Về truyện kể

Một phần của tài liệu Khảo sát lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái Tây Bắc (Trang 64 - 69)

6. Cấu trúc nội dung của luận văn

3.3.1.Về truyện kể

Xên mường để gửi gắm khát vọng, niềm tin thiêng liêng và sự biết ơn của bà con dân mường với đất, trời; với các bậc tiền bối có công khai sơn lập địa dựng bản, dựng mường như: Tạo Xuông, Tạo Ngần, Tạo Lò…. với các thủ lĩnh đã có công đấu tranh chống giặc ngoại xâm như: Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Hiệp, Cầm Tú, Cầm Tám… Qua đó, cầu mong cho mưa thuận gió hòa; bản mường thái bình, nhân dân an lành no ấm hạnh phúc. Xên mường chứa đựng những triết lý nhân sinh về văn hóa tín ngưỡng, phong tục tập quán, thể hiện khá rõ nét đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Thái.

Trong cuốn Quắm tố mương - tức truyện kể bản Mường, một cuốn sử của dân tộc Thái có ghi: Tạo Xuông và Tạo Ngần là hai ông tổ của người Thái Tây Bắc, Tạo Xuông và Tạo Ngần đã dẫn đoàn di cư theo dòng sông Hồng xuôi về phương Nam. Tới Văn Yên họ gặp dòng suối Thia nước xanh như lá chuối chảy từ trong rừng ra, Tạo Xuông và Tạo Ngần nhìn dòng nước bảo: Phía đầu nguồn dòng suối kia là vùng đất yên bình và màu mỡ, họ dẫn đoàn người ngược dòng Thia vào khai phá đất Mường Lò. Sau khi chặt cây dựng nhà lập bản trên núi Pú Lo, Tạo Xuông tổ chức khai phá ruộng nương, vợ Tạo Xuông đẻ ra một người con trai, đặt tên là Tạo Lò, khi về già Tạo Xuông trao quyền cho Tạo Lò cai quản vùng đất Lo Lẩu, người dân gọi là Mường Lò. Tên Mường Lò được gọi từ đó đến nay.

Tạo Lò sinh ra được bảy người con trai đặt tên là: Ta Lúc, Ta Lẳu, Lặp Li, Lò Li, Lạn Ngạng, Lạn Quang, Lạn Chượng. Khi các con lớn, Tạo Lò chia đất cho các con đi làm chúa. Ông chia cho mỗi con cai quản một vùng đất Mường Lò, khu vực vùng ngoài Văn Chấn rồi ngược lên Gia Hội, Tú Lệ. Người con út Lạn Chượng do sinh sau đẻ muộn không có đất lại có tới 27

người con, ông quyết định ngược Khau Phạ sang Mường Chiến (Sơn La) lập bản, lập mường. Đi tới sông Đà thì gặp người Khơ Mú, hai bên đánh nhau dữ dội, quân của Lạn Chượng thua to. Lạn Chượng cho người quay lại Mường Lò cầu cứu viện binh. Nhờ có viện binh quân của Lạn Chượng đánh lui quân Khơ Mú, thủ lĩnh quân của Khơ Mú là Khum Ăn Poi bỏ đất Mường La cho quân Lạn Chượng rút lên đất Viêng Hai nay là thành phố Sơn La xây đồn.

Biết không thể thắng Khum Ăm Poi, Lạn Chượng xin làm con rể Khum Ăm Poi lấy Nàng An một nữ tướng làm vợ. Sau đó Lạn Chượng bày rượu lập mưu giết Khum Ăm Poi, quân Khơ Mú mất chủ tướng bỏ chạy về Mộc Châu, Lạn Chượng giao lại cho quân sĩ cai quản vùng đất nhỏ còn mình dẫn đại quân vượt qua Tuần Giáo, Mường Ả, Mường Phăng tiến về Mường Theng nay gọi là Mường Thanh một vùng đất rộng lớn, cây cối tốt tươi chinh phục các bộ tộc nơi đây trong đó có những người Thái đã tới đây từ thế kỷ VII để lập mường. Do biết cha mình bị giết bởi bàn tay của Lạn Chượng, Nàng An mới lập mưu cưa cầu bắc qua sông Nậm Rốm để giết Lạn Chượng trả thù cho cha là Khum Ăm Poi. Lạn Chượng mất, con cháu của Lạn Chượng và Nàng An tiếp tục cuộc thiên di về các vùng đất Lai Châu Hoà Bình, Thanh Hoá rồi vượt núi rừng sang Lào, Thái Lan, Miến Điện... lập nên những bản làng người Thái đen.

Quắm tố mương được viết bằng chữ Thái cổ là bản hùng ca bi tráng, biên niên sử của người Thái đen trong cuộc thiên di vĩ đại đi mở đất lập mường bản trường ca này đã cho chúng ta biết con cháu của Tạo Xuông, Tạo Ngần hiện đang có mặt ở khắp nơi trên vùng núi phía Bắc Việt Nam và một số nước Đông Nam châu Á. Người Thái đen Việt Nam và một số nước đã coi Mường Lò là đất tổ của mình, họ gọi Mường Lò là “Đin pẩu pú” hay “Bản pẩu mương pú”, nghĩa là đất tổ tiên của người Thái đen, coi Tạo Xuông, Tạo Ngần là thuỷ tổ của mình.

