NGƯỜI RUNG CHUÔNG TẬN THẾ ĐẾN VAI TRÒ CỦA NGHỆ THUẬT KỂ CHUYỆN TRONG VIỆC HÌNH THÀNH PHONG CÁCH NHÀ VĂN.
Qua chương I và chương II, chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề cơ bản nhất có liên quan đến nhà văn Hồ Anh Thái cũng như nghệ thuật kể chuyện trong tác phẩm của ông. Điều đó góp phần lý giải vì sao tác phẩm của Hồ Anh Thái luôn có một tiếng vang lớn trên văn đàn. Trong chương cuối cùng này, chúng tôi muốn phát triển phần nghiên cứu của hai chương trước , dựa vào đó để xác định vị trí, vai trò của nghệ thuật kể chuyện nói chung và nghệ thuật kể chuyện của Hồ Anh Thái nói riêng trong dòng chảy của văn học Việt Nam đương đại , đồng thời qua đó khẳng định được những yếu tố hình thành nên phong cách nhà văn.
Trong dòng chảy chung của văn học , tiểu thuyết là thể loại luôn có những sự biến chuyển theo những xu hướng và nhu cầu mới của xã hội. Những ngổn ngang, bề bộn của xã hội mới luôn kích thích sự khai phá của các nhà văn, từ đó hình thành nên những cách viết mới không theo những quy tắc thông thường xưa cũ. Các nhà văn luôn tự đổi mới mình, và trong cuộc tìm kiếm cái mới đó điều quan trọng là phải thấy được sự cần thiết phải thay đổi bản thân khái niệm tiểu thuyết dẫn đến sự thay đổi của bản thân khái niệm về văn học cùng với sự phát triển của nó.
Theo xu hướng đó, nhà văn Hồ Anh Thái cũng đã tìm được những cách làm mới mình thông qua những cách viết. Người đọc nhìn thấy được những sự cách tân trong phương thức thể hiện của nhà văn trong từng tác phẩm. Những bước thể nghiệm mới đã làm nên phong cách nhà văn. Người đọc có thể nhận ra được giọng điệu của Hồ Anh Thái trong vô vàn những giọng điệu của các nhà văn hiện đại . Điều đó chứng tỏ, Hồ Anh Thái đã xây dựng được phong cách riêng cho mình khiến người đọc phải nhớ phải ấn tượng.
Hồ Anh Thái viết Cõi người rung chuông tận thế trong giai đoạn văn học Việt Nam đang có những sự cách tân, đổi mới mà những cái mới người ta thường khiến cho người ta nghi ngờ, chính vì vậy, không phải ngay từ khi ra đời tác phẩm này đã được người đọc đón nhận. Hồ Anh Thái viết Cõi người rung chuông tận thế từ năm 1996 nhưng phải đến năm 2002 mới được xuất bản, nghĩa là tác phẩm này đã phải trải qua quá trình 6 năm để người ta đón nhận nó một cách trọn vẹn. Và, ngay lập tức, sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này đã gây được sự chú ý với đông đảo bạn đọc.Những cái mới của nó đã được đón nhận. Rõ ràng khi viết tác phẩm , nhà văn đã có ý thức rõ rệt đổi mới ngôn từ và hình thức biểu đạt văn chương,sự phản ứng trước những hình thức văn chương khô cứng của quá khứ. Người đọc bắt gặp những cảm xúc, sự hài hước, nực cười và sự phê phán những điều trớ trêu của xã hội đương đại .Những năm gần đây, ngôn ngữ của ông thâm trầm hơn. Đó là những trải nghiệm mà nhà văn đưa vào tác phẩm.
Với Cõi người rung chuông tận thế,Hồ Anh Thái đã làm mới mình và làm mới tiểu thuyết của mình . Vẫn là những suy tư trăn trở của nhà văn về con người, về cuộc sống nhưng chúng ta vẫn nhận ra được sự khác biệt của tác phẩm này với các tác phẩm đã xuất bản trước đó của nhà văn. Sự nỗ lực của nhà văn đã được đón nhận .Và đó cũng chính là thành công của nhà văn trong Cõi người rung chuông
tận thế, cũng như trong dòng chày của văn học đương đại Việt Nam.