6. Cấu trúc nội dung của luận văn
2.3.2. Tổng quan lễ hội
Lễ Xên mường xưa có quy mô với 4 Chiềng, 7 Đông Xên: Chiềng Chăn là khu vực trung tâm có 4 Đông Xên đó là: Đông Xên Luông Vắng ven (nay là khu vực bản Ta Pố) là nơi thờ chung các thần linh trời - đất, các tướng lĩnh toàn mường. Đông Xên Pú Vắng (khu dưới bản Ta Pố) là nơi thờ đồng bào đã bị giặc giết tập thể, lưu giữ chiến công bắt sống tướng giặc là chẩu phạ Tin Tóong thế kỷ 15. Đông Xên Hua Pe (nay là khu bản Pe) là nơi thờ thủ lĩnh Khun Pe - con trai Lạn Chượng. Đông Xên Lạn Chượng (khu đồi A1) là
nơi thờ Lạn Chượng - người đầu tiên lập nên Mường Thanh. Khu vực Chiềng Lé là nơi thờ Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh và các tướng sỹ của Hoàng Công Chất. Chiềng On (nay là khu vực Noong Luống và Noong Hẹt) là nơi thờ các tướng lĩnh, thủ lĩnh trong vùng. Chiềng Xôm (khu Đông Xên Sam Mứn, có thành Tam Vạn) là nơi thờ thủ lĩnh Khun Mứn - cháu của Lạn Chượng. Lễ hội được tổ chức trong 5 ngày, mở đầu bằng đám rước từ nhà người đứng đầu mường với sự giúp sức của 2 phó mường ra Đông Xên (tức rừng thiêng).
Để tiến hành lễ hội Xên mường nghi lễ đầu tiên đó là Lễ “khẩu khắt, khẩu khánh”. Chẩu xửa cùng ông mo xin phép ma nhà được vào Đông Xên để thực hiện lễ Xên mường, đánh thức Thần linh bản mường về đón nhận sính lễ và lòng thành của bà con. Cầu mong các vị thần linh phù hộ cho bà con một năm mưa thuận gió hòa, ai nấy đều mạnh khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc…
Nghi thức trong phần lễ cúng, phần chuẩn bị gồm:
Tư trang ông Mo: Ông mo mặc áo trắng quần đen và mặc áo dài đen ra ngoài, đầu cuốn khăn đen, một dải vải đen thắt lưng, đeo kiếm chéo ngực, vai khoác túi khụt xanh (bùa) chân đi giày vải, tay cầm chiếc ô che đầu, chiếc ô này khi đến đông xên làm lễ thì cắm vào cọc che cho mâm áo chẩu xửa.
Trong lễ “ khẩu khắt, khẩu khánh” gồm có: 1 bung thóc đầy, một giáo mác có cán dài khoảng 1,5m được cắm xuống bung thóc, một cái chài buộc lên xà nhà thả buông xuống; đặt cạnh bung thóc gồm có búa, đe, kìm và chum rượu cần; mâm áo chẩu xửa gồm có một áo của chẩu xửa (là áo chàm đen truyền thống của dân tộc Thái), một cuộn vải thổ cẩm màu đỏ, một cuộn màu trắng, một chiếc khăn piêu, một khăn mặt truyền thống bằng thổ cẩm và một dây thắt lưng. Trên cuộn vải được đặt hai vòng tay bằng bạc, hai đồng bạc trắng, một ít tiền giấy và đĩa trầu cau. Ngoài ra, trong mâm này còn có một bó hoa râm bụt và hoa móng rồng - đó là những loài hoa mà các vị thần linh rất ưa thích. Xướng lễ xong, ông mo và bà con dân bản cùng nhau đi vào Đông Xên…
Phần lễ:
Lể lẩu khắt lẩu khánh (lễ rượu lấy khí thế tinh thần): Là lễ uống rượu thách thức với ma quỷ… làm tăng khí thế, tinh thần trước khi ra đông xên làm lễ chính thức, bao gồm:
Mâm chủ áo (chẩu xửa) gồm có: Một áo chẩu xửa (lấy áo của trưởng bản làm chủ lễ) có ý nghĩa thay mặt cho cả bản đứng lên làm lễ xên bản xên mường – còn gọi là: áo người giữ bản mường. Một đĩa trầu cau để các thần dùng khi làm lễ:
Kẹo cắm pú hom pák Kẹo cắm mask hom có
(Nhai miếng trầu thơm miệng Nhai miếng cau thơm họng)
Búa, đe, kìm: đặt cạnh mâm chủ áo để đánh thức “ thần Y khí” dậy đúc khuôn cho chủ tạo mới của bản:
Tún dớ nả tăng nọi Y khí
Tứn ti lếc ti tong cuông bẩu cuông bó
Chẳng có pên chẩu pên tạo mướng lum nhá lắp (Dậy đi thần đe nhỏ Y khí
Dậy đi hồn búa thiêng
Dậy đúc sắt đồng trong khuôn
Đúc thành chủ thành tạo cai quản mường bản đừng lụi)
Bung thóc: Là để dâng các thần nuôi ngựa nuôi rồng
Một cái chài: buộc đầu chài trên cao thả xuống gọi là “xặng lẩu khắt” tượng trưng cho hàng rào lưới chặn ma.
