4. Cấu trúc luận văn
2.1.1. Khái niệm tiểu thuyết
Ở châu Âu, tiểu thuyết xuất hiện vào thời kì xã hội cổ đại tan rã và văn học cổ đại suy tàn. Cá nhân con người lúc ấy không còn thấy lợi ích và nguyện vọng
của mình gắn liền với cộng đồng xã hội cổ đại nữa, nhiều vấn đề của cuộc sống riêng tư đặt ra gay gắt. Giai đoạn phát triển mới của tiểu thuyết châu Âu bắt đầu từ thời Phục hưng (Thế kỷ XIV - XVI) và đến thế kỷ XIX với sự xuất hiện của các cây bút bậc thầy như Stendhal, Banzal, Thackerey, Gogol, L.Tolstoi, ... thể loại này đã đạt tới sự nảy nở trọn vẹn.
Mầm mống tiểu thuyết ở Trung Quốc cũng xuất hiện sớm, vào thời Nguỵ Tấn (Thế kỷ III - IV) dưới dạng truyện ghi chép những việc, những người ngoài giới hạn kinh sử. Đến thời Minh Thanh thì tiểu thuyết chương hồi Trung Quốc đã đạt đến một trình độ lão luyện và phát triển rực rỡ.
Tiểu thuyết ở Việt Nam xuất hiện khá muộn, mãi tới đầu thế kỷ XVIII, với tác phẩm Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí nước ta mới xuất hiện tác phẩm có quy mô tiểu thuyết. Tuy nhiên, phải sang đầu phải sang thế kỷ XX, nhất là với dòng văn học lãng mạn (tiểu thuyết của nhóm Tự lực văn đoàn) và hiện thực phê phán (Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao...) ở Việt Nam mới có tiểu thuyết hiện đại.
Trải qua hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, đội ngũ các nhà tiểu thuyết Việt Nam ngày càng trở nên đông đảo: Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Nguyên Ngọc, Anh Đức, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh, Nguyễn Xuân Khánh... Các thế hệ nhà văn với những diện mạo, bản lĩnh nghệ thuật mới đã và đang tạo ra sức sống lâu bền và khẳng định vị trí riêng của tiểu thuyết trong sự phát triển của nền văn học dân tộc suốt mấy chục năm qua.
Có thể nói, tiểu thuyết là một thể loại tương đối “trẻ” mà theo quan niệm của M.Bakhtin nó là thể loại văn chương duy nhất đang biến chuyển và chưa hoàn kết [46; 21]. Xoay quanh khái niệm của thể loại này, giới nghiên cứu trong nước cũng có rất nhiều quan niệm khác nhau:
Phạm Quỳnh khi Khảo về tiểu thuyết cho rằng: “Nay cứ lý hội các tính cách chung chung của tiểu thuyết đời nay thì có thể giải nghĩa như thế này: tiểu thuyết là một truyện viết bằng văn xuôi đặt ra để tả tình tự người ta,
phong tục xã hội hay những sự lạ tích kỳ, đủ làm cho người đọc có hứng thú” [29; 10]. Nghĩa là trong quan niệm của ông, tiểu thuyết thiên về những câu chuyện kể có tính chất phiêu lưu và tình ái.
Thạch Lam với Vài ý kiến về tiểu thuyết lại chú ý nhiều đến ý nghĩa của thể loại: “Tiểu thuyết giúp cho đời sống bên trong dồi dào, sâu sắc thêm. Một quyển tiểu thuyết là để xem chứ không phải để đọc (...) người đọc tiểu thuyết là một người đọc yên lặng, hay nghĩ ngợi, suy xét và tìm trong tâm lý các nhân vật của truyện những tư tưởng và ý nghĩ của chính mình” [29; 38].
Ma Văn Kháng trong bài viết Tiểu thuyết nghệ thuật khám phá cuộc sống - Báo Văn nghệ số 17 (25/4/1998) lại đề cao khả năng phản ánh và khai thác vấn đề của thể loại: “Tiểu thuyết là mảnh đất lưu giữ hình bóng cuộc đời (…) là nghệ thuật khám phá cuộc sống. Mỗi cuốn tiểu thuyết là một ngày hội lớn cảm xúc và ý nghĩa”... [29; 435]…
Tuy nhiên, hiểu một cách chung nhất, tiểu thuyết (Tiếng Pháp: Roman, Tiếng Anh: Novel) là một thể loại lớn nằm trong phương thức tự sự có khả năng phản ánh hiện thực đời sống một cách bao quát ở mọi giới hạn không gian và thời gian, khả năng khám phá một cách sâu sắc những vấn đề thuộc về thân phận con người thông qua những tính cách đa dạng, phức tạp và khả năng tái hiện bức tranh mang tính tổng thể rộng lớn về đời sống xã hội [10; 328].