Có thể khẳng định rằng nạn “rửa tiền “ là một vấn đề nhạy cảm và phải trả giá rất đắt về mặt xã hội. Nếu nguy cơ rửa tiền không được phát hiện và ngăn chặn, nó sẽ là điều kiện để những kẻ buôn bán ma tuý, những tên trùm buôn lậu, tham nhũng và những kẻ phạm tội khác mở rộng hoạt động của mình, đồng thời làm cho chi phí của Chính phủ phải tăng lên để chống lại những hậu quả nghiêm trọng do việc rửa tiền gây ra. Đó là những khoản chi phí cho việc thực hiện pháp luật hoặc tăng chi phí cho việc chăm sóc sức khoẻ cộng đồng (điều trị những người nghiện ma tuý…) Đồng thời còn tác động tiêu cực đến mọi mặt của nền kinh tế, xã hội đó và nạn tham nhũng ở mọi bộ phận của xã hội có thể xảy ra, nó gặm nhấm nền kinh tế của đất nước và sự thịnh vượng cuả toàn xã hội.
Ngày nay nạn “rửa tiền “ không còn bó hẹp trong một quốc gia hay một cộng đồng nào đó mà nó đã lan rộng ra khắp thế giới. Hoạt động của bọn tội phạm ngày càng được mở rộng và vươn ra công nghệ ngày càng cao, thông qua các hình thức tội phạm xuyên quốc gia có tổ chức. Chính vì vậy mà chống rửa tiền là việc hết sức cần thiết. Mỗi quốc gia phải chủ động tạo ra các biện pháp kiểm soát nạn rửa tiền cũng như két hợp cùng các tổ chức quốc tế để loại trừ hiện tượng này.Tại Việt Nam, hiện tượng cũng đã xuất hiện và ngày càng có nguy cơ gia tăng. Tác hại của nó đang từng bước đe doạ nền kinh tế xã hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 6 năm 1986 về việc chuyển đổi nền kinh tế nước ta từ kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa; từ năm 1990 đến nay, nền kinh tế nước ta ngày càng hòa nhập sâu với kinh tế thế giới, ngày càng có nhiều các công ty nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là từ năm 2007, nước ta đã trở thành thành viên chính thức của WTO, các giao dịch về thương mại, tài chính, xuất nhập khẩu ngày càng tăng; chuyển tiền kiều hối của bà con Việt kiều định cư ở nước ngoài và của những lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài được khuyến khích ngày càng nhiều về số lượng và giá trị; thị trường du lịch ngày càng mở rộng, lượng khách quốc tế ra vào Việt Nam ngày nhiều, mở rộng ra thế giới, chúng ta đón được ngọn gió lành nhưng cùng có những luồng gió độc vào, ảnh hưởng đến sức khỏe của nền kinh tế, đó là các giao dịch tài chính “bẩn” trong đó có các vụ buôn bán ma túy xuyên quốc gia, hoặc các đối tác nước ngoài sử dụng nguồn tiền bất hợp pháp vào đầu tư, kinh doanh ở nước ta với mục tiêu rửa tiền hoặc chuyển tiền cho các tổ chức, cá nhân trong nước âm mưu lật đổ chế độ, làm mất ổn định chính trị nước ta. Còn ở trong nước tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, các vụ đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng, các đối tượng được hưởng lợi cũng đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng, một số khác chuyển tiền gửi sang các nhà băng nước ngoài, nơi có luật bí mật ngân hàng…, tình trạng đó đã đe dọa an ninh chính trị, kinh tế trong nước và đặc biệt làm giảm uy tín của nước ta trước con mắt của bạn bè quốc tế.
Theo nhận định của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư
ngày càng gia tăng. Cơ quan này cảnh báo, nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, sự vận hành hợp pháp của lĩnh vực tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.
Theo bà Susan.J.Adams, cựu Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, các quốc gia cần luôn cảnh giác với các dòng tài chính phi pháp này, bởi lẽ, nếu để chúng chảy vào, sớm muộn gì nền kinh tế và hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, nó còn làm mất uy tín của quốc gia và do đó làm giảm đi những cơ hội tăng trưởng từ nguồn đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư không còn thấy cơ hội để đầu tư vào quốc gia đó nữa.