6. Cấu trúc nội dung của luận văn
3.4.3. Các vị thần nông nghiệp: thần nước, thần sấm, thần mưa
Thần nước là vị thần quan trọng trong đời sống nông nghiệp của người Thái, chính vì thế mà vị thần này là một trong những vị thần tối quan trọng được thờ cúng trong lễ hội Xên bản xên mường. Thần nước được kể lại dưới hình thức những trận lụt lớn hoặc nạn đại hồng thuỷ. Thần nước được miêu tả giống như một đại hoạ khủng khiếp khiến cho loài người bị tuyệt diệt và cùng với đó là ký ức về sự tái sinh của con người nhờ những quả bầu kỳ lạ. Người Thái có thần thoại Hồng thuỷ, truyện kể như sau: “ngày xưa có Trời, Đất, Cỏ, Cây. Trời giống hình cái nấm khổng lồ làm bằng bảy miếng đất, ba khối đá, chín con sông... Trời bỗng trở nên tối tăm, sấm sét nổi dậy. Trong vòng một ngày có trên một trăm ngàn trận mưa rơi đầy mặt đất. Tất cả khe suối, ao hồ đều tràn ngập. Đồng ruộng cũng đầy cả nước. Nước dâng cao lên đến tận Trời, tất cả mọi sinh vật sống trên mặt đất đều chết sạch”. Trong truyện Hạn hán và nạn hồng thủy của người Thái ở Mường Then cũng miêu tả sức mạnh của nước như mưa lớn, tràn ngập hồ ao sông suối: “Bỗng trời tối đen như nước chàm, hạt mưa rớt xuống to bằng quả vả, to bằng quả gắm. Mưa kéo dài, mọi sông suối nước đều dâng to, mọi ao hồ đều đầy tràn. Nạn hồng thủy ngập khắp trần gian, người và vật chết hết chỉ còn sống sót loài vịt và gà”. Trong truyện Hồ U Va cũng miêu tả về sức mạnh của Thần nước thông qua sự trừng phạt của Then: “Then tức giận làm lũ lụt, sấm vang, chớp lòe. Mây đen kéo đầy trời. Khắp trần gian tối mịt như ngập trong nước chàm. Hạt mưa to bằng quả ngõa. Nước dâng đến tận nhà trời, ba tháng vẫn còn mưa, sáu tháng nước chưa cạn. Loài người không còn ai, cỏ cây chết sạch”.
Trong các truyện kể dân gian Thái về thủa hồng hoang, sức mạnh hủy diệt của nước được thể hiện qua nạn hồng thủy với mưa to, gió lớn, nước dâng ngập trần gian, nguyên nhân của nạn hồng thủy được giải thích là do con người làm nhiều điều trái ý Then nên Then tức giận làm lụt để trị tội con người, có truyện cho rằng Then Luông là vị thần có quyền hành cao nhất ở Mường Phạ (Mường trời), giúp việc cho Then Luông là 10 vị then, mỗi vị
then phụ trách một lĩnh vực trong đó Then Luông hay Then Khao chịu trách nhiệm đóng hoặc mở để trời mưa, nắng, gió, đêm, ngày để trần gian được mưa thuận gió hòa. Hiện tượng hạn hán hay lũ lụt dưới trần gian là do thỉnh thoảng các vị Then trễ nải công việc của mình.
Nhận xét về các nguyên nhân gây ra nạn hồng thủy nhà nghiên cứu Đặng Nghiêm Vạn cho rằng: quan niệm đấng tối cao trừng phạt con người chỉ tìm thấy ở các truyện của một số tộc người có trình độ phát triển cao, nguyên nhân trừng phạt là do sự bất kính của con người với trời: sinh sôi nảy nở quá đông, con người hoang dâm, lười nhác, trên không bảo được dưới, dưới không phục tùng trên hoặc do một hành động ngang ngược phạm vào tín ngưỡng, luật tục xã hội, tỏ ý coi thường thần linh, chọc tức thần linh… cũng có thể những hành động này lúc đầu là con người chỉ muốn nhắc trời làm mưa tránh hạn nhưng kết quả là trời lại giận dữ, làm mưa to, gió lớn, nươc dâng ngập cả trần gian. Từ quan niệm trên, soi xét vào các nguyên nhân gây ra lũ lụt trong các truyện cổ dân gian Thái chúng ta thấy các nguyên nhân gây ra nạn hồng thủy trong các truyện kể dân gian Thái rất đa dạng, phong phú. Mỗi cách giải thích đều phản ánh những giai đoạn khác nhau của lịch sử xã hội người Thái.
