Truyện kể gắn với “đông xên” – khu rừng cúng bản, nơi linh

Một phần của tài liệu Khảo sát lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái Tây Bắc (Trang 58 - 60)

6. Cấu trúc nội dung của luận văn

3.1.Truyện kể gắn với “đông xên” – khu rừng cúng bản, nơi linh

thiêng diễn ra lễ hội

Dân tộc Thái tôn trọng rừng và coi rừng là nơi linh thiêng nhất vì thế mà mỗi khu vực trong những khu rừng cấm thường gắn với những truyền thuyết, giai thoại, mang tính huyền bí… mỗi người, mỗi bản, mường đều tôn thờ như một tín ngưỡng. Ở Sơn La, rừng được gọi là Băng Tong, nơi con suối Tong chảy vào dòng Nặm La. Đây là nơi trú ngụ của thần thuồng luồng, chúa tể của suối Nậm La. Phía dưới là vũng nước sâu, trong xanh đến rợn người. Ngập chìm trong nước là hình một con ngựa bằng đá mà dân ở đây thường là "mạ đao" (nghĩa là ngựa sao). Không ai dám đi qua đây một mình. Có việc qua đây, ai cũng phải cúi lạy, cả phìa, tạo cũng phải xuống ngựa mà đi bộ, ai có ô đều phải đóng lại. Phụ nữ qua đây đều phải bỏ khăn piêu xuống và lặng lẽ bước đi.

Tương truyền rằng, ngày xưa có một tốp con gái lên rừng hái lá dong để đem về gói bánh chưng ngày tết. Rồi một cô gái xinh nhất đã trượt chân, rơi xuống hang sâu và mất tích. Hôm sau, một gánh lá dong nổi lên tại vũng nước này, nên mới có tên gọi là Băng Tong ("băng" nghĩa là vũng nước sâu, "tong" nghĩa là lá dong). Người ta nói, cô gái xinh đẹp kia đã bị chúa tể Băng Tong bắt về làm vợ.

Một câu chuyện nữa khiến cho Băng Tong càng linh thiêng hơn là: Hồi đó, một cô gái bản Nẹ Tảư đang kéo sợi dưới đêm trăng ngoài sàn tự nhiên mất tích. Bố mẹ cô và bà con dân bản đã lần theo sợi chỉ từ chiếc quay sợi của cô dọc theo con suối và chui vào chiếc hang ở Băng Tong này. Và người ta đã tìm thấy xác cô gái nằm sâu trong cái hang...

Trải qua hàng ngàn năm sống với tự nhiên, sống với núi rừng, người Thái thần thánh hoá và tạo ra sự huyền bí cho luật tục, nhằm răn đe những ai

muốn xâm phạm hệ sinh thái bền vững của tự nhiên. Họ cho rằng khu rừng thiêng là nơi ngự trị của thần linh, đó là nơi che chở cho muôn thú mà con người không được động đến. Nếu ai xúc phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Trước đây, cứ vài năm một lần, người ta phải tổ chức một lễ cúng trâu tại rừng thiêng. Nghi lễ cúng được các mo mường đảm nhiệm. Lễ cúng diễn ra suốt ngày, các chàng trai, cô gái nhảy múa trong tiếng cồng chiêng và hát những bài hát có ý nghĩa: cầu cho mưa thuận gió hoà, trồng lúa lúa tốt, trồng ngô thì được bắp ngô to, săn thú thì gặp những con thú lớn... Nhiều nơi còn cho là: những con thú rừng bị người đi săn bắn bị thương chạy trốn vào rừng thiêng cũng được thần linh bảo vệ, người đi săn nếu đuổi con thú mà nó đã chạy vào rừng thiêng thì cũng phải dừng lại, không truy đuổi nữa. Nếu ai vào, các già làng biết sẽ bị phạt. Ở mỗi mường đều có "minh bản nen mương" (hồn thiêng bản mường), có nơi chôn "lắc mương" (cột hồn mương), có núi rừng "rợp bóng bản mường". Đầu mường có "rừng hồn chiềng" gọi là "Cửa Xen", cuối mường có "rừng hồn chiềng" gọi là "Cửa Pọng", cạnh mường có khu rừng mang tên "Chiềng Kẻo" là khu rừng tha ma của mường. Các rừng này đều là rừng kiêng cấm, không được chặt phá... Mỗi bản cũng đều có những cánh rừng cấm, đó là rừng đầu nguồn, "đông tu xửa", rừng tha ma. Những khu rừng "đon khuông" được coi là rừng của thần linh trú ngụ, tuyệt đối không được phá, nếu ai xâm phạm thì sẽ bị hậu quả khôn lường. Rừng chôn cất người chết lại càng không bao giờ có ai dám vào chặt phá. Ở một số nơi, gắn liền với tập tục ma chay của họ, các cây rừng tại khu vực đó chuyên chỉ để an táng cho người chết, mỗi một người chết đi, họ sẽ vào "rừng ma" để chặt hạ một cây gỗ, đem về làm quan tài cho người chết.

Như vậy, rừng thiêng đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái, là nơi bất khả xâm phạm, vì thế rừng thiêng ở nhiều vùng được chọn làm nơi để cúng những người có công, những nhân vật được thờ phụng trong những lễ hội quan trọng của người Thái.

Một phần của tài liệu Khảo sát lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái Tây Bắc (Trang 58 - 60)