Các sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của nguyễn huy thiệp dưới góc nhìn thể loại luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 32 - 37)

4. Cấu trúc luận văn

1.3.2. Các sáng tác tiểu thuyết của Nguyễn Huy Thiệp

Như ở trên chúng ta đã thấy, Nguyễn Huy Thiệp luôn tỏ ra rất tâm đắc và say sưa khi bàn luận về tiểu thuyết, về thời đại của nó và xu hướng xuất hiện

của “dòng tiểu thuyết hiện thực ba xu”. Và để chứng minh cho những nhận định đó, nhà văn đã hăm hở lần lượt cho ra đời 4 cuốn tiểu thuyết “mua vui” gồm: Tuổi hai mươi yêu dấu, Võ lâm ngoại sử , Tiểu long nữ Gạ tình lấy điểm.

Tuổi hai mươi yêu dấu được xuất bản tại Pháp năm 2005 và chưa từng phát hành thành ấn phẩm ở Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn được xem là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Huy Thiệp với cuộc thử nghiệm sáng tác trên lĩnh vực mới này. Nhà văn đã có lần tâm sự, việc chọn đề tài lứa tuổi thanh niên, chính xác là hai mươi để viết có một phần cảm hứng từ câu chuyện buồn về người con trai từng nghiện ma túy của ông. Nhưng tư tưởng chủ đạo thôi thúc Nguyễn Huy Thiệp cầm bút lại là những vấn đề đang tồn tại trong xã hội hiện đại là con đường giáo dục thanh niên, là vấn đề về đạo đức, nhân cách và lý tưởng sống cho thế hệ trẻ.

Nếu tính năm xuất bản thì Tuổi hai mươi yêu dấu được in đúng tròn hai mươi sau Đổi mới. Như vậy, thế hệ của nhân vật tôi (Khuê) được sinh ra trong một xã hội mới, với những điều kiện mới, sung sướng và cơ bản hơn rất nhiều so với thế hệ trước đó: cha Khuê là một nhà văn danh tiếng, mẹ cậu là người rất mực tận tụy, chu đáo với chồng con, hai anh em Khuê đều là sinh viên đại học. Với một hoàn cảnh xuất thân như thế lẽ ra nhân vật chính phải sớm trưởng thành và xứng đáng là tương lai và trí tuệ của đất nước. Nhưng thực tế, Khuê luôn bơ vơ, bất mãn và mất phương hướng trước cuộc đời vì “Chẳng ai hiểu cóc khô gì cả”.

Với bảy chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Huy Thiệp đã dựng lại một chân dung khá hoàn chỉnh về một nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ của xã hội đương thời. Từ một cái "Tôi" ích kỷ, què quặt và những va chạm, hiểu lầm trong cuộc sống, Khuê đã rơi vào thế bế tắc, bất mãn rời bỏ gia đình đi bụi. Cậu nhanh chóng bắt nhịp và hòa vào những bon chen, hỗn loạn và mánh lới của cuộc sống ngoài luồng đang diễn ra xung quanh mình. Khi ta đã quá quen thuộc với cái xấu, người ta dễ dãi chấp nhận những cái

xấu, những cái không có giá trị, những thứ tầm thường...thì nhu cầu hướng tới một điều đẹp hơn, tính cách hơn bỗng nhiên trở nên tầm thường, xa xỉ. Xã hội mất định hướng và giá trị của chính nó. Thế hệ trẻ trong đó có Khuê cũng ngơ ngác, nổi loạn và nhanh chóng trở thành tệ nạn của xã hội. Khuê nghiện ma túy, sống vất vưởng đầu đường xó chợ. Cuối cùng, trải qua bao lỗi lầm, đau khổ của cuộc sống giang hồ, cậu đã nhận ra chân lý: “Tôi phải cứu tôi và chẳng ai làm được hộ tôi chuyện ấy cả”.