Bên cạnh nạn hồng thủy, sức mạnh của Thần nước còn được thể hiện qua sức mạnh, sự phá hủy của thuồng luồng (con vật tưởng tượng sống dưới nước), trong đó có các truyện kể về thuồng luồng với các chàng trai cô gái như truyện: Nỗi oan tình ở bản nước chui lỗ, Chuyện băng tong, Ta Bó Bua
… ý nghĩa, sức mạnh của thần nước thường xuất hiện dưới hình thức sự phá hủy, hủy diệt của thuồng luồng đối với con người. Thuồng luồng thường biến thành chàng trai hoặc cô gái với dung mạo tuấn tú hoặc xinh đẹp lạ thường đi vào các bản Thái để quyến rũ con người kết hôn với chúng, những cuộc hôn phối này, giai đoạn đầu thường nồng nhiệt, thắm thiết nhưng kết cục lại là sự chia ly, thanh trừ lẫn nhau giữa thuồng luồng và người. Nhận thấy sức mạnh siêu nhiên, quyết định đến sự sống - cái chết của con người và vạn vật trên trái đất của Thần nước. Con người và vạn vật muốn được bình yên phải cầu
cúng sức mạnh này với mong muốn được bảo vệ và ủng hộ, vì vậy họ có nhiều phong tục tập quán, lễ cúng thần nước để được mưa thuận gió hòa.
Thần mưa: Địa bàn cư trú của người Thái chủ yếu ở dọc các con sông, suối lớn. Người Thái canh tác nông nghiệp chủ yếu dựa vào thiên nhiên, với quan niệm vạn vật hữu linh và tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hàng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là vị thần mưa. Vì người Thái cho rằng thần linh cai quản mưa gió, thương những đứa trẻ sinh ra không có cha để làm nhà cho nên đã không làm mưa khiến cho trời hạn hán. Đây cũng là cách trừng phạt những người phụ nữ có con ngoài giá thú, vì vậy trong hội cầu mưa bao giờ cũng do một người đàn bà góa - "me mải" đại diện dẫn đầu cùng dân bản cầu xin các vị thần chủ nước, chủ sông suối (biểu tượng cụ thể là thuồng luồng - "tô ngựa") để mời các thần linh về lắng nghe nguyện vọng và phù hộ cho con người.
Lại có truyện kể rằng: vào một năm nọ, vùng đất nơi người Thái sinh sống xảy ra hạn hán rất lâu, không có nước, hoa màu, vạn vật đều bị chết khô. Vì vậy, bà con đã tụ tập lại, bàn nhau làm thế nào để có mưa xuống cho muôn loài được sinh sôi, nảy nở. Nhưng bàn nhau mãi không được, do không có dòng họ nào dám đứng lên xin “Then” (trời) cho mưa xuống vì sợ Then phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa. Bà nói rằng nếu ông Then phạt, bắt phải chết, bà không lo sợ nữa, chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hàng năm. Thương người đàn bà góa mà có tấm lòng vì bản mường, dân bản cùng nhau lập lễ cầu xin ông trời ban mưa. Từ đó, cứ đến ngày 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội “cầu mưa” được tổ chức. Lễ hội bắt đầu bằng nhịp trống nhịp chiêng thôi thúc bà con trong bản tụ tập đông đủ cùng thầy mo ra mó nước và xin phép gánh nước về làm lễ. Trong đoàn đi lấy nước, vai trò của bà góa rất quan trọng. Theo sau thầy mo và sính lễ, bà góa là người xin nước đầu tiên tiếp đến mới là đại diện dân bản. Khi đoàn đi lấy nước trở về tới địa điểm tổ chức lễ hội, một người đại diện cho ông Then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ.
