu là: Đặc điểm tâm sinh lý, tính cách, năng lực, sức khỏe, trình độ nhận thức, sở thích, nguyện vọng…; về hoàn cảnh sống, mối quan hệ với tập thể, với bạn bè…. Qua đó, thấy được mặt mạnh, mặt yếu của từng học sinh, đi tìm nguyên nhân của chúng, trên cơ sở đó đề ra biện pháp phù hợp.
+ Thông qua hồ sơ: Sơ yếu lý lịch, học bạ, các bản tự nhận xét, đánh giá của học sinh và giáo viên, sổ điểm, sổ ghi đầu bài…).
+ Quan sát hàng ngày về hoạt động, về hành vi của học sinh ở trong và ngoài nhà trường.
+ Trao đổi, trò chuyện với học sinh
+ Trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và các giáo viên bộ môn của năm học trước. + Trao đổi với các lực lượng giáo dục khác nếu cần.
+ Thông qua việc tham gia hoạt động cùng học sinh. + Trao đổi với phụ huynh học sinh.
Cần lưu ý: phải sử dụng nhiều phương pháp để nghiên cứu HS: nhờ đó thông tin thu được sẽ phong phú. Những thông tin này cần được xử lý cẩn thận để rút ra kết luận chính xác, khách quan, tuyệt đối không được hời hợt chủ quan, đánh giá vội vàng.
2.2. Xây dựng và phát triển tập thể học sinh lớp chủ nhiệm
Tập thể vừa là môi trường, vừa là phương tiện giáo dục học sinh. Để có thể xây dựng tập thể lớp trở thành tập có sức mạnh giáo dục. GVCN cần phải hiểu rõ lý luận về sự phát triển tập thể học sinh và những yêu cầu sư phạm của việc quản lý, lãnh đạo lớp học.
Nội dung xây dựng tập thể học sinh bao gồm những công việc sau:
+ Đề ra yêu cầu, làm cho các em thấy được sự cần thiết và tự giác thực hiện yêu cầu + Xây dựng đội ngũ cốt cán của tập thể
+ Tổ chức các hoạt động tập thể
+ Xây dựng dư luận và truyền thống tập thể
2.3. Chỉ đạo tổ chức thực hiện các nội dung giáo dục toàn diện
Giáo viên chủ nhiệm phải tổ chức, quản lí, giáo dục học sinh trong tiết sinh hoạt lớp hàng tuần, buổi lao động hàng tháng, tham gia hoạt động chung của toàn trường. Giáo viên chủ nhiệm phải cố vấn cho đội ngũ tự quản của lớp tổ chức, điều khiển, quản lí các hoạt động này nhằm giáo dục đạo đức nhân cách cho học sinh. Việc chăm lo xây dựng bầu không khí đoàn kết nhất trí của tập thể lớp chủ nhiệm có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với việc giáo dục đạo đức học sinh. Đó là tiền đề thuận lợi để thực hiện các nội dung giáo dục khác, góp phần nâng cao kết quả học tập văn hoá, giáo dục lao động và hướng nghiệp, giáo dục thẩm mĩ, vui chơi giải trí và phòng chống các tệ nạn xã hội. Các hoạt động góp phần thực hiện nội dung giáo dục toàn diện là:
- Giáo dục đạo đức, pháp luật và nhân văn cho học sinh.
- Tổ chức các hoạt động học tập nhằm phát triển nhận thức, trí tuệ của học sinh. - Tổ chức các hoạt động giáo dục lao động và hướng nghiệp.
- Tổ chức các hoạt động văn hoá văn nghê, thể dục thể thao, vui chơi giải trí.
2.4. Đánh giá kết quả giáo dục học sinh
- Là một trong những nội dung lớn và hết sức quan trọng của công tác chủ nhiệm lớp.
Bởi lẽ nó không chỉ phản ánh kết quả giáo dục học sinh mà còn phản ánh nội dung, phương pháp giáo dục của các lực lượng giáo dục nói chung, của giáo viên chủ nhiệm nói riêng. Đánh giá đúng sẽ là một động lực giúp học sinh nỗ lực rèn luyện tu dưỡng, phát huy những ưu điểm. Đánh giá đúng sẽ khích lệ động viên học sinh không ngừng rèn luyện phấn đấu vươn lên hoàn thiện mình.. Nói cách khác, sự đánh giá đúng sẽ mang lại hiệu quả giáo dụcvà ngược lại.
Đánh giá kết quả giáo dục học sinh cũng chính là giáo dục các em. Giáo viên chủ nhiệm cần tổ chức cho học sinh tham gia vào quá trình tự đánh giá và đánh giá kết quả rèn luyện của bản thân, của cả lớp. Việc tổ chức cho các em tham gia vào quá trình tự đánh giá và đánh giá chính là giúp cho các em tự điều chỉnh thái độ, hành vi của mình, và rèn luyện cho các em năng lực tự hoàn thiện nhân cách.
Giáo viên chủ nhiệm cần đánh giá theo từng mặt giáo dục, rồi tổng hợp kết quả đánh giá để xem xét toàn diện người học sinh.
2.5. Phối hợp với giáo viên và các bộ phận khác trong trường
* GVCN cùng với các GV bộ môn hợp thành tập thể sư phạm có nhiệm vụ dạy học và giáo dục tòan diện học sinh. HIệu quả của quá trình giáo dục học sinh chẳng những phụ thuộc vào tài năng và phẩm chất của mỗi giáo viên mà còn phụ thuộc vào tập thể sư phạm này.