Trong lễ Xên bản xên mường người Thái Mường Lò còn cầu cúng các lãnh tụ nghĩa quân xưa anh dũng đứng lên lãnh đạo nhân dân các dân tộc Mường Lò đánh giặc cờ vàng: Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Hiệp, Cầm Tú, Cầm Tám.

Qua việc khảo sát lễ hội Xên bản xên mường chúng tôi nhận thấy người Thái rất đề cao vai trò của các vị anh hùng có công đánh giặc ngoại xâm, trong đó không thể không kể đến vai trò của người anh hùng Cầm Hánh. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà công ơn của người anh hùng Cầm Hánh vừa được kể lại bằng truyền miệng, truyện kể, thậm chí còn có cả truyện thơ.

Sử sách có ghi lại về người anh hùng Cầm Ngọc Hánh như sau: vào những năm cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, giặc cờ vàng từ phương Bắc lợi dụng cơ hội tràn vào nước ta. Vùng Tây Bắc nước ta điêu đứng vì giặc cờ vàng. Ngày ấy, ở Mường Lò có bốn anh em họ Cầm khoẻ mạnh, tài giỏi là Cầm Ngọc Hánh, Cầm Ngọc Chiêu, Cầm Ngọc Tú, Cầm Ngọc Hiệp (có truyền thuyết khác ghi em út là Cầm Ngọc Vạn). Riêng người anh cả Cầm Ngọc Hánh (tiếng Thái “Hánh” có nghĩa là sức khoẻ, sức mạnh) ngoài sức mạnh như tên bắn, còn có tài thao lược, giỏi dụng binh mã. Ông thương yêu dân, trọng nghĩa khí nên được dân Mường Lò tôn làm Tạo. Ông chiêu mộ thêm binh sĩ, tổ chức luyện tập ngày đêm, lập đại bản doanh tại gò đất rộng ở cửa ngõ Mường Lò, tạo thế hiểm yếu đánh giặc giữ đất. Ông cử em trai thứ Cầm Chiêu đưa quân đi đào hào, đắp luỹ, án ngữ vòng ngoài chặn giặc ổ Viềng Công. Các em Cầm Tú, Cầm Hiệp được phái đi bố phòng ở vòng ngoài thuộc Gia Hội, Tú Lệ và vùng sát sông Hồng, gần phủ Trấn Yên. Chính hướng này đã diễn ra những trận đánh ác liệt.

Giặc Cờ Vàng cậy thế đông ào ào xông đến. Cuộc chiến quyết liệt trên từng chặng đường diễn ra trong suốt 6 tháng, các chiến binh của ta dù hăng hái đến mấy nhưng cứ vơi dần, so với quân giặc quá chênh lệch. Tạo Cầm Hánh đánh cho lui quân về trung bảo vệ Mường Lò. Đội quân do Cầm Tú chỉ huy đóng giữ ở núi Pom Chương, gần bản Ta Tiu. Đội quân của Cầm Vạn đóng ở Pom Nêm, gần Thái Lão. Cầm Chiêu vẫn cố thủ ở Viềng Công. Tạo Cầm Hánh còn cho lập thêm trận binh ở Chao Hạ, tạo thế vững chân kiềng với đại bản doanh nơi cửa ngõ Mường Lò và Viềng Công. Dưới sự lãnh đạo của Cầm Ngọc Hánh thành cổ Viềng Công là một chốt chống giặc Cờ Vàng có vị trí quan trọng

ở cửa ngõ Mường Lò, do Cầm Ngọc Chiêu trấn giữ. Sau ngày lấy lại được đất Mường Lò, nhân dân trong vùng đã lập ngôi thờ Tạo Cầm Hánh ngay tại nơi ông đã lập bản doanh trên gò đất rộng ở cửa ngõ Mường Lò.

Tác phẩm Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng (Căm Hánh tặp sấc klương) kể lại cuộc khởi nghĩa chống giặc khăn vàng từ phương Bắc xâm lược nước ta, của người Thái và nhân dân các dân tộc Mường Lò (Yên Bái), do lãnh tụ người Thái là Cầm Hánh lãnh đạo. Trong quá trình phát triển xã hội, cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái Tây Bắc nói chung và người Thái Mường Lò nói riêng, đã phải trải qua một quá trình đấu tranh với kẻ thù “hai chân” và “bốn chân”, quá trình ấy đã được ghi lại trong những sử thi nổi tiếng như:

Chương Han - tức dòng họ Chương dũng cảm, Táy púk sấc - tức bước đường chinh chiến của cha ông, Quámk tô mướng - kể chuyện bản mường... và với người Thái Mường Lò là “Căm Hánh tặp sâc klương” tức “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng”. Các bậc cao niên, các nghệ nhân vẫn kể truyện này cho con cháu nghe, để các thế hệ hiểu thêm lịch sử oai hùng của cha ông, kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước. Căm Hánh tặp sâc klương” đã được nghệ nhân Lò Văn Biến ở Bản Cang Nà, Mường Lò dày công sưu tầm, dịch và được đồng bào các dân tộc Mường Lò và Tây Bắc đón nhận, trân trọng, nâng niu. “Cầm Hánh đánh giặc cờ vàng” là sự thật lịch sử.