Thầy mo ngồi dưới, cùng với những người vừa đi lấy nước về, dân bản ngồi xung quanh phía sau. Nước lấy về được dựng quanh cây nêu. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa, cầu xin ông trời ban mưa xuống cho ruộng đồng, cây cối tốt tươi. Kết thúc bài cúng, ông Then sẽ tuyên bố ban nước cho dân làng, để bà con có một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Sau đó ông Then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào tất cả bà con dân làng đến dự lễ.
Đồ sinh lễ không thể thiếu 1 con gà cúng thổ công thổ địa, 1 con gà cúng ông Then cầu mưa, 1 con cá chép, vòng bạc, mâm gạo trắng, xôi 3 màu, hoa quả, 7 quả trứng gà, cùng nhiều sản vật gắn liền với đời sống hằng ngày của bà con như măng đắng, chuối xanh, cơm lam, cá xông khói, bánh trưng, gạo nếp, gà luộc... Bà con người Thái ở đây quan niệm như vậy mới thể hiện được tấm lòng thành kính của dân bản với trời đất, thần linh.
Thần sấm: Trong đời sống tâm linh của đồng bào Thái, thần Sấm và có vị trí rất quan trọng. Trải qua nhiều biến thiên của cuộc sống, đồng bào vẫn giữ những nghi lễ đặc biệt dành cho vị thần đem lại may mắn và hạnh phúc. Theo truyền thuyết còn lưu giữ lại: cách đây lâu lắm rồi, vào một năm, người Thái được mùa to lắm, ngô lúa chất đầy nhà. Mải mê với niềm vui được mùa, họ quên mất rằng nhờ Trời ban mưa thuận gió hòa bà con mới được như thế. Tức giận, trời sai thần gió, thần sấm và thần mưa xuống trần gian để lấy lại những sản vật đã ban cho dân làng. Đoàn quân của Phà rùng rùng kéo xuống trần gian. Mở đầu là thần Sấm đánh những hồi trống dài dồn dập, giận dữ. Tiếp đến thần gió quét chiếc chổi khổng lồ khiến toàn bộ nhà cửa đổ sập, cây cối, hoa màu ngã rạp. Thần mưa vươn cái vòi khổng lồ hút nước lên đổ xuống đống đổ nát mà thần gió đã gây ra. Bỗng chốc cả vùng đất trù phú, giàu có trở nên tan hoang. Người Thái đối mặt với cái đói, cái rét. Cố gắng nhặt nhạnh những gì còn sót lại, dân làng sửa soạn một mâm cúng xin trời rủ lòng thương. Thấy người dân đã biết hối lỗi, trời giao cho thần Sấm chịu trách nhiệm đưa lại mưa thuận gió hòa cho bản làng. Từ đó người Thái bắt đầu thờ
thần Sấm. Thần Sấm có một ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tâm linh của người Thái, bởi vậy nên thần sấm cũng được thờ cùng với tổ tiên. Vào dịp Tết, nghi lễ cúng thần Sấm sẽ được thực hiện sau khi nghi lễ cúng gia tiên đã hoàn thành. Lần này già làng không phải dọn đường lên núi cho thần gió đi nữa mà chỉ cần chuẩn bị mâm cỗ và bái vọng lên trời. Sau khi già bản hoàn tất nghi lễ, các nhà trong làng cũng chuẩn bị mâm cỗ để cúng thần sấm ở bàn thờ nhà mình. Mâm cỗ cúng thần ở mỗi nhà nhất thiết phải có 2 gói thịt, 2 gói cá, 2 gói xôi, rau, rượu và trầu cau.