Một cái mác (hók): làm càn dài cắm xuống bung thóc (lưỡi mác hướng lên trên) để trừ khử ma tà, bảo vệ sự bình yên cho dân bản.
Chum rượu cần: Khi mo lễ xong chum rượu cần cho các thần và già mường, già bản uống lấy khí thế sức mạnh chiến thắng ma tà trước khi ra đông xên (rừng cúng) làm lễ.
Mo xướng lễ “lẩu khắt lẩu khánh”: Ông mo bỏ khăn đội đầu ra, quỳ gối xuống trước mâm lễ, chắp hai tay lậy ba lậy, miệng xướng, tay cầm búa thỉnh thoảng gõ vào đe kêu keng để đánh thức các thần linh.
Xướng báo đông xên: Lễ “lẩu khắt, lẩu khánh” xong ông mo và người giúp việc mo (là nam giới) bê mâm chủ áo, đồ lễ và các con vật hiến tế đi vào đông xên (kiêng: người có vợ mang thai, đàn bà con gái không được vào nơi làm lễ). Đông xên là nơi linh thiêng của dân bản: mỗi năm được tổ chức lễ hội xên bản một lần, sau lễ hội xên bản không ai dám đụng đến đông xên nên cỏ cây phát triển um tùm cho đến tận lễ hội năm sau. Do vậy, mỗi năm làm lễ tại Đông xên, trước khi phát dọn, giết mổ các con vật hiến tế ông mo phải thắp nến và xướng báo chủ đông xên và mời các thần linh trên trời, các thần linh dưới trần gian đến dự lễ, dân bản sẽ làm lễ xên bản để xin được phát dọn, giết mổ vật hiến tế.
Khi đến Đông xên, ông mo xướng lễ xin được tổ chức Xên mường, chẩu xửa lấy cọc chắc, cọc thọ (lắc mẳn, lắc dứn) đến đóng cọc cạnh cây chủ Đông xên (cọc này phải chọn lõi của loại cây thân cứng, chắc, con mối không ăn được thể hiện sự trường tồn và vững mạnh của mường, bản). Chẩu sửa đóng cọc xong, ông mo xin phép các vị thần linh cho phép bà con phát dọn, dựng lều, dựng sạp để ngày hôm sau chính thức làm lễ Xên mường. Xong các nghi lễ mọi người cùng nhau quay trở về nhà.
Sang ngày thứ 2 của lễ hội, ông mo và những người phụ lễ vào Đông xên giết mổ các con vật để hiến tế. Những con vật được hiến tế bao gồm: con trâu, con gà và con vịt. Trâu để tế các thần linh, những người có công dựng bản, lập mường. Gà để tế thần canh cổng mường và vịt là để tế thần nước. Việc mổ trâu được làm cẩn thận và tỉ mỉ: Sau khi chọc tiết, con trâu được chặt 4 đùi ra, chặt đầu đuôi, bỏ bộ lòng ra làm sạch, điều đáng chú ý khi tế, thịt trâu được lắp ghép lại y như chưa mổ.
Phát dọn, giết mổ vật hiến tế: Ông mo có lời xướng báo ma Đông xên và xướng mời các thần linh xong, tất cả mọi người được cử theo giúp việc mo
khẩn trương tiến hành các công việc theo cách thức và hình thức như đã được phân công. Lấy gốc cây chủ Đông xên làm chuẩn và phát quang rộng, sạch về phía tây (phía mặt trời lặn) để dựng sạp (hảng) bày lễ, việc dựng sạp dưới gốc cây Đông xên về phía tay không chỉ đơn thuần là lễ hội mang tính thờ cúng các thần linh mà còn mang ý nghĩa tâm linh văn hóa của nền văn minh lúa nước.