Nếu như Tuổi hai mươi yêu dấu mang bóng dáng của một cuốn tiểu thuyết tự thuật và phiêu lưu (khi tác giả trao vai kể về cuộc đời ở ngôi thứ nhất cho nhân vật chính của tác phẩm) thì đến Võ lâm ngoại sử Nguyễn Huy Thiệp lại tung ra một cuộc thử nghiệm tiểu thuyết kiểu truyện kiếm hiệp và viết theo lối chương hồi. Qua 15 chương truyện, nhà văn đã tái hiện một không khí giao tranh, các trường văn trận bút để phân định ngôi thứ giữa các môn phái trong võ lâm, đặc biệt là hai phái Bắc tông và Nam tông. Nhưng ẩn sau sự phô diễn “mua vui” bề ngoài của một loại hình “á văn học” ấy, Nguyễn Huy Thiệp lại gợi ra những tầng bậc ý nghĩa phi kiếm hiệp. Nó mang sự giễu nhại, ẩn dụ, bóng gió gần xa về các quan niệm văn chương, về cả những vụ án, sự kiện, những cuộc tranh luận đình đám của đời sống văn nghệ nước nhà từ đầu thế kỉ XX tới nay. Dù nhà văn đã tỉnh táo giao ước về tính khách quan, “hiển ngôn”, không có ẩn ý khi chắp bút Tiểu Ngọc để viết nên câu chuyện này nhưng càng đọc, ta càng liên tưởng nhiều đến bức tranh văn học (đặc biệt là lĩnh vực thơ ca) mấy chục năm qua và những tên tuổi nghệ sĩ lớn trên văn đàn như: Tố Hữu (bang chủ Bắc tông - Tố Hồng), Xuân Diệu (Cao thủ phái Võ Đang Toàn Chân - Ngô Xuân), Huy Cận (Cao thủ phái Võ Đang Toàn Chân - Huy Viễn), Trần Đăng Khoa (Thần đồng võ hiệp - Trần Đăng Tài), Đồng Đức Bốn (Đồng Đức Tứ)… Người đọc như bị dẫn vào giữa mê cung của một câu chuyện vừa như bông đùa vừa như nghiêm cẩn như chính dụng ý của tác giả: “Câu chuyện trong tiểu thuyết này lấy bối cảnh xa thì cũng khoảng 50 đến 70 năm, gần thì sờ sờ trước mặt, như chuyện hôm qua, như

chuyện hôm nay (…) tác giả cũng chỉ hình dung mơ hồ để vẽ lên bức vân cẩu như vừa trông thấy đấy, hiện thực rờ rợ, ngụ ý tài tình, thực thực đùa đùa…”

Không phải tiếp lối tự thuật đời tư hay “giả” kiếm hiệp, Tiểu long nữ

(2006) và Gạ tình lấy điểm (2007) lại là một phép thử của Nguyễn Huy Thiệp về kiểu tiểu thuyết thời sự, thị trường. Hai tác phẩm đều lấy cảm hứng từ hai scandal đình đám trên báo chí: một là vụ án hình sự “hiếp dâm trẻ em” của Lương Quốc Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm UB Thể dục Thể thao rộ lên trên các phương tiện thông tin đại chúng năm 2004 và một là vụ tiêu cực trong giáo dục thầy giáo Đỗ Tư Đông - khoa Báo chí trường Cao đẳng Phát thanh Truyền hình I gạ nữ sinh đổi tình lấy điểm bị đưa lên báo khoảng giữa năm 2006. Tuy nhiên, trong cách khai thác sự kiện nhà văn lại không tập trung mô tả nội tình vụ án như một tác phẩm điều tra báo chí mà hướng ra cái nhìn về một bức tranh đời sống đương đại bon chen và đầy những toan tính, dục vọng và suy đồi, đổ vỡ. Nguyễn Quốc Lương trong Tiểu long nữ là một quan chức ngành xây dựng, có năng lực, giàu có và thành đạt. Nhưng đối với người thân trong gia đình ông luôn trở nên lạnh lùng, xa lạ. Vợ y suốt ngày chỉ biết ăn chay, niệm phật để cầu giải hạn “tiểu long nữ” cho chồng mặc cho y đấu đá chốn danh lợi và say sưa chuyện phong hoa tuyết nguyệt. Con trai Lương luôn ác cảm vì sự phản bội trắn trợn của cha, cậu chỉ tìm đến ông khi cần tiền. Ý định dùng gái trinh giải hạn không thành, trái lại mọi việc làm bất chính của y đều bị phanh phui. Lương phải hầu tòa vì tội tham nhũng và hiếp dâm trẻ em. Mọi công danh, tiền bạc hắn có đều phút chốc tan biến.

Còn trong Gạ tình lấy điểm lẽ thường Nguyễn Huy Thiệp sẽ phải họa lên một bức chân dung tỉ mỉ và bản chất nhất về sự đểu cáng, vô đạo đức của Đỗ Thư Công (vị thầy giáo gạ tình sinh viên). Nhưng trong hơn 100 trang truyện kể, nhân vật trung tâm của sự kiện trấn động dư luận ấy lại chưa một lần trực tiếp xuất hiện. Mọi hình dung về ông, độc giả chỉ có thể cảm nhận qua các trường đoạn hồi tưởng của cô học trò Vân Dung về những lời thầy giảng khó hiểu xoay quang khái niệm “nội lực” và “đồng thuận” hay gom góp qua những

