4. Cấu trúc luận văn
3.3.2. Nhà văn và những thử thách mới trong đời sống văn nghệ
Nguyễn Huy Thiệp là một trong những gương mặt tiêu biểu cho nền văn học đương đại, những trang viết của ông được sống trong bầu không khí văn nghệ mới, cởi mở hơn rất nhiều so với giai đoạn trước. Theo tinh thần của Đại hội Đảng VI, người nghệ sĩ ấy đã bằng tài năng, bầu nhiệt huyết và sức trẻ của mình ra sức, kiếm tìm những khuynh hướng cách tân nghệ thuật, tạo chất giọng riêng, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn chương, nghệ thuật nước nhà.
Tuy nhiên, văn học là lĩnh vực của sự độc đáo, từ những tính chất thẩm mĩ đặc thù, loại hình nghệ thuật ngôn từ này luôn đặt ra những thách thức và yêu cầu khắt khe, nhiều mặt không chỉ với bản thân sự nghiệp cầm bút của Nguyễn Huy Thiệp mà với tất cả các nhà văn chân chính, nhất là những cây bút trẻ vốn nhạy cảm và đầy ý tưởng sáng tạo hiện nay. Nhà văn đã từng tâm sự rất thành thực về những duyên nợ, câu thúc của nghề văn: “viết văn là một
việc chẳng dễ dàng gì, nhưng không thể không viết nó ra dù biết rằng văn học vô nghĩa và ẩn tàng rất nhiều may rủi, nhưng không thể không tự mình làm ra nó vì chính ta phải sống, số phận bắt ta cầm bút và viết, viết…” [36; 176].
Những truyện ngắn đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp được viết vào thời điểm những chủ trương đổi mới của Đảng vừa được ban hành còn đang hừng hực khí thế. Trên lĩnh vực văn hoá văn nghệ, tinh thần cải tổ, cởi trói văn nghệ, dân chủ hoá sáng tác văn thơ... là những vấn đề thời sự được giới chuyên môn say sưa đồng tình, hưởng ứng. Nhưng bàn luận về cái mới thì dễ, hiện thực hoá về nó trực tiếp trong các hoạt động văn học cụ thể mới thật khó khăn. Người đi tiên phong cho quá trình hiện thực hoá này không ai khác chính là nhà văn và những tác phẩm của họ. Tại sao truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp cứ phải xây dựng những thế giới hình tượng nửa thực, nửa hư chẳng rõ ràng? Tại sao ông không viết những câu văn ngọt ngào, dễ chịu mà suốt ngày lủng củng, cục cằn trong những cuộc đối thoại cụt lủn, hình thức phức điệu, đa thanh? Nguồn cơn nào mà tác giả đang viết về truyện ngắn rất thịnh, lại quay ngang sang thử nghiệm ở tiểu thuyết để đón nhận sự lạnh nhạt, thất vọng từ phía công chúng?... Tất cả những câu hỏi ấy đều xuất phát từ một chữ “tinh thần đổi mới”. Để có sự cách tân, nhà văn phải mày mò, thử nghiệm bằng chính sự nghiệp cầm bút của mình. Nguyễn Huy Thiệp không phải người đầu tiên hiện thực hoá điều đó, nhưng cùng với các hiện tượng khác như Bảo Ninh, Trần Trung Chính, Nguyễn Quang Lập, Phạm Thị Hoài... họ đã hình thành nên lớp nhà văn tiên phong của thời kì đầu đổi mới. Thách thức của họ không dừng ở việc nỗ lực đề xuất, tìm và thể hiện trọn vẹn những ý tưởng cách tân nghệ thuật trong tác phẩm mà còn phải đối diện với đời sống tiếp nhận rất phức tạp của văn nghệ giai đoạn này. Bạn đọc trung thành và tâm huyết với văn chương đang đón đợi chiếm lĩnh thế giới nghệ thuật hiện đại độc đáo của người nghệ sĩ bằng tinh thần dân chủ, nghiêm túc và đầy hứng khởi. Trong khi, mọi bước chuyển có tính thời của đời sống cũng như văn học đại đều cần một quá trình vận động và một khoảng thời gian cần thiết để tích
luỹ, phát triển. Nóng lòng với tinh thần đổi mới, độc giả rất dễ rơi vào tình trạng cực đoan, duy ý chí: hoặc là đặt những tiêu chí quá khắt khe, áp đặt để soi chiếu chỉ ra những tì vết, vụng về của người viết trong ý tưởng sáng tạo và tác phẩm; hoặc là quá dễ dãi cổ động theo tinh thần cứ “lạ” là mới. Từ đó tạo một bức tranh phản hồi rắc rối, đa giá trị: Nguyễn Huy Thiệp từng bị bạn đọc giằng co đối chất liên tục về những truyện phản lịch sử Vàng lửa, Phẩm tiết, Nhuyễn Thị Lộ..., Bảo Ninh cũng một dạo vất vả trước công chúng về vấn đề tính nhân bản hay ý đồ chính trị tinh vi được viết trong Nỗi buồn chiến tranh
hay Thân phận tình yêu ... Có thể nói, những nhà văn đi đầu này, một mặt phải cố gắng tìm kiếm bứt phá, mặt khác lại quay cuồng đối diện với những trách nhiệm, thiên chức, điều tiếng khen chê, tâm lí tiếp nhận của công chúng đương thời. Người viết cũng như người đọc, họ đều có ý thức rõ rệt về yêu cầu phát triển hiện thời của văn nghệ. Song từ ý thức ấy đến hiệu quả thực tiễn của hoạt động còn một khoảng cách không nhỏ của thói quen, của truyền thống thẩm mĩ, của cảm tình quá khứ, chiều sâu văn hoá, vốn sống ..., một sớm một chiều khó lòng đoạn tuyệt đổi thay.
