Những năm gần đây, thông tin được mở rộng, công khai tới mọi tầng lớp nhân dân. Hệ thống truyền thông của Thủ đô mà trực tiếp là hệ thống các báo, đài, tạp chí, bản tin… của Hà Nội đã góp phần định hướng và tổ chức thông tin phục vụ tốt công tác lãnh đạo, quản lý của Đảng và Nhà nước, phục vụ tốt hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống tinh thần nhân dân Thủ đô. Truyền thông đã hướng tới việc thông tin 2 chiều, giảm dần những thông tin áp đặt, một chiều, giản đơn, hời hợt. Thông tin được chú trọng cả việc biểu dương và phê phán, xây và chống; thông tin nhanh nhạy, kịp thời và cố gắng
đảm bảo tính chân thật, chính xác. Truyền thông đại chúng Thủ đô đã thực sự đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, chống tham nhũng trong Đảng, trong bộ máy chính quyền Thủ đô và ngoài xã hội. Mặt khác, truyền thông Thủ đô cũng đã kịp thời biểu dương những điển hình tiên tiến và cổ vũ tích cực cho nội dung xây dựng cuộc sống mới và con người mới.
Chất lượng định hướng chính trị, văn hoá, khoa học, giáo dục của hệ thống báo chí Hà Nội trong những năm gần đây ngày càng nâng cao. Báo chí bám sát tôn chỉ mục đích, định hướng của Trung ương và Thành uỷ, thể hiện ngày càng sâu sắc vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể và là diễn đàn của nhân dân. Các báo đã dành tới 2/3 tin bài phản ánh về Thủ đô. Đã tích cực tuyên truyền nhanh nhạy, kịp thời đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường tuyên truyền phân tích lý giải, các chủ trương của Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố; phản ánh kịp thời ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Hà Nội; tích cực tuyên truyền "người tốt, việc tốt", góp phần quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn, phổ biến kinh nghiệm của cơ sở về sản xuất, công tác và học tập, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị; tuyên truyền sâu sắc các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của Thủ đô.
Tuy nhiên, báo chí Hà Nội còn có những khuyết điểm, hạn chế tầm cao, chiều sâu. Thông tin bình luận chưa nhanh nhạy, sắc sảo, tính chỉ đạo, tính định hướng và tính đại diện công luận chưa nhanh, chưa sâu. Đấu tranh chống những quan điểm, luận điệu phản động còn ít. Một vài tờ báo chưa quan tâm tuyên truyền những vấn đề chính trị lớn của Thành phố và của cả nước. Tuyên truyền người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến nhiều nhưng chưa tập trung, chưa sâu, kém thuyết phục. Có tờ báo có biểu hiện xa rời tôn chỉ mục đích và có hiện tượng một số tin bài rút tít giật gân, mô tả vụ án nhằm
“câu khách”. Nhiều báo có nhiều chuyên mục, chuyên đề, song còn trùng lắp, chưa gây được ấn tượng sâu sắc.
Đội ngũ cán bộ, phóng viên nói chung vững về chính trị, có nhiều cố gắng vươn lên, song số phóng viên có trình độ lý luận cao, kiến thức rộng, nghiệp vụ sắc sảo không nhiều. Báo chí Hà Nội còn thiếu những cây viết giỏi, có tầm, ít những cây bút viết về các thể loại xã luận, bình luận. Tuyệt đại bộ phận Tổng biên tập, Phó tổng biên tập, Trưởng, Phó ban biên tập của báo, đài Hà Nội chưa được bồi dưỡng đào tạo về công tác lãnh đạo, quản lý tờ báo, hoạt động chỉ dựa vào kinh nghiệm. Đây là vấn đề hạn chế của báo chí nói chung và báo chí Hà Nội nói riêng.