TỔNG QUAN VỀ NỀN CÔNG NGHIỆP RỬA TIỀN TRÊN THẾ GIỚI :

Một phần của tài liệu Giải pháp phòng chống rửa tiền ở Việt Nam (Trang 32 - 34)

Dù không ít tội phạm đích thân rửa tiền bẩn của mình, một ngành “công nghiệp” rửa tiền đã xuất hiện để phục vụ những cá thể có tiền bẩn. Đội ngũ của ngành này, chủ chốt là những người rửa tiền chuyên nghiệp, ngày càng được tăng cường với nhiều luật sư cao giá, người giao dịch chứng khoán, mua bán bất động sản, cố vấn thuế vụ, kế toán... Thật vậy, có lẽ biến tướng nổi bật nhất của bộ máy rửa tiền là càng ngày nó càng xâm nhập sâu vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề tương đối có uy tín trong xã hội (như các ngân hàng lớn, hiệp hội thể thao, cơ sở văn hóa, thậm chí các cơ quan từ thiện). Qua đó, cách thức và phương tiện rửa tiền ngày càng tinh vi, đa dạng, quy mô hơn.

Nhìn chung, hình thức rửa tiền cũng đang trải qua nhiều thay đổi: ít dựa vào tiền mặt, vào hệ thống ngân hàng… mà sử dụng nhiều hơn các công cụ và thị trường tài chính khác (như chứng khoán) hoặc hình thức “hàng đổi hàng” (ma túy đổi lấy vũ khí, chẳng hạn).Từ thập kỷ 1990, công nghiệp rửa tiền lại được thêm nhiều “cú hích” do các thay đổi về thể chế và chính sách tài chính cũng như những tiến bộ về công nghệ.

Thứ nhất, hầu hết mọi quốc gia đều nới lỏng kiểm soát ngoại hối, nhất là từ đầu thập kỷ 1990. Ở nhiều nước, việc đổi nội tệ ra ngoại tệ, và ngược lại, là hoàn toàn tự do.Đi xa hơn, nhiều quốc gia đã chính thức sử dụng chung một thứ tiền (trường hợp đồng euro), hoặc công nhận USD hay euro như là nội tệ bán chính thức của họ. Một số công cụ tài chính mới (như các loại hợp đồng chứng khoán), đôi khi rất phức tạp, đã xuất hiện. Nhờ thế, một lượng tiền (sạch hay bẩn) khổng lồ có thể được chuyển từ nước này sang nước khác trong nháy mắt, ngoài tầm kiểm soát cảu cơ quan công lực.

Thứ hai, tiến độ mở cửa kinh tế ở hầu hết các nước đã tăng vọt, nhất là từ 10-15 năm gần đây. Các thị trường tài chính (đặc biệt là vốn) trở nên thông thoáng hơn. Số lượng tiền lưu hành toàn cầu đã tăng gấp ba (từ 6.800

tỷ USD năm 1990 lên đến 27.990 tỷ năm 2009), mức độ phức tạp cũng tăng lên. Hiển nhiên, càng nhiều loại hình dịch vụ tài chính thì càng lắm cơ hội và cách thức để chuyển tiền phi pháp, hoặc đưa tiền bẩn vào luồng tiền sạch.

Thứ ba, cạnh tranh thu hút vốn ngày càng kịch liệt giữa các nước, các công ty phát hành chứng khoán, các ngân hàng và các loại định chế tài chính trung gian khác. Đây cũng là sự kiện làm những người rửa tiền thích thú vì họ biết rằng sớm muộn gì cũng có ngân hàng, hay các công ty chứng khoán, sẵn sàng nhận tiền của họ mà không cần biết nguồn gốc tiền ấy.

Thứ tư, là tác động của cuộc cách mạng thông tin. Ở rất nhiều nước, ngân hàng là lĩnh vực đưa tiến bộ công nghệ thông tin vào ứng dụng sớm và nhanh nhất. Những thành quả của cuộc cách mạng thông tin đã được những người rửa tiền lợi dụng triệt để, trong khi đó, ở lĩnh vực này, các cơ quan công lực tỏ ra chậm chạp hơn nhiều, nhất là khi họ cần phối hợp giữa nhiều địa phương hay xuyên quốc gia.

Cuối cùng, phải kể đến những lối rửa tiền mới, sử dụng internet. Những trang web “đen” như trang sex, cờ bạc, cá cược... thường được dùng để rửa tiền vì các cơ quan công lực khó có thể truy ra tiền ấy từ đâu đến và vào tay ai.

1.4 Kinh nghiệm về hoạt động rửa tiền và chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới

Cho tới thời điểm hiện nay, hoạt động rửa tiền đã diễn ra ở khá nhiều nước trên thế giới. Lượng tiền rửa chiếm một tỷ trọng lớn trong khối lượng tiền lưu chuyển trên toàn cầu. Theo ước tính của FATF - lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính, tiền "bẩn" đã được rửa có thể lên tới 1500 tỷ USD mỗi năm. Năm 2010, thế giới có khoảng 70 "thiên đường trốn thuế", cũng thường được gọi là Trung tâm tiền tệ hải ngoại, tụ tập khoảng 40.000 ngân hàng, 44% tập trung ở vùng Caribean và Mỹ La tinh, 28% ở châu Âu,

18% ở châu Á, 10% ở Châu Phi - Trung Đông, kiểm soát khoảng 5000 tỷ USD. Phần lớn các Trung tâm này đóng vai trò "Trung tâm đặt hàng" chủ yếu phục vụ các Trung tâm tiền tệ lớn hơn như New York, London, Tokyo. Hàng năm lượng tiền nằm lại hoặc chuyển qua các "thiên đường trốn thuế" này, ước tính bằng một nửa tổng số tiền trên toàn thế giới, biến các Trung tâm này cũng trở thành những Trung tâm rửa tiền quốc tế quan trọng.

Một cái nhìn sơ lược như vậy đã cho chúng ta thấy "rửa tiền” ngày càng trở thành vấn đề mang tính chất toàn cầu và hiệu quả của nó đối với nền kinh tế xã hội là vô cùng nghiêm trọng. Tiến hành chống nạn rửa tiền là một yêu cầu hết sức bức thiết. Vậy cụ thể tình trạng rửa tiền và chống rửa tiền ở các quốc gia ở mức độ nào và nguy cơ "tiềm ẩn" là gì, chúng ta hãy cùng xem xét.

Một phần của tài liệu Giải pháp phòng chống rửa tiền ở Việt Nam (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(96 trang)
w