Sự tác động của kinh tế thị trường tới hoạt động truyền thông nói chung

Một phần của tài liệu Vấn đề định hướng dư luận xã hội trên hệ thống truyền thông thủ đô trong cơ chế thị trường (Trang 35 - 39)

thông nói chung và báo chí nói riêng

Trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào, tính hai mặt của kinh tế thị trường là đặc điểm vốn có của nó. Bên cạnh những mặt tích cực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa cũng mang lại không ít “tai họa” cho con người, cho xã hội và cho cả giới tự nhiên. Từ trước đến nay, đối với tất cả các nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, việc kiếm được nhiều tiền và thu được lợi nhuận tối đa thông qua cạnh tranh là mục đích cao nhất của các nhà tư bản. Đảng và Nhà nước ta chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, chứ hoàn toàn không chủ trương phát triển kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Mặc dù thời gian mà chúng ta đi theo hướng phát triển kinh tế thị trường còn ngắn, nhưng trong đời sống xã hội đã xảy ra nhiều biến động, thay đổi tiêu cực từ mặt trái của kinh tế thị trường. Bởi trong giai đoạn chuyển đổi là giai đoạn nhạy cảm nhất, rất dễ bị “tổn thương”. Sự nhạy cảm đó có thể dẫn đến các khả năng và các trạng thái khác nhau trong việc tiếp nhận những tác động nhiều mặt từ bên ngoài. Nền kinh tế đang chuyển đổi của bất cứ quốc gia nào cũng đều nằm trong tình trạng tương

tự như vậy. Và, nền kinh tế Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp bước đầu chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó.

Chính tính chất chuyển đổi này, hay theo một nghĩa nào đó cũng có thể nói là tình trạng “tranh tối tranh sáng”, đang cùng với tình trạng thiếu pháp luật hoặc sự chưa hoàn chỉnh của pháp luật, của các công cụ quản lý và điều tiết của Nhà nước làm cho các biến động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực truyền thông, báo chí, trở nên đáng lo ngại.

Ảnh hưởng lớn nhất tới truyền thông nói chung và báo chí nói riêng, đó là sự cạnh tranh và tính dịch vụ về mọi mặt trong hoạt động truyền thông; những biểu hiện suy thoái về đạo đức của một bộ phận những người làm báo.

Ở nước ta, tư nhân tham gia rất nhiều vào hoạt động truyền thông nói chung. Tuy trong lĩnh vực báo chí, không có báo chí tư nhân, nhưng báo chí cũng chịu tác động của kinh tế thị trường, luôn phải cạnh tranh lẫn nhau giữa báo chí trong nước và báo chí nước ngoài. Kinh tế thị trường, đã thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ truyền thông (số lượng, loại hình truyền thông tăng lên đáng kể). Sự phát triển của kỹ thuật, như việc sử dụng kỹ thuật vệ tinh đã dẫn tới sự bành trướng quá mức các dịch vụ truyền thông. Sự quá tải về dịch vụ truyền thông khiến cho các nhà cung cấp dịch vụ ngày càng “đấu tranh” để giành giật công chúng, trong khi độc giả, khán giả, thính giả chỉ có một quỹ thời gian và tiêu chí có hạn. Nhu cầu và yêu cầu của công chúng ngày một cao, ngày càng khó tính hơn, tác động mạnh hơn và cũng không kiên định, gắn bó vào một loại hình truyền thông nào. Do vậy, cuộc cạnh tranh đó diễn ra ngày một gay gắt.

Báo chí là một hoạt động cơ bản của truyền thông và cơ chế thị trường đã góp phần tạo ra xu hướng “thương mại hóa báo chí”. Tình trạng thương mại hóa ở báo chí hiện nay đã và đang được nhắc nhở, phê phán, biểu hiện ở

những mặt tiêu cực. Tuy nhiên, cụm từ “thương mại hóa báo chí” có thể có nhiều cách hiểu khác nhau. Bởi báo chí được coi là một loại hàng hóa, yếu tố hàng hóa được thể hiện ở chỗ báo chí cũng hoạt động trong nền kinh tế thị trường với các quy luật của giá cả, giá trị và bị quy luật cung – cầu chi phối, nên nó cũng chịu sức ép của cạnh tranh trên “thị trường báo chí”, “thị trường thông tin”. Báo chí được xác định khác so với các loại hàng hóa thông thường ở chỗ nó không lấy lợi nhuận làm mục đích cao nhất, duy nhất mà đặt lợi ích chính trị, văn hóa, tinh thần của xã hội lên hàng đầu. Lợi ích xã hội ở đây là lợi ích của dân tộc, của đất nước và lợi ích của đa số người lao động.