Khi các con vật hiến tế được mổ và chế biến xong, xếp ra các mâm lễ bao gồm: mâm chủ áo, mâm bu xá, mâm then luông, mâm then thóng, mâm then xội, mâm dâng ma nhà của ông mo và 2 mâm lễ gà dâng ma “tu xửa” (phi cổng mường). Tổng cộng gồm 8 mâm lễ. Bởi đây là lễ vật dâng trâu cho các thần linh của lễ Xên mường nên trong các mâm cúng Then Luông, Then Thóng đều phải có 7 miếng tim, 7 miếng gan, 7 khúc cột sống, 5 miếng thịt chân trước, 7 miếng thịt chân sau, 2 chén rượu, 1 chén nước, 1 bát thóc, 1 bát gạo, 2 coóng xôi và một vài món ăn truyền thống của dân tộc Thái. Sắp mâm lễ xong, người phụ lễ thắp nến sáp ong lên cọc chắc cọc thọ, sao cho ngọn nến sáng suốt thời gian làm lễ. Ông mo vào xướng lễ mời các vị thần then Luông, then Thóng, then Xội, then Chất, then Lành và các vị tiền bối có công lập bản dựng mường từ thế kỷ XIII đến nay cùng về chứng giám lễ hội Xên mường. Sau khi tế xong, ông mo xin phép các vị thần linh được đánh trống khai hội để lễ hội thêm phần khí thế, sôi động.
Sau tiếng trống khai hội, không kể gái trai, già trẻ đồng bào cùng nhau chung vui lễ hội, chơi các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, kéo co, đi cà kheo, ném còn... Bà con quan niệm trong lễ xên mường, quả còn được tung lên là để đón lấy sự may mắn, tốt lành; kéo co là để kéo dài sức mạnh, sự trường tồn của mường, bản; bà con bản mường luôn được mạnh khỏe, yên vui. Trong khi bà con đang vui chơi các trò chơi, thì chủ lễ và ông mo vãi hạt thóc, hạt bông vào mọi người với ý nghĩa ai nấy đều được chào đón, được chúc phúc, từ đó sẽ cùng nhau gánh vác trách nhiệm với cộng đồng, với bản mường
Ngày thứ 3 của lễ hội, bà con mổ tiếp 1 con trâu nữa để làm lễ tế nhá Đông Xên. Mâm lễ tế gồm có 4 mâm đó là mâm chẩu xửa, mâm bu xá, mâm
then Luông, mâm then Thóng. Lễ xên mường xưa, trong năm ngày bà con phải kiêng không gánh nước, gánh củi vào bản và đặc biệt không cho bà con vùng khác, bản khác đi vào trong bản, trong mường. Ngày nay, do đường giao thông đi lại thuận tiện, mật độ người qua lại nhiều, bản, mường không kiêng kỵ được, nên khi làm lễ tế nhá Đông xên xong, ông mo sẽ xin các vị thần linh cho phép bà con không kiêng kỵ nữa, mong các vị thần linh sám hối.
Trong các lễ hội Xên mường, một điều không thể thiếu đó là dựng cổng Đông xên. Chiếc cổng này được dựng ở đầu bản - nơi diễn ra xên mường. Cổng Đông xên được dựng lên với dụng ý thông báo đây là ranh giới ngăn cách giữa thế giới tâm linh với người trần gian.
Cổng Xên mường được dựng với chiều cao khoảng hơn 4m, chiều rộng tùy theo đường vào bản. Mỗi bên cổng là 2 cây tre tươi dựng làm cột và 2 cây làm xà ngang ở trên. Phên khung cổng đan hoa văn hình quả trám, dọc theo mép phên hình dấu nhân được cài thêm các ta leo. Kết thúc các thủ tục trong nghi lễ xên mường, người phụ lễ sẽ đi cắm tà leo ba nhánh ở cổng Đông xên. Hai bên cổng được đặt thêm 3 gánh sọt nhỏ đựng cát, thóc và hạt bông với ý nghĩa là đón lấy điều may mắn, ấm no cho bản mường…
Tế nhá Đông xên xong, ông mo trở về nhà của chủ áo để làm lễ “trả áo” cho chẩu sửa. Theo quan niệm, áo chẩu xửa là linh hồn của chủ áo cùng linh hồn của những người phụ lễ, thay mặt dân mường đi làm việc thiện giúp dân. Ông mo có các vị thần đi theo gọi là “phì một”, đi vào cõi thần linh để phục vụ các thần linh trên trời và dưới trần gian để cầu may, cầu phúc về cho dân bản. Khi hoàn thành thì trở về nhà để trả áo cho chủ sửa và hồn người nào nhập vào người ấy như cũ. Do vậy, phải có lễ nộp áo cho chủ và tụ hồn cho cả mường. Xong các nghi lễ của xên mường, tiệc rượu hưởng lộc tại nhà chẩu xửa được diễn ra với sự góp mặt của đông đảo bà con. Trong mâm rượu các ông già, bà cả, những đôi nam thanh nữ tú thi hát đối đáp, các làn điệu dân ca như khắp páo khuôn, khắp sỏn xên, sắp hính… và chúc tục nhau những lời tốt đẹp nhất.