tin đồn, lời kể của mấy cô bạn Mơ, Hân mà thôi. Ai đúng ai sai, ai ngây thơ trong sáng, ai đạo đức giả, đê hèn… tất cả những phương diện đạo đức ấy Nguyễn Huy Thiệp đều bàng quan đứng ngoài. Ông chỉ lạnh lùng đưa ra thông tin và những nghịch lý rồi cũng lạnh lùng rút lui để cho bạn đọc tự “lọc” và tìm dữ liệu cần thiết và đúng đắn theo cách suy nghĩ của riêng mình về các nhân vật, về cuộc đời và về lẽ sống: “Thế giới con người càng ngày càng khắc nghiệt, khắc nghiệt đến nỗi những tình cảm tự nhiên nhất hóa ra bị khinh rẻ, xỉ vả, ruồng bỏ, giết tươi, giết phăng đi không thương tiếc. Chỉ có số ít nào đó thủ đắc được bản tính tự nhiên thì bị coi là lập dị, điên rồ thật! Chúng ta đang sống trong một thế giới lý tính với hàng trăm thứ giấy tờ trói buộc, quy định những nghĩa vụ và quyền hạn. Một nghìn năm trước người ta chẳng có thứ giấy tờ nào mọ họ vẫn sống …” [35;69].

Có thể nói, nếu chỉ căn cứ vào cách quan niệm và chủ động hiện thực hóa những quan niệm thể loại thông qua các sáng tác nêu trên sẽ thật vội vàng và khiên cưỡng để ta kết luận về hành trình thử nghiệm và kiếm tìm cái đẹp của Nguyễn Huy Thiệp ở lĩnh vực tiểu thuyết. Chính vì vậy, tạm khép lại chương này, người viết chỉ dừng lại ở việc mô tả và nhìn nhận một cách khách quan và bao quát nhất về cuộc đời và sự nghiệp thăng - trầm, buồn - vui đan xen của một người nghệ sĩ tài hoa và cá tính. Trong suốt chặng đường mà nhà văn đã đi qua, truyện ngắn được xem là lĩnh vực sở trường, nổi trội và mang về sự nổi tiếng cho ông trong giới văn nghệ. Khao khát tiếp tục sáng tạo, làm mới mình đã thôi thúc Nguyễn Huy Thiệp tạt ngang sang một thể loại khác dài hơi hơn là tiểu thuyết. Ông quan niệm tiểu thuyết như một nhu cầu tự thân muốn thoát khỏi những khuôn phép giới hạn của truyện ngắn mà nhà văn đã đi qua. Nhưng rõ ràng giữa ý tưởng nghệ thuật với thực tiễn sáng tác là một hành trình dài, chứa đầy những khoảng trống lớn mà người nghệ sĩ nhiều khi đã dồn trút hết sức mình vẫn chẳng thể khỏa lấp vượt qua… Đó chính là bài toán giữa tâm huyết của nhà văn trước giới hạn của năng lực sáng tạo và yêu cầu có phần khe khắt của những quy luật thẩm mĩ về thi pháp thể loại mà trong những nội dung sau chúng tôi sẽ dần đưa ra kiến giải.

Chương 2: TIỂU THUYẾT CỦA NGUYỄN HUY THIỆP TRƯỚC NHỮNG YÊU CẦU THỂ LOẠI

Cũng như mọi nhà văn chân chính khác, Nguyễn Huy Thiệp có quyền thử nghiệm, sáng tạo nghệ thuật theo quan điểm và năng lực thẩm mĩ chủ quan của mình. Tuy nhiên, trong hành trình tự giác và chủ động ấy, suy cho cùng mọi thử nghiệm của nhà văn đều phải được hiện thực hóa qua các sáng tác cụ thể. Đồng thời, dù người nghệ sĩ có muốn hay không thì những tác phẩm của họ khi đến với người đọc vẫn phải trải qua một quá trình tiếp nhận cũng như phải đối diện, soi chiếu vào những yêu cầu nhất định của thể loại. Bước chuyển đổi sáng tác từ truyện ngắn sang tiểu thuyết, nỗ lực và kì vọng đi tìm “thời” cho tiểu thuyết đương đại của Nguyễn Huy Thiệp cũng không nằm ngoài những quy luật đó. Nhìn nhận mỗi sáng tác mang tính thử nghiệm ấy của ông về bản chất chính là câu chuyện giữa vấn đề lý thuyết và thực tiễn của thể loại. Bởi ở đây, ta cần một sự đối sánh nhất định giữa những yêu cầu thể loại (mang tính tương đối ổn định) với những tìm tòi, vận dụng cụ thể của nhà văn để có cái nhìn, đánh giá khách quan hơn về con đường sáng tạo mà tác giả đã chọn lựa.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết của nguyễn huy thiệp dưới góc nhìn thể loại luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 32 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(86 trang)