Bằng những biểu hiện tiêu cực, thì “thương mại hóa báo chí” trong cơ chế thị trường còn được hiểu là tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, đối tượng phục vụ, xa rời chức năng, nhiệm vụ chính của tờ báo. Nội dung và hình thức báo chạy theo thị hiếu tầm thường, cốt sao bán được càng nhiều càng tốt, nhằm lấy số lượng bù đắp cho chi phí, hạn chế thất thu do số lượng phát hành ít. Cụ thể, trên một bản in, nếu in với số lượng càng ít thì giá thành càng cao, ngược lại, in càng nhiều, giá thành càng hạ. Để chạy theo số lượng phát hành, một số tờ báo đã dùng nhiều cách làm báo nhằm câu khách. Phổ biến nhất trong cách làm báo này là nhặt nhạnh nhiều vụ án để đăng tải. Trong mỗi số báo, họ cho đăng tới 5-7 vụ án các dạng, khiến bạn đọc có ấn tượng nặng nề, bi quan đối với xã hội. Trên thực tế, tình trạng gia tăng tội phạm là có thật, song bức tranh toàn cảnh của xã hội ta không đúng như một số tờ báo phản ánh. Cùng với những chuyện bạo lực giật gân, một số tờ báo dùng những chuyện yêu đương, tình dục dưới nhiều dạng khác nhau để khêu gợi, câu khách. Đó là những chuyện tình ái, ủy mị, mùi mẫn, rẻ tiền, những hình ảnh gợi cảm; quảng cáo những dịch vụ thiếu lành mạnh… nhằm phục vụ thị hiếu thấp kém của một bộ phận bạn đọc trẻ tuổi. Quan niệm của một số người biên

tập cho rằng đây chỉ là những mảng thư giãn, giải trí, coi nhẹ tác hại của các bài báo đó.

Hay như gần đây, việc khai thác đời tư của những nhân vật nổi tiếng, chính khách nước ngoài cũng là đề tài được báo chí khai thác nhiều nhằm thu hút bạn đọc. Một đề tài khác được các báo khai thác để câu khách, đó là mê tín dị đoan, trong đó “đời sống tâm linh” của con người được đề cập và bàn luận nhiều nhất. “Tâm linh” và “ngoại cảm” có những biểu hiện trong thực tế khá huyền ảo, có khi hầu như thuyết phục, song khoa học còn đang khám phá và lý giải, chưa có kết luận rõ ràng. Nếu báo chí đi sâu vào lĩnh vực đang nghiên cứu này với cách nhìn võ đoán thì dễ dẫn dắt bạn đọc vào mê cung của sự mơ hồ, ảnh hưởng đến lòng tự tin của mỗi người và tinh thần lạc quan của xã hội.

Bên cạnh đó, do tác động “mặt trái” của kinh tế thị trường, có hiện tượng phóng viên thông tin thiếu trung thực, bao che cho những đơn vị và cá nhân làm ăn phi pháp, hoặc dùng báo chí như một công cụ đe dọa, tống tiền, hoặc thực hiện thủ đoạn bịa đặt, nói xấu nhằm hủy hoại uy tín, chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp khác để cạnh tranh gian dối.

Một trong những biểu hiện nữa là tình trạng báo chí quảng cáo tràn lan, không quan tâm tới chất lượng, độ tin cậy của mặt hàng quảng cáo, thậm chí coi thường công chúng, miễn sao thu được nhiều nguồn kinh phí từ quảng cáo (như đối với truyền hình, việc tận dụng quảng cáo quá nhiều 2-3 lần trong một tập phim, vừa gây phản cảm, vừa tạo cảm giác khó chịu, bị coi thường của khán giả).

Tuy nhiên, tất cả những hiện tượng nêu trên không thể quy một cách đơn giản là hoàn toàn do kinh tế thị trường gây nên. Nhưng cũng có thể khẳng định rằng, mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường, nhất là kinh tế thị trường chưa hoàn thiện trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đã tạo nhiều cơ hội và điều kiện cho những hiện tượng tiêu cực xã hội nảy sinh và phát triển.

1.5. TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỊNH HƯỚNG DƯ LUẬN XÃ HỘI TRONG CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG Ở NƯỚC TA HIỆN NAY.

Một phần của tài liệu Vấn đề định hướng dư luận xã hội trên hệ thống truyền thông thủ đô trong cơ chế thị trường (Trang 35 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(130 trang)