Những thách thức càng đặt ra nhiều hơn với những nhà văn trẻ trong những năm gần đây trên con đường sáng tạo. Bởi so với những nhà văn hiện đại đi trước như Nguyễn Huy Thiệp, không khí đổi mới văn nghệ của những năm 80 kia đã trở nên “bão hoà”, giảm phần hừng hực, nhưng thế giới của nghệ thuật ngôn từ vẫn muôn đời đòi hỏi cái độc đáo, cái bản sắc riêng nên họ vẫn cứ lên đường và thử nghiệm. Những cố gắng của họ đã được công chúng ít nhiều ghi nhận, đặc biệt là sự góp mặt đông đảo một cách đột biến của những nữ văn sĩ như Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Thị Ấm, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Hảo, Trần Thị Trường, Đỗ Hoàng Diệu, Phan Huyền Thư, Vi Thuỳ Linh... với những chất giọng mềm mại hơn, con gái hơn mà cũng không kém phần tinh tế trong lối khám phá những suy tư về thế thái nhân tình. Tuy nhiên, sức trẻ và những cố gắng của họ chưa thực sự đủ “chín” để phát triển thành những phong cách văn chương thực thụ mà chỉ dừng ở dạng tiềm năng
văn học. Độc giả mỏi mòn chờ đợi lâu lại có cái tên quen quen loé ra một câu chuyện, một tập thơ rồi lại im lìm đâu vào đấy. Cái hẫng hụt lớn nhất của thế hệ kế tiếp thời kì đổi mới này là họ thiếu hẳn một sự trải nghiệm và vốn văn hoá, tri thức dày dặn. Họ còn quá trẻ về cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Đã thế, những bậc cha chú đỡ đầu đi trước đã đặt ra vấn đề lật lại quá khứ, nghi ngờ những “sự thật” ổn cố an toàn, không tin vào chân lí đám đông, đến lượt họ sự nghi ngờ ấy đã lên cao tới mực cực đoan: không tin nổi điều gì ngay cả bản thân mình. Gia đình và tình yêu thương là những môi trường vô trùng, những thành trì kiên cố nuôi nấng trở che tâm hồn người Việt bao đời nay giờ trở thành thứ mành mành tơ nhện vướng víu, hình thức và vô giá trị (Kịch câm - Phan Thị Vàng Anh,
Bóng đè - Đỗ Hoàng Diệu). Khát khao được đối diện với sự thật, sống thật với lòng mình, những nhà văn đang độ thanh xuân đã “nổi loạn” bằng cách đắm mình trong những thế giới vô thức, siêu thực hay tìm vào câu chuyện tình dục phòng the như cách trả lại bản năng thánh thiện của nhân thế... Những cuộc nổi loạn, thử nghiệm không bến bờ ấy càng làm nhà văn, người đọc thêm xa lạ với nhau...