Theo bản dịch của ông Lò Văn Biến: Giặc cờ vàng âm mưu xâm chiếm nước ta. Ở Mường Lò có 4 anh em là Cầm Hánh, Cầm Chiêu, Cầm Tú và Cầm Hiệp đứng lên chiêu mộ nghĩa quân đánh giặc. Cầm Hánh là tổng chỉ huy, cử Cầm Chiêu lên đóng chốt ở Viềng Công (xã Hạnh Sơn - huyện Văn Chấn, nay còn di tích thành luỹ), Cầm Hiệp ra chốt chặn ở Mường Hồng (Hưng Khánh - Trấn Yên), Cầm Tú chỉ huy quân cứu viện cơ động. Sau những trận giao tranh quyết liệt, với số quân đông và vũ khí mạnh hơn, quân giặc bắt được Cầm Hiệp, Cầm Tú và Cầm Chiêu. Chúng tra khảo, dụ dỗ, mua chuộc nhưng cả ba lãnh tụ nghĩa quân không khuất phục. Con trai Cầm Chiêu là Cầm Tám thay cha chỉ huy thành Viềng Công cùng bác là Cầm Hánh đánh

thắng nhiều trận lớn. Quân giặc dùng kế hiểm hạ được thành Viềng Công, Cầm Tám phải mở đường máu rút sang Mường Tấc (Phù Yên - Sơn La) lánh nạn. Cầm Hánh thế cô, bị vây bốn bề đành cho quân sĩ lên các bản người Mông, Dao... lánh nạn, còn ông dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Bởi vậy ngày nay người Thái, Mông, Dao vẫn coi nhau như anh em ruột thịt.

Cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm không thành nhưng đã khơi dậy ý chí đấu tranh quật cường của người Thái và bà con các dân tộc Mường Lò. Chính hậu duệ của những người con dũng cảm kiên cường ấy sau này đã anh dũng không tiếc máu xương, công của góp phần vào công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng và bảo vệ quê hương đất nước. Nay dấu tích đền thờ Cầm Hánh vẫn còn ở phường Tân An - Thị xã Nghĩa Lộ và thanh đao nghĩa khí của ông vẫn được bà con người Thái giữ gìn như báu vật.

Về cái chết của anh hùng Cầm Hánh, chúng tôi nhận thấy có sự tương đồng với truyền thuyết về các vị anh hùng của người Việt (Kinh), trong đó có sự xuất hiện của motif hoá. Ngay từ xa xưa con người đã rất trăn trở về cái chết. Chính từ thời đó, họ đã suy nghĩ đến mối quan hệ giữa linh hồn với thế giới bên ngoài. Họ cho rằng, khi người ta chết, linh hồn thoát ra khỏi thể xác và tiếp tục sống thì cũng chẳng còn lí do gì để nghĩ đến một cái chết đặc biệt nào khác nữa cho linh hồn. Vấn đề là ở chỗ họ đã nảy sinh ra quan niệm về linh hồn bất tử. Mỗi con người đều có linh hồn và linh hồn đó là bất tử. Riêng với những người anh hùng thì được quan niệm rằng linh hồn của họ thường là linh khí của núi sông tụ tạo - hồn thiêng sông núi. Do vậy khi sống các vị có tài năng và khí phách hơn người và khi chết họ vẫn nặng lòng với nước với dân. Theo quan niệm của dân gian, những người như vậy thường “sống khôn thác thiêng” hơn nữa là “sinh vi tướng, tử vi thần”. Do đó, khi những người anh hùng rời bỏ cuộc sống trần tục, dân gian thường có khuynh hướng đưa các vị lên cõi thánh (dân gian gọi là ngài hóa, thánh hóa) để bước vào thế giới bất tử.

Có thể nói, trong truyện kể về Cầm Hánh, dân gian đã dùng motif “hoá” như một biện pháp để giải quyết mâu thuẫn giữa sự thực là cái chết của người anh hùng với niềm tin yêu, ngưỡng mộ mà người đời dành cho ông. Đó là một mặt nhân dân đã nhìn thấy tính khách quan của thời gian và quy luật nghiệt ngã của đời người, một mặt họ không chấp nhận tính khách quan và quy luật đó. Từ đó, họ đã thần thánh hoá cái chết, thậm chí chữa lại thực tế có tính bi kịch để người anh hùng bất tử với núi sông: Cầm Hánh dùng thanh gươm chiến của mình tự sát để giữ tròn khí tiết. Mặt khác, việc lựa chọn motif “hoá” cho các nhân vật cũng thể hiện sự đánh giá và thái độ của nhân dân đối với nhân vật, cụ thể là các đền thờ mà đến nay vẫn còn dấu tích.

Một phần của tài liệu Khảo sát lễ hội Xên bản xên mường của dân tộc Thái Tây Bắc (Trang 64 - 69)