* Nội dung của sự kết hợp giữa GVCN và giáo viên bộ môn bao gồm: - Đề ra yêu cầu thống nhất đối với học sinh:
GVCN và các GVBM cần đề ra yêu cầu thống nhất đối với học sinh về các mặt nề nếp yêu cầu học tập ở lớp, ở nhà, cách cư xử với bạn bè… Ở đây cần lưu ý: Những yêu cầu về học tập phải phù hợp với các yêu cầu, vị trí của môn học và chú ý đến mối quan hệ với các môn học khác.
- Phối hợp thống nhất hành động trong quá trình giáo dục:
+ GVCN theo dõi sổ sách của lớp, thăm dò ý kiến, nguyện vọng của HS, đánh giá tình hình học tập của học sinh, phát hiện những khó khăn trong học tập… Trao đổi ý kiến với
giáo viên bộ môn, kiến nghị những biện pháp nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học và giáo dục HS.
+ GVBM căn cứ vào những thông tin ngược do bản thân thu lượm được và do GVCN cung cấp, không ngừng cải tiến nội dung, ppdh. Ở đây cần giải quyết tốt những mối quan hệ sau:
Giữa giảng dạy nội khóa và ngoại khóa
Giữa giúp đỡ học sinh giỏi và học sinh yếu, kém Giữa dạy học và giáo dục
+ GVCN khi đánh giá kết quả phấn đấu toàn diện của HS cần tham khảo ý kiến GVBM về thái độ, chất lượng học tập.
2.6. Phối hợp với cha mẹ học sinh
a. Tại sao phải kết hợp giữa GVCN và cha mẹ học sinh...
Chăm sóc, bảo vệ, giáo dục học sinhlà trách nhiệm của gia đình, nhà trường, xã hội. Quá trình hình thành và phát triển nhân cách chịu sự tác động của nhiều nhân tố trong đó có vai trò quan trọng của gia đình và nhà trường.
Gia đình có vai trò quan trọng đối với học sinh về nhiều mặt.
Về mặt giáo dục gia đình có nhiều ưu thế trong giáo dục đạo đức, phẩm chất nhân cách: - Giáo dục gia đình diễn ra trong tình yêu thương ruột thịt giữa các thành viên
- Giáo dục gia đình diễn ra trực tiếp thường xuyên thông qua những tình huống thực của cuộc sống.
- Giáo dục gia đình thường mang tính tổng hợp và đượm màu nghệ thuật… Tuy nhiên giáo dục gia đình cũng có những hạn chế:
- Cha mẹ thường thiếu những kiến thức sư phạm về giáo dục trẻ em trong gia đình. - Cha mẹ có thể không thông cảm với con cái, nhất là đối với những nhu cầu mới nảy sinh. - Giữa cha mẹ và ông bà, giữa cha và mẹ có thể không thống nhất các yêu cầu giáo dục. - Ở một số gia đình cha mẹ thiếu gương mẫu.
Vì vậy cần có sự kết hợp giữa GVCN và gia đình.
b. Nội dung của sự kết hợp bao gồm:
- Trao đổi thông tin về việc học tập tu dưỡng học sinh. - Phổ biến những kiến thức sư phạm cho cha mẹ học sinh.
c. Yêu cầu của sự kết hợp:
Một mặt GVCN giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể cho cha mẹ học sinh:
- Đưa ra những lời khuyên về mặt sư phạm, chỉ ra cho họ thấy được ưu thế của gia đình trong việc giáo dục con cái.
- Giúp họ nắm được MT, ND, PP giáo dục của nhà trường.
- Giúp họ nắm được những kiến thức về TLH, GDH, nhất là kiến thức tlh lứa tuổi và sư phạm. - Giúp họ nắm được PP giáo dục con cái trong gia đình.
d. Phương pháp kết hợp…
- Ghi sổ liên lạc.
- Họp cha mẹ học sinh.
- Mời cha mẹ học sinh tới trường. - Thăm gia đình học sinh.
- Cha mẹ chủ động đến gặp GVCN… - Qua thư từ điện thoại
2.7. Giáo viên chủ nhiệm với chính quyền, đoàn thể xã hội, các cơ quan chức năng, tổ chức kinh tế ở địa phương tổ chức kinh tế ở địa phương
Liên kết với chính quyền địa phương và các tổ chức, đoàn thể xã hội ... Thực chất đây là sự liên kết giữa giáo dục nhà trường và xã hội nhằm phát huy sức mạnh của mọi nguồn lực, thực hiện xã hội hóa giáo dục học sinh lớp chủ nhiệm.
Các nội dung cơ bản của sự phối hợp cần hướng vào: - Góp phần xây dựng, bảo vệ trật tự, an ninh địa phương.
- Tổ chức việc học tập vui chơi, rèn luyện... nhằm hình thành nhân cách cho học sinh; - Xây dựng cơ sở vật chất cho nhà trường, cải thiện đời sống cho giáo viên, tạo điều kiện cho các hoạt động giáo dục học sinh của lớp.
Để liên kết giáo dục có hiệu quả, giáo viên chủ nhiệm cần lựa chọn, xây dựng một đội ngũ cộng tác viên gồm các nhà hoạt động chính trị xã hội, các đoàn thể, cha mẹ học sinh. Tập hợp, phối hợp, phát huy được sức mạnh trong quá trình giáo dục học sinh.