Khủng hoảng về lòng tin trong tác phẩn đã đành, các nhà văn hiện đại nước ta còn bơ vơ ngay trong chính con đường sáng tác. Văn học giờ không còn là bữa ăn tinh thần chủ soái phồn thịnh thống lĩnh tình cảm công chúng như những năm đầu đổi mới. Giấc mơ về một nền văn học mới mẻ, hội nhập lúc bấy giờ cũng đã nguôi ngoai. Lại thêm thái độ thờ ơ, chiếu cố của người đọc càng làm nhà văn thêm cô đơn tột độ. Họ có thực sự được yêu mến khi thiếu hẳn những màn tranh luận sôi nổi, nghiêm túc như thời Nguyễn Huy Thiệp. Nhưng họ lại có khá nhiều những vụ scandal tình dục trong tác phẩm, các chiến dịch quảng cáo hoành tráng làm công chúng hiếu kì tìm xem. Và thế là sáng tác ấy trở thành đề tài “hot”, thành cuốn sách “best-seller” trên thị trường, xuất bản, thu hồi rồi tái bản với lượng lớn hơn bằng cả cửa chính, cửa phụ... Người đọc cảm thấy không được tôn trọng khi các nhà văn cứ sống sượng đoạn tuyệt quá khứ, vùi mình trong nhục cảm và những dòng ủ ê chế nhạo mọi thứ ở đời. Để đáp lại, họ tỏ ra dửng dưng, thờ ơ, chẳng thèm ngó ngàng tới cố gắng, nhớ nhung tên tuổi của tác giả vì mấy cây bút này cứ hao hao từa tựa như nhau. Nhà văn vừa viết
vừa ngấm ngầm trạnh lòng, tuyệt vọng, tuyên bố sáng tác li khai độc giả hiện tại để hướng tới lớp bạn đọc tưởng tượng, công chúng của ngày mai xa xôi nào đó... Thực trạng kém vui vẻ này không phải lỗi của riêng nhà văn hay ở thái độ bất hợp tác của người thưởng thức mà là thách thức chung của văn học trong thời đại mới. Văn học cần một nhịp thời gian chậm, có độ ngưng để con người có thể suy tư, chiêm nghiệm, trải nghiệm tâm hồn và giao cảm với các sáng tác nghệ thuật. Trong khi đó, cuộc sống hiện đại lại luôn thôi thúc chúng ta phải năng động, tận dụng tối đa quỹ thời gian quý báu để nhanh chóng cập nhật và nắm bắt cơ hội vươn lên. Bởi vậy, văn học khó có thể tránh khỏi hệ luỵ mặt trái của thời mở cửa là dần bị thu hẹp phạm vi ảnh hưởng trước sức cạnh tranh của các kênh thông tin, văn hoá, văn nghệ khác. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là văn học đương đại là bế tắc, không thành tựu hay các sản phẩm tinh thần của nghệ sĩ viết ra không có độc giả và đời sống thẩm mĩ.
Trở lại với câu chuyện tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp, trước một thời đại mới và một lớp công chúng mới, việc nhà văn thử nghiệm để tìm ra một thể loại hợp thời, đáp ứng được tinh thần “hiện đại” của công chúng là một việc làm vô cùng ý nghĩa và cần thiết cho sự phát triển của đời sống văn nghệ nước nhà. Nhưng sau cuộc thử nghiệm nghệ thuật của Nguyễn Huy Thiệp và những bài học, thách thức rút ra cho nền văn học đương đại, ta thấy một quy luật thẩm mĩ rằng: diện mạo văn chương được phác hoạ bằng những thành tựu nỗ lực đổi mới tư duy, nghệ thuật trong sáng tác của người nghệ sĩ. Nhưng sức sống và tinh thần nhân văn của nó lại nằm trong sự tôn trọng, nghiêm túc và tâm huyết trong con đường nhà văn và bạn đọc tích cực đồng sáng tạo trên cơ sở kế thừa, phát huy nền tảng văn hoá và tri thức sống của thời đại. Quan niệm xây dựng một nền văn học nghệ thuật tự thân, thoát li khỏi mọi ràng buộc của quá khứ, truyền thống dân tộc, bỏ qua vấn đề người đọc hay tâm thức, tình cảm của độc giả... là cách nhìn cực đoan, phiến diện. Đề xuất đổi mới tư duy, xoá bỏ thói quen chấp nhận dễ dãi hiện thực từ đám đông của Nguyễn Huy Thiệp ngay trong quan niệm về thể loại và sáng tác được giới văn nghệ ghi nhận và ủng hộ. Nhưng sự hời hợt, dễ dãi trong cách xây dựng những hình tượng và lối thử nghiệm mang đậm tính chủ quan, bất chấp sự phản ứng của dư luận không phải là cách để tạo ra hiệu quả
nghệ thuật thực thụ. Con người vốn không thể sống thiếu đồng loại cũng như văn chương không thể tách rời trường văn hoá, trường nghệ thuật nơi nó được sản sinh ra. Mỗi môi trường ấy đều có đặc trưng và tính tích cực nhất định, đồng thời cũng tồn tại những hạn chế, yếu điểm riêng. Trong công cuộc đổi mới văn nghệ, nắm bắt được hạn chế, cái cũ mòn đã khó, để khắc phục nó càng khó khăn hơn. Nhà văn, bạn đọc cũng như những người nghiên cứu “hậu trường” như chúng tôi đều rất cần một tình yêu, sự bao dung, tâm huyết, điềm tĩnh để vào cuộc chứ không phải việc tuyệt đối hoá cái tôi để phủ nhận sạch trơn, hay mặc cảm phẫn nộ tự phát, bồng bột trước những đổi thay.