Các phương tiện truyền thông đại chúng

Một phần của tài liệu Vấn đề định hướng dư luận xã hội trên hệ thống truyền thông thủ đô trong cơ chế thị trường (Trang 27 - 30)

Phương tiện truyền thông đại chúng là phương thức chuyển tải thông tin tới công chúng, bao gồm:

- Sách: là loại hình sản phẩm truyền thông đại chúng không định kỳ, được chế tác bằng in ấn và nhằm chuyển tải tri thức của con người. Có các loại sách: Sách chuyên biệt, sách tra cứu, sách chuyên khảo, sách giáo khoa, sách thương mại, sách tôn giáo…

- Các ấn phẩm báo: Là những ấn phẩm định kỳ chuyển tải nội dung thông tin mang tính thời sự và được phát hành rộng rãi trong xã hội. Có các hình thức báo ngày (nhật báo), báo tuần, nguyệt san, bán nguyệt san, một tháng và hai – ba tháng. Tính thời sự trong nội dung thông tin của các ấn phẩm này được hiểu là sự phản ánh nhanh những sự kiện trong xã hội và thiên

nhiên, đây cũng là những vấn đề, sự kiện được cả xã hội quan tâm. Sản phẩm báo chí được phát hành rộng rãi, song đối với từng loại hình báo, tạp chí đều có một đối tượng xác định. Do những đặc điểm đặc của mình, báo chí là phương tiện truyền thông nhanh và hiệu quả nhất. Trong những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, báo điện tử (internet) đã xuất hiện ở Việt Nam và phát triển một cách nhanh chóng không ngờ. Với tốc độ thông tin và lượng thông tin phong phú, báo điện tử đang dần chiếm ưu thế so với các loại hình báo khác.

- Bản tin: Là một ấn phẩm ra định kỳ hoặc không định kỳ, nhằm chuyển tải những nội dung về một loại thông tin nhất định, có tính chất nội bộ, không bày bán trên thị trường. Bản tin cũng sử dụng các phương pháp chuyển tải thông tin như báo chí, nhưng không phải là một dạng báo chí được Luật Báo chí điều chỉnh.

- Phát thanh: Là một trong những loại hình truyền thông đại chúng, trong đó nội dung thông tin được chuyển tải bằng âm thanh. Âm thanh trong phát thanh bao gồm lời nói, âm nhạc, các loại tiếng động làm nền hoặc minh họa cho lời nói bằng những âm thanh nhân tạo và âm thanh tự nhiên của cuộc sống. Thuật ngữ phát thanh bao gồm cả hai loại hình nhở trong đó là phát thanh qua làn sóng điện và truyền thanh qua hệ thống dây dẫn. Tuy nhiên, trong lịch sử của phát thanh thì loại hình thứ nhất là căn bản, là yếu tố quan trọng nhất làm nên chất lượng và sức mạnh to lớn của phát thanh, có thể chuyển thông tin đến gần như bất cứ đâu. Phát thanh có khả năng to lớn trong việc cung cấp thông tin cho công chúng một cách nhanh nhất so với loại hình truyền hình và báo.

- Truyền hình: Là một loại hình phương tiện truyền thông đại chúng chuyển tải thông tin bằng hình ảnh động và âm thanh. Nguyên nghĩa của nó là vô tuyến truyền hình. Với sự kết hợp giữa âm thanh và truyền hình, mang lại

cho con người cảm giác về một cuộc sống rất thật như đang hiện diện trước mắt. Nếu lấy mục đích làm tiêu chí để xem xét, người ta có thể chia truyền hình thành các loại: truyền hình thương mại, truyền hình giáo dục, truyền hình công cộng… Nếu lấy kỹ thuật làm tiêu chí thì có thể thấy truyền hình có hai loại hình chính là truyền hình sóng và truyền hình cáp. Truyền hình sóng ra đời trước, được thực hiện theo nguyên tắc kỹ thuật: hình ảnh động và âm thanh được mã hóa dưới dạng các tín hiệu sóng và phát vào không trung. Do vậy, truyền hình sóng phục vụ cho các đối tượng công chúng, không có khả năng đáp ứng nhu cầu hay dịch vụ cá lẻ.

Truyền hình cáp ra đời nhằm khắc phục những hạn chế trên của truyền hình sóng, đáp ứng tốt hơn những nhu cầu, dịch vụ cá lẻ mà truyền hình sóng không thực hiện được. Truyền hình cáp thực hiện theo nguyên tắc tín hiệu được truyền trực tiếp qua cáp nối từ đầu phát đến từng máy thu hình.

- Điện ảnh: là nghệ thuật của những hình ảnh động, được ghi lại trên phim nhựa (hoặc băng từ, đĩa CD và gần đây là kỹ thuật số), sau đó chiếu lên màn ảnh hoặc màn hình, đem lại ảo giác giống như cuộc đời thực. Nghệ thuật điện ảnh gồm 4 nhóm thể loại phim sau: Phim thời sự - tài liệu; phim khoa học; phim hoạt hình; phim truyện.

- Quảng cáo, tuyên truyền, cổ động: Thực chất là phương pháp truyền thông tin từ người có nhu cầu quảng cáo, tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông đại chúng đến với đông đảo người trong xã hội. Trong xã hội hiện đại, người ta bắt gặp quảng cáo ở khắp nơi, dưới mọi hình thức, bằng mọi phương tiện và không thể thiếu trong đời sống. Đó là các chương trình quảng cáo trên đài phát thanh, truyền hình, trên báo, tạp chí, biển hiệu, pano, áp phích, băng-rôn, biển hiệu ngoài trời, sự trưng bày… Ngoài ra hình thức tuyên truyền miệng cũng là một phương tiện truyền thông đại chúng.

Một phần của tài liệu Vấn đề định hướng dư luận xã hội trên hệ thống truyền thông thủ đô trong cơ chế thị trường (Trang 27 - 30)