Lễ hội Xên mường hay còn gọi là lễ hội cầu an, một lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Thái, là lễ hội dâng hương các vị thần linh có công xây dựng bản mường, cầu mong các vị thần linh phù hộ cho dân bản được ấm no, sung túc. Có thể nói, Xên mường là một lễ hội với nhiều ý nghĩa nhân văn và là niềm tự hào của biết bao thế hệ đồng bào dân tộc Thái.
2.4. Lễ hội xên bản xên mường của người Thái Mai Châu - Hoà Bình
2.4.1. Thời gian mở hội
Lễ hội cầu an cho bản mường (xên bản, xên mường) của người Thái, đặc biệt là người Thái Mai Châu, Thuận Châu, Mộc Châu, người Mường... là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên Đán), gắn với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng... Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cộng đồng năm ấy, nên được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào ở địa vực lớn (bản, mường).
2.4.2. Tổng quan lễ hội
Lễ hội này thường được tổ chức tại một bãi rộng, nơi có nguồn nước (mở nước), nhiều khi là nguồn nước thiêng, hoặc ở cạnh rừng (bìa rừng) trong hai hoặc ba ngày. Từ địa vực mà sự hiến sinh gắn với một biểu hiện của thần linh hay bản thân thần linh (sấm, mưa, thuồng luồng, thổ công, thổ địa...). Nhiều người cho biết, ở Mộc Châu, lễ hội này được tiến hành ở đầu nguồn nước thuộc một bản được chọn (thường là bản Mòn). Đây là nguồn nước thiêng, gần rừng thiêng, nơi cư trú của thần thuồng luồng đầy uy lực. Ở người Thái Mai Châu, thì lễ hội lại được tổ chức ở bãi rộng gần đình như các lễ hội ở châu thổ, đồng bằng. Có nơi, người ta tổ chức lễ ở các miếu thờ thổ công, thổ địa của bản, của gia đình, ở vườn và ở đầu ruộng. Thường thì ngay từ dịp tết Nguyên Đán, mọi thứ dùng cho lễ hội đã chuẩn bị xong. Lễ hội thường kéo
dài trong ba ngày (có nơi hai ngày một đêm, có nơi một ngày một đêm). Nghi lễ cúng viếng cơ bản là hiến sinh trâu (nơi là một cặp trâu đực to, trắng - đen, nơi thì một con, nhiều nơi cúng cả gà, lợn). Ở Mộc Châu, trong lễ Xên bản xên mường, người ta hiến tế cặp trâu đen - trắng cỡ từ mười tuổi trở lên. Hai trâu, nhưng trâu trắng mới thực sự mang năng lượng thiêng để thành lễ vật tế thần (ở đây là thủy quái thuồng luồng, con ma to nhất dưới nước mà bà con thường gọi là phi ngược). Có lẽ nghi thức thờ, hiến sinh hai trâu là mới hơn nghi thức hiến sinh một trâu mộng rất phổ biến bởi theo bà con cho biết, trước kia, dân một mường khác phải đem trâu trắng và các đồ cúng lên cúng tại bản Mòn. Từ đó nảy sinh lễ cúng liên mường (xên liên mường) mà đồ cúng và trâu hiến sinh tăng thêm về số lượng.
Người chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Dân chúng trong mường, ngoài bản, bất kể già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ tham gia, đóng góp tùy sức mình và được quyền tham dự lễ hội của mường.
Nghi lễ giết trâu ở đây hết sức đơn giản, không quan trọng và hệ thống như nghi lễ đâm trâu, ăn trâu ở Tây Nguyên. Trước ngày hội chính thức, khoảng 2 - 3 giờ chiều ngày hôm trước, người ta đã làm lễ giết trâu. Trước khi thịt trâu, ông mo mường và ông mò phăn (tức ông thầy chém, được dân mường chọn ra) làm lễ vái thần linh, tổ tiên rồi cầm dao nhọn làm động tác chém dữ (mang tính nghi lễ) vào cổ các con trâu dùng tế lễ, miệng thì thầm những câu như thần chú (thực ra, nhiều người cho rằng các ông chỉ nói lời kính báo với thần linh, tổ tiên: trâu tế thần đã sẵn, dân bản, dân mường đã thịt trâu dâng các vị rồi đây nhé, xin các vị về mà nhận lấy). Sau đó, các ông lui ra, dành chỗ cho