4. Cấu trúc luận văn
1.3.1. Quan niệm của Nguyễn Huy Thiệp về thể loại tiểu thuyết
Điều đầu tiên chúng tôi có thể khẳng định khi nghiên cứu và triển khai đề tài của mình là sự chuyển đổi thể loại từ truyện ngắn sang tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp không phải một hành động bột phát, mang tính ngẫu hứng chủ quan mà là một cuộc thử nghiệm nghệ thuật nghiêm túc và khắc nghiệt. Bởi trong quá trình hiện thực hóa những thử nghiệm ấy bằng các sáng tác cụ thể, nhà văn đã giành không ít tâm sức để nghiền ngẫm, luận bàn và đưa ra quan niệm của mình về tiểu thuyết và chính thời đại của nó.
Trong cuốn tạp văn, tiểu luận, phê bình Giăng lưới bắt chim của Nguyễn Huy Thiệp (NXB Hội nhà văn, H, 2006) đã có 5 bài viết tác giả trực tiếp bàn luận về tiểu thuyết gồm:
- “Khải huyền muộn” - Cảm hứng và những dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết (tr.173 - tr.179).
- Lại nói về những dấu hiệu của hình thức nghệ thuật đương đại trong tiểu thuyết (tr. 180 - tr.184).
- Thời của tiểu thuyết (1) (tr.214 - tr.224). - Thời của tiểu thuyết (2) (tr.225 - 233)
- Thời của tiểu thuyết (3) (tr. 234 - 241).
Không dừng ở đó, theo quan sát và thống kê của chúng tôi, ngay ở phần đầu của các tiểu thuyết mà Nguyễn Huy Thiệp đã sáng tác ngoại trừ Tuổi hai mươi yêu dấu ra thì tất cả những tác phẩm còn lại nhà văn đều giành ra một số trang viết lời đề tựa như một màn “giao đãi” để nói về thể loại này. Đi sâu vào tìm hiểu những trang viết ấy, ta thấy Nguyễn Huy Thiệp đã đưa ra quan niệm rất rõ của ông về thể loại tiểu thuyết, về thời đại của nó và xu hướng thịnh hành của dòng “tiểu thuyết mua vui’ hay “tiểu thuyết hiện thực ba xu”.
Trước hết, về thể loại tiểu thuyết, nhà văn đa phần công nhận và kế thừa quan niệm truyền thống của giới phê bình, lý luận cả phương Đông và phương Tây về đặc trưng thi pháp của thể loại này: Ông thừa nhận tiểu thuyết là loại tác phẩm có sức hấp dẫn lớn bởi tính chất “tạp”, “những câu chuyện đường phố, lời nói ngõ làng”, tính hiện thực “không đáng tin cậy, chắp vá”… [36; 219 - 225]. Sự ưu việt và sức mạnh của nó nằm ở trong chính khả năng chiếm lĩnh, phản ánh phạm vi hiện thực đời sống rộng lớn, ít giới hạn và sự câu nệ. Nó cởi mở, gần gũi với cả người đọc lẫn người viết hơn các thể loại khác. Nguyễn Huy Thiệp tỏ ra ưu ái và đề cao tiểu thuyết bởi theo ông, chính bản chất phóng túng, ít câu nệ kia mới thực sự tạo ra một “bầu không khí dân chủ” cởi mở, hiện đại cho sinh hoạt văn học, mới tạo điều kiện thúc đẩy cho văn học nước nhà phát triển [36; 224].
Điểm khác biệt trong quan niệm của nhà văn về tiểu thuyết nằm ở chỗ ông thừa nhận đặc trưng thẩm mĩ nổi bật của nó nhưng lại xóa mờ đi ranh giới phân chia thể loại. Ông cho rằng: Tiểu thuyết vừa là một sự “tha hóa, xuống cấp”, vừa là một sự “phát triển, bứt phá lên” của truyện ngắn [36; 219]. Ở những nhà sáng tác tinh thông thì “thể loại” không phải vấn đề quan trọng và nhiều khi chính sự ý thức chăm chút về thể loại lại làm rào cản cho sự sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Theo nhà văn, sự lựa chọn thể loại suy cho cùng là để đảm bảo việc thực hiện nội dung có hiệu quả mà thôi. Chính vì vậy, với tiểu thuyết đương đại, ông không đề cao tính quy phạm, đúng khuôn khổ thể loại mà xem trọng cái cách “đưa ra được một quan niệm mới” của người viết hơn [36; 183].
Về tiến trình của tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp lập luận rằng văn học cũng là một quá trình, có thời cuộc và các bước phát triển thăng trầm của nó. Ở mỗi một giai đoạn, đời sống thầm mĩ của văn chương nghệ thuật đều đặt ra những nhu cầu thể loại riêng và nhà văn có tài phải là người nắm bắt được thể loại văn học nào là “hợp thời” nhất. Tác giả tỏ ra tếu táo và cũng rất tỉnh táo khi ví von rằng: “Không phải lúc nào, thời nào văn học cũng “cởi trần, mặc quần đùi” nhưng cũng không phải lúc nào, thời nào cũng đóng bộ quốc phục hoặc quân phục. Việc ăn mặc phù hợp, tìm ra một cách thức văn chương hợp thời là cần thiết. Khăng khăng một cách
viết, một thể loại cũng chẳng khác gì “bức sốt nhưng mình vẫn áo bông” có phần nực cười và vớ vẩn” [36; 215].
Trên cơ sở quan sát, phân tích bức tranh của thời đại, đặc biệt là đời sống văn nghệ đương đại, Nguyễn Huy Thiệp đã nhận định: thời của truyện ngắn đã qua đi với sự thành công của những tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên, Đỗ Chu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Phan Thị Vàng Anh v.v… Đồng thời, tác giả cũng khẳng định tính ưu việt, tất yếu, “hợp thời” của tiểu thuyết: trong bối cảnh xã hội phát triển theo xu hướng hội nhập quốc tế thì “Tiểu thuyết (…) Phải là tiểu thuyết. Đó là nhu cầu của thời hiện tại” [36; 219]. Ông quan niệm rằng viết truyện ngắn chỉ là một cách học nghề, một kiểu làm “bài tập văn chương”; và chuyển sang tiểu thuyết mới là trưởng thành và hợp thời, là một cách sáng tác “đứng đắn” nhất để khẳng định kích cỡ, đẳng cấp của nhà văn… Tiểu thuyết được xem như một nhu cầu tự thân của người viết muốn thoát khỏi những hạn hẹp, bức bí của thể loại truyện ngắn mà tác giả đã quá quen.
Cuộc sống đô thị hóa bề bộn, nền kinh tế thị trường đầy bon chen… là mảnh đất nhiệm màu, là hiện thực “phùng thời” của tiểu thuyết. Bởi thế, “thời của tiểu thuyết” là một cách nói hình tượng về một bước tiến, một giai đoạn phát triển, một hình thức mới của thể loại. Nó không phải sự hình dung về kiểu tác phẩm tự sự cỡ lớn mang tính truyền thống: với cốt truyện chặt chẽ, nhân vật luôn suy tư, đấu tranh, tự vấn về những “lý tưởng”, “chân lý” cao siêu… mà có khuynh hướng phá vỡ những vỏ bọc của sự nghiêm cẩn, toàn vẹn và chính thống. Nó chấp nhận, dung nạp những thứ “tầm thường tập thể” để thử nghiệm, tìm tòi: “Trong điều kiện hòa nhập (…) tiểu thuyết rõ ràng hợp thời hơn cả. Nhưng dĩ nhiên, nói tiểu thuyết không có nghĩa là tiểu thuyết… Phải là thứ tiểu thuyết thế nào đấy” [36; 218]. Hay nói cách khác, Nguyễn Huy Thiệp không chủ trương đi phục hiện một mô hình tiểu thuyết truyền thống tĩnh tại, hoàn bị mà kì vọng đón đầu một hình thái tiểu thuyết đương đại riêng, mới, hấp dẫn với công chúng và bạn đọc.
đưa ra quan niệm của mình về xu hướng chiếm lĩnh, khuynh loát thị trường của dòng tiểu thuyết mua vui hay tiểu thuyết hiện thực ba xu: “Tôi nghĩ rằng rồi đây thành công của tiểu thuyết Việt Nam sẽ không phải là ở dạng tiểu thuyết “chính thống” kiểu tự vấn, tự sự mà có khả năng sẽ rơi vào dạng “mua vui cũng được một vài trống canh”. Ông phân tích rất thuyết phục về tính chất và thị hiếu thẩm mĩ của thời đại kinh tế thị trường: khi xã hội đã ổn định, đời sống vật chất, tinh thần tăng dần lên thì người ta sẽ không có băn khoăn quá nhiều về “lý tưởng” hoặc “chân lý”… những tiểu tiểu thuyết best seller hấp dẫn người ta hơn với những chủ đề vô thưởng vô phạt rồi đây cũng sẽ chiếm thế thượng phong [36; 222]. Thừa nhận sự xuất hiện tất yếu của dòng tiểu thuyết thị trường nhưng Nguyễn Huy Thiệp cũng không quên nhấn mạnh vai trò công phá, tiên phong của những tài năng lớn. Với ông, họ chính là người nhạy bén, đi trước thời đại, vượt lên trên cái thị hiếu đám đông để bằng tác phẩm của mình tha đổi “sức ì”, “thói quen đọc văn học” vốn “vô tư”, “nhẹ dạ” và “bạc bẽo” của độc giả đương thời [36;223].
Tóm lại, quan niệm về tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp bộc lộ một cái nhìn khá khách quan và sắc sảo của nhà văn về thời cuộc. Một mặt, ông có sự kế thừa và đào sâu về những đặc trưng thẩm mĩ và tính ưu việt trong tính dân chủ hóa, khả năng khai thác, phản ánh hiện thực sâu rộng và xâm lấn mạnh mẽ về mặt thể loại của tiểu thuyết. Mặt khác, tác giả đã bóc tách và chỉ ra sự vận động tất trong hình thức của nó trước những đổi thay của thị hiếu thẩm mĩ của công chúng. Tiểu thuyết (dòng tiểu thuyết mua vui) xuất hiện như một khuynh hướng thử nghiệm mới để nhà văn tìm tòi cái phi thường giữa cái tầm thường, nhảm nhí. Xét ở góc độ lý thuyết, những lập luận và dự đoán đó của Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn thỏa đáng và phù hợp với tinh thần thời đại. Nó chính là cơ sở để nhà văn tự tin bước vào cuộc thử nghiệm thực tiễn tiểu thuyết bằng con đường